Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi: Cú hích lớn về chính sách, thúc đẩy hợp tác, chuyển giao công nghệ và nâng cao mức độ bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam

(Pháp lý) - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật số 07/2022/QH15) chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. So với hai lần sửa đổi, bổ sung trước đó, lần sửa đổi, bổ sung thứ ba này được đánh giá là toàn diện nhất từ trước đến nay, tạo nên một dấu mốc quan trọng mới trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, góp phần đưa hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam lên chuẩn mực thế giới.

1-1671766291.jpg
 

Dấu mốc quan trọng mới trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về SHTT

Với mục tiêu thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đứng trước yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) – văn bản xương sống trong hệ thống pháp luật SHTT - được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động sáng tạo, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

So với các lần sửa đổi, bổ sung trước đó vào năm 2009 và năm 2019, lần sửa đổi, bổ sung thứ ba này được đánh giá là toàn diện nhất từ trước đến nay, tạo nên một dấu mốc quan trọng mới trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật về SHTT kể từ khi Luật SHTT được ban hành năm 2005.

Trước đó, lần sửa đổi, bổ sung thứ hai của Luật SHTT được tiến hành trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế giai đoạn 2010-2018 với việc tham gia đàm phán, ký kết hàng loạt các hiệp định đa phương và song phương, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với nhiều đối tác trên thế giới, trong đó có những đối tác lớn như Liên minh kinh tế Á-Âu (Hiệp định VN-EAEU), Liên minh Châu Âu (Hiệp định EVFTA), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc (Hiệp định RCEP) v.v., đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định TPP) và sau này là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP).

Lần sửa đổi, bổ sung thứ hai này chủ yếu chỉ sửa đổi và bổ sung một số quy định liên quan đến tính mới của sáng chế, bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo điều ước quốc tế, giá trị pháp lý của hợp đồng sử dụng nhãn hiệu, biện pháp bảo vệ quyền v.v. để bảo đảm đáp ứng các nghĩa vụ phải thi hành ngay của Hiệp định CPTPP có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/01/2019.

Với hàng loạt các cam kết về SHTT trong giai đoạn hội nhập 2010 – 2018 nêu trên, ngay sau khi Luật số 42/2019/QH14 được thông qua, lộ trình sửa đổi toàn diện Luật SHTT lần thứ ba đã được khởi động nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT, trong đó ngoài các mục tiêu như thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện pháp luật về SHTT; xử lý các bất cập, vướng mắc sau thực tiễn 16 năm thi hành; bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật SHTT, một mục tiêu không kém phần quan trọng cũng được xác định trong lần sửa đổi này, đó là nội luật hóa các cam kết quốc tế, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, phù hợp với chuẩn mực về xác lập và bảo hộ quyền SHTT của thế giới. 

Các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật SHTT năm 2022  tập trung vào bảy nhóm chính sách lớn, bao gồm: (1) Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu QTG, người biểu diễn, chủ sở hữu QLQ trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao QTG, QLQ; (2) Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước; (3) Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký QTG, QLQ, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; (4) Bảo đảm mức độ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền SHTT; (5) Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT; (6) Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền SHTT; và (7) Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ SHTT trong quá trình hội nhập.

Luật SHTT 2022 - Cú hích lớn về chính sách

Chính sách 1: Đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao Quyền tác giả (QTG), Quyền liên quan đến quyền tác giả (QLQ), cụ thể:

- Các quy định liên quan đến xác định chủ thể nắm giữ quyền tài sản (chủ sở hữu, tác giả, người biểu diễn) được quy định rõ ràng và cụ thể hơn, giúp cho quá trình chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng trong các hợp đồng chuyển nhượng, chuyển giao QTG, QLQ được thuận lợi hơn.

- Điểm nổi bật của dự thảo Luật là quy định cho phép chuyển giao một số quyền nhân thân theo thỏa thuận (thỏa thuận đặt tên, sửa đổi tác phẩm) phù hợp với đặc thù của lĩnh vực quyền tác giả nhằm giải quyết những vướng mắc tồn tại trong thực tiễn thời gian qua như trường hợp có nhu cầu thay đổi tên tác phẩm, sửa đổi, nâng cấp chương trình máy tính v.v.

