Những chiến công của Bộ Công an trong công tác đấu tranh chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ

(Pháp lý) - Năm 2022, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục ra quân đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng, không vùng cấm đối với tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ. Theo đó hàng nghìn vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ đã được phát hiện, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử. Đóng góp trực tiếp vào những chiến công đó, không thể không kể đến những nỗ lực, sự quyết liệt và mưu trí trong điều tra phá án của các chiến sĩ công an đang công tác tại Bộ Công an.

Đáng chú ý, qua hoạt động nghiệp vụ, điều tra, xử lý hàng loạt vụ án lớn về tham nhũng, tiêu cực, cơ quan công an đã vạch trần những thủ đoạn tinh vi mà các đối tượng thường sử dụng. Đặc biệt C03 Bộ Công an đã chỉ ra không ít bất cập, lỗ hổng trong hệ thống pháp luật kinh tế, cần được các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

anh-1-1672880702.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân

Những chiến công đặc biệt quan trọng

Khởi tố hàng loạt vụ án lớn về tham nhũng, chức vụ, kinh tế

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, toàn ngành Công an đã phát hiện, khởi tố, điều tra 2.474 vụ/4.646 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Đặc biệt, các cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, khởi tố mới 414 vụ án/939 bị can. Đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo TW theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 10 vụ án/37 bị can. 

Đặc biệt các cơ quan điều tra Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan tố tụng khác khắc phục khó khăn, vướng mắc, tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, xảy ra cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước như vụ án liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á; Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao; Tập đoàn FLC; Tập đoàn Tân Hoàng Minh; Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC) và các vụ, việc liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, tài sản nhà nước xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Dương…

Đáng chú ý, trong các vụ án này có đến 10 bị can là cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó có 4 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng là bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy; 4 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng và tương đương; 2 nguyên chủ tịch tỉnh bị khởi tố, điều tra như: Nguyễn Thanh Long, cựu ủy viên Trung ương Đảng, cựu bộ trưởng Bộ Y tế; Chu Ngọc Anh, cựu ủy viên Trung ương Đảng, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội, cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Phạm Xuân Thăng, cựu ủy viên Trung ương Đảng, cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Ba ông này đều bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan vụ Việt Á. Trần Đình Thành (nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) bị bắt về tội nhận hối lộ liên quan đến vụ án hình sự xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các đơn vị liên quan…

anh-2-1672880720.jpg

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 

Kết thúc điều tra đề nghị truy tố hàng nghìn vụ án

Công tác điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng được các cơ quan điều tra Bộ Công an, công an các địa phương tích cực triển khai thu được nhiều kết quả tích cực. Đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, tính từ đầu năm 2022 đến nay, đã kết thúc điều tra 16 vụ án/248 bị can, kết luận điều tra bổ sung 8 vụ án/148 bị can.

Điển hình như vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất, Xuất nhập khẩu Bình Dương gây thất thoát cho Nhà nước tổng số tiền trên 5.700 tỉ đồng; số tiền tham ô trên 815 tỉ đồng. Kết thúc điều tra, cơ quan điều tra đề nghị truy tố 28 bị can gồm cựu lãnh đạo của tỉnh Bình Dương (trong đó có cựu Bí thư tỉnh - Trần Văn Nam) và lãnh đạo, cựu lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp... bị truy tố về hai nhóm tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Tham ô tài sản".

Hay, vụ án bán rẻ đất công tại công ty Tân Thuận, kết thúc điều tra 10 bị can bị đề nghị truy tố cùng về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí" theo Điều 219 Bộ luật Hình sự, trong đó có (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM, Tất Thành Cang, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Xây dựng Tân Thuận Nguyễn Văn Minh…

Mới đây nhất, là vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ…" xảy ra tại Công ty AIC, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và các đơn vị liên quan, cơ quan điều tra đề nghị truy tố 36 bị can về các tội danh như Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối, nhận hối lộ. Trong đó có bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch AIC; Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai và Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai…

Kịp thời kê biên phong toả tài sản lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng

Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC theo dõi, chỉ đạo tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ quan tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 160.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác…

Điển hình như trong vụ nâng khống giá kit xét nghiệm - Việt Á, Cơ quan điều tra đã áp dụng các biện pháp phong tỏa, ngăn chặn tài khoản giao dịch, sổ tiết kiệm, kê biên tài sản và tạm giữ số tiền mà một số bị can tự nguyện nộp lại cho cơ quan điều tra là 1.700 tỉ đồng. Trong vụ Tân Hoàng Minh số tài sản kê biên được hơn 4 nghìn tỷ đồng; vụ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, số thiệt hại ước tính là 150 tỷ đồng nhưng số tài sản các đối tượng bị kê biên, phong toả khoảng 1.000 tỷ đồng…

anh-3-1672880720.jpg

Ba bị can trong vụ án AIC và Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

