Chế độ người lao động được hưởng khi chuyển từ đóng BHXH bắt buộc sang bảo hiểm tự nguyện

Người lao động hỏi: Tôi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hơn 18 năm, nhưng năm 2021 do Covid-19 nên tôi nghỉ việc và tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội. Vậy trường hợp của tôi nếu tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội theo hình thức tự nguyện thì pháp luật quy định như thế nào về trường hợp người lao động chuyển từ đóng BHXH bắt buộc sang tự nguyện?

Nguyễn Phong Nhã

Trung tâm dịch vụ Điện ảnh Hà Nội

 

Luật gia trả lời: Chế độ hưu trí là chế độ bảo hiểm xã hội đảm bảo thu nhập cho người lao động đã hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật khi tham gia BHXH.  Trường hợp người lao động hỏi Luật sư Trần Đại Ngọc Cty Luật TNHH Trần Nguyễn (Đoàn Luật sư HN) sẽ tư vấn, giải đáp cụ thể như sau

anh-1-1669803528.jpg
Lương hưu mới là chỗ dựa vững chắc cho NLĐ khi về già. (Ảnh: Nguồn Internet)

Điều kiện đóng BHXH được hưởng lương hưu

Theo khoản 5 điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

Bạn tham gia bảo hiểm xã hội không liên tục (bị gián đoạn do Covid-19) thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội của bạn là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, khi về già bạn vẫn được hưởng lương hưu nếu thỏa mãn các điều kiện do pháp luật quy định.

Căn cứ điểm a khoản 2 điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trường hợp lao động nam nghỉ hưu từ năm 2021 đóng bảo hiểm xã hội đủ 19 năm, từ năm 2022 trở đi đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm thì mức lương hưu hằng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó, cứ thêm một năm đóng bảo hiểm xã hội thì tăng thêm 2% tiền lương nhưng mức tối đa là 75%.

Căn cứ điểm b khoản 2 điều 56 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, trường hợp lao động nữ nghỉ hưu đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm thì mức lương hưu hằng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó, cứ thêm một năm đóng bảo hiểm xã hội thì tăng thêm 2% tiền lương nhưng mức tối đa là 75%.

Căn cứ điều 58 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Trường hợp nào được chuyển đóng bảo hiểm bắt buộc sang tự nguyện

Căn cứ khoản 4 Điều 2 Luật BHXH năm 2014, để tham gia BHXH tự nguyện, người lao động phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên.

– Không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Theo đó, người lao động chỉ được chuyển từ BHXH bắt buộc sang đóng BHXH tự nguyện khi không còn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Còn nếu vẫn đang thuộc các trường hợp tham gia BHXH bắt buộc thì dù có nhu cầu, người lao động cũng không được chuyển sang đóng BHXH tự nguyện.

Như vậy, sau khi nghỉ việc tại doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, người lao động có thể tham gia BHXH tự nguyện để tích lũy thêm thời gian đóng BHXH tính hưởng lương hưu.

 Quy định về thủ tục chuyển sang đóng BHXH tự nguyện thế nào?

Căn cứ Quyết định 595/QĐ-BHXH, để tham gia BHXH tự nguyện, người lao động có thể thực hiện theo hướng dẫn dưới đây:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.

Hồ sơ tham gia BHXH tự nguyện gồm: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).

Người lao động có thể tự tải về và điền hoặc đến nơi nộp hồ sơ xin mẫu này rồi điền.

Bước 2: Nộp hồ sơ và đóng tiền BHXH.

Nơi tham gia BHXH tự nguyện: Đại lý thu hoặc cơ quan BHXH tại nơi mình cư trú.

Người lao động có thể dễ dàng tra cứu địa chỉ đại lý thu gần nơi mình ở và có thể chọn đóng bảo hiểm hằng tháng, 03 tháng/lần, 06 tháng/lần,…

Mức đóng hằng tháng

=

22%

x

Mức thu nhập mà người lao động chọn đóng

Số tiền nhà nước hỗ trợ đóng

Lưu ý: Người lao động trước đó tham gia BHXH bắt buộc đã được cấp sổ BHXH nên khi chuyển sang đóng BHXH tự nguyện thì cơ quan BHXH tiếp tục ghi nhận thời gian đóng tại chính sổ BHXH đã cấp.

Quyền lợi khi chuyển đóng bảo hiểm bắt buộc sang tự nguyện

Cùng là BHXH do Nhà nước tổ chức nhưng các chế độ của BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện lại có sự khác biệt nhất định. Cụ thể khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật BHXH năm 2014 đã nêu rõ:

1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau: Ốm đau; Thai sản;Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;Hưu trí; và Tử tuất.

2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau:Hưu trí; Tử tuất.

Có thể thấy, quyền lợi về BHXH tự nguyện chỉ gồm 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Trong khi đó, ngoài hưu trí và tử tuất, người tham gia BHXH bắt buộc còn được hưởng cả chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi đủ điều kiện.

Như vậy, khi chuyển từ BHXH bắt buộc sang BHXH tự nguyện, người lao động sẽ giảm bớt chế độ hưởng.

Tuy nhiên, việc tham gia BHXH tự nguyện sau khi nghỉ việc lại là giải pháp hữu hiệu giúp người lao động có chỗ dựa kinh tế khi về già là lương hưu. Bởi thời gian đóng BHXH tự nguyện sẽ được cộng nối tiếp vào thời gian đóng BHXH để tính hưởng hương lưu và chế độ tử tuất.

Nội dung này được ghi nhận tại khoản 3 Điều 5 Luật BHXH 2014 như sau:

3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Do đó, nếu người lao động chuyển đóng từ BHXH bắt buộc sang tự nguyện sẽ không còn được hưởng chế độ về thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng lại được cộng nối thời gian để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

TVPL

Link nội dung: https://phaply.net.vn/che-do-nguoi-lao-dong-duoc-huong-khi-chuyen-tu-dong-bhxh-bat-buoc-sang-bao-hiem-tu-nguyen-a256191.html