Từ các vụ án thao túng chứng khoán: Nhà đầu tư cần làm gì để tránh mắc “bẫy”

(Pháp Lý) – Nghiên cứu pháp luật điều chỉnh lĩnh vực chứng khoán, chúng tôi nhận thấy pháp luật đã có quy định khá rõ ràng và đầy đủ các hành vi thao túng chứng khoán, nhằm giúp các cơ quan quản lý nhà nước sớm phát hiện và ngăn chặn, giúp các nhà đầu tư dễ dàng nhận diện và tránh “dính bẫy”. Thế nhưng vì sao nạn thao túng giá chứng khoán vẫn diễn ra nghiêm trọng, nhà đầu tư vẫn dễ dàng “dính bẫy” ?

anh-1-1664029831.png
 

Thủ đoạn thao túng giá cổ phiếu  mà các đối tượng thường sử dụng là dùng nhiều tài khoản giao dịch, liên tục thực hiện mua bán nhằm tạo cung cầu giả mạo, đẩy giá cổ phiếu lên cao

Đặc biệt, nạn thao túng giá chứng khoán đang ngày càng trở nên báo động khi vừa qua, liên tục hai vụ án thao túng chứng khoán lớn tại Tập đoàn FLC và Louis Holdings với khối lượng giao dịch hàng nghìn tỷ đồng đã bị cơ quan chứng năng phát hiện, khởi tố điều tra và xử lý.

“Bẫy thao túng cổ phiếu” được tạo ra như thế nào trong 2 vụ án ?

Trong vụ án thao túng cổ phiếu tại FLC, thủ đoạn mà Trịnh Văn Quyết và đồng phạm sử dụng chính là đã vẽ ra một "kịch bản" khá tinh vi, chỉ đạo nhiều người cùng tham gia "thổi giá" cổ phiếu của chính tập đoàn mình nắm giữ lên một mức cao ngất ngưởng.

Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo nhiều người thân trong gia đình và một số người khác điều hành nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty con sử dụng khoảng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thực hiện việc "làm giá". Những cá nhân này thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán FLC với tần suất lớn nhằm tạo ra cung cầu giả để đẩy giá lên cao.

anh-2-1664029886.jpg
 

Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo nhiều người thân trong gia đình và một số người khác tạo lập khoảng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thực hiện việc "làm giá".

Hành vi tạo cung cầu giả của nhóm Trịnh Văn Quyết đã đẩy giá cổ phiếu FLC từ hơn 14.000 đồng/cổ phiếu ngày 1-12-2021 liên tục tăng, thậm chí tăng "trần" nhiều phiên và phiên tăng "trần" cao nhất là 24.000 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu FLC đã được nhóm của bị can Quyết làm "ảo thuật" tăng hơn 64%.

Sau đó, Trịnh Văn Quyết giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10-1-2022 với giá 22.586 đồng/cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, với số tiền 1.689 tỉ đồng, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỉ đồng.

Cơ quan chức năng xác định các bị can liên tục mua bán cùng loại chứng khoán, mua bán khớp chéo (không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu, mua bán với khối lượng lớn, chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa, đóng cửa và đặt lệnh mua/bán sau đó hủy lệnh… nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán đối với 6 mã chứng khoán, gồm: FLC, ROS, ART, HAI, AMD, GAB.

Cũng với thủ đoạn tương tự, trong vụ án thao túng cổ phiếu xảy ra tại Louis Holdings, Đỗ Thành Nhân (Chủ tịch Louis Holdings) và Đỗ Đức Nam (Tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán Trí Việt) đã cùng nhau bàn bạc, thỏa thuận về phương án cách thức giao dịch mua, bán đẩy giá BII và TGG để bán thu lời thông qua việc sử dụng 20 tài khoản chứng khoán đăng ký tên Nhân và người thân, nhân viên.

Sau khi thống nhất với nhau về việc khớp lệnh giao dịch, số lượng, khối lượng, thời gian khớp lệnh cổ phiếu, nguồn tiền, dòng tiền luân chuyển vào các tài khoản chứng khoán để mua, bán theo kịch bản từng giai đoạn diễn biến giá cổ phiếu.

Cơ quan chức năng xác định từ ngày 4-1-2021 đến ngày 6-10-2021 là thời điểm các đối tượng thực hiện các hành vi mua bán chéo, chốt giá ATC... tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu TGG và BII, khoản thu lời bất chính, trái pháp luật từ hành vi thao túng giá đối với cổ phiếu TGG và BII của nhóm Đỗ Thành Nhân là 153,8 tỉ đồng.

anh-3-1664029886.jpg
 

Bị can Đỗ Đức Nam (trái) và Đỗ Thành Nhân ) đã bàn bạc, thỏa thuận và thống nhất về phương án cách thức giao dịch mua, bán đẩy giá BII và TGG để bán thu lời thông qua việc sử dụng 20 tài khoản chứng khoán.

