Quốc hội đặt ra nhiều yêu cầu quan trọng đối với các Bộ ngành Thanh tra, Tài chính, Ngân hàng, Thông tin, Xây dựng…

(Pháp lý)- Tại phiên bế mạc ngày 15.11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp, Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, đặt ra nhiều yêu cầu quan trọng đối với các Bộ ngành Thanh tra, Thông tin, Tài chính, Ngân hàng, Xây dựng…, trong đó đáng chú ý là các yêu cầu khẩn trương hoàn thiện chính sách pháp luật, tăng cường kiểm tra giám sát, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý của nhà nước đối với các lĩnh vực thanh tra, tài chính, ngân hàng, thông tin, xây dựng.

anh-1-1668571735.jpg

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự bế mạc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. ( Ảnh: TTXVN )

Công tác lập pháp và chất vấn có nhiều đổi mới, chất lượng

Về công tác lập pháp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho hay QH đã hoàn thành khối lượng lớn công việc lập pháp, thông qua 6 luật, 3 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, cho ý kiến lần 2 dự án luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); thảo luận lần đầu dự án luật Đất đai (sửa đổi) và 6 dự án luật quan trọng khác. Các dự án luật, dự thảo nghị quyết đều đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao

anh-2-1668571745.jpg

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp 4.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, hoạt động chất vấn tiếp tục đổi mới, thực chất, sôi động, được cử tri, nhân dân quan tâm. Ông Huệ yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những vấn đề đã cam kết, có giải pháp khắc phục những tồn tại, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn và báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại các kỳ họp sau.

Yêu cầu phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống

QH đánh giá cao kết quả đã đạt được, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tập trung giải quyết căn cơ, có kết quả cụ thể các yếu kém, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, trong xử lý các tổ chức tín dụng, các dự án, doanh nghiệp (DN) yếu kém, thua lỗ; việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu, tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, giáo dục và thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế… “QH nhấn mạnh yêu cầu chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch năm 2022 và 2023, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH cho cả giai đoạn 2021 - 2025”.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, sử dụng công nghệ số kiểm soát tài sản cán bộ

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thanh tra Chính phủ tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; khẩn trương nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Cơ quan chức năng cũng phải sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với bộ, ngành trung ương, làm cơ sở để thống nhất đánh giá đầy đủ, toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Chậm nhất tháng 3/2023, các cơ quan phải ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 623 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo phải được nâng cấp, hoàn thiện, bảo đảm kết nối dữ liệu trên phạm vi toàn quốc và liên thông trong toàn hệ thống các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

anh-3-1668571745.jpg

Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Hàng loạt nhiệm vụ khác cũng được Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện, như nhanh chóng triển khai Luật Thanh tra (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua; kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp các cơ quan thanh tra, đội ngũ thanh tra viên và người làm công tác thanh tra; có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực để đội ngũ công chức làm công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Việc thanh tra phải tập trung vào các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, các bộ, ngành, địa phương có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm. Chất lượng kết luận thanh tra phải được nâng cao, khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành kết luận.

Quốc hội yêu cầu 100% các vụ việc khi thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm phải được chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền; chuyển danh sách tổ chức Đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm đến cơ quan kiểm tra Đảng để xem xét xử lý theo quy định của Đảng. Cơ quan thanh tra phối hợp với Kiểm toán nhà nước để xử lý chồng chéo, không thanh tra, kiểm toán quá một lần/năm về cùng nội dung với một cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp...

Với lĩnh vực thanh tra, QH yêu cầu khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra; tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, xử lý sau thanh tra, tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản. Bảo đảm 100% các vụ việc khi thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền.

Đồng thời, QH cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; CSDLQG về kiểm soát tài sản, thu nhập. Sau năm 2025, thực hiện chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số.

Yêu cầu xử lý sai phạm trong gần 1.000 dự án gây lãng phí

Chiều 15/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Quốc hội yêu cầu Chính phủ làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm, thất thoát, lãng phí trong gần 1.000 dự án không hiệu quả, chậm tiến độ.

