5 giải pháp quan trọng nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng.

(Pháp lý) - Từ năm 2016 đến 2021, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.300 vụ án tham nhũng gây thất thoát gần 32.000 tỷ đồng, trong đó đã đưa ra xét xử khoảng 1.100 vụ, số tiền thu hồi gần được 26.500 tỷ. Theo đánh giá, mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, song tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước phát hiện qua điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa cao.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp là do vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc xử lý tài sản, làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành án và xử lý sau thanh tra, nhất là các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán...

311020221106-z3842765842284-3ebe0d48af2074f3dfc424c0a97bb2d8-1667208885.jpg

Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, ngày 31/10.

5 năm, 1.300 vụ án tham nhũng gây thất thoát gần 32.000 tỷ đồng

Trình bày báo cáo của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, tại hội trường Quốc hội sáng 31/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số bộ, ngành, địa phương không đúng quy định, chưa hiệu quả; sử dụng sai mục đích, lãng phí; sắp xếp chậm, chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm, tranh chấp kéo dài nhiều năm.

Trong đó, Hà Nội vẫn còn 1.947 số căn hộ trống/17.863 căn nhà tái định cư chưa có quyết định bán nhà; 489 căn hộ chưa có phương án bố trí. TP. Hồ Chí Minh cũng có hàng nghìn căn hộ tái định cư ở các dự án đang bỏ hoang, thưa thớt người ở, 1.274 căn hộ và 1.303 nền đất dùng làm quỹ dự phòng, có gần 5.000 căn hộ và nền đất đang làm thủ tục bán đấu giá. Việc xác định giá trị để giao tài sản kết cấu hạ tầng quốc gia cho đối tượng quản lý còn rất chậm.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch còn nhiều hạn chế. Các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, 5/6 quy hoạch vùng, hầu hết quy hoạch cấp tỉnh đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Quy hoạch treo, dự án treo còn khá phổ biến.

Chỉ tính riêng 7/15 địa phương Đoàn giám sát làm việc có báo cáo đã có 1.739 công trình, dự án được UBND cấp tỉnh phê duyệt, nhưng không triển khai phải hủy bỏ, với tổng diện tích 12.015 ha. Tỷ lệ lấp đầy các khu kinh tế, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn thấp.

Nhiều khó khăn, vướng mắc, vi phạm trong quy hoạch xây dựng, cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, giao đất, thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép, thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng đời sống, sinh kế người dân, gây thất thu ngân sách nhà nước và lãng phí trong sử dụng đất.

Hàng nghìn dự án thuộc đối tượng nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, nhưng chưa quan tâm xử lý, thu hồi.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Phú Cường chỉ ra 6 nguyên nhân chính gây nên tình trạng thất thoát, lãng phí.

Thứ nhất, kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện chưa nghiêm.

Thứ hai, nhận thức pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa đầy đủ.

Thứ ba, còn hiện tượng buông lỏng quản lý, nể nang, né tránh tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thứ tư, trình độ, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Thứ năm, một số nơi chưa đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu và cơ quan tham mưu trong tổ chức thực hiện, chưa quyết liệt, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Thứ sáu, sự phối hợp giữa các cơ quan ở cả trung ương, địa phương nhiều trường hợp còn chưa chặt chẽ, không kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh. Hiệu lực, hiệu quả thực hiện công vụ chưa đáp ứng yêu cầu.

 

anh-2-1667208931.jpg

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, trình bày báo cáo của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. Năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, năm 2017 là 1.609 dự án, năm 2018 là 1.778 dự án, năm 2019 là 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án, năm 2021 là 1.962 dự án, trong đó hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ.

Hàng nghìn dự án có thất thoát, lãng phí, trong đó: năm 2016 là 590 dự án, năm 2017 là 840 dự án, năm 2018 là 422 dự án, năm 2019 là 125 dự án, năm 2020 là 923 dự án, năm 2021 là 185 dự án. Có nhiều dự án trong số 1.086 trường hợp phải xử lý hình sự, đã xét xử.

Đáng chú ý, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết, từ năm 2016 đến 2021, 1.300 vụ án liên quan đến tham nhũng, lãng phí đã kết luận điều tra, trong đó đưa ra xét xử khoảng 1.100 vụ. Tổng giá trị thiệt hại tại các vụ án này khoảng 31.800 tỷ đồng (tại địa phương 19.500 tỷ, trung ương 12.300 tỷ). Số tiền đã được thu hồi gần 26.500 tỷ.

