Tháo gỡ rào cản pháp lý để doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm

(Pháp lý) – Với đà phát triển của nền kinh tế mở như hiện nay của Việt Nam và trong bối cảnh quy mô thị trường vốn trong nước còn nhỏ; nguồn vốn huy động FDI, ODA có hạn và kèm theo điều kiện khắt khe, thì việc phát triển thị trường vốn đầu tư mạo hiểm là rất cần thiết. Tuy nhiên nghiên cứu từ thực tế cho thấy, còn rào cản về pháp lý để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn vốn ngoài tín dụng…

anh-1-1664552409.jpg
 

Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành phát biểu tại Diễn đàn “Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới” do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp phối hợp với VCCI tổ chức vào ngày 24/8, tại TP.HCM

Các start-up được dẫn dắt chủ yếu bởi vốn ngoại

Quỹ đầu tư mạo hiểm (ĐTMH) được hiểu là một hình thức đầu tư mà các nhà đầu tư rót vốn cho một công ty mới thành lập, chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán nhưng được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng tích cực và nhà đầu tư tin rằng sẽ phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, loại hình đầu tư này cũng đi kèm với rủi ro lớn, vì bản chất của nó gắn liền với nguồn vốn mạo hiểm - nguồn tài chính cung cấp cho các công ty tư nhân mới thành lập trong các lĩnh vực dưới hình thức vốn cổ phần với mục đích hỗ trợ cho các công ty vượt qua khó khăn ban đầu để đạt tới sự tăng trưởng, phát triển trong tương lai.

Quan sát từ thị trường trong nửa cuối năm 2021, các thương vụ gọi vốn thành công liên tiếp từ các quỹ ĐTMH ngoại được công bố, gồm cả những thương vụ trăm triệu đô, như: Siêu ứng dụng Momo gọi vốn thành công 200 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital, Kora Management; VNLife (công ty sở hữu dịch vụ thanh toán VNPay) huy động hơn 250 triệu USD trong vòng Series B; Tiki có vòng tài trợ Series E trị giá 258 triệu USD do AIA dẫn đầu… Báo cáo của DealstreetAsia cũng cho thấy, Việt Nam ghi nhận tổng vốn đầu tư mạo hiểm lên tới 2,48 tỷ USD trong năm 2021, gấp gần 24 lần so với năm 2016 (105 triệu USD) và được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục tăng cao trong những năm tới.

Điểm sáng mới nổi quỹ ĐTMH mang thương hiệu Việt, đó là ThinkZone Ventures. Với tổng vốn có thể cam kết đầu tư lên tới 60 triệu USD, ThinkZone II là quỹ đầu tư mạo hiểm vào startup công nghệ có quy mô lớn nhất do các tập đoàn và doanh nhân Việt Nam góp vốn. Điểm khác biệt lớn nhất của ThinkZone Fund II so với các quỹ đầu tư khác là nguồn hỗ trợ khổng lồ kết nối từ những tập đoàn, doanh nhân tầm cỡ từ nhiều lĩnh vực tại thị trường Việt Nam như IPA Investments, Phú Thái Holdings, Stavian Group. Nhờ đó, quỹ này sẽ tập trung đầu tư vào các startup công nghệ từ nhiều lĩnh vực như fintech, edtech, vận tải, chuyển đổi số, công nghệ… với quy mô đầu tư trải rộng từ giai đoạn pre-seed tới series A. Tính đến cuối tháng 3/2022, ThinkZone Ventures đã đầu tư cho 11 startup, tổng định giá 110 triệu USD với số vốn là 20 triệu USD, cùng 24 gói hỗ trợ. ThinkZone Ventures đã kết nối mạng lưới gồm 200 quỹ đầu tư trong và ngoài nước, hơn 100 đối tác là các doanh nghiệp để hỗ trợ startup Việt.

Theo ghi nhận từ thị trường, số lượng quỹ ĐTMH đang hoạt động tại Việt Nam khá nhiều, có thể liệt kê như: Dragon Capital, IDGVV-IDG Venture Vietnam, VinaCapital, FPT Venture... Quốc đảo Singapore dẫn đầu khu vực với hiện có gần 170 quỹ đầu tư lớn nhỏ, có quy mô từ vài chục triệu tới hàng tỷ USD. Việc các doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được cách tiếp cận vốn từ các quỹ đầu tư Singapore không chỉ tốt cho doanh nghiệp, mà trên tổng thể còn tạo ra một kênh đầu tư mới, bổ sung vào nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mà Singapore đang là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên danh sách những công ty Việt Nam nhận được vốn đầu tư từ các quỹ ĐTMH từ quốc đảo này cũng không đáng kể.

