Cần phải xem xét kỹ trước khi tham gia các hợp đồng uỷ thác đầu tư, giao vốn… cho các doanh nghiệp nhận uỷ thác đầu tư… để phòng tránh rủi ro cho chính mình.
Thời gian qua có rất nhiều công ty huy động vốn thông qua các hợp đồng uỷ thác đầu tư, hợp đồng uỷ thác giao dịch, hợp đồng uỷ thác quản lý… cam kết với mức lãi cao. Nhưng trên thực tế không phải phi vụ ủy thác đầu tư nào cũng thuận lợi. Do không có cơ chế kiểm soát, do không thống nhất được tỉ suất lợi nhuận….nên nhiều nhà đầu tư đã mất trắng hoặc theo kiện tụng tốn kém thời gian và tiền bạc. Đáng lưu ý là hiện nay pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể về “uỷ thác đầu tư” là gì, hành lang pháp luật bảo vệ nhà đầu tư nhiều sơ hở.
Vụ kiện kéo dài nhiều năm vì cơ quan tố tụng không thống nhất đường lối xét xử
Theo hồ sơ, năm 2007, Công ty Tài chính D.K.V.N và Quỹ TVMC ký 2 hợp đồng quản lý danh mục đầu tư số 40/2007 và 04/2008. Hợp đồng số 40 thể hiện, Công ty Tài chính D.K.V.N giải ngân cho Quỹ Thành Việt số tiền 50 tỷ đồng để đầu tư mua, bán chứng khoán. Thời hạn ủy thác là 6 tháng.
Quỹ Thành Việt cam kết bảo toàn vốn và thu nhập cho Công ty Tài chính D.K.V.N như sau: Nếu tỷ suất lợi nhuận danh mục đầu tư thực hiện nhỏ hơn hoặc bằng 20%/năm thì Công ty Tài chính D.K.V.N hưởng 15%/năm trên số tiền ủy thác. Nếu con số này lớn hơn 20% thì Công ty Tài chính D.K.V.N có thu nhập là 15%/năm trên số tiền ủy thác và 30% số lợi nhuận vượt quá 20% tổng lợi nhuận của danh mục. Trong trường hợp Quỹ Thành Việt không thực hiện đầu tư thì khi hoàn vốn sẽ trả chi phí là 0,9%/tháng trên số ngày thực tế nắm giữ vốn, trong trường hợp bất khả kháng sẽ là 0,2%/tháng.
Nếu lợi nhuận thực hiện nhỏ hơn hoặc bằng 20% thì Quỹ Thành Việt được hưởng phí hoạt động (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) theo công thức (R-Re) x M; nếu lợi nhuận thực hiện lớn hơn 20% thì phí hoạt động bằng (5% +70%*(R-20%) x M (trong đó R là tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng; M là số tiền ủy thác đầu tư).
Với Hợp đồng số 04/2008, Công ty Tài chính D.K.V.N ủy thác đầu tư cho Quỹ Thành Việt là 46,3 tỷ đồng với các điều khoản tương tự.
Thực hiện hợp đồng, Công ty Tài chính D.K.V.N đã chuyển số tiền hơn 96 tỷ đồng và Quỹ Thành Việt đã sử dụng số tiền trên đầu tư cổ phiếu của các doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng, Công ty cổ phần Xây dựng 47, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Nhựa 04, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Công ty cổ phần Địa ốc Đà Lạt.
Hết thời hạn 6 tháng của 2 hợp đồng nêu trên, Quỹ Thành Việt không chuyển trả Công ty Tài chính D.K.V.N tiền ủy thác và lợi nhuận như cam kết.
Năm 2008, sau quá trình thỏa thuận, hai bên đồng ý Quỹ Thành Việt chuyển toàn bộ quyền sở hữu danh mục chứng khoán trên cho Công ty Tài chính D.K.V.N. Số chứng khoán này được định giá là 46,5 tỷ đồng. Sau khi chuyển sở hữu chứng khoán, hai bên ký thỏa thuận thanh lý xác định Quỹ Thành Việt đã chuyển quyền sở hữu toàn bộ danh mục đầu tư (46,5 tỷ đồng) và cam kết tiếp tục hoàn trả toàn bộ số tiền mà Công ty Tài chính D.K.V.N đã ủy thác kèm theo thu nhập cố định 15%/năm.
Tuy nhiên, sau đó, Quỹ Thành Việt không thực hiện đúng thỏa thuận dẫn đến Công ty Tài chính D.K.V.N khởi kiện ra Tòa án. Tổng số tiền Công ty Tài chính D.K.V.N yêu cầu Quỹ Thành Việt phải hoàn trả là hơn 140 tỷ đồng bao gồm cả gốc và lãi.
Quỹ Thành Việt thừa nhận có ký hợp đồng ủy thác và ký các biên bản, thỏa thuận thanh lý. Tuy nhiên, Quỹ Thành Việt không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì 2 hợp đồng nói trên bị vô hiệu một phần do vi phạm điều cấm pháp luật.
Quỹ Thành Việt còn cho rằng Quỹ có chức năng quản lý danh mục đầu tư, không vi phạm pháp luật nhưng thỏa thuận về việc đảm bảo lợi nhuận đạt và vượt lợi nhuận kỳ vọng và thỏa thuận về trách nhiệm hoàn trả đầy đủ số tiền ủy thác và thu nhập của Công ty Tài chính D.K.V.N là trái với quy định pháp luật. Do đó, Quỹ Thành Việt đề nghị Tòa án xác định các hợp đồng này vô hiệu một phần về thỏa thuận tỷ suất lợi nhuận.
Quá trình giải quyết vụ án đã bị kéo dài nhiều năm do cơ quan tố tụng không thống nhất đường lối xét xử.
Năm 2012, Tòa án nhân dân TP. HCM xét xử sơ thẩm lần thứ 1, tuyên bố 2 hợp đồng trên bị vô hiệu toàn bộ, Quỹ Thành Việt phải trả lại cho Công ty Tài chính D.K.V.N số tiền 84,8 tỷ đồng. Còn Công ty Tài chính D.K.V.N phải hoàn trả lại cho Quỹ Thành Việt danh mục và số lượng cổ phiếu.
Ở giai đoạn phúc thẩm, Tòa án nhân dân Tối cao tại TP. HCM lại tuyên bố 2 hợp đồng trên là hợp pháp, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Tài chính D.K.V.N. Do đó, Công ty Tài chính D.K.V.N có đơn đề nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.
Năm 2017, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao ban hành quyết định, hủy 2 bản án trên để xét xử lại. Đến năm 2020, Tòa sơ thẩm xét xử sơ thẩm lại lần 2 với quyết định tuyên bố 2 hợp đồng bị vô hiệu toàn bộ. Quỹ Thành Việt phải bồi thường cho Công ty Tài chính D.K.V.N số tiền 49,7 tỷ đồng.
Không chấp nhận quyết định này, Quỹ Thành Việt kháng cáo nên vừa qua, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. HCM xét xử phúc thẩm lần 2.
Tòa án cho rằng, ngày 23/8/2018, UBCK có công văn thể hiện vào thời điểm ký hợp đồng, Quỹ Thành Việt chưa có chức năng kinh doanh “quản lý danh mục đầu tư”. Như vậy, hợp đồng số 40 và 04 bị vô hiệu toàn bộ theo Điều 128 Bộ luật Dân sự năm 2005.
Để giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu, Tòa án thấy rằng, ngày 23/9/2009, Quỹ Thành Việt đã chuyển quyền sở hữu danh mục cổ phiếu cho Công ty Tài chính D.K.V.N nhưng giá trị không còn như ban đầu và Công ty Tài chính D.K.V.N bị thiệt hại hơn 49,7 tỷ đồng. Tòa phúc thẩm nhận định, Quỹ Thành Việt có lỗi làm cho hợp đồng bị vô hiệu nên phải có trách nhiệm hoàn trả cho Công ty Tài chính D.K.V.N số tiền hơn 49,7 tỷ đồng.
Ủy thác tiền gửi nhìn từ vụ án Huyền Như
Trong vụ án Huyền Như, ACB đã gửi vào chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP. Hồ Chí Minh của ngân hàng Công Thương 719 tỷ đồng, ngân hàng Hàng Hải, qua các bước dích dắc, cũng gửi vào chi nhánh Vietinbank Nhà Bè 2.500 tỷ đồng, ngân hàng Nam Việt gửi 1.500 tỷ đồng, ngân hàng Tiên Phong gửi 1860 tỷ đồng.
Các khoản ủy thác và gửi tiền thường có kỳ hạn ngắn, 3-6 tháng. Nó có thể được tái tục trong trường hợp người gửi cảm thấy có lợi và an toàn. Sự an toàn mà người gửi (bốn ngân hàng trên) cho rằng ít rủi ro hơn tín dụng, thực ra lại không hề an toàn vì người gửi không thể kiểm soát được việc sử dụng vốn, nói chính xác là bước đi tiếp theo của vốn.
Khi một phần tiền gửi bị Huyền Như chiếm đoạn như kết luận của cơ quan điều tra, nó đã được sử dụng vào kinh doanh chứng khoán, bất động sản .
Việc ủy thác tiền gửi, cho đến thời điểm cuối năm 2011, không phải tính vào tăng trưởng tín dụng, không phải trích lập dự phòng rủi ro, nó là một phần của sự chu chuyển dòng vốn, nhưng lại không được tính đến, nên dễ gây ra những méo mó khi nhìn bức tranh tiền tệ tổng thể. Nhìn từ đây, cơ quan điều tra không phải không có lý khi nhận định ủy thác tiền gửi ảnh hưởng đến an ninh và chính sách tiền tệ.