Chính sách 2: Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước

Luật quy định trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, đồng thời có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả phù hợp với  tinh thần của Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành TW Đảng khóa 11.

Quy định này không chỉ khắc phục các bất cập hiện nay về việc đăng ký và khai thác các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ do nhà nước đầu tư mà còn là cú hích để khuyến khích các chủ thể nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ động đăng ký, khai thác các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra; thúc đẩy quan hệ hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, thương mại hóa và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư để phát triển, nghiên cứu sản phẩm, qua đó thu về nhiều lợi ích kinh tế cũng như đạt được các mục tiêu về an sinh xã hội.

Chính sách 3: Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký QTG, QLQ, thủ tục xác lập quyền SHCN:

Theo đó, dù là quyền được xác lập tự động mà không qua đăng ký (trong lĩnh vực QTG, QLQ) hay phải đăng ký (lĩnh vực SHCN), thì các quy định liên quan đến thủ tục, thời hạn, thành phần hồ sơ v.v. tiếp tục được hoàn thiện theo hướng gọn nhẹ, nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch để khuyến khích, gia tăng hoạt động đăng ký, xác lập quyền SHTT nhằm tạo cơ sở, bằng chứng vững chắc trong việc xác định chủ thể quyền và đối tượng được bảo hộ, làm tiền đề cho việc khai thác quyền cũng như thực thi quyền sau này.

Một số sửa đổi cụ thể bao gồm: tạo cơ sở pháp lý để tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký trực tuyến QTG, QLQ; phân luồng ý kiến người thứ ba để đẩy nhanh quá trình thẩm định đơn; đơn giản hóa bản mô tả kiểu dáng công nghiệp; giới hạn việc kiểm soát an ninh đối với sáng chế; cho phép trì hoãn công bố đơn kiểu dáng công nghiệp; bổ sung một số quy định đặc thù về thủ tục giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực SHCN.

2-1671766346.jpg

Các doanh nghiệp công nghệ ngày càng coi trọng việc tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ (ảnh minh họa)

Chính sách 4: Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền SHTT

Các quy định liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền SHTT được sửa đổi, hoàn thiện để bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng giữa một bên là quyền lợi của chủ thể quyền và một bên là quyền sử dụng, quyền tiếp cận tri thức, công nghệ của xã hội. Cụ thể:

- Bổ sung một số trường hợp ngoại lệ không xâm phạm QTG, QLQ, các giới hạn QTG, QLQ nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ thể quyền tác giả với tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng hưởng thụ tiếp cận tác phẩm, đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

- Bổ sung một số quy định nhằm kiểm soát sáng chế có sử dụng nguồn gen và tri thức truyền thống về nguồn gen; bổ sung một số căn cứ chấm dứt hiệu lực, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ (sáng chế, nhãn hiệu); xử lý xung đột giữa nhãn hiệu với tên giống cây trồng, với đối tượng QTG, QLQ; sửa đổi các quy định về chủ thể đối với chỉ dẫn địa lý; làm rõ điều kiện bị coi là cạnh tranh không lành mạnh giữa tên miền với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý có trước.

Chính sách 5: Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT

Các nội dung sửa đổi nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hệ thống SHTT (bao gồm hoạt động đại diện, giám định), cụ thể là sửa đổi, bổ sung một số quy định theo hướng mở hơn nhằm tạo tính cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ đại diện (phân chia đại diện theo lĩnh vực; nới lỏng điều kiện được cấp Chứng chỉ hành nghề đại diện tùy theo lĩnh vực); sửa đổi quy định về giám định theo hướng xác định rõ phạm vi giữa giám định SHTT với giám định tư pháp về SHTT; làm rõ ý nghĩa mang tính chứng cứ của kết luận giám định SHTT.

Chính sách 6: Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền SHTT

Các quy định liên quan đến thực thi quyền được sửa đổi nhằm bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền SHTT được hiệu quả, hợp lý và khả thi hơn, trong đó đáng chú ý là quy định bổ sung thẩm quyền chủ động áp dụng biện pháp kiểm soát tại biên giới nếu trong quá trình kiểm tra, giám sát và kiểm soát cơ quan hải quan phát hiện căn cứ rõ ràng để nghi ngờ hàng hóa xuất, nhập khẩu là hàng giả mạo SHTT.

