Nhận diện thủ đoạn phổ biến của tội phạm trong lĩnh vực đấu thầu và kiến nghị giải pháp phòng, chống.

(Pháp lý) - Nghiên cứu các vụ án vi phạm quy định về đấu thầu xảy ra ở nhiều địa phương, chúng tôi nhận thấy, ở mỗi lĩnh vực khác nhau, các đối tượng thường sử dụng một số chiêu thức thủ đoạn hết sức tinh vi. Do đó, để sớm phát hiện và ngăn chặn tội phạm trong lĩnh vực này cần tăng cường đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần sớm nghiên cứu ban hành những bộ nhận diện hành vi sai phạm trong đấu thầu đối với từng lĩnh vực cụ thể.

Thời gian qua, tội phạm trong hoạt động đấu thầu diễn biến vô cùng phức tạp, xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực như: đầu tư xây dựng, giao thông, xây dựng, mua sắm công... Đặc biệt, ở cả lĩnh vực nhạy cảm, mang tính nhân văn cao như y tế, giáo dục, văn hóa... Các sai phạm này gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội và bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Nhận diện chiêu thức, thủ đoạn phạm tội trong đấu thầu

Đáng lưu ý, qua nghiên cứu các vụ án vi phạm quy định về đấu thầu xảy ra ở nhiều địa phương trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy, để thực hiện các hành vi phạm tội, ở mỗi lĩnh vực khác nhau, các đối tượng lại sử dụng một hoặc một số những chiêu thức, thủ đoạn hết sức tinh vi. Nhưng tựu chung lại, gồm những nhóm thủ đoạn cụ thể sau:

1. Lợi dụng lỗ hổng pháp luật để chỉ định thầu trái quy định pháp luật.

Đây là thủ đoạn mà chúng tôi nhận thấy trong hàng loạt các vụ án sai phạm về đấu thầu bị khởi tố thời gian qua. Từ đất đai, xây dựng, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục... mỗi một lĩnh vực các đối tượng lại sử dụng những cách khác nhau để trục lợi. Điều đáng nói là, sai phạm trong các vụ án hầu hết đều liên quan đến cơ quan quản lý, liên quan đến các cá nhân ở những vị trí quyết định trong hoạt động đấu thầu. Các đối tượng này đã lợi dụng triệt để những lỗ hổng pháp luật để chỉ định thầu trong các gói thầu mua sắm hàng hóa, đầu tư xây dựng…

Cụ thể, pháp luật đấu thầu hiện hành quy định một số trường hợp được chỉ định thầu như: gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách…

Tuy nhiên, đây lại chính là kẽ hở lớn nhất mà các đối tượng là cán bộ, công chức có quyền hạn trong công tác tổ chức đấu thầu lợi dụng, thông đồng móc ngoặc với các doanh nghiệp bên ngoài để thực hiện chỉ định thầu đối với các gói thầu cấp bách, đặc thù. Điều này có thể thấy rõ qua hàng loạt các vụ án nâng khống giá thiết bị vật tư y tế trong thời gian qua như vụ Việt Á, vụ CDC Hà Nội,...

https://phaply.net.vn/uploads/wp-content/uploads/2021/05/41-4-410x293.jpg

Các đối tượng bị bắt liên quan đến sai phạm tại Bệnh viện Tim Hà Nội

Theo đó, lợi dụng tình hình  đại dịch Covid 19 bùng phát mạnh, cấp bách phải mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên cả nước, các đối tượng đã các đối tượng áp dụng triệt để hình thức chỉ định thầu nhằm mục đích trục lợi mà không phải thông qua sự kiểm duyệt của bất cứ tổ chức có thẩm quyền nào khác.

Bên cạnh đó, Luật đấu thầu cũng có quy định về hạn mức được chỉ định thầu. Theo đó, Điểm e Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu quy định một trong những trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định thầu là gói thầu có giá gói thầu trong hạn mức được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ.

Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu bao gồm: Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; Không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công; Không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.

Điều 33 Luật Đấu thầu quy định kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm. Trường hợp chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm thì lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho một hoặc một số gói thầu để thực hiện trước.

Mặc dù pháp luật có quy định, việc phân chia gói thầu mua sắm, dự án thành các gói thầu hoặc gộp những gói thầu nhỏ lại thành một gói thầu lớn nhưng phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ của dự án, dự toán mua sắm và quy mô gói thầu hợp lý…

Lợi dụng quy định được chia tách hoặc gộp gói thầu, một số đối tượng đã cố tình chia nhỏ gói thầu nhằm mục đích đủ điều kiện hạn mức theo quy định để thực hiện chỉ định thầu. Hoặc ngược lại, các đối tượng gộp nhiều các gói thầu nhỏ khác nhau lại với nhau để tạo ra một gói thầu phức tạp đến mức chỉ một doanh nghiệp cụ thể mới có thể thực hiện và do đó có thể được sử dụng để tránh các thủ tục đấu thầu thực sự cạnh tranh.

Minh chứng cho điều này có thể kể đến như trường hợp sai phạm trong công tác đấu thầu thuốc chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai  được thanh tra tỉnh Gia Lai chỉ ra tại kết luận thanh tra số 09 năm 2019. theo đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (BVĐK Gia Lai) mắc hàng loạt sai phạm. Sai phạm nghiêm trọng nhất là cố ý làm chậm công tác đấu thầu, chia nhỏ các gói thầu để chỉ định thầu trái luật.

Ông Phạm Bá Mỹ - Giám đốc BVĐK Gia Lai - đã tự quyền chia nhỏ các gói thầu, ban hành 1.165 quyết định chỉ định thầu mua vật tư, hóa chất cho từng đợt mua sắm với giá dưới 100 triệu đồng (tổng giá trị các mặt hàng hơn 95 tỉ đồng).

Hay như trong vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) liên quan đến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, quá trình điều tra, xử lý vụ án, các cơ quan tố tụng cũng đã chỉ ra tình trạng chia nhỏ, ‘băm nát’ gói thầu, giao nhiều nhà thầu phụ, thầu thứ cấp không đủ năng lực làm dự án, dẫn đến mất kiểm soát chất lượng.

Hay như mới đây nhất tại TP. Cần Thơ, Thanh tra TP Cần Thơ đã thực hiện thanh tra việc mua sắm và sử dụng các trang thiết bị, vật tư, phương tiện phòng, chống dịch, các loại xét nghiệm chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định Covid-19 tại Sở Y tế và cơ quan, đơn vị có liên quan. Kết quả thanh tra cho thấy, có dấu hiệu chia tách nhỏ gói thầu để tiến hành mua sắm ở một số bệnh viện để thực hiện chỉ định thầu theo quy trình rút gọn. Đáng nói, kết luận thanh tra còn chỉ ra rằng, việc chia nhỏ thành các gói thầu dưới 100 triệu đồng nên không phải trình Sở Tài chính thẩm định giá và trình UBND TP phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu…

2. Can thiệp, cài cắm điều khoản hướng thầu.

Đây là nhóm những thủ đoạn mà các đối tượng có quyền hạn ở những vị trí quyết định trong hoạt động đấu thầu  thường áp dụng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp “sân sau”, “thân hữu” có thể trúng thầu.

Theo đó, mỗi lĩnh vực khác nhau các đối tượng có thể sử dụng một hoặc một số thủ đoạn như: cài cắm các điều khoản có lợi cho một hoặc một số doanh nghiệp tham gia dự thầu; “lập lờ”, “che giấu”, không công khai đầy đủ hồ sơ mời thầu theo quy định; thậm chí có trường hợp còn lợi dụng quyền lực can thiệp thô bạo vào công tác đấu thầu làm sai lệch kết quả đấu thầu…

https://phaply.net.vn/uploads/wp-content/uploads/2021/04/12-5-410x230.jpg

Ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch TP. Hà Nội) bị cáo buộc đã can thiệp thô bạo vào hoạt động đấu thầu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sân sau trúng thầu.

Điển hình như trong các vụ án liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch TP. Hà Nội). Theo đó, trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung có hành vi chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy 3C của Công ty Watch Water - CHLB Đức theo kiểu độc quyền qua Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic để xử lý, duy trì chất lượng hồ trên địa bàn thành phố Hà Nội trái quy định, gây thiệt hại tài sản nhà nước.