Hiện nay trên thị trường Việt Nam có 6 quỹ đầu tư mạo hiểm nổi bật, được đánh giá cao về độ uy tín và khả năng tạo lợi nhuận cao cho nhà đầu tư. Đó là: Mekong Capital (đầu tư chủ yếu vào nhóm ngành theo xu hướng tiêu dùng); CyberAgent Ventures (thuộc top đầu của các quỹ đầu tư công nghệ thành công nhất thị trường đầu tư Việt Nam cho đến nay); FPT Venture (đang theo đuổi mục tiêu trở thành vườn ươm khởi nghiệp hàng đầu tại Việt Nam); Vina Capital Venture (chủ yếu tập trung vào lĩnh vực chứng khoán, bất động sản; hiện đang quản lý tới hơn 1,8 tỷ USD); IDG Venture (thuộc tập đoàn nổi tiếng IDG Venture của Mỹ, chủ yếu quan tâm tới những startup công nghệ hoặc các doanh nghiệp muốn thay đổi ứng dụng công nghệ để cải tổ lại toàn bộ hoạt động kinh doanh. Hiện quỹ này đang quản lý xấp xỉ 100 triệu USD); và Golden Gate Venture (là quỹ đầu tư toàn cầu, tại thị trường Châu Á, quỹ đã đầu tư vào hơn 30 công ty thuộc hơn 7 quốc gia. Golden Gate Ventures thường rót vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghiệp ở đa dạng lĩnh vực)…

 

anh-2-1664552425.jpg
 

MoMo là nền tảng siêu ứng dụng số một tại Việt Nam và là một trong những ứng dụng Fintech phát triển nhanh nhất và lớn nhất trên thế giới. MoMo có hơn 1.600 nhân viên với trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh và các văn phòng tại Hà Nội và Đà Nẵng.

Theo Cục Phát triển doanh nghiệp, đầu tư mạo hiểm vào start-up (doanh nghiệp khởi nghiệp) chính là cung cấp nguồn lực để nuôi dưỡng thành công các ý tưởng đổi mới sáng tạo. Trên thế giới, thị trường đầu tư mạo hiểm cho start-up đã phát triển từ nhiều năm trước và rất sôi động, tuy nhiên ở nước ta, hoạt động này mới bắt đầu nổi lên gần đây. Trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam nhận được đầu tư từ những quỹ đầu tư này. Trong khi đó nhu cầu về vốn của các start-up là rất lớn, thực tế là nhiều start-up Việt Nam đã thành lập công ty ở nước ngoài như ở Hong Kong hoặc Singapore… để có thể gọi vốn được thuận lợi hơn.

Thực tế cho thấy đa phần các quỹ ĐTMH hiện nay đều đến từ nước ngoài hoặc từ vốn ngoại, nên nguồn lực hỗ trợ các công ty khởi nghiệp (start-up) ở thị trường Việt Nam còn hạn chế. Hay nói cách khác, thị trường tài trợ vào startup tại Việt Nam vẫn đang được dẫn dắt chủ yếu bởi các quỹ ĐTMH ngoại. Trong khi đó để tiếp cận được nguồn vốn, các startup Việt cần thủ tục pháp lý khá phức tạp như thành lập công ty tại Singapore, hay làm thủ tục xin cấp phép đầu tư để nhận được vốn ngay từ giai đoạn sớm… Đây cũng là một trong những nguyên do quỹ ĐTMH trong nước chưa phát triển và việc tiếp cận nguồn vốn ngoại của doanh nghiệp Việt còn khiêm tốn

Rào cản pháp lý

Nghiên cứu cho thấy, hành lang pháp lý có liên quan đến hoạt động ĐTMH tại Việt Nam đến thời điểm này chủ yếu vẫn nằm ở Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2018 và Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo. Theo đó, tại Điều 5 của Nghị định quy định quỹ khởi nghiệp sáng tạo (hay còn gọi là quỹ đầu tư mạo hiểm) là quỹ đầu tư không có tư cách pháp nhân, được tạo nên từ các khoản đầu tư của các nhà đầu tư tư nhân để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Nhà đầu tư có thể đóng góp vào Quỹ ĐTMH bằng tiền mặt, vàng, quyền sử dụng đất và các loại tài sản khác có thể được định giá bằng tiền… Đổi lại tại Điều 22 Nghị định quy định, doanh nghiệp nhận đầu tư, ngoài việc đảm bảo tiêu chí hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực mà địa phương ưu tiên phát triển, phải được ít nhất một trong các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo quy định tại Nghị định này lựa chọn để đầu tư.

