Những bất cập, vướng mắc trong thực thi quy định về tội thao túng thị trường chứng khoán

(Pháp Lý) - Thao túng thị trường chứng khoán là hành vi đã xuất hiện không ít trên thị trường chứng khoán thế giới. Tại Việt Nam, trong thời gian qua, các hành vi gian lận trên thị trường chứng khoán nói chung, thao túng thị trường chứng khoán nói riêng có chiều hướng gia tăng với những diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường.

anh-minh-hoa-1-1666244962.jpg

Để đáp ứng thực tiễn yêu cầu đặt ra đối với công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm về thao túng thị trường chứng khoán, hệ thống pháp luật đã từng bước được hoàn thiện nhằm tăng cường khả năng quản lý và xử phạt đối với các hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán, trong đó bao gồm Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về Tội Thao túng thị trường chứng khoán, thuộc Mục 2 – Các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, chương XVIII - Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.

Tội phạm thao túng thị trường chứng khoán là hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý, xâm phạm vào trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước đối với quản lý thị trường chứng khoán mà theo quy định phải bị xử lý hình sự. Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e khoản 1 Điều 211 thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1-3 tỷ đồng, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Khoản 2 Điều 211 cũng quy định, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: (i) Có tổ chức; (ii) Thu lợi bất chính 1,5 tỷ đồng trở lên; (iii) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3 tỷ đồng trở lên; (iv) Tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 2-4 tỷ đồng hoặc phạt tù 2-7 năm.

Những bất cập, vướng mắc

Mặc dù đã có quy định cụ thể nhưng số vụ khởi tố về tội thao túng thị trường chứng khoán theo Điều 211 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 còn hạn chế, không nhiều. Một trong những nguyên nhân chủ yếu do quy định về tội thao túng thị trường chứng khoán còn nhiều bất cập nên quá trình áp dụng trực tiếp còn nhiều vướng mắc. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, chưa có văn bản hướng dẫn thống nhất phương pháp xác định số tiền “thu lời bất chính” hoặc “gây thiệt hại cho nhà đầu tư”

So với Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009, tại Điều 211 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 tội Thao túng thị trường chứng khoán đã cụ thể hóa “gây hậu quả nghiêm trọng” thành “thu lời bất chính 500 triệu trở lên” hoặc “gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 đến 3 tỷ đồng”. Như vậy, tội thao túng thị trường chứng khoán là tội có cấu thành tội phạm vật chất, theo đó, các dấu hiệu bắt buộc của tội phạm là hành vi khách quan và hậu quả thiệt hại do hành vi gây ra. Căn cứ để xử lý vi phạm hành chính hay xử lý hình sự phụ thuộc vào số tiền “thu lời bất chính” lớn hơn 500 triệu hay “gây thiệt hại cho nhà đầu tư” lớn hơn 1 tỷ đồng không? Tuy nhiên hiện nay chưa có văn bản thống nhất hướng dẫn cách tính số tiền “thu lời bất chính” và “gây thiệt hại cho nhà đầu tư”, từ đó gây lúng túng trong quá trình áp dụng.

Hơn thế nữa, trên thực tế, đối với các khoản “gây thiệt hại cho các nhà đầu tư”, không phải nhà đầu tư nào bị thiệt hại cũng mong muốn đến cơ quan chức năng trình báo vì tâm lý ngại mất thời gian, sợ ảnh hưởng đến uy tín của bản thân, hoặc một số khác do thực hiện nhiều giao dịch mua bán cổ phiếu không thể chính xác và có tâm lý chấp nhận số tiền thiệt hại đó như một khoản “đầu tư rủi ro”. Do vậy, một phần số tiền “gây thiệt hại cho các nhà đầu tư” không được tính đến. Còn một phương án tính toán được đưa ra là căn cứ vào thống kê giao dịch của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, các ngân hàng, các công ty chứng khoán để xác định số tiền “thu lời bất chính” hoặc số tiền “gây thiệt hại cho nhà đầu tư”. Tuy nhiên, cách này cần nhiều nhân lực và mất nhiều thời gian để rà soát, đối chiếu các giao dịch chứng khoán đã xảy ra; đồng thời cần sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan với nhau. Do vậy, trong thực tế có nhiều vụ việc dù chứng minh được hành vi khách quan nhưng lại không chứng minh được hậu quả của hành vi (khoản thu lời bất chính hoặc gây thiệt hại của cá nhân, nhà đầu tư), chỉ dừng lại ở mức độ vi phạm hành chính.

