Dấu ấn những Nghị quyết, quyết sách giúp kinh tế năm 2022 phục hồi ấn tượng

(Pháp lý) - Bất chấp bối cảnh thế giới chịu những tác động khốc liệt, năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam phục hồi ấn tượng và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Thành quả đó không phải ngẫu nhiên, mà là nhờ vào những Nghị quyết, quyết sách kinh tế quan trọng của Quốc hội , Chính phủ.

a1-1671690405.jpg

Nghị quyết 43/QH15: Dấu ấn đồng hành của Quốc hội qua kỳ họp đặc biệt

Với mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân, ngày 11/01/2022 , Quốc hội đã triệu tập một kỳ họp đặc biệt chưa có tiền lệ để thảo luận và thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 43), với nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng của Covid-19. Một lần nữa cho thấy tinh thần đổi mới của một Quốc hội hành động, luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết và trước hết.

Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 43 là chính sách miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu ra, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay và một số khoản thuế, phí, lệ phí khác. Theo đó, tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 43/2022/QH15 nêu rõ: Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ ….

Ngoài giảm thuế giá trị gia tăng cho các loại dịch vụ, hàng hoá, để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tại điểm c khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 43/2022/QH15 còn hỗ trợ lãi suất cho vay như hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tiếp tục cấp vốn cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động thông qua việc cấp vốn cho ngân hàng Chính sách xã hội…

Trước diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới, giá xăng dầu tăng mạnh, gây áp lực lên lạm phát và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, ngày 23/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (theo trình tự, thủ tục rút gọn), áp dụng từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Theo đó đã QH đã cho phép điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, nhiên liệu bay xuống mức sàn trong biểu khung thuế suất như đề nghị của Chính phủ…

a2-1671690436.jpg

Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất

Kết quả, tổng số tiền đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp năm 2022 khoảng 45,9 nghìn tỷ đồng. Những hỗ trợ kịp thời này đã góp phần quan trọng đưa kinh tế doanh nghiệp, đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, lòng dân và các ĐBQH phấn chấn khi nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt trên 8%. Các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam khá lành mạnh trong bối cảnh thế giới chịu những tác động khốc liệt của giá nhiên liệu, tỷ giá USD và gián đoạn chuỗi cung ứng. Dự trữ ngoại hối vượt mức 100 tỷ USD và tiếp tục tăng bền vững, xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 10% so với năm 2021, tỷ giá đồng Việt Nam so với USD ổn định rất tốt so với hầu hết các đồng tiền khác và lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4% trong năm 2022. Sau khi nghe Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều ĐBQH bình luận mốc tăng trưởng GDP là ấn tượng, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của nước ta. “Đây không phải ngẫu nhiên mà là một kết quả tất nhiên, gần như là “nghệ thuật” điều hành kinh tế”, một ĐBQH ở thành phố Hà Nội bày tỏ

NQ 02/CP, NQ 11/CP: Dấu ấn điều hành năng động, quyết đoán của Chính phủ

Song hành với sự vào cuộc của Quốc hội, Chính phủ đã liên tiếp ban hành nhiều Nghị quyết điều hành để lại dấu ấn đột phá trong từng thời điểm khó khăn của năm 2022, như: Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022, Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 10/01/2022, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022, Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022… Trong hàng loạt các Nghị quyết đó, chúng tôi muốn nhắc đến vai trò của Nghị quyết 02/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để lại nhiều dấu ấn đáng kể trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong năm 2022; và Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Với việc ban hành Nghị quyết 02, Chính phủ xác định tầm quan trọng đặc biệt của công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Coi đó là yếu tố sống còn để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, theo đó cần phải làm thường xuyên, hằng ngày, hằng giờ và hằng năm, không được phép sao nhãng, lơ là. Bởi nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, việc cải cách để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển tốt nhất trong môi trường kinh doanh có mức độ cạnh tranh cao, đồng thời tạo sân chơi “tối ưu” cho các nhà đầu tư nước ngoài là một nhu cầu tất yếu. Trong khi đó sau nhiều năm thăng hạng liên tiếp, 2 năm trở lại đây do đại dịch COVID-19, hoạt động cải cách môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam có dấu hiệu chùng xuống…

Theo đó, trong 7 giải pháp tổ chức thực hiện đề ra trong Nghị quyết 02, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phải “xắn tay” vào cuộc, thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời công khai các kết quả kiểm tra, giám sát. Thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Đảm bảo kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp…

a3-1671690436.jpg

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022

Những nỗ lực đó đã nhanh chóng nâng vị trí xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu đáng kể. Cụ thể đến tháng 6/2022: Năng lực cạnh tranh 4.0 đứng thứ 67/141 tăng 10 bậc; Chính phủ điện tử xếp thứ 86/165, tăng 2 bậc; phát triển bền vững ở vị trí 51/165, tăng 37 bậc; an toàn an ninh mạng đạt thứ 25/194, tăng 25 bậc. Đối với chất lượng môi trường kinh doanh, có đến gần 60% doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh trong nước đã cải thiện tốt hơn, rõ rệt hơn ở cả 10 lĩnh vực được nêu trong Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP, trong đó việc thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng được đánh giá có cải thiện tốt nhất…