Theo các chuyên gia, Nghị định số 38/2018/NĐ-CP của Chính phủ còn không ít rào cản làm hạn chế về hoạt động ĐTMH. Cụ thể, tại Điều 5 của Nghị định quy định quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân, do tối đa 30 nhà đầu tư (tức là không cho phép vượt quá con số 30) góp vốn thành lập trên cơ sở điều lệ quỹ; quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không được góp vốn vào quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo khác… Đây là rào cản đáng kể trong thu hút nguồn vốn từ cộng đồng cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Ngoài ra, Nghị định đã bỏ trắng không điều chỉnh đối tượng là khả năng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào các quỹ ĐTMH. Điều đó có nghĩa các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào quỹ ĐTMH tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định tương tự về các hạn chế tiếp cận thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào công ty Việt Nam…

Ngoài ra để cung cấp các biện pháp bảo vệ cho các nhà ĐTMH, tại Điều 7 Nghị định 38/CP yêu cầu tất cả các nhà ĐTMH phải ký kết thỏa thuận kiểm soát việc quản lý quỹ. Trừ khi điều lệ quỹ có quy định khác, công ty quản lý quỹ phải nộp báo cáo cho Ban đại diện quỹ/Giám đốc quỹ định kỳ ba tháng. Bên cạnh đó, điều lệ của quỹ ĐTMH phải nêu rõ rằng mục đích của quỹ là tham gia vào các khoản đầu tư có rủi ro cao. Để kiểm soát giao dịch giữa các bên liên quan, cần có sự đồng ý của nhà đầu tư trong các giao dịch giữa quỹ ĐTMH và công ty khởi nghiệp có người đại diện theo pháp luật của nhà đầu tư sở hữu ít nhất 35% vốn góp của quỹ hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định trong điều lệ của quỹ.

Quy định trên cho thấy Chính phủ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng đồng thời cũng đã phát sinh nhiều bất cập, hạn chế đối với từng nguồn vốn mà doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo có thể tiếp cận. Bởi để tiếp cận nguồn vốn từ các chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính với nhiều bước, công đoạn xét duyệt với nhiều loại hồ sơ, giấy tờ. Thực tế này đã làm nản chí không ít các ý tưởng sáng tạo hoặc cản trở các mô hình khởi nghiệp được “ươm mầm” từ bầu sữa ngân sách nhà nước. Bà Hoàng Thị Kim Dung – Nhà đầu tư của Quỹ Genesia Ventures cho biết: “Nút thắt pháp lý khiến các công ty khởi nghiệp mất hàng tháng trời hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết để có thể sẵn sàng cho các quỹ đầu tư nội đồng hành trong cùng một vòng đầu tư. Điều này vô hình trung làm mất đi rất nhiều cơ hội cũng như nguồn lực về cả thời gian và tiền bạc khiến các star-up không thể nhanh chóng hoàn tất vòng gọi vốn và tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, thúc đẩy công ty phát triển”.

Giới chơi đồng hồ và những người yêu công nghệ, mạng xã hội… cho đến bây giờ chắc hẳn vẫn còn nhớ đến màn gọi vốn thành công 5 tỷ đồng của Curnon trên chương trình Shark Tank (Thương vụ bạc tỷ) mùa 2. Khán gỉa lúc bấy giờ không chỉ ấn tượng bởi hình ảnh “soái ca” của 2 nhà đồng sáng lập Quang Thái – Anh Đức mà còn bởi “cuộc chiến” đầu tư không khoan nhượng từ các Shark Thái Vân Linh, Dzung Nguyễn và Louis Nguyễn. Giải thích lý do vì sao phải đặt công ty bên Singapore để gọi vốn, ông Nguyễn Quang Thái – nhà sáng lập thương hiệu đồng hồ “made by Vietnam” Curnon, cho biết: “Tôi đã sang Singapore khoảng 2 lần, có đăng ký một công ty bên đó để sẵn sàng gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Ở Việt Nam cũng có quỹ đầu tư nhưng cách định giá khác so với nước ngoài, do vậy chúng tôi thường hướng tới các quỹ ĐTMH của nước ngoài hơn”.

Nói cách khác, hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia chưa thật sự trở thành động lực đáng kể cho thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Về nguồn vốn tín dụng, doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo rất khó có thể dùng mô hình khởi nghiệp hay ý tưởng đổi mới sáng tạo để làm tài sản bảo đảm khi vay vốn ở ngân hàng. Mặc dù pháp luật hiện hành đã cho phép chủ sở hữu quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ được dùng quyền tài sản đối với đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp; quyền khác trị giá được bằng tiền phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

anh-3-1664552425.jpg
 

Quang Thái  và Anh Đức 2 nhà đồng sáng lập thương hiệu đồng hồ "made by Vietnam" Curnon

Tháo gỡ rào cản pháp lý: Không hạn chế số lượng và phân biệt nhà đầu tư

Với đà phát triển của nền kinh tế mở như hiện nay của Việt Nam và trong bối cảnh quy mô thị trường vốn trong nước còn nhỏ; tín dụng thắt chặt; nguồn vốn huy động FDI, ODA có hạn và kèm theo điều kiện khắt khe; cung và cầu về vốn mạo hiểm ở Việt Nam vẫn còn chênh lệch khá lớn… thì việc phát triển thị trường vốn mạo hiểm nói chung và mô hình quỹ ĐTMH nói riêng là rất cần thiết. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho cả hai phía các tổ chức quỹ và doanh nghiệp có thể “bắt sóng” nhau kịp thời thì phải cần có không gian pháp lý phù hợp.