Thứ hai, chưa bao quát hết yếu tố “gây hậu quả nghiêm trọng” của hành vi thao túng thị trường chứng khoán

Một số hành vi thao túng thị trường chứng khoán không chỉ gây ra thiệt hại về tiền mà còn có thể gây ra những hậu quả phi vật chất khác như: gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về thị trường chứng khoán; làm ảnh hưởng đến sự công bằng, tính minh bạch công khai và an toàn của thị trường chứng khoán; tác động tiêu cực đến tâm lý cho nhà đầu tư dẫn đến việc bán tháo trên toàn thị trường; làm cản trở việc công ty thực hiện các hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán; hoặc cũng có thể làm giảm uy tín của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán… Do vậy, tại Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 mới chỉ cụ thể hóa tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” dưới góc độ hậu quả về tiền, tài sản, chưa bao gồm hậu quả phi vật chất khác.

Thứ ba, quy định về chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ răn đe.

Theo quy định tại Điều 211 Bộ luật hình sự, hành vi thao túng thị trường chứng khoán có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù. Hình phạt nặng nhất được quy định tại khoản 2 Điều này, theo đó người phạm tội có thể bị phạt tù 7 năm hoặc bị phạt tiền tối đa 4 tỷ đồng nếu có các tình tiết tăng nặng như: có tổ chức, thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 3 tỷ đồng trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm. Trong khi đó, số tiền thu lời bất chính hay số tiền gây thiệt hại cho nhà đầu tư do hành vi thao túng thị trường chứng khoán trên thực tế lớn hơn rất nhiều, có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đã có chế tài xử phạt hành vi thao túng thị trường chứng khoán rất nghiêm khắc. Điển hình như tại Mỹ, các cá nhân phạm tội thao túng thị trường chứng khoán có thể bị phạt tù tối đa lên tới 20 năm hoặc phạt tiền lên đến 5 triệu đô la, ngoài ra còn có thể một số hình phạt bổ sung khác như bị buộc từ chức tại công ty bị thao túng, không được đảm nhận vị trí lãnh đạo trong vòng 3-5 năm.

Kiến nghị

Xuất phát từ thực tiễn giải quyết các vụ án thao túng thị trường chứng khoán trong thời gian qua, tác giả xin đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật hình sự đối với tội phạm này như sau:

Thứ nhất, cần bổ sung các văn bản hướng dẫn phương pháp tính số tiền “thu lời bất chính” và “gây thiệt hại cho nhà đầu tư” để thống nhất khi áp dụng vào thực tiễn, từ đó tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian trong điều tra, xử lý tội phạm thao túng thị trường chứng khoán theo Điều 211 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Thứ hai, bổ sung thêm hậu quả của hành vi thao túng thị trường chứng khoán, có thể là “gây mất an ninh tài chính tiền tệ” hoặc “gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của thị trường chứng khoán”,…

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung thêm hình phạt đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán theo hướng tăng thêm mức độ, có thể tăng từ 7 năm tù giam lên 20 năm tù giam là mức hình phạt cao nhất, kèm theo đó là các hình phạt bổ sung như: cấm đảm nhiệm các chức vụ, cấm hành nghề từ 5-7 năm,…

Thứ tư, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng, cụ thể giữa cơ quan điều tra với Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán, các ngân hàng, các công ty chứng khoán có liên quan.

ThS. Phạm Thị Hồng Nhung – ThS. Nguyễn Xuân Vinh

Học viện Cảnh sát nhân dân

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-bat-cap-vuong-mac-trong-thuc-thi-quy-dinh-ve-toi-thao-tung-thi-truong-chung-khoan-a256009.html