Tiếp nối Nghị quyết 02, với tinh thần làm việc quyết liệt, tận tâm, không ngừng nghỉ, vào ngày 30/1, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: (i) Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; (ii) Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; (iii) Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; (iv) Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; (v) Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Việc ban hành Nghị quyết 11 được đánh giá là phù hợp với bối cảnh của Việt Nam tại thời điểm và cả quốc tế, là quyết sách chiến lược quan trọng, toàn diện nhất để cụ thể hóa chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế theo tinh thần Kết luận số 24-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 43 của Quốc hội.

Cũng trong khuôn khổ Nghị quyết 11, Chính phủ rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh (với 24 dự án luật được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại 2 kỳ họp/2022); đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến; tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp đột phá, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững; khẩn trương nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch và quỹ đất liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…

NHNN làm tốt vai trò điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp

Để đảm bảo kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế cũng như đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất trên thế giới liên tục biến động, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra quyết định thay đổi quan trọng trong điều hành chính sách như, điều chỉnh nới biên độ tỷ giá từ +/-3% lên +/-5% kể từ ngày 17/10/2022; hai lần tăng lãi suất điều hành (ngày 23/9/2022; 25/10/2022)…

Phản ứng chính sách của NHNN được giới chuyên môn đánh giá tích cực, linh hoạt, phù hợp, bám sát xu thế chung của NHTW các nước trên thế giới cũng như diễn biến trong nước. Đó là hành động kịp thời của NHNN nhằm giúp tỷ giá ổn định một cách tương đối trong so sánh với biến động tỷ giá của nhiều quốc gia khác, cũng như trong bối cảnh Fed và nhiều quốc gia tiếp tục thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất. Đồng thời tạo ra điểm cân bằng mới, giảm áp lực cung - cầu ngoại hối trên thị trường; đặc biệt quyết sách trong điều hành tỷ giá tạo dư địa để điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn.

Điểm tích cực trong điều hành chính sách tiền tệ đó là NHNN kiểm soát cung tiền linh hoạt thông qua việc bơm, hút trên thị trường mở và kiểm soát chặt chẽ room tín dụng. Nhờ đó mà lạm phát của Việt Nam được kiểm soát và tỷ giá ít biến động nhất trong các nước so sánh với đồng USD.

a4-1671690436.jpg

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực ngân hàng

Một dấu ấn khác của NHNN, đến cuối tháng 8/2022, áp lực lạm phát trong nước tăng cao, tạo thách thức đối với điều hành chính sách tiền tệ để một mặt hỗ trợ phục hồi kinh tế, nhưng mặt khác phải kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng và giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. Trong khi đó, nhu cầu tín dụng tăng cao trước quá trình phục hồi kinh tế, nhưng thị trường vốn chưa phát triển tương xứng với yêu cầu của nền kinh tế, nên không thể chủ quan với rủi ro lạm phát… Dựa trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2022 được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Vào thời điểm đó, đánh giá về sự kiên định của NHNN với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, các chuyên gia kinh tế cho rằng có căn cứ khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn. Quan điểm đó cũng phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Điều hành chuyển trạng thái không đột ngột, không giật cục và không nới lỏng quá, không siết chặt quá. Cần phải giữ được ổn định trong điều kiện bất định, phải giữ được kiên định, nhất quán trong sự chuyển đổi xáo trộn, giữ được thế chủ động trong sự bị động, phải có công cụ kiểm soát rủi ro về suy thoái, khủng hoảng vì nó là thuộc tính đương nhiên của kinh tế thị trường và xây dựng được phòng tuyến hợp tác cạnh tranh kinh tế quốc tế lành mạnh trong điều kiện hội nhập sâu rộng…”

Thay lời kết

Xung đột lợi ích, chiến lược phát triển của các quốc gia lớn, biến đổi khí hậu, thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế nhiều biến động… đặt ra những bài toán khó đối với một quốc gia như Việt Nam đang trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Những hành động quyết liệt, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua đã làm thay đổi tình hình phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong năm 2022 với nhiều kết quả khởi sắc, tiếp tục quỹ đạo phục hồi. Tuy nhiên, phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức.

MINH TRUNG

Link nội dung: https://phaply.net.vn/dau-an-nhung-nghi-quyet-quyet-sach-giup-kinh-te-nam-2022-phuc-hoi-an-tuong-a256278.html