Quốc hội yêu cầu trong năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng hoàn thành thống kê thông tin, số liệu liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; báo cáo rõ kết quả phát hiện vi phạm, thất thoát, lãng phí của từng bộ, ngành, địa phương.

Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm về tình trạng diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật. Có gần 80.000 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.000 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất.

anh-4-1668571746.jpg

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo nghị quyết, chiều 15/11.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng làm rõ trách nhiệm, xử lý sai phạm với đơn vị, cá nhân liên quan đến 52 dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn nhà nước khai thác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ; 18 dự án đát đai hoang hóa, lãng phí, có vướng mắc; 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng. Ủy ban Tài chính, Ngân sách sẽ chủ trì giám sát các công việc nói trên.

Năm 2023, Chính phủ phải ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thực hiện các luật có liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bổ sung định mức chi tiêu xe công, tài sản công, khoán chi, khoán xe công; lao động, biên chế; quản lý, sử dụng tài nguyên, đất, khoáng sản.

Trước năm 2025, các cơ quan hoàn thành đánh giá sự chồng chéo, chưa đồng bộ của hệ thống pháp luật; đề xuất sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính phủ được yêu cầu đẩy nhanh lộ trình cải cách chính sách thuế; trong năm 2023 rà soát các văn bản không đúng thẩm quyền liên quan miễn, giảm, giãn, hoàn thuế; tăng cường chống chuyển giá trong các doanh nghiệp FDI.

Các dự án đầu tư công cũng phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành. Năm 2023, Chính phủ rà soát để có phương án xử lý khó khăn, nhất là với dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm, sử dụng vốn ODA không hiệu quả, chậm tiến độ; dự án BT dở dang; giải quyết vướng mắc các dự án BOT.

Theo nghị quyết, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cần đánh giá kỹ, để không thất thoát nguồn lực nhà nước, phát triển thị trường bền vững, minh bạch, an toàn. Chính phủ có lộ trình, giải pháp cụ thể với dự án sử dụng vốn nhà nước thua lỗ tại doanh nghiệp; làm rõ trách nhiệm và kết quả xử lý trách nhiệm với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, gây thua lỗ, thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nguồn vốn nhà nước khác. Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm, thất thoát, lãng phí trong gần 1.000 dự án không hiệu quả, chậm tiến độ.

Xử lý nghiêm các vi phạm trong huy động vốn

Xử nghiêm các vi phạm trong huy động vốn nhưng Quốc hội yêu cầu kịp thời bình ổn, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản hoạt động thông suốt.

Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV được thông qua chiều 15/11, nêu rõ với lĩnh vực xây dựng, các cơ quan khẩn trương hoàn thiện pháp luật về quản lý, nhất là dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Hai dự án luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (giữa năm 2023).

Nghị quyết nêu cần có chính sách thu hút, tạo nguồn vốn trung và dài hạn cho thị trường bất động sản. Việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán sẽ được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo hoạt động công khai, minh bạch, bền vững, an toàn.

anh-5-1668571746.jpg

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tại phiên chất vấn

Cùng với bình ổn thị trường, không để xảy ra bong bóng bất động sản, Quốc hội giao các cơ quan ngăn chặn đầu cơ, đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường hoặc trục lợi bất hợp pháp. Các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhất là vi phạm khi giao dịch, huy động vốn kinh doanh sẽ bị xử lý nghiêm.

Việc chia tách, phân lô bán nền tại khu vực thiếu hạ tầng hoặc chưa được phép đầu tư phải được quản lý chặt. Thông tin về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, danh mục, tiến độ xây dựng các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản cần được cung cấp kịp thời, đầy đủ.

