Những hạn chế, bất cập của pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh xăng dầu.

(Pháp lý) – Thời gian gần đây, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng, dầu diễn ra rất phức tạp, gây nhiều hệ lụy, làm thất thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh bất bình đẳng... Nghiên cứu cho thấy, bên cạnh nguyên nhân từ sự liều lĩnh bất chấp các quy định của pháp luật nhằm kiếm lời bất chính của một số đối tượng, còn có một phần nguyên nhân từ những “lỗ hổng”, bất cập trong các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh xăng dầu .

74 bị cáo hầu tòa trong vụ buôn lậu gần 200 triệu lít xăng

Sáng 25/10, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử vụ án hình sự sơ thẩm đối với 74 bị cáo về tội “Buôn lậu” và “Nhận hối lộ”. Đây là các bị cáo trong đường dây buôn lậu xăng quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta với gần 200 triệu lít, bị Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an triệt phá trong Chuyên án mang bí số 920G.

anh-1-1666691858.jpg

74 bị cáo tại phiên toà xét xử vụ buôn lậu gần 200 triệu lít xăng

 

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai, tháng 9/2019, Phan Thanh Hữu (65 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Phan Lê Hoàng Anh, trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đào Ngọc Viễn (54 tuổi) điều hành Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng, bàn bạc góp vốn thực hiện buôn lậu xăng giả. Sau đó, Hữu, Viễn cùng Phạm Hùng Cường, Phùng Danh Thoại và đối tượng tên Trọng góp vốn để mua xăng lậu từ Singapore đưa về Việt Nam tiêu thụ với số tiền 53 tỷ đồng.

Viễn giới thiệu chủ hàng ở Singapore cho Hữu trực tiếp thỏa thuận mua xăng lậu. Nhóm này thuê của Viễn 2 tàu trọng tải 8.000 tấn chở xăng từ Singapore về Việt Nam giao cho đội tàu mang tên Nhật Minh của Hữu. Sau đó, xăng lậu từ các tàu Nhật Minh bơm sang kho chứa xăng của các đầu nậu, đại lý rồi đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực phía nam.

Do xăng nhập lậu từ nước ngoài có màu trắng, thị trường nước ta tiêu thụ xăng màu vàng nhạt, nên Hữu cùng các đối tượng mua chất bột màu và dung môi dùng để hòa tan, tạo thành xăng có màu vàng.

Ngoài ra, Hữu còn sử dụng các tàu Nhật Minh vận chuyển xăng lậu bán sang Campuchia. Mỗi tháng, đường dây này vận chuyển từ 3 đến 6 chuyến với khoảng 5 triệu lít xăng mỗi chuyến. Mỗi chuyến nhập xăng lậu vào Việt Nam, Hữu trả tiền thuê tàu cho Viễn, trả công tiền môi giới, chi phí đưa hối lộ cho một số cá nhân trong các cơ quan chức năng. Sau đó, Hữu được hưởng 40% lợi nhuận còn Viễn, Cường, Thoại được hưởng 60% lợi nhuận.

Tính từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, Hữu, Viễn cùng các đối tượng đã vận chuyển 48 chuyến, tổng cộng hơn 198 triệu lít xăng lậu, trị giá gần 2.800 tỷ đồng và đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng.

Trong vụ án này, bị cáo Ngô Văn Thụy, nguyên là Đội trưởng Đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, bị xét xử về tội “Nhận hối lộ”. Ngoài 74 bị cáo bị đưa ra xét xử, hiện, các cơ quan thực thi pháp luật tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục điều tra giai đoạn 2 của Chuyên án 920G. Đây là vụ án được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Những “lỗ hổng”, bất cập trong quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh xăng dầu

Thời gian gần đây, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng, dầu diễn ra rất phức tạp, gây nhiều hệ lụy, làm thất thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh bất bình đẳng... Bên cạnh nguyên nhân từ sự liều lĩnh bất chấp các quy định của pháp luật nhằm kiếm lời bất chính của một số đối tượng, còn có một phần nguyên nhân từ những “lỗ hổng”, bất cập trong quy định pháp luật  về quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu .

Đầu tiên phải kể đến đó là lỗ hổng trong quy định về điều kiện cấp phép. Theo đó, KDXD là một loại hình kinh doanh có điều kiện, Thương nhân phải đáp ứng đủ các điều kiện như về cơ sở hạn tầng, kho chứa, phương tiện vận tải… theo quy định pháp luật, mới được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện KDXD – đây là bước sàng lọc đầu tiên.

Tuy nhiên, điểm hở ở đây chính là doanh nghiệp phân phối xăng dầu có thể không cần đầu tư cơ sở hạ tầng, bến bãi, kho chứa,  hệ thống phân phối… mà có thể thuê lại từ các đơn vị khác. Thực tế, có không ít doanh nghiệp đã ký hợp đồng dịch vụ thuê kho, bồn, bể chứa, thậm chí cả cho thuê lại cửa hàng nhằm vượt qua quy định phải có cảng, kho chứa, hệ thống phân phối… để được cấp phép. Điều này dễ dẫn đến tình trạng cấp phép tràn lan, khó sàng lọc được các đối tượng lợi dụng lách luật để làm ăn không chân chính.

Quy định điều kiện cấp phép; thương nhân phân phối xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn… là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng, dầu (KDXD) diễn ra ngày một phức tạp, gây nhiều hệ lụy nền kinh tế, làm thất thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh bất bình đẳng...