Theo dự báo của Bain & Company hồi năm 2021, Việt Nam sẽ là quốc gia có tốc độ phát triển nền kinh tế internet nhanh nhất Đông Nam Á tính tới năm 2030 (đạt tăng trưởng quy mô thị trường gấp 11 lần hiện tại), mở ra cơ hội lớn thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt. Một chuyên gia kinh tế khẳng định, quỹ ngoại và quỹ nội đều có những thế mạnh và hạn chế khác nhau. Nếu có sự kết hợp giữa các quỹ nội đủ tầm và các quỹ ngoại để cùng đầu tư vào các startup, chắc chắn sẽ tạo nên những câu chuyện hết sức thú vị trong thời gian tới. Động thái của ThinkZone Ventures cho thấy, các quỹ đầu tư nội đang tận dụng cơ hội từ đại dịch Covid-19 để tham gia sâu vào thị trường đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, điều quan trọng hơn cả là Việt Nam cần mở thể chế khuyến khích cho sự xuất hiện các quỹ ĐTMH của tư nhân ngày càng nhiều hơn. Bởi đầu tư mạo hiểm, nói nôm na là bỏ ra 10 đồng thì có thể mất 9 đồng, thậm chí mất cả…

Nhóm tác giả nghiên cứu đề tài  “Mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm: Kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị cho Việt Nam” thuộc Ban Chính sách tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã chỉ ra kinh nghiệm từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Malaysia và Israel.... đầu tư mạo hiểm được hình thành do tác động của chính phủ là chủ yếu, hay nói cách khác sự ra đời của đầu tư mạo hiểm được hình thành theo mô hình kéo cung. Có nghĩa, chính phủ đã tạo ra đầu tư mạo hiểm bằng cách thành lập và rót vốn vào các Quỹ ĐTMH cũng như ban hành các quy định điều chỉnh hoạt động đầu tư mạo hiểm nhằm mục đích phát triển công nghệ ở nước đó.

Từ sự phân tích trên, khung pháp lý mà các doanh nghiệp hướng đến hoạt động ĐTMH cần có, đó là hoàn thiện môi trường thể chế thuận lợi cho hình thức đầu tư vốn mạo hiểm phát triển trong nền kinh tế thông qua việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, môi trường định chế công, các thể chế tài chính... Cụ thể là ban hành các văn bản hướng dẫn tập trung và thống nhất cho mô hình quỹ ĐTMH ra đời và hoạt động (từ tiêu chuẩn và điều kiện thành lập, điều lệ hoạt động, đến quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan và mô hình quản lý hoạt động của quỹ); các chính sách ưu đãi riêng về thuế hay lãi suất để khuyến khích phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm…

Nói một cách tổng quát khung pháp lý được ban hành phải tạo ra hệ sinh thái: Không giới hạn số lượng tối đa 30 nhà đầu tư và không phân biệt nhà đầu tư đến từ nước ngoài mà mọi tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đều có quyền hỗ trợ vốn “thiên thần” cho những người khởi nghiệp tiềm năng, có quyền cấp vốn đầu tư mạo hiểm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo một cách không hạn chế; và ngược lại doanh nghiệp nhận đầu tư từ nguồn quỹ ĐTMH không bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí “phải được ít nhất một trong quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo (do tổ chức tài chính nhà nước của địa phương lựa chọn quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo cùng đầu tư đáp ứng đủ điều kiện tối thiểu) vào lựa chọn để đầu tư”.

Theo kinh nghiệm của Trung Quốc, hoạt động đầu tư vốn mạo hiểm được điều chỉnh bằng hai luật riêng cho quỹ đầu tư mạo hiểm nội địa và quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài. Điều này cũng hợp lý trong giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế đang phát triển nhằm mục đích kiểm soát và thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước. (theo thitruongtaichinhtiente.vn)

VŨ LÊ MINH – LA SƠN

Link nội dung: https://phaply.net.vn/thao-go-rao-can-phap-ly-de-doanh-nghiep-co-the-tiep-can-duoc-cac-nguon-von-dau-tu-mao-hiem-a255934.html