Ngoài ra, các cơ quan đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường bất động sản theo hướng minh bạch, cân bằng; tăng tỷ trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Đồng thời, các đơn vị khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cắt giảm các thủ tục hành chính, nhất là trong khâu thẩm định, cấp phép để thúc đẩy phát triển xây dựng các dự án nhà ở, bất động sản, cải tạo chung cư cũ, đặc biệt là tại Hà Nội và TP HCM. Nhà tái định cư cần đảm bảo chất lượng.

Các doanh nghiệp được khuyến khích đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhất là nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua. Đề án đầu tư xây ít nhất một triệu căn nhà xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 cần sớm ban hành và thực hiện.

Ngoài ra, Quốc hội yêu cầu có giải pháp tích cực triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất với các dự án cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê, thuê mua. Người có công với cách mạng sẽ được nâng mức hỗ trợ nhà ở. Các địa phương bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở, quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân. Đồng thời, các cơ quan xác định danh mục trụ sở, cơ sở cần phải di dời khỏi nội đô Hà Nội.

Việc điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng cần quản lý chặt chẽ. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng cần khẩn trương hoàn thiện, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, tiếp cận khoa học kỹ thuật của các nước tiên tiến.

Việc nghiên cứu, sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu xanh, vật liệu mới, vật liệu thay thế (như cát biển, tro xỉ nhà máy nhiệt điện, đất đá thải loại từ hoạt động khai thác khoáng sản...) trong xây dựng công trình, cần được đẩy mạnh. Các hành vi gom hàng, găm hàng, "thổi giá" vật liệu xây dựng, cần bị xử lý nghiêm.

Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV được thông qua chiều 15/11, nêu rõ với lĩnh vực xây dựng, các cơ quan khẩn trương hoàn thiện pháp luật về quản lý, nhất là dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Hai dự án luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (giữa năm 2023).

Cần sớm có hành lang pháp lý về tiền số, tài sản ảo

Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) được QH thông qua ngày 15.11 chưa luật hoá tiền ảo, tài sản ảo, do đó, Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu vấn đề này.

Báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đại biểu đề nghị cân nhắc điều chỉnh tại dự thảo Luật về rửa tiền qua tiền ảo, tài sản ảo, tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số... Việc này nhằm hạn chế rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố trong lĩnh vực này do tiền ảo, tài sản ảo.

Có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi rửa tiền thông qua công nghệ sử dụng tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo là một tội danh, chứ không phải một tình tiết tăng nặng như quy định của Bộ luật Hình sự. Đại biểu cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung điều khoản quy định về tịch thu tài sản ảo, tiền ảo theo chuẩn mực quốc tế. Ý kiến khác đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết về tiền ảo, tài sản ảo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, để phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, một số khuyến nghị như công nghệ mới (tài sản ảo), cá nhân có ảnh hưởng chính trị trong nước chưa đưa ngay vào dự thảo Luật hoặc một số khuyến nghị khác sẽ được sửa đổi tại các quy định pháp luật khác có liên quan.

Từ năm 2017, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, rà soát đánh giá tổng thể thực trạng pháp luật về tài sản ảo, đề xuất hoàn thiện thể chế với vấn đề này. Hiện, các bộ, ngành nghiên cứu nên chưa đủ cơ sở để quy định ngay tại dự thảo Luật các biện pháp phòng chống rửa tiền với hoạt động này.

anh-6-1668571746.jpg

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đọc báo cáo giải trình, tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi)

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các hoạt động mua bán, trao đổi các tài sản ảo tại Việt Nam hiện nay được thực hiện thông qua các sàn giao dịch quốc tế hoặc thông qua hình thức thỏa thuận trực tiếp... tiềm ẩn nhiều rủi ro về rửa tiền cũng như cho chính cá nhân tham gia. Do đó, cơ quan thường trực Quốc hội cho rằng, nghiên cứu các quy định về mua bán, trao đổi tài sản ảo, biện pháp phòng chống rửa tiền thông qua các hoạt động này là cần thiết.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Luật giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ sớm xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các rủi ro rửa tiền và rủi ro cho hệ thống tài chính ngân hàng.