Không chỉ riêng vụ Huyền Như, đi sâu vào bản chất, ủy thác tiền gửi là một phần của nghiệp vụ ủy thác được quy định tại Luật các tổ chức tín dụng. Trong suốt nhiều năm, ủy thác – nhất là ủy thác đầu tư và mua trái phiếu doanh nghiệp – đã không được quản lý một cách chặt chẽ và là một kẽ hở bị nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán, doanh nghiệp lợi dụng.
Trong vụ vỡ nợ của Huỳnh Thị Huyền Như (Hà Nội), Như đã dùng các công ty “sân sau”... để ký hợp đồng uỷ thác đầu tư nhằm huy động vốn, sau đó lại chuyển toàn bộ số tiền về doanh nghiệp của Như (doanh nghiệp nhận vốn đầu tư). Với hình thức hợp đồng uỷ thác đầu tư và kẽ hở của các ngân hàng đã giúp Như huy động lên tới hàng ngàn tỉ đồng rồi chiếm đoạt. Hậu quả là các nhà đầu tư trót giao vốn uỷ thác đầu tư trắng tay….
Bài học cho các nhà đầu tư
Cần lưu ý rằng, uỷ thác đầu tư (nhận vốn đầu tư) thuộc hoạt động kinh doanh có điều kiện, phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động. Theo quy định hiện hành chỉ có các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ là những định chế tài chính trung gian được nhận ủy thác vốn của tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động đầu tư.
Ủy thác đầu tư mang đến sự tiện lợi, hiệu quả cho bên ủy thác khi tiến hành hoạt động đầu tư tại Việt Nam, tuy nhiên cũng có một số rủi ro nhất định
Rủi ro từ việc bên ủy thác không trực tiếp kiểm soát được nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp và cho bên nhận ủy thác. Tất cả hoạt động kinh doanh, bao gồm cả việc sử dụng nguồn vốn đầu tư, mục đích đầu tư v.v. đều dựa trên lòng tin và những cơ chế pháp lý (bao gồm luật pháp quốc gia và thỏa thuận cổ đông). Bất kỳ việc không tuân thủ bởi bất kỳ bên nào cũng có thể dẫn tới việc bên ủy thác gặp những khó khăn trong việc thu hồi khoản vốn đầu tư.
Các trách nhiệm về thuế, nghĩa vụ tài chính v.v. của bên nhận ủy thác cũng như của doanh nghiệp do bên nhận ủy thác thành lập. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bên nhận ủy thác và doanh nghiệp do họ thành lập đều chỉ có thể vận hành, hoạt động một cách thuận lợi khi có nguồn tài chính hợp pháp từ bên ủy thác. Bất kỳ vấn đề gì phát sinh từ việc tài chính cho các hoạt động kinh doanh không như các bên dự kiến (mà nguyên nhân có thể từ một trong số các bên) đều có thể dẫn tới bên nhận ủy thác và/hoặc doanh nghiệp do họ thành lập phải chịu những trách nhiệm pháp lý khác nhau.
Có thể nói, rủi ro lớn nhất trong hợp đồng uỷ thác đầu tư là thiếu cơ chế kiểm soát năng lực quản lý, không tách bạch nguồn vốn đầu tư, từ đó dẫn đến môi trường cho các hoạt động chiếm dụng vốn, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm… Do thiếu các quy định pháp luật về hoạt động uỷ thác đầu tư nên không tạo ra một hành lang pháp lý điều chỉnh các quan hệ này; tạo ra những tiêu cực ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước và là mảnh đất cho các cá nhân lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt.
Để giảm thiểu rủi ro, tăng hiệu quả đầu tư, thông thường, các doanh nghiệp thường nhờ tới các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay còn chưa quy định chặt chẽ và xuất hiện nhiều kẽ hở trong quản lý hoạt động đầu tư ủy thác. Chỉ duy nhất trên thị trường chứng khoán, khái niệm ủy thác đầu tư mới được quản lý và kiểm soát. Tuy nhiên cũng chưa thật chặt chẽ.
Pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể và bộ luật Dân sự cũng không có quy định nào về hoạt động “uỷ thác đầu tư”, do vậy khi xảy ra tranh chấp giữa các bên sẽ căn cứ các quy định của hợp đồng và áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết. Như vậy, bên uỷ thác sẽ gặp nhiều bất lợi và thua thiệt vì pháp luật không có các quy định bảo vệ họ trong các quan hệ này.
Do đó, người dân cần phải xem xét kỹ trước khi tham gia các hợp đồng uỷ thác đầu tư, giao vốn… cho các doanh nghiệp nhận uỷ thác đầu tư; cần kiểm tra ngành nghề đăng ký kinh doanh, vốn điều lệ, năng lực, hoạt động kinh doanh … để phòng tránh những rủi ro cho chính mình.
Lê Phúc – Trần Dương
Link nội dung: https://phaply.net.vn/uy-thac-dau-tu-va-bai-hoc-cho-cac-nha-dau-tu-khi-phap-luat-chua-hoan-thien-a255892.html