Nhận diện những lỗ hổng pháp luật về doanh nghiệp, đất đai và quản lý sử dụng tài sản công qua vụ bán rẻ “đất vàng” xảy ra tại Bình Dương.

(Pháp lý) – 'Đại án' gây thất thoát trên 5.700 tỉ đồng cho NSNN xảy ra ở Bình Dương mới đây đã được TANDTP Hà Nội đưa ra xét xử. Nghiên cứu “đại án” đặc biệt nghiêm trọng này và soi chiếu với các qui định pháp luật hiện tại, chúng tôi nhận thấy còn không ít bất cập, lỗ hổng pháp luật về doanh nghiệp; đất đai và quản lý sử dụng tài sản công cần được các cơ quan chức năng khẩn trương sửa đổi.

Khu đất 43 ha có hai mặt tiền đường, được xem là đất vàng ở Bình Dương. Ảnh: Phước Tuấn

Khu đất vàng 43ha ở Bình Dương bị tư nhân thâu tóm với giá rẻ mạt

Ba nhóm sai phạm chính

Trên cơ sở nghiên cứu vụ bán rẻ “đất vàng” Bình Dương liên quan đến cựu Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Nam và dàn lãnh đạo Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Tổng công ty 3/2),  chúng tôi nhận thấy có 3 nhóm sai phạm chính của các đối tượng đã gây thiệt hại cho ngân sách 5.700 tỉ.

Thứ nhất, áp giá đất sai, thiệt hại trăm tỉ. Theo nội dung vụ án, năm 2012 và 2013, với tư cách phó chủ tịch UBND tỉnh, bị cáo Trần Văn Nam (sau này là bí thư Tỉnh ủy) lần lượt ký các quyết định giao hai khu đất 43 ha và 145 ha cho Tổng Công ty 3/2 theo hình thức có thu tiền sử dụng đất.

Theo quy định, đơn giá để tính tiền sử dụng đất phải áp dụng tại thời điểm giao đất năm 2012, nhưng Cục thuế Bình Dương lại đề xuất áp đơn giá ở thời điểm năm 2006. Đúng ra, Tổng Công ty 3/2 phải nộp số tiền sử dụng đất là hơn 790 tỉ đồng, song với việc áp mức giá sai thời điểm nên công ty này chỉ phải nộp 29,5 tỉ đồng mà vẫn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng cho hai khu đất.

Ông Trần Văn Nam bị cáo buộc biết rõ đơn giá đất để áp dụng thu tiền phải căn cứ tại thời điểm giao đất, thế nhưng bị cáo vẫn dựa vào tham mưu trái quy định của cấp dưới để ký công văn với nội dung chấp thuận đơn giá đất, từ đó xác định tiền sử dụng đất mà Tổng Công ty 3/2 phải nộp thấp hơn nhiều lần giá trị thực tế.

Chuỗi hành vi trên khiến ngân sách chỉ thu về được gần 4% tiền sử dụng đất đúng giá trị, gây thiệt hại hơn 760 tỉ đồng.

Thứ hai, cấu kết công tư thâu tóm đất công. Năm 2015, UBND tỉnh Bình Dương ban hành quyết định cổ phần hóa Tổng Công ty 3/2. Tổng Công ty phải chuyển giao khu đất 43 ha về Công ty đầu tư và quản lý Dự án Bình Dương (Công ty Impco – trực thuộc Tỉnh ủy) và được giữ lại khu đất 145 ha để sử dụng sau khi cổ phần hóa.

Tuy nhiên, với động cơ cá nhân, thay vì chuyển khu đất 43 ha về cho Công ty Impco như phương án đã được Tỉnh ủy phê duyệt, Nguyễn Văn Minh (cựu chủ tịch HĐQT Tổng Công ty 3/2) lại chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất này cho Công ty Tân Phú – nơi con rể của bị cáo có vốn góp.

Lẽ ra, các lãnh đạo tỉnh Bình Dương, bao gồm bị cáo Trần Văn Nam (cựu bí thư Tỉnh uỷ) phải yêu cầu Tổng Công ty 3/2 huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng khu đất 43 ha để chuyển giao khu đất cùng với 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú về cho Công ty Impco. Thế nhưng, nhóm bị cáo lại đồng ý với đề xuất của Tổng Công ty 3/2 về việc chuyển nhượng cả hai cho công ty tư nhân.

Hậu quả, nhà nước bị thiệt hại tài sản là quyền sở hữu khu đất 43 ha và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú, với số tiền thất thoát là hơn 984 tỉ đồng.

 

Vụ bán rẻ đất vàng Bình Dương: Bị cáo nghẹn ngào nói đã khắc phục hoàn toàn

Các bị cáo tại phiên toà xét xử vụ án sