TS. Nguyễn Đình Cung: Thúc đẩy hơn nữa cải cách thể chế, cần gia tăng áp lực các cơ quan trong cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

(Pháp lý) - Nhân dịp đầu Xuân Quí Mão, Phóng viên TCPL đã có cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ghi lại những ý kiến góp ý thẳng thắn và tâm huyết của Ông cho công cuộc cải cách thể chế, phát triển kinh tế.

anh-1-1672373001.jpg

 

Việt Nam: Điểm sáng kinh tế năm 2022

Phóng viên: Thời điểm bước sang năm mới thường là lúc nhìn lại năm đã qua và dự cảm những cơ hội, thời cơ phía trước. Ông có đánh giá gì về những kết quả của nền kinh tế đã đạt được trong năm qua?

TS Nguyễn Đình Cung: Năm 2022 là một năm khởi đầu của nền kinh tế sau đại dịch. So với hai năm trước, xét trên các phương diện và các chỉ số năm 2022, đều trên đà phục hồi một cách nhanh chóng. Đặc biệt là 9 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam đi lên rất nhanh, quý I là 5,03%, quý II là 7,72% và quý III tăng khá cao ở mức 13,67%.

Tuy nhiên, trong khi nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục thì nền kinh tế thế giới đang xấu đi và xấu đi một cách nhanh chóng. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến tốc độ và mức độ phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, bởi nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế rất mở.

Về lạm phát, tương tự như tăng trưởng, những tiêu cực từ bên ngoài sẽ ảnh hưởng khá lớn đến lạm phát trong nước (ảnh hưởng chi phí đẩy). Mặc dù vậy, trong khi lạm phát trên toàn cầu tăng nhanh với mức cao, Việt Nam vẫn cơ bản giữ mức khá ổn định ở mức 4%.

Các cân đối lớn của nền kinh tế như cân đối về ngân sách, cân đối về năng lượng, cân đối ngoại tệ vẫn tốt. Chỉ số giải ngân đầu tư nước ngoài tăng lên, tuy nhiên nhìn về dài hạn đăng ký đầu tư nước ngoài giảm xuống.

Tóm lại nếu nhìn lại 2022, thì nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi và các chỉ số kinh tế đang tích cực so với hai năm trước. Đây được coi là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của khu vực cũng như thế giới.

2023: Nhiều khó khăn và thách thức

Phóng viên: Trước những biến động của nền kinh tế thế giới hiện nay, đặc biệt là bất ổn năng lượng, lương thực, đứt gãy nguồn cung… những thách thức mà kinh tế Việt Nam sẽ gặp phải trong năm 2023 là gì? liệu chúng ta có tìm được cơ hội nào từ những thách thức đó hay không?

TS Nguyễn Đình Cung: Nhìn một cách thực chất, năm 2023 nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn và thách thức. Những khó khăn và thách thức đó đã bắt đầu đến vào những tháng cuối năm 2022 và tiếp tục kéo dài sang năm 2023.

Cụ thể, từ quý III năm 2022 đã bắt đầu bộc lộ những tác động từ bên ngoài. Kinh tế thế giới năm 2022 suy giảm và có thể tiếp tục giảm sâu hơn vào 2023 sẽ tác động đến xuất khẩu Việt Nam, đơn hàng ký kết với doanh nghiệp Việt Nam giảm, doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất.

Lạm phát toàn cầu tăng cao khiến các nước đều thắt chặt chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá để chống lạm phát làm cho lãi suất tăng. Đồng USD lên giá dẫn đến đồng tiền Việt Nam và nhiều nước mất giá làm chi phí tính bằng tiền đồng tăng cao. Chiến tranh Nga – Ukraina vẫn đang diễn ra và chưa có dấu hiệu chấm dứt, ảnh hưởng của nó đến thị trường năng lượng thế giới, đặc biệt là xăng dầu tiếp tục tác động đến chi phí trong nước. Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục duy trì chính sách Zero – Covid chắc chắn sẽ tác động khá lớn đối với kinh tế Việt Nam…

Trong nước, những yếu kém từ nội tại từ bên trong lộ thêm: việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô đang là một thách thức trước áp lực chống lạm phát, chính sách tiền tệ thắt chặt từ đó lãi suất tăng rất cao. Doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, thị trường tài chính đang xáo trộn và suy giảm rất mạnh, một số tiêu cực của một số DN trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thao túng chứng khoán làm mất niềm tin của nhà đầu tư… tất cả những điều đó làm ảnh hưởng tiêu cực, doanh nghiệp trở nên khó khăn, chi phí đầu vào tăng, lợi nhuận giảm, không mở rộng được sản xuất...

Tóm lại, năm 2023 tình hình kinh tế Việt Nam có thể sẽ khó khăn hơn; tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp những khó khăn… Chính phủ, Quốc hội có thể sẽ phải đối mặt và xử lý với nhiều vấn đề phức tạp hơn so với năm 2022.

 

anh-2-1672373026.png

Đẩy mạnh cải cách thể chế là quan trọng nhất để tiếp tục phục hồi và  phát triển kinh tế

 

Phóng viên: Trong bối cảnh đó chúng ta cần có những giải pháp cụ thể nào để hoá giải được những khó khăn thách thức sẽ gặp phải trong năm 2023, thưa ông?

TS Nguyễn Đình Cung: Trước mắt phải giải quyết vấn đề vốn cho doanh nghiệp và tín dụng đối với nền kinh tế… Để cho doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn vốn đặc biệt vốn tín dụng, trong điều hành chính sách, Chính phủ có thể chấp nhận hoặc phải chấp nhận mức lạm phát cao hơn; chính sách tiền tệ có thể phải nới lỏng hơn hoặc không quá thắt chặt như hiện nay.

Chính sách tỷ giá, tiếp tục linh hoạt như hiện nay, NHNN có thể điều chỉnh giảm biên độ giao động. Không nên can thiệp quá sâu bằng các công cụ hành chính vì đây là xu hướng bên ngoài. Bởi, đồng USD lên giá không phải do thiếu ngoại tệ mà do xu thế của thế giới, đây là điều mà chúng ta không thể kiểm soát được.

Về mặt tài khoá, Chính phủ cần kéo dài thời gian áp dụng các chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp ít nhất đến năm 2025, tiếp tục giảm các thuế, phí cho doanh nghiệp để giảm chi phí đầu vào doanh nghiệp.

anh-3-1672373044.jpg

Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công (ảnh minh họa)

 

Đối với đầu tư công, đây là lĩnh vực có vai trò rất lớn, như một yếu tố kích hoạt và duy trì tăng trưởng cho nền kinh tế, nếu đầu tư công không ra được thì thanh khoản nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng lớn, tín dụng nền kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn…

Tuy nhiên, thời gian qua giải ngân đầu tư công vẫn chậm dù Chính phủ lập nhiều đoàn công tác để chỉ đạo và đôn đốc. Đây có vấn đề gì đó về mặt hệ thống, đặc biệt ở các quyết định pháp luật về cách lựa chọn, phân bổ vốn. Do đó, Chính phủ phải có giải pháp quyết liệt hơn, không đại trà tất cả các dự án mà chỉ nên tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia, tại các địa phương cũng tương tự, tập trung vào các dự án trọng điểm, từ đó phân tích đánh giá nguyên nhân và đề ra giải pháp rất cụ thể.

 

Cải cách thể chế là vấn đề tiên quyết

Phóng viên: Trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội, bên cạnh các giải pháp tài khóa, tiền tệ thì trụ cột thứ 5 là cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Ông đánh giá thế nào về tốc độ, chất lượng cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thời gian vừa qua?

TS Nguyễn Đình Cung: Chúng ta đã tạo ra môi trường kinh doanh tự do hơn, an toàn hơn bằng việc cắt bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh. Nhưng với việc ban hành thêm luật hay thêm nghị định là thêm điều kiện kinh doanh. Chúng ta bỏ được vài nghìn điều kiện trong năm nay, nhưng các năm sau sẽ xuất hiện vài trăm điều kiện kinh doanh khác. Ở đây, rõ ràng tôi thấy có cái gì đó chúng ta vẫn tư duy và quản lý theo lối cũ, chứ chưa tiếp cận việc xây dựng pháp luật theo cách mới.

Đó là điều mà tôi cho rằng chúng ta nên nghiên cứu, bởi nếu không thay đổi cách xây dựng pháp luật thì khi đối diện với sự phát triển của thị trường, Chính phủ sẽ phải loay hoay tìm cách quản lý và không loại trừ khả năng lại đặt ra những điều kiện kiểu xin – cho.

Tôi nói vậy để thấy rằng, trong thời gian tới, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi đối với đầu tư kinh doanh là cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết. Đây là vấn đề tiên quyết và chúng ta buộc phải làm nếu như không muốn tụt hậu.

Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, Quốc hội, Chính phủ xác định cải cách thể chế là một trong 5 trụ cột và đã có những nỗ lực khắc phục chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật. Tuy nhiên, thể chế của chúng ta vẫn tồn tại những vấn đề cần phải suy nghĩ, hệ thống pháp luật kinh doanh dù có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn chồng chéo, và thực tế vẫn còn những rào cản vô hình đang cản chân doanh nghiệp.

Tôi đã từng nghe nhiều lời chia sẻ như: “đọc một số qui định pháp luật có liên quan, thấy các quy định đó như những cái bẫy đối với người thực hiện, nên sợ”. Đặc biệt, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức có tâm lý sợ làm sai, sợ trách nhiệm và suy nghĩ thà chịu bị kỷ luật hơn là bị truy cứu hình sự.

Phóng viên: Theo ông làm thế nào để thúc đẩy hơn nữa cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh?

TS Nguyễn Đình Cung: Tôi cho rằng, cần gia tăng áp lực, tăng cường năng lực các cơ quan trung ương trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, cần phục hồi lại hoạt động và tăng cường năng lực của Hội đồng quốc gia về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chính phủ cần thường xuyên yêu cầu các bộ, địa phương đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 02 về cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thúc đẩy và duy trì tính liên tục trong cải cách cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và thực hiện Nghị quyết 02 nói riêng trên cơ sở kết nối, cầu nối với cộng đồng doanh nghiệp.

Đặc biệt phải hoá giải được nỗi sợ làm sai quy định của công chức trong bộ máy nhà nước.

Phóng viên: Cải cách thể chế tiếp tục là một trong 3 đột phá chiến lược được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng XIII. Ông kỳ vọng và mong có những thay đổi gì từ hoạt động cụ thể về cải cách thể chế của giai đoạn tới?

TS. Nguyễn Đình Cung: Trước đây, đột phá thể chế trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (Nghị quyết Đại Hội XI). Đến Đại hội XIII, Đảng ta vẫn xác định đột phá thể chế, nhưng trọng tâm là phát triển các loại thị trường nhân tố sản xuất, để các loại thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực, nguồn lực nhà nước được phân bổ dựa trên nguyên tắc thị trường. Tôi cho rằng, đây là cách xác định hoàn toàn chính xác.

Lâu nay chúng ta nói nhiều đến cải cách thủ tục, đặc biệt là thủ tục hành chính. Tuy nhiên, thực tế vấn đề của chúng ta là nằm ở luật nội dung chứ không chỉ dừng lại ở thủ tục.

Cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính đã làm khá nhiều trong gần 30 năm qua. Xét về mặt pháp luật, doanh nghiệp đã được quyền tự do kinh doanh hơn, ở mức độ nào đó được cải thiện nhiều về tính an toàn trong kinh doanh. Nhưng nhìn lại cho đến nay, khâu vướng mắc nhất của chúng ta đối với thể chế kinh doanh chính là hệ thống pháp luật quy định về việc đầu tư tạo tài sản và tạo năng lực sản xuất mới.

 

anh-4-1672373098.JPG

 

Những khó khăn, vướng mắc, chồng chéo, trùng lặp chủ yếu nằm ở những quy định pháp luật trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường như Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch… Và đây chính là điểm tắc nghẽn của huy động nguồn lực đầu tư, kể cả đầu tư công cũng vậy. Cải cách vấn đề này rất khó, cần phải đánh giá, rà soát lại để sửa một cách có hệ thống, không sửa vụn vặt…Theo tôi, nếu cải cách lĩnh vực này mà tiếp cận theo lối hành chính dẫn dắt sẽ không bao giờ thành công được.

Cải cách thể chế, đầu tiên phải sửa tư duy, phải tư duy thị trường, để thị trường phân bổ nguồn lực, để thị trường vốn hóa tài sản... từ đó, những gì thị trường tự điều chỉnh được thì để thị trường quyết định. Những gì nhà nước đáng quản thì quản ví dụ như môi trường, tài nguyên.

Cùng với đó, các thị trường nhân tố sản xuất như đất đai, lao động... phải hoàn thiện, để tránh quan hệ thân hữu. Hệ thống pháp luật phải đồng bộ, thống nhất. Về hệ thống pháp luật, theo tôi nên bỏ loại hình “thông tư”.

 

anh-5-1672373122.png

Cần tăng cường hơn nữa năng lực và vai trò của Tòa án trong giải quyết các khiếu kiện của doanh nghiệp (ảnh minh họa)

Và cuối cùng, theo tôi, kinh tế thị trường cần sự phát triển của hệ thống tòa án. Do đó cải cách thể chế cần quan tâm tăng cường năng lực và vai trò của Toà án. Toà án không chỉ giải quyết các vụ khiếu kiện hành chính, mà phải có cả cơ chế để tòa án giải quyết các khiếu kiện bộ ngành ban hành chính sách sai. Ngoài ra, có lẽ nên bỏ thanh tra ngành, bởi nếu thanh tra theo kế hoạch, khi mà doanh nghiệp đang hoạt động bình thường lại vào thanh tra, mà đã thanh tra thì kiểu gì cũng tìm ra cái sai. Theo tôi, nếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật, phải có cơ chế khởi kiện ra tòa giải quyết minh bạch và cần nhanh về thời gian. Hãy để các bên tự bảo vệ quyền của mình bằng cơ chế thông qua Tòa án giải quyết.

Nam Kiên – Bùi Lộc (thực hiện)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/ts-nguyen-dinh-cung-de-thuc-day-hon-nua-cai-cach-the-che-can-gia-tang-ap-luc-cac-co-quan-trong-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-va-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-quoc-gia-a256309.html