Điều đáng nói là, nếu như ở vụ án thao túng chứng khoán tại FLC, các đối tượng sử dụng chính cổ phiếu của các công ty trong “hệ sinh thái” của mình để thao túng làm giá chứng khoán bằng thủ đoạn nâng khống vốn điều lệ lên gấp hàng nghìn lần giá trị thực để trục lợi.

Thì ở vụ án thao túng cổ phiếu xảy ra tại Louis Holdings, các đối tượng lại nhắm tới các cổ phiếu rác của các công ty đã niêm yết sẵn trên thị trường chứng khoán, thâu tóm cổ phần, chi phối  để tạo thành nhóm "hệ sinh thái". Từ năm 2020 - 2021, Louis Holdings mua cổ phần sở hữu, chi phối thêm nhiều công ty, trong đó có 6 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán để tạo nhóm "hệ sinh thái" Louis Holdings.

Cụ thể, Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC) và đồng phạm đã lợi dụng những khoảng trống, kẽ hở của cơ chế, chính sách pháp luật để thực hiện hành vi tăng khống vốn điều lệ công ty nhằm làm giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nhằm thu hút và bán cho nhà đầu tư để thu lợi.

Điển hình, tại các mã cổ phiếu FLC khi bắt đầu niêm yết có vốn điều lệ là 77 tỷ đồng vào năm 2013 đã tăng lên 7.100 tỷ đồng trong năm 2021; cổ phiếu ROS tăng vốn điều lệ gấp 2.867 lần trước khi niêm yết cổ phiếu từ 1,5 tỷ đồng vào tháng 3/2014, lên 4.300 tỷ đồng vào tháng 3/2016 trước khi niêm yết trên sàn; cổ phiếu GAB tăng từ 60 tỷ năm 2016 lên 138 tỷ năm 2019 trước khi lên sàn.

Cơ quan chức năng xác định, tính đến ngày 24/2/2021, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do Quyết nhờ đứng tên), thu được tổng cộng hơn 6.400 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.

Còn ở vụ án thao túng cổ phiếu xảy ra tại Louis Holdings, biết cổ phiếu của công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghiệp Bảo Thư (mã chứng khoán BII) có nguy cơ hủy niêm yết do hoạt động kinh doanh yếu kém, Đỗ Thành Nhân đã thỏa thuận với Nguyễn Văn Dũng, chủ tịch hội đồng quản trị thuận chuyển nhượng công ty cho mình. Sau đó, Nhân và các cá nhân là người thân, nhân viên của mình đã mua 9 triệu cổ phiếu BII của ông Dũng.

Đến tháng 2-2021, được sự tư vấn của Đỗ Đức Nam, Đỗ Thành Nhân tiếp tục mua bán, thâu tóm cổ phiếu "rác" mã TGG (Công ty cổ phần Trường Giang) trên sàn với khoảng giá 1.800 đồng/cổ phiếu và sử dụng các tài khoản trong nhóm Đỗ Thành Nhân giao dịch mua bán, tăng tính thanh khoản, làm giá cổ phiếu BII và TGG…

Đáng lưu ý, toàn bộ nguồn tiền hơn 1.200 tỷ đồng làm vốn để Đỗ Thành Nhân và đồng phạm mua bán, thâu tóm cổ phiếu "rác" đều  do Công ty Quản lý tài sản Trí Việt cung cấp.

Nghiên cứu hai vụ án trên cho thấy thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng là dùng nhiều tài khoản, liên tục thực hiện giao dịch mua bán; mua, bán khối lượng lớn vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường… nhằm tạo cung cầu giả mạo, đẩy giá cổ phiếu lên cao nhiều lần so với giá trị thực để tạo ra “bẫy thao túng cổ phiếu”, thu hút nhà đầu tư ưa mạo hiểm, thích lướt sóng thiếu kinh nghiệm đầu tư .

Pháp luật đã quy định đầy đủ dấu hiệu nhận diện, nhưng vì sao nhà đầu tư vẫn “dính bẫy”?

Với quyết tâm xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững. Thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành và cơ quan chức năng đã tích cực rà soát, sửa đổi các quy định bất cập  cơ chế, chính sách pháp luật.

Trong đó, Luật Chứng khoán và các văn bản pháp luật liên quan đều đã quy định rõ ràng hầu hết những hành vi vi pháp luật, đặc biệt là hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Cụ thể, theo Điều 12, Luật Chứng khoán 2019, đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Trong đó, tại khoản 3, quy định cấm sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán.

luat-ck-1664029886.jpg
 

Luật Chứng khoán và các văn bản pháp luật liên quan đều đã quy định rõ ràng các hành vi vi pháp luật, đặc biệt là hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Đồng thời, Khoản 2 Điều 3 Nghị định 156/2020/NĐ-CP cũng đã quy định “Thao túng thị trường chứng khoán” là việc thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán, một số hành vi được gọi là thao túng thị trường chứng khoán gồm: Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo.

Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường; Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán…

Điều mà chúng tôi muốn nói đến ở đây, đó chính là vì sao pháp luật đã có quy định khá rõ ràng và đầy đủ các hành vi thao túng chứng khoán như đã nói ở trên – đây cũng có thể được coi là bộ nhận diện cơ bản nhất để xác định dấu hiệu của “thao túng”, giúp các cơ quan quản lý nhà nước sớm phát hiện và ngăn chặn, giúp các nhà đầu tư dễ dàng nhận diện và tránh “dính bẫy”. Thế nhưng vì sao nạn thao túng giá chứng khoán vẫn diễn ra nghiêm trọng, nhà đầu tư vẫn dễ dàng “dính bẫy”? – Câu hỏi cần được giải đáp bằng những hành động cụ thể của các cơ quan chức năng(?)

Kiến nghị và khuyến cáo

Hành vi thao túng cổ phiếu sẽ không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến tính bền vững, công khai, minh bạch, an toàn của thị trường chứng khoán. Mà nó còn gây thiệt hại nặng nề cho các nhà đầu tư cổ phiếu, làm cản trở việc xác định giá trị doanh nghiệp, nhiễu loạn các phân tích về khoản đầu tư của các nhà đầu tư. Do đó, để ngăn chặn thao túng cổ phiếu, chúng tôi cho rằng cần phải có sự nỗ lực từ nhiều phía:

1. Đối với các cơ quan chức năng cần quan tâm đầu tư về nguồn lực, tăng cường hạ tầng công nghệ kỹ thuật, nhất là nguồn nhân lực, phải nâng cao kiến thức,  kỹ năng cho các cán bộ chủ chốt tham gia hoạt động đấu tranh những vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán nói chung, thao túng chứng khoán nói riêng; Tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời, thường xuyên với các cơ quan chủ thể, Bộ Tài chính, các công ty chứng khoán, các chuyên gia tài chính có chuyên môn sâu trong lĩnh vực này nhằm hỗ trợ cho công tác điều tra truy vết để kịp thời phát hiện và ngăn chặn.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, tăng cường chế tài và xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán nói chung, thao túng chứng khoán nói riêng.

Bên cạnh đó, làm tốt công tác tuyên truyền đến các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực tài chính chứng khoán, đến các nhà đầu tư trực tiếp tham gia thị trường về những hành vi vi phạm pháp luật, những dấu hiệu nhận biết hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các nhà đầu tư.

2. Để tránh sập bẫy thao túng cổ phiếu, đối với các nhà đầu tư trực tiếp tham gia vào thị trường chứng khoán, cần trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức, quy định pháp luật về chứng khoán, nắm rõ những dấu hiệu nhận biết hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán.

Từ thực tế các vụ thao túng chứng khoán, bài học đắt giá đối với các nhà đầu tư chứng khoán cần rút ra là: Trước khi quyết định đầu tư vào một cổ phiếu cần tìm hiểu và nắm bắt rõ thông tin về doanh nghiệp, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thông qua những nguồn uy tín như Hệ thống công bố thông tin của UBCKNN, các báo cáo tài chính đã được kiểm toán bởi những đơn vị kiểm toán uy tín, đặc biệt, cần nghiêm túc nghiên cứu và tham khảo ý kiến khuyến cáo của các tổ chức đơn vị kiểm toán uy tín…

Và một điều quan trọng nữa đó chính là, thao túng thị trường chứng khoán chủ yếu diễn ra trong một thời gian ngắn và mục tiêu của các đối tượng thao túng cổ phiếu thường sẽ nhắm các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đầu tư theo kiểu lướt sóng cổ phiếu hay đầu cơ ngắn hạn để kiếm lời nhanh chóng. Do đó, cách tốt nhất để bảo vệ mình khỏi sự thao túng thị trường chứng khoán là suy nghĩ dài hạn; tỉnh táo, thận trọng trong quyết định lựa chọn cổ phiếu, kiểm soát được lòng tham và tránh xa hiệu ứng đám đông hoặc từ sự kêu gọi từ những nhóm nhỏ trên mạng xã hội hoặc diễn đàn internet thiếu uy tín.

Đinh Chiến – Bùi Lộc

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-cac-vu-an-thao-tung-chung-khoan-nha-dau-tu-can-lam-gi-de-tranh-mac-bay-a255915.html