Các hành vi bị cấm trong phòng, chống rửa tiền, gồm: Tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện, trợ giúp thực hiện hành vi rửa tiền; lập, duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả; quan hệ kinh doanh với ngân hàng vỏ bọc...Lần sửa đổi này, luật đã bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Ngoài ra, luật cũng quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và thông tin nhận biết khách hàng. Với quy định này, không chỉ đối tượng báo cáo, các tổ chức khác hoặc bên thứ ba hay các bên liên quan khác, gồm cơ quan nhà nước, đều có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước và thông tin khách hàng, giao dịch.

Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) gồm 4 chương và 66 điều, có hiệu lực từ ngày 1/3/2023.

Xử lý nghiêm vi phạm trong quảng cáo xuyên biên giới. Hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi số

Trong đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông nhanh chóng hoàn thiện pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, tên miền, nội dung giải trí trên không gian mạng.

Các cơ quan phải triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý hiệu quả các nền tảng xuyên biên giới, nhất là mạng xã hội; tích cực phối hợp thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động quảng cáo cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Đồng thời, mạng xã hội trong nước cần có chính sách đẩy mạnh phát triển, xây dựng văn hóa mạng lành mạnh, định danh người sử dụng.

Quốc hội cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động hậu kiểm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đăng tải tin giả, thông tin xấu độc trên mạng. Trong năm 2023, Bộ phải tập trung giải quyết cơ bản và chấn chỉnh tình trạng "báo hóa" tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp.

anh-7-1668571746.jpg

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua các nghị quyết, chiều 15/11.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi số; thúc đẩy phát triển khai thác dữ liệu số, dịch vụ số, nền tảng số Việt Nam. Những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số cần có chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng số.

Đề án tăng cường, nâng cao năng lực chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương cần sớm ban hành và triển khai hiệu quả; có giải pháp phát triển số lượng và bảo đảm chất lượng nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin; ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung của bộ, ngành, địa phương.

Năm 2025, các đơn vị phấn đấu hoàn thành tất cả cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ phát triển Chính phủ số, chính quyền số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Quốc hội giao Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất cơ chế thu phí từ việc khai thác dữ liệu để tái đầu tư, quản lý, vận hành, phát triển cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, danh mục dữ liệu mở cũng phải nhanh chóng ban hành, làm cơ sở kích thích phát triển kinh tế số, xã hội số. Dịch vụ công trực tuyến cần bảo đảm dễ sử dụng, thân thiện với người dùng. Cơ quan chuyên môn được giao thực hiện phổ cập kỹ năng số miễn phí giúp người dân khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 nhằm hỗ trợ cung cấp dịch vụ truy cập internet băng thông rộng tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo, cũng phải được đẩy nhanh.

"Các đơn vị chức năng, các doanh nghiệp viễn thông thực hiện chuẩn hóa, xác thực thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hoàn thành trong năm 2022; xử lý triệt để sim không chính chủ; có các giải pháp hạn chế tối đa tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác...", nghị quyết nêu.

Với lĩnh vực thông tin - truyền thông, QH yêu cầu đến năm 2025, hoàn thành 100% các CSDLQG cần ưu tiên triển khai để phục vụ phát triển Chính phủ số, chính quyền số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Nghiên cứu đề xuất cơ chế thu phí từ việc khai thác dữ liệu để tái đầu tư, quản lý, vận hành, phát triển cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công cho người dân, DN.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra, xác minh, điều tra và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng vi phạm quy định về nội dung thông tin. Tăng cường kiểm tra việc bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức, DN; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về thu thập, xử lý thông tin cá nhân…

 

Lê Phúc – Trần Dương ( T/h)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/quoc-hoi-dat-ra-nhieu-yeu-cau-quan-trong-doi-voi-cac-bo-nganh-thanh-tra-tai-chinh-ngan-hang-thong-tin-xay-dung-a256130.html