Còn tại vụ án vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, cùng một số đơn vị liên quan, ông Chung đã chỉ đạo đình chỉ thầu không đúng thẩm quyền, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu. Cụ thể, ông Chung đã chỉ đạo Sở KH-ĐT Hà Nội đã sửa đổi hồ sơ mời thầu, bổ sung thêm các tiêu chí đánh giá, chỉ có 45% tài liệu hồ sơ gói thầu được đẩy lên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp… thập chí, các đối tượng còn có hành vi thông đồng, thỏa thuận với nhà thầu, tạo lợi thế cho nhà thầu liên danh Nhật Cường - Đông Kinh trúng thầu, gây thiệt hại về tài sản Nhà nước.

Đặc biệt, một số đối tượng còn áp dụng thủ đoạn cho ký gửi, sử dụng trước, sau đó lập các bộ hồ sơ trúng thầu để hợp thức thủ tục mua bán, thanh toán tiền, trái quy định của Luật Đấu thầu. Thủ đoạn này xuất hiện nhiều trong các vụ án liên quan lĩnh vực y tế thời gian vừa qua. Điển hình như trong vụ kít xét nghiệm Việt Á.

3. Giả mạo hoặc sai lệch hồ sơ dự thầu; thiết lập liên minh, “quân xanh, quân đỏ” để thông thầu, quây thầu.

Chính là nhóm thủ đoạn mà các đối tượng là doanh nghiệp thường sử dụng trong các cuộc đấu thầu mua sắm công. Đáng nói là sự thông đồng giữa các nhà thầu dưới hình thức “quân xanh, quân đỏ”, bồi thường hoặc cấp các hợp đồng phụ … thường được sử dụng một cách hết sức tinh vi để đảm bảo rằng các nhà thầu thua cuộc không để lộ hành vi bất hợp pháp cho cơ quan công quyền.

Cụ thể, các đối tượng thường sử dụng nhiều công ty tham gia dự thầu bỏ giá thật cao hoặc hồ sơ dự thầu không đáp ứng điều kiện trúng thầu hoặc tự rút lui khi mở thầu hoặc không tham gia mở thầu… nhằm tạo điều kiện cho một đơn vị trúng thầu.

Như trong vụ việc tham nhũng liên quan đến gói thầu “Số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp năm 2016 tại Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội”, lãnh đạo công ty Đông Kinh, gồm Võ Việt Hùng, Giám đốc và Lê Duy Tuấn, Giám đốc kinh doanh, đã nhờ các công ty cổ phần TECOTEC Group, công ty TNHH công nghệ Thiên Phúc làm “quân xanh”, nộp hồ sơ dự thầu để đảm bảo có đủ số lượng nhà thầu tham gia và bỏ giá thầu khi cần thiết để tạo điều kiện cho Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh trúng thầu.

Hay như trong vụ án mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh liên quan đến cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cơ quan chức năng xác định quá trình tham gia đấu thầu, AIC đã đưa công ty có quan hệ với AIC vào tham gia đấu thầu thiết bị y tế tại Quảng Ninh. Hồ sơ về năng lực chủ chốt của AIC thời điểm này không đạt theo quy định nhưng bà Nhàn đã chỉnh sửa và ký để gửi chủ đầu tư nhằm hợp thức hóa.

Chiêu lập ‘quân xanh’ thông thầu của cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Ảnh 1.

Các vụ án liên quan đến cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn là điển hình của Giả mạo hoặc sai lệch hồ sơ dự thầu; thiết lập liên minh, “quân xanh, quân đỏ” để thông thầu, quây thầu.

Đặc biệt còn có những trường hợp nhiều doanh nghiệp nhỏ không đủ điều kiện dự thầu nhưng để có thể trúng thầu, các đối tượng còn thiết lập liên minh với các doanh nghiệp lớn có đủ năng lực và uy tín thành lập liên doanh để dự thầu. Nhưng thực chất chỉ có doanh nghiệp nhỏ kia thực hiện các gói thầu, còn các doanh nghiệp lớn chỉ cho mượn hồ sơ với mác liên danh.