 

anh-2-1666691830.png

Lực lượng chức năng bắt quả tang các đối tượng pha chế, vận chuyển, buôn bán xăng dầu lậu.

Thứ hai, theo quy định của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, các tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng phân phối xăng dầu cho một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối; đại lý bán lẻ xăng dầu cũng chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho một tổng đại lý hoặc một thương nhân phân phối... Quy định này nhằm kiểm soát chặt chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường, gắn với trách nhiệm của nhà cung cấp.

Tuy nhiên, Nghị định này lại cho cho phép thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân xăng dầu đầu mối, điều này dẫn đến việc khó kiểm soát các doanh nghiệp phân phối xăng dầu, tại công đoạn này các đối tượng dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng trà trộn xăng lậu, xăng giả.

Thứ ba, việc kiểm soát nguồn cung xăng dầu của các cơ quan chức năng thường thông qua hóa đơn xuất, nhập. Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiểm soát khối lượng xăng dầu đầu vào, đầu ra theo hóa đơn đối với đại lý bán lẻ xăng dầu chưa chặt chẽ, đặc biệt là việc bán lẻ xăng dầu không xuất hóa đơn vẫn còn tràn lan, nên đại lý xăng dầu rất dễ “hợp thức hóa” khi mua xăng dầu trôi nổi trên thị trường, xăng dầu giả để pha trộn với xăng dầu nhập chính thức từ thương nhân đầu mối/phân phối, tổng đại lý… rồi ung dung bán cho người tiêu dùng để trục lợi.

Chia sẻ với báo chí về những bất cập trong việc kiểm soát thị trường xăng dầu, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - Trần Duy Đông cũng từng thừa nhận, trong quản lý hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu, hiện đang có bất cập nên mới xảy ra tình trạng tuồn xăng lậu, xăng kém chất lượng vào hệ thống đại lý bán lẻ.

Thứ tư, khung hình phạt dù đã được tăng, nhưng vẫn chưa đủ mạnh đối với các vi phạm trong lĩnh vực xăng dầu. Theo đó, trước tính chất, mức độ phức tạp của các vi phạm trong lĩnh vực xăng dầu, ngày 26/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 99/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí thay thế cho Nghị định số 67/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 với các mức xử phạt tăng hơn nhiều.

Cụ thể, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và khí là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức. Đặc biệt tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như sau: Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xăng dầu, giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động...

Theo đánh giá của các chuyên gia, vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu có chiều hướng gia tăng là do khung hình phạt dù đã được tăng nặng nhưng vẫn chưa đủ mạnh đối với các vi phạm trong lĩnh vực xăng dầu, còn quá chênh lệch so với khoản siêu lợi nhuận trong lĩnh vực này mang lại. Chính vì thế, một số đối tượng bất chấp các thủ đoạn để nhập lậu, sản xuất, pha chế xăng dầu giả và tuồn ra thị trường tiêu thụ nhằm kiếm lợi bất chính.

Cuối cùng là công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu vẫn còn nhiều bất cập. Theo đó,  hiện nay, hoạt động KDXD được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật, như: Luật Đầu tư; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật giá; Luật Hải quan; Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định 95/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về KDXD... Cùng đó, nhiều cơ quan có chức năng quản lý mặt hàng xăng, dầu như: Công an, hải quan, biên phòng, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương...

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, chính bởi  nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, nhiều cơ quan chức năng quản lý cùng tham gia quản lý, nhưng lại thiếu quy chế phối hợp, thiếu quy định về trách nhiệm của từng ngành nên việc kiểm tra, xử lý còn chồng chéo, dễ dẫn tới tình trạng “đá bóng”, đổ lỗi trách nhiệm. Đơn cử về kiểm soát chất lượng xăng, dầu, hiện nay, rất nhiều cơ quan kiểm tra có thẩm quyền lấy mẫu giám định và xử lý trong lĩnh vực KDXD. Theo quy định về lưu mẫu, các lô hàng khi doanh nghiệp nhập về đều phải lưu mẫu; tuy nhiên, không rõ phải lưu bao nhiêu mẫu. Vì vậy, khi có nhiều đoàn kiểm tra thì mẫu lưu không còn để đối chứng.

Thay lời kết

Thiết nghĩ, buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng, dầu không chỉ làm thất thu ngân sách, tạo sự bất bình đẳng với các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn gây ra nhiều hệ luỵ đối với nền kinh tế, làm rối loạn cung cầu trong nước, bởi không kiểm soát được số lượng đang lưu thông thực tế trên thị trường. 

Do đó, để ngăn chặn tình trạng này, nhiệm vụ cấp bách của các cấp, các ngành là tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời chấn chỉnh bằng các biện pháp mạnh. Ngoài cần sửa đổi các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu để phù hợp với tình hình mới; cần tăng mức xử phạt nặng, tăng xử lý hình sự đối với hành vi buôn bán gian lận xăng dầu; xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, BĐBP, Khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của từng ngành để tránh kiểm tra, xử lý chồng chéo trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Đinh Chiến – Đăng Công

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-vu-buon-lau-200-trieu-lit-xang-nhan-dien-nhung-han-che-bat-cap-cua-phap-luat-dieu-chinh-hoat-dong-kinh-doanh-xang-dau-a256034.html