Tiếp tục điều tra làm rõ nhiều vụ án có hành vi đưa và nhận hối lộ

Nếu như trước đây, để điều tra, truy tố được tội danh đưa và nhận hối lộ, cơ quan điều tra thường gặp khó khăn thì trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong năm 2022 vừa qua, nhiều đại án về đưa và nhận hối lộ đã được làm rõ và đưa hàng loạt đối tượng là cán bộ cấp cao ra truy tố.

Điển hình như, vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) tổng số tiền các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nhận hối lộ hơn 40 tỷ đồng. Trong đó, cựu bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành 6 lần nhận hối lộ tổng cộng 14,5 tỉ đồng ; cựu chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái 14 lần nhận hối lộ tổng số tiền 14,5 tỷ đồng; Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai 6 lần nhận hối lộ tổng số tiền 14,8 tỉ đồng.

Đặc biệt trong vụ án “thổi giá” kít xét nghiệm Covid-19 Việt Á - một trong vụ án đặc biệt lớn, gây chấn động dư luận, liên quan trách nhiệm hàng loạt bộ ngành và CDC các địa phương, số tiền mà Công ty Việt Á chi “hoa hồng” cho đối tác là lãnh đạo các Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm lên tới gần 800 tỉ đồng. Đến nay, Bộ Công an đã khởi tố 29 bị can trong đó nhiều đối tượng bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ”. Đặc biệt cũng liên quan đến vụ án này, Công an 21 địa phương khởi tố 24 vụ/63 bị can với nhiều tội danh khác nhau. 

Hay, vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao,- một trong nhưng vụ án đưa nhận hối lộ đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao của nhiều bộ ngành đã bị khởi tố điều tra về hành vi nhận hối lộ. Và nhiều vụ án khác…

Vạch trần nhiều thủ đoạn tinh vi của tội phạm kinh tế, tham nhũng…

Thứ nhất, trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai. Hành vi tham nhũng diễn ra phổ biến trong việc chuyển nhượng, giao đất hoặc cho thuê chỉ định đất công sản không qua đấu thầu hoặc định giá với giá rẻ hơn thị trường gây thất thoát, thiệt hại cho tài sản của Nhà nước.

Đáng lưu ý, các đối tượng thường thông đồng, móc nối với nhau để bỏ qua quy định về thẩm định giá, không tổ chức đấu giá tài sản và không đấu thầu dự án, lợi dụng việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước bỏ ngoài tài sản hoặc định giá thấp tài sản của DNNN (trong đó có đất đai), bắt tay với doanh nghiệp tư nhân cấu kết công tư thâu tóm đất công… hòng biến tài sản công thành tư, làm thất thoát nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.

Những thủ đoạn này thấy rõ trong các vụ án tham nhũng liên quan đến quản lý sử dụng tài sản công như vụ án xảy ra tại Tổng công ty sản xuất, xuất nhập khẩu Bình Dương; vụ bán rẻ đất công tại công ty Tân Thuận…

Thứ hai, trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm công… hành vi tham nhũng thường diễn ra tập trung vào khâu thẩm định giá, thẩm định thầu… thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng là thông đồng chia nhỏ dự án, gói thầu để chỉ định thầu; dùng “quân xanh, quân đỏ” để thao túng giá trúng thầu; thông đồng, móc ngoặc công tư nhằm thao túng trong đấu thầu, mua bán “lòng vòng” để nâng giá nhiều lần. Theo đó, để dễ dàng trúng thầu các đối tượng thường móc nối các cán bộ đơn vị mời thầu, chủ đầu tư và nhiều doanh nghiệp khác nhau, cài cắm các điều khoản có lợi cho doanh nghiệp hoặc để giá các gói thầu cao hơn giá trị thực tế vốn có của nó và từ đó trục lợi từ ngân sách sau đó chia chác nhau, trong đó đặc biệt là các đơn vị thẩm định giá đã câu kết, thông đồng với nhau “thổi giá” tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực, bằng các chứng thư thẩm định.