Nhiều vụ việc sai phạm trong đầu tư, đấu thầu, thẩm định giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính công, tài sản công, gây thất thoát, lãng phí rất lớn. Việc triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước còn chậm.

Tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước phát hiện qua điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa cao. Nhiều vụ việc thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kéo dài nhiều năm, gây thất thoát, lãng phí, ách tắc, cản trở việc đưa các nguồn lực, tài nguyên vào khai thác, sử dụng hiệu quả.

5 nguyên nhân khiến tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp

Liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, trước đó, trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho rằng vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc xử lý tài sản, làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành án và xử lý sau thanh tra, nhất là các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán ....là một trong năm nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, việc ngăn chặn, xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những giải pháp quan trọng trong hoạt động thanh tra, đã được Thanh tra Chính phủ quan tâm thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, các cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 1 nghìn tỷ đồng (đạt tỷ lệ 60,3%), 10,2 ha đất; xử lý hành chính 1.714 tổ chức, 4.841 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 76 vụ, 93 đối tượng; khởi tố 5 vụ, 3 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 370 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra (đạt tỷ lệ 72,4%).

Về thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng năm 2022, tổng số phải thi hành là 3.973 việc, tương ứng với 89.609 tỷ 972 triệu đồng; trong đó: số có điều kiện thi hành là 2.739 việc tương ứng với 43.593 tỷ 296 triệu đồng; đã thi hành xong 1.895 việc, tương ứng với 15.989 tỷ 592 triệu đồng (tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021).

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, song việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp, là một trong những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng của nước ta hiện nay.

anh-3-1667208931.jpg

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã chỉ ra 5 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng chế này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho rằng, có 5 nguyên nhân chủ yếu:

Thứ nhất, một số quy định của pháp luật về thu hồi tài sản còn bất cập, thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế, chế tài xử lý sau thanh tra để bảo đảm cho việc thu hồi tiền, tài sản theo kết luận thanh tra được hiệu quả.

Thứ hai, số tiền thu hồi rất lớn nhưng người phải thi hành án hoặc đối tượng thanh tra không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm có giá trị thấp; Có những trường hợp cố ý chây ỳ hoặc trốn tránh việc thực hiện, hoặc không có khả năng nộp lại khoản tiền bị cơ quan thi hành án và cơ quan thanh tra thu hồi.

Thứ ba, thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc kéo dài, thời điểm xử lý vi phạm cách xa thời điểm có hành vi vi phạm dẫn đến tài sản dễ bị tẩu tán, che giấu.

Thứ tư, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc xử lý tài sản, làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành án và xử lý sau thanh tra, nhất là các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán ....

Thứ năm, có những trường hợp pháp lý của tài sản chưa rõ ràng, gây khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu để thu hồi; trong một số vụ án, vụ việc vẫn xảy ra việc đối tượng bỏ trốn; việc phối hợp trong tương trợ tư pháp hình sự và thực hiện kết luận thanh tra gặp nhiều khó khăn.

5 giải pháp quan trọng nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng.

Để khắc phục tình trạng trên và nhằm nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, Tổng Thanh tra cũng nêu 5 giải pháp quan trọng:

Đầu tiên là cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng, nhất là Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Thứ hai, hoàn thiện các quy định về xử lý sau thanh tra và tăng cường các biện pháp chế tài xử lý hành vi vi phạm trong công tác này nhằm thu hồi tài sản qua hoạt động thanh tra, đồng thời bổ sung lực lượng cán bộ, công chức đủ mạnh để làm công tác này.

Thứ ba, tăng cường theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra, thu hồi tài sản. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm để các bộ, ngành, địa phương, các đối tượng thanh tra thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra và có giải pháp kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kết luận, kiến nghị về thanh tra.

Thứ tư, tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác thu hồi tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ, phục vụ cho việc tổ chức thi hành án, thu hồi tối đa tài sản công bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Quan tâm chỉ đạo Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, trực tiếp là các ngành: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên, Môi trường, Tư pháp và các ngành có liên quan; nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện và kết luận, định giá tài sản theo trưng cầu, yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng; phối hợp với các cơ quan Thi hành án dân sự để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thu hồi tài sản.

Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự; tiếp nhận, xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng và đề nghị nước ngoài thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam.

Văn Chiến (tổng hợp)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/5-giai-phap-quan-trong-nang-cao-ty-le-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-a256057.html