Một số doanh nghiệp không tiếp cận được chính sách gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, một số doanh nghiệp không tiếp cận được các chính sách gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp của Chính phủ như tinh thần Nghị quyết 105/NQ- CP do vướng mắc trong việc quy định, tổ chức triển khai liên quan đến việc phân loại đối tượng, thủ tục phức tạp.

Chia sẻ tại diễn đàn, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, tại Công văn số 7313/BCT-PC ngày 17/11/2022 gửi cho Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương cho rằng, một số doanh nghiệp không tiếp cận được các chính sách gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp của Chính phủ như tinh thần Nghị quyết 105/NQ- CP do vướng mắc trong việc quy định, tổ chức triển khai liên quan đến việc phân loại đối tượng (bất cập, chưa đúng hết đối với các đối tượng), thủ tục phức tạp, tiếp cận thông tin còn hạn chế, các giải pháp hỗ trợ không phù hợp/ chưa đủ mạnh, quy mô dàn trải, cào bằng để giải quyết khó khăn của doanh nghiệp.

3-1671520185.jpg
 

Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022. (Ảnh: Hoài Anh)

Cùng với đó, một số quy định, chính sách thuế, phí chưa được thực thi đồng nhất. Điển hình như kinh phí khuyến công (quốc gia và địa phương) hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng để thực hiện nội dung hoạt động.

Việc hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyên giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp không thuộc diện thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (Điều 3 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp). Tuy nhiên, tại một số địa phương, cơ quan tài chính lại tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản hỗ trợ này.

Bên cạnh đó, theo chương trình khuyến công, khoản kinh phí hỗ trợ thực hiện mỗi hoạt động nêu trên được chỉ từ nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm theo kế hoạch nhằm khuyến khích, động viên các cơ sở công nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa mạnh dạn bỏ vốn đối ứng để tham gia đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, một số địa phương liệt kê các để án dạng này vào danh mục dự án đầu tư phát triển.

Trước bất cập này, Bộ Công Thương đề nghị cơ quan chủ trì thực hiện khảo sát, lấy ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp liên quan để nắm bắt thông tin cụ thể về vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn hoạt động.

Cũng theo Bộ Tư pháp, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) cũng đã gửi bộ Công văn số 14/Ban IV ngày 12/8/2022, qua đó, chỉ ra nhiều thách thức trong hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp cuối năm 2022, đầu năm 2023.

Đáng chú ý, theo Ban Nghiên cứu phát triển KTTN, doanh nghiệp đang gặp thách thức về duy trì các kênh huy động vốn trung và dài hạn để mở rộng đầu tư, phục hồi doanh nghiệp.

Hiệu ứng sụt giảm niềm tin từ thị trường đối với các doanh nghiệp bất động sản đã lan rộng tới mọi loại hình doanh nghiệp khác, khiến kênh huy động trái phiếu không thể giúp doanh nghiệp thu hút được các nhà đầu tư trong ngắn hạn để giải quyết các bài toán cấp bách.

Thị trường chứng khoán theo đó cũng chịu ảnh hưởng mạnh, làm khó khăn về vốn của doanh nghiệp thêm trầm trọng. Nhiều doanh nghiệp lớn phải bố trí nguồn vốn để mua lại trái phiếu trước hạn.

“Trong bối cảnh niềm tin thị trường xuống thấp, cạn vốn lưu động, cạn dòng đầu tư, các tài sản của doanh nghiệp có nguy cơ bị bán tháo; thậm chí thông tin từ doanh nghiệp, hiệp hội cho thấy, có thể xuất hiện làn sóng bán các nhà máy/cơ sở sản xuất của doanh nghiệp Việt cho nhà đầu tư nước ngoài (điển hình như doanh nghiệp Thái Lan đang tiến hành nhiều thương vụ đàm phán mua bán các nhà máy dệt may và sản xuất lĩnh vực khác). Đây là thách thức không chỉ với doanh nghiệp Việt Nam mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế vĩ mô”, Ban Nghiên cứu phát triển KTTN nhận định.

Cùng với đó, theo Ban Nghiên cứu phát triển KTTN, doanh nghiệp đang gặp rào cản từ quá trình thực thi các quy định, pháp lý liên quan tới môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thời gian qua, quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn hơn cho doanh nghiệp, giảm mọi chi phí để phục hồi kinh tế, … đã mang lại những kết quả tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, một số vấn đề gần đây trong quá trình các cấp, ngành thực thi các quy định, chính sách, khung pháp lý đã làm ảnh hưởng ít nhiều tới niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh.

Cụ thể, vấn đề hoàn thuế VAT cho các mặt hàng xuất khẩu của ngành gỗ, cao su đang gặp nhiều trở ngại với quy trình xác minh nguồn gốc phức tạp, không nhất quán cách làm giữa các địa phương, không nhất quán giữa thời gian xác minh được công bố (40 ngày) với thời gian thực tế (có thể lên tới nhiều tháng thậm chí cả năm), làm đọng vốn với số tiền rất lớn của doanh nghiệp.

Vấn đề đảm bảo quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng gây những dư luận không tốt trong cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua, do các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực hiện việc lấy ý kiến doanh nghiệp (đối tượng chịu sự tác động của các quy định) một cách thực chất.

“Khó khăn về dòng tiền, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn đang đặt doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, vào những tình thế hết sức cấp bách, khó khăn; ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực và nội tại nền kinh tế trong nước”, Ban Nghiên cứu phát triển KTTN cho biết.

Link nội dung: https://phaply.net.vn/mot-so-doanh-nghiep-khong-tiep-can-duoc-chinh-sach-gia-han-thue-gia-tri-gia-tang-thue-thu-nhap-a256265.html