Những thủ đoạn này thường thấy trong các vụ án đấu thầu y tế, giáo dục đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công như trong đại án nâng khống giá kit xét nghiệm - Việt Á; vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ…" xảy ra tại Công ty AIC, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và các đơn vị liên quan…

Thứ ba, trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp... Hành vi tham nhũng diễn ra với những phương thức, thủ đoạn không mới như lập khống hợp đồng, hồ sơ vay vốn; cố ý làm trái, vi phạm quy định cho vay nâng khống giá trị tài sản đảm bảo; nâng khống vốn điều lệ, phát hành trái phiếu trái quy định… gây thiệt hại lớn cho người dân, doanh nghiệp và ngân hàng. Điển hình như: vụ Tổng Giám đốc Công ty Trường Huy ở Vĩnh Long lập 14 công ty vay vốn ngân hàng rồi chiếm đoạt 155 tỷ đồng; Vụ cán bộ Agribank chi nhánh Hồng Hà ở Hà Nội nâng khống trị giá tài sản đảm bảo gây thiệt hại 29 tỷ đồng; vụ cán bộ BIDV chi nhánh Quảng Ninh lập khống 9 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt.

Hay trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp như: vụ án Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC; Vụ Nguyễn Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Louis Holdings; Vụ án Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty cổ phần ASA. Hay như vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong vụ án Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm đã thông qua phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ, lừa đảo chiếm đoạt hơn 8000 tỷ của hơn 6000 nhà đầu tư….

Và cuối cùng trong các vụ án có xử lý được hành vi đưa nhận hối lộ cho thấy các đối tượng thường có rất nhiều chiêu thức, thủ đoạn rất tinh vi để che giấu hành vi phạm tội và ít khi để lại dấu vết, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện xử lý như: Lập nhiều tài khoản ngân hàng, chuyển lòng vòng hòng xoá dấu vết; chuyển tiền hối lộ thông qua các kênh riêng biệt, núp bóng những giao dịch dân sự, kinh tế, núp bóng dưới dạng quà tặng… Những thủ đoạn này có thể thấy rõ qua vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC), vụ “thổi giá” kít xét nghiệm Covid-19 Việt Á hay vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao…

anh-4-1672880720.jpg

13/22 bị can bị khởi tố trong vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao

Kiến nghị bít các lỗ hổng pháp luật

Qua nhiều bài nghiên cứu phân tích các vụ án được đăng tải trên Tạp chí Pháp lý, chúng tôi đã chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm trong hầu hết các vụ án đó chính là từ sự tha hóa, từ lòng tham của chính những cán bộ, lãnh đạo…Tuy nhiên bên cạnh đó, không thể nói là không có nguyên nhân từ khoảng trống của một số quy định pháp luật, góp phần làm phát sinh động cơ vi phạm pháp luật của các đối tượng. Trong đó phải kể đến những lỗ hổng lớn trong các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, quản lý tài sản công… như luật đất đai, đấu thầu, đấu giá, luật quản lý tài sản công, luật đầu tư, luật giá, luật doanh nghiệp…

anh-5-1672880720.png

Sửa đổi, bổ sung, bít các lỗ hổng pháp luật để phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm tham nhũng là yêu cầu cấp thiết

Điển hình như lỗ hổng trong quy định về đấu thầu, chỉ định thầu… tạo điều kiện thuận lợi để cho các đối tượng lợi dụng móc ngoặc cấu kết tinh vi giữa doanh nghiệp với những quan chức có thẩm quyền nhằm gian lận trong đấu thầu, chỉ định thầu phục vụ cho động cơ trục lợi. Trước đây chúng ta chỉ chú ý đến việc giám sát tổ chức, cá nhân thực hiện thầu mà chưa tính đến việc phải giám sát cả chính cơ quan quản lý thầu. Khiến chính những người đại diện cho cơ quan có thẩm quyền lại rất dễ dàng bị thao túng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện những hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu.

Điều này có thể nhận thấy rõ qua hàng loạt các vụ án tham nhũng liên quan đến đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị y ngành y tế, thiết bị ngành giáo dục… như vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc tế (AIC), vụ “thổi giá” kít xét nghiệm Covid-19 Việt Á…

Đặc biệt, qua những vụ án tham nhũng liên quan đến quản lý sử dụng đất đai tài sản công chúng tôi cũng đã nhận diện loạt bất cập, lỗ hổng rất lớn của Luật Đất đai 2013 và các văn bản pháp luật liên quan đang ngày ngày, giờ giờ tiếp tay cho các nhóm lợi ích lợi dụng, thao túng, tự tung tự tác.

Như, Luật Đất đai 2013 quy định, nhà nước trao quyền sử dụng đất bằng quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Như vậy việc quyết định quyền sử dụng đất (là một quyền tài sản) bằng một quyết định hành chính, do một người là đại diện cơ quan hành chính nhà nước ban hành. Quy định như vậy có thể tạo ra cơ chế xin – cho, dễ nảy sinh tham nhũng.