Không chỉ vậy nhiều trường hợp, các đối tượng còn sử dụng cả đến các thế lực xã hội đen để bảo kê, cản trở, gây áp lực cho các nhà thầu chân chính nhằm thao túng cuộc đấu thầu, làm méo mó công tác đấu thầu, tạo nên những cuộc thầu “nội bộ”, không cạnh tranh, minh bạch.

Có những trường hợp nhiều doanh nghiệp nhỏ không đủ điều kiện dự thầu nhưng để có thể trúng thầu, các đối tượng còn thiết lập liên minh với các doanh nghiệp lớn có đủ năng lực và uy tín thành lập liên doanh để dự thầu. Nhưng thực chất chỉ có doanh nghiệp nhỏ kia thực hiện các gói thầu, còn các doanh nghiệp lớn chỉ cho mượn hồ sơ với mác liên danh. Thậm chí có trường hợp, các đối tượng còn sử dụng cả đến các thế lực xã hội đen để bảo kê, cản trở, gây áp lực cho các nhà thầu chân chính nhằm thao túng cuộc đấu thầu, làm méo mó công tác đấu thầu, tạo nên những cuộc thầu “nội bộ”, không cạnh tranh, minh bạch.

4. Thông đồng móc ngoặc thẩm định giá nhằm nâng khống giá trị gói thầu.

Đây là thủ đoạn được sử dụng trong tất cả các vụ án để các đối có thể trục lợi từ các gói thầu. Theo đó, thẩm định giá là một khâu vô cùng quan trọng trong hoạt động đấu thầu, việc này sẽ quyết định mức chi phí mà ngân sách nhà nước phải chi trả cho các gói thầu mua sắm hàng hoá, thiết bị, dịch vụ...

Tuy nhiên, để giá các gói thầu cao hơn giá trị thực tế vốn có của nó và từ đó trục lợi từ ngân sách sau đó chia chác nhau, các cán bộ đơn vị mời thầu, chủ đầu tư và nhiều doanh nghiệp khác nhau, trong đó đặc biệt là các đơn vị thẩm định giá đã câu kết, thông đồng với nhau “thổi giá” tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực, bằng các chứng thư thẩm định.

Điều này chúng ta có thể nhìn thấy rõ nét nhất trong hàng loạt những vụ án liên quan đến đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch mai, Bệnh viện Tim Hà Nội… các đối tượng đã thông đồng, móc ngoặc với nhau để đưa ra các chứng thư thẩm định giá của các thiết bị, vật tư y tế cao gấp nhiều lần so với giá thị trường. Đặc biệt là vụ án Công ty Việt Á "bắt tay" với giám đốc CDC một loạt địa phương nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 lên đến 45% để trục lợi hàng nghìn tỷ đồng.

Trong các vụ án liên quan đến cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn, kết quả điều tra của cơ quan chức năng cũng xác định các bị can đã có hành vi thông đồng với đơn vị tư vấn thẩm định giá, ban hành chứng thư thẩm định giá theo giá cao hơn thị trường, móc ngoặc với nhà thầu và Công ty AIC để nâng giá thiết bị y tế. Tại dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, trong quá trình lập hồ sơ điều chỉnh dự án, hồ sơ đấu thầu 12 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, các cán bộ thuộc chủ đầu tư, Công ty AIC, đơn vị thẩm định giá đã thông đồng để "thổi giá” thiết bị, gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 152 tỉ đồng.

 

Vụ kít xét nghiệm Việt Á

Thủ đoạn, thông đồng móc ngoặc thẩm định giá nâng khống giá trị gói thầu thể hiện rõ nét nhất trong các vụ án sai phạm trong đấu thầu cung cấp vật tư thiết bị y tế.

Không chỉ lĩnh vực y tế, mà trong hầu hết tất cả các lĩnh vực khác. Điển hình như liên tiếp thời gian gần đây, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố hàng chục bị can ở Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Điện Biên do có hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Các vi phạm tại những địa phương này đều liên quan đến việc thực hiện các dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non và tiểu học. Đặc biệt, điểm chung về các sai phạm ở các tỉnh là cơ quan quản lý thông đồng với đơn vị thẩm định giá.