Chính sách 7: Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ SHTT trong quá trình hội nhập

- Sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến biện pháp công nghệ bảo vệ quyền và thông tin quản lý quyền để đảm bảo thực thi trong môi trường số; một số quy định về ngoại lệ QTG, QLQ;

- Sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu; cơ chế bảo đảm thông tin cho chủ bằng sáng chế thực thi quyền trong thủ tục cấp phép lưu hành thị trường đối với dược phẩm; nghĩa vụ bảo hộ dữ liệu bí mật trong đơn xin cấp phép nông hóa phẩm; cơ chế đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm; giả định về QTG, QLQ; quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông; nghĩa vụ chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ là hàng giả mạo SHTT.

Cú hích lớn về chính sách thúc đẩy hợp tác, chuyển giao công nghệ

Trong số các chính sách nêu trên, một trong những chính sách quan trọng và nổi bật, thu hút sự quan tâm của nhiều chủ thể, đó là quy định về trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn. Quy định này không chỉ khắc phục các bất cập hiện nay về việc đăng ký và khai thác các đối tượng quyền SHTT do nhà nước đầu tư mà còn là cú hích để khuyến khích các tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ động đăng ký, khai thác các tài sản trí tuệ được tạo ra; thúc đẩy quan hệ hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, thương mại hóa và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư để phát triển, nghiên cứu sản phẩm, qua đó thu về nhiều lợi ích kinh tế cũng như đạt được các mục tiêu về an sinh xã hội. Đây cũng là chính sách lớn đã được nhiều quốc gia áp dụng (được cụ thể hóa bằng các quy định pháp luật) như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Ấn Độ, v.v..

3-1671766346.jpg

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi tạo cú hích lớn về chính sách thúc đẩy hợp tác, chuyển giao công nghệ (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, chính sách bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ SHTT trong quá trình hội nhập cũng thu hút được sự quan tâm từ các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình nội luật hóa các cam kết quốc tế và được đánh giá là đã góp phần nâng cao mức độ bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam, tiệm cận với các nước phát triển trên thế giới.

Một số nội dung nổi bật trong chính sách này bao gồm: (i) Trong lĩnh vực QTG, QLQ: bổ sung các quy định làm rõ quyền tài sản, quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình; bổ sung quy định một số hành vi xâm phạm QTG, QLQ liên quan tới biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền, thông tin quản lý quyền; bổ sung quy định trách nhiệm pháp lý về QTG, QLQ đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trên môi trường internet v.v.; (ii) Trong lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp: bổ sung quy định về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; quy định về nghĩa vụ bảo hộ dữ liệu thử nghiệm đối với nông hóa phẩm và nghĩa vụ bảo đảm thông tin cho chủ thể bằng độc quyền sáng chế thực thi quyền trong thủ tục đăng ký dược phẩm; đặc biệt là bổ sung thẩm quyền chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan trong hoạt động kiểm tra, giám sát và kiểm soát hàng hóa nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT cũng như quy định về cơ chế đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong thủ tục xin cấp phép lưu hành thị trường đối với dược phẩm.

Như vậy, sau ba lần sửa đổi, đặc biệt là phạm vi sửa đổi của lần thứ ba vào năm 2022, Luật SHTT được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò là trụ cột của hệ thống pháp luật về SHTT, góp phần tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy các tổ chức, cá nhân sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, phát triển, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các đối tượng quyền SHTT, qua đó thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư cho hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp nói riêng và cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, việc nội luật hóa các cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần đưa hệ thống pháp luật SHTT tiệm cận với chuẩn mực chung của thế giới, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh và cạnh tranh hơn để thu hút các chủ thể đầu tư nước ngoài, qua đó giúp Việt Nam tự tin hội nhập vào sân chơi toàn cầu.

Lê Phúc - Đăng Dương

Link nội dung: https://phaply.net.vn/luat-so-huu-tri-tue-sua-doi-cu-hich-lon-ve-chinh-sach-thuc-day-hop-tac-chuyen-giao-cong-nghe-va-nang-cao-muc-do-bao-ho-quyen-shtt-tai-viet-nam-a256281.html