Hay, Luật Đất đai chỉ quy định việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất chứ chưa quy định chặt chẽ, bắt buộc phải đấu giá đối với đất do doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng khi chuyển mục đích sử dụng đất. Vì thế, rất nhiều địa phương tìm cách lách luật bằng cách cho thuê đất, lập dự án cho hoạt động thương mại dịch vụ, có thời hạn sử dụng đất là 50 năm, sau một hai năm cho phép sử dụng lâu dài, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, để tránh phải đấu giá đất. Đồng thời quy định về đối tượng được giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá còn khá rộng, chưa cụ thể.

Chính những lỗ hổng nêu trên đã tiếp tay cho hàng loạt lãnh đạo chóp bu của nhiều tỉnh thành và các bộ ngành lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội, ký quyết định mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… trái quy định gây thất thoát tài sản Nhà nước hàng nghìn tỉ đồng mà chúng ta có thể thấy qua loạt đại án đất đai như vụ bán rẻ đất công tại công ty Tân Thuận hay vụ "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất, Xuất nhập khẩu Bình Dương…

Ngoài ra còn những bất cập, thiếu minh bạch, thiếu quy định giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện thẩm định, định giá không sát giá thị trường… là kẽ hở cho tiêu cực, gây thất thoát ngân sách Nhà nước khi chuyển quyền sử dụng đất từ doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân thông qua cổ phần hoá, đấu thầu, đấu giá, mua sắm công…

Điển hình như Điều 29 và Điều 42 Luật Giá 2012 cho thấy pháp luật đã trao quyền cho DN có chức năng thẩm định giá quá lớn: Được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng; và hoạt động theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá.

Và đặc biệt là lỗ hổng lớn trong kiểm soát quyền lực, ngăn chặn cấu kết công - tư bắt tay trục lợi. Tình trạng thông đồng móc ngoặc giữa các cán bộ, công chức với các đối tượng bên ngoài, giữa khu vực công và khu vực tư nhằm trục lợi với các hình thức “bảo kê”, “sân sau”… hiện diện trong hầu hết các đại án tham nhũng, chức vụ.  Thực tế này đã phản ánh thực trạng quản lý cán bộ, công chức thời gian qua còn lỏng lẻo, cơ chế kiểm soát quyền lực, đặc biệt là kiểm soát quyền lực “ mềm “ đang còn nhiều bất cập và là lỗ hổng lớn để các công chức thoái hóa biến chất có không gian vi phạm pháp luật…

Thay lời kết

Nhìn lại công tác phòng chống tham nhũng những năm gần đây và đặc biệt năm 2022 vừa qua, chúng ta thấy rõ được sự nỗ lực, sự quyết liệt và mưu trí của các chiến sĩ Bộ Công an, đã điều tra đưa ra ánh sáng rất nhiều vụ án tham nhũng lớn, đánh án tới cùng, truy tới gốc, không vùng cấm khiến nhiều quan tham ăn hối lộ phải lộ diện trước pháp luật, bị trừng trị nghiêm minh.

Không thể phủ nhận những kết quả tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đặc biệt là những chiến công, những đóng góp của toàn ngành Công an trong thời gian qua. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi muốn nói đến ở đây đó chính là, chúng ta phát hiện nhiều vụ án, xử lý nghiêm minh được nhiều cán bộ tham nhũng nhưng đó chỉ là cái ngọn. Quan trọng nhất là làm thế nào để cán bộ không cần, không thể và không dám tham nhũng đó mới là cái gốc trong công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Theo chúng tôi, để làm được điều đó, bên cạnh việc xử lý nghiêm minh đối với những kẻ phạm tội, thì cần phải có vũ khí sắc bén hơn - đó là phải hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật toàn diện, từ khâu phòng ngừa cho đến ngăn chặn. Hiện nay, rất nhiều các quy định pháp luật đang được các cơ quan, bộ ngành, Quốc hội nghiên cứu sửa đổi như Luật Đất đai, Đấu thầu, Đấu giá, Luật Quản lý tài sản công, Luật Đầu tư, Luật Giá, Luật Doanh nghiệp… Chúng tôi rất hy vọng rằng những sửa đổi bổ sung tới đây sẽ được bịt kín tất cả các lỗ hổng trong các quy định pháp luật , góp phần giúp công tác phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Xuân Trường – Thái Dương

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-chien-cong-cua-bo-cong-an-trong-cong-tac-dau-tranh-chong-toi-pham-kinh-te-tham-nhung-chuc-vu-a256328.html