Kiến nghị

Qua nghiên cứu các vụ án liên quan đến sai phạm trong hoạt động đấu thầu, Tạp chí điện tử Pháp lý đã từng đăng tải nhiều bài viết phân tích và chỉ ra nhiều lỗ hổng lớn trong trong các quy định pháp luật về đấu thầu và các quy định pháp luật liên quan.

Cụ thể, lỗ hổng trong các quy định về chỉ định thầu trong Luật đấu thầu đang tạo điều kiện thuận lợi để cho các đối tượng áp dụng hình thức chỉ định thầu để phục vụ cho động cơ trục lợi.

Những lỗ hổng trong các quy định về thẩm định giá trong Luật giá tạo điều kiện cho các đối tượng câu kết thông đồng để “thổi giá” tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực các gói thầu, làm tăng chi phí các gói thầu mua sắm thiết bị, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước.

Cả những những bất cập, hạn chế trong các quy định về cơ chế giám sát, kiểm tra hoạt động đấu thầu; cơ chế kiểm soát quyền lực của các bộ, đặc biệt kiểm soát cho được quyền lực của những quan chức có quyền quyết định đấu thầu… hạn chế sự lạm quyền của cán bộ, quan chức bảo kê doanh nghiệp thiết lập liên minh, “quân xanh, quân đỏ” để thông thầu, quây thầu…

Theo đó, hầu hết những bất cập, lỗ hổng của quy định pháp luật đều đã được nhận diện. Đồng thời, qua những nghiên cứu đó, chúng tôi đã đưa ra những kiến nghị giải pháp hoàn thiện pháp luật, bịt kín những kẽ hở pháp luật.

Và hiện nay, các cơ quan chức năng, các nhà làm luật cũng đang gấp rút sửa đổi hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động đấu thầu. Đặc biệt là sửa đổi Luật Đấu thầu và Luật giá nhằm bịt kín những kẽ hở lớn của pháp luật đang tạo điều kiện thuận lợi để cho các đối tượng lợi dụng, “lách luật” để trụng lợi từ hoạt động đấu thầu, mua sắm công trong thời qua.

Điều mà chúng tôi muốn nói đến ở đây chính là, việc hoàn thiện pháp luật bị kín kẽ hở là vô cùng cấp thiết. Tuy nhiên, dù pháp luật có kín kẽ đến mấy thì cũng rất khó để ngăn chặn hết được những đối tượng liều lĩnh, cố tình vi phạm pháp luật để thu lợi bất chính. Và nếu không kịp thời phát hiện và ngăn chặn thì Ngân sách Nhà nước sẽ vẫn bị thiệt hại.

Do đó, để ngăn chặn những tiêu cực trong đấu thầu, mua sắm công, theo chúng tôi, thời gian tới, song song với việc nhanh chóng sửa đổi bổ sung, hoàn thiện pháp luật nhằm bịt các lỗ hổng đang tạo điều kiện cho các đối tượng khai thác thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi, các cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm sớm phát hiện và ngăn chặn hành vi tiêu cực.

Theo đó, cần tăng cường các hoạt động giám sát của xã hội, của các tổ chức xã hội.. đặc biệt giám sát của báo chí. Điều này sẽ góp phần bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong đấu thầu.

Đáng lưu ý, để sớm phát hiện những hành vi sai phạm trong hoạt động đấu thầu, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu ban hành những bộ nhận diện hành vi sai phạm trong đấu thầu đối với từng lĩnh vực cụ thể. Điều này sẽ giúp cho bất kỳ ai (cá nhân hoặc tổ chức) có thể dễ dàng nhận diện những hành vi sai phạm. Bởi hiện nay chưa có bộ nhận diện này, Luật Đấu thầu hiện hành và cả dự thảo Luật Đầu thầu (sửa đổi) cũng chưa có quy định về vấn đề này.

Cuối cùng, cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân nếu phát hiện có hành vi phạm trong hoạt động đấu thầu, thông đồng, nâng khống, trục lợi./.

Đinh Chiến – Bùi Lộc – Thái Dương

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhan-dien-thu-doan-pho-bien-cua-toi-pham-trong-linh-vuc-dau-thau-va-kien-nghi-giai-phap-phong-chong-a255846.html