Qui định của pháp luật về những trường hợp bị đóng băng, tạm dừng biến động tài sản

(Pháp Lý). Khi điều tra các vụ án lừa đảo, kinh tế, chức vụ, tham nhũng, cơ quan chức năng sẽ thực hiện yêu cầu tạm dừng biến động tài sản để phục vụ điều tra. Bởi tài sản của những đối tượng bị điều tra có thể do phạm tội mà có, do những đối tượng này thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt, tham nhũng... để thu lợi bất chính …Vậy pháp luật qui định trong trường hợp nào cá nhân, tổ chức bị áp dụng biện pháp tạm dừng biến động tài sản?

Đóng băng, tạm dừng biến động tài sản của nhiều bị can trong các vụ án hình sự kinh tế

Liên quan vụ án Công ty CP tập đoàn Vạn Thịnh Phát và đại gia Trương Mỹ Lan, mới đây, Sở KH-ĐT Hà Nội đã có thông báo tạm dừng biến động tài sản của 762 công ty liên quan. Theo đó, Sở này yêu cầu tạm dừng biến động đối với tài sản, gồm: bất động sản, cổ phần, vốn góp, cổ phiếu… thuộc sở hữu của các bị can, cá nhân, công ty liên quan trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan để phục vụ yêu cầu điều tra vụ án.

1-1667452360.jpg

Các bị can (từ trái sang): Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân, Nguyễn Phương Hồng, Hồ Bửu Phương

Theo Sở KH-ĐT, việc phong tỏa này thực hiện theo đề nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Cụ thể, Sở KH-ĐT Hà Nội đã thông báo đến các cơ quan, đơn vị và đề nghị cá nhân, tổ chức có liên quan tạm dừng ngay mọi hoạt động liên quan đến việc giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp đối với cổ phần/phần góp vốn… của các công ty trên địa bàn TP.Hà Nội.

Đáng chú ý, có 762 công ty được cơ quan chức năng liệt kê. Trong đó, đa số là các công ty cổ phần và một số công ty trách nhiệm hữu hạn; có nhiều tên công ty bằng tiếng nước ngoài xen lẫn tên công ty bằng tiếng Việt.

Trong số 762 công ty bị “đóng băng” tài sản được nhắc đến cũng có Công ty CP tập đoàn Vạn Thịnh Phát (mã số thuế: 0301196596); Công ty CP tập đoàn đầu tư An Đông (mã số thuế: 0304938912); Công ty CP bảo trợ tập đoàn Vạn Thịnh Phát (mã số thuế: 0316561308)…Trong 762 công ty liên quan còn có: Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 6 - Công ty CP (Cienco6 - mã số thuế: 0300487137)…

Trước đó, hồi tháng 4, trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC , Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã có Văn bản thông báo tạm dừng mọi hoạt động liên quan đến giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp đối với bất động sản, cổ phần, vốn góp, cổ phiếu,... đứng tên các cá nhân: Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế, Lê Thị Ngọc Diệp và các công ty có liên quan đến các cá nhân nêu trên phục vụ yêu cầu điều tra vụ án.

Pháp luật qui định thế nào ?

Thời gian gần đây, cơ quan điều tra liên tục phát hiện xử lý nhiều vụ án hình sự kinh tế, tham nhũng, lừa đảo đặc biệt nghiêm trọng.

Trong quá trình điều tra vụ án hình sự, cơ quan điều tra có nhiệm vụ làm rõ các tài sản do phạm tội mà có, những vật chứng của vụ án để tiến hành niêm phong, kê biên để xử lý theo quy định của pháp luật. Từ những sai phạm của các bị can, không tránh khỏi nghi ngờ những tài sản của các bị can là do phạm tội mà có.

2-1667452486.jpg

Người phạm tội lừa đảo, kinh tế, chức vụ, tham nhũng có thể bị phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ Luật hình sự. Do đó, khi điều tra các vụ án lừa đảo, kinh tế, chức vụ, tham nhũng thì kê biên, phong toả tài sản của những đối tượng này là biện pháp cưỡng chế để điều tra chính xác hơn và ngăn chặn các đối tượng tẩu tán tài sản.

Việc Cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị tạm dừng biến động đối với các loại tài sản là áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tạm dừng biến động tài sản chính là một biện pháp tư pháp được áp dụng để phong tỏa, kê biên, ngăn chặn các hành vi trốn tránh nghĩa vụ bồi thường, tẩu tán tài sản, cố ý làm hư hỏng hoặc hủy hoại tài sản trong các vụ án hình sự và dân sự. Mục đích để đảm bảo cho hoạt động thi hành án về sau.

Trong các vụ án trên, việc cơ quan tố tụng áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị tạm dừng biến động tài sản của các bị can nhằm để phục vụ yêu cầu điều tra vụ án. Mục đích nhằm tránh tẩu tán, chuyển dịch tài sản vi phạm. Điều này phù hợp với quy định của pháp luật qui định tại các Điều 4 Bộ luật Hình sự 2015, Điều 5 và Điều 168 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Điều 111 và Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 66 và 69 Luật Thi hành án Dân sự 2008 (sửa đổi bổ sung 2014)….

Tài sản bị kê biên điều tra trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử sẽ bị thi hành án sau khi có bản án có hiệu lực của cơ quan tố tụng có thẩm quyền.

Trong các vụ án hình sự kinh tế nói chung, thời hạn tạm dừng biến động tài sản được áp dụng cho đến khi cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết xong vụ án, hoặc giải quyết xong các yêu cầu của đương sự, hoặc khi thấy các quyết định tạm dừng là không có căn cứ, không đúng, không còn cần thiết.

Theo quy định hiện hành, cá nhân, tổ chức chỉ bị áp dụng biện pháp tạm dừng biến động tài sản khi họ đang là người bị bắt, là bị can, bị cáo trong vụ án hình sự; là đương sự như nguyên đơn, bị đơn, người liên quan trong vụ án dân sự.

Lê Phúc (T/h)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/qui-dinh-cua-phap-luat-ve-nhung-truong-hop-bi-dong-bang-tam-dung-bien-dong-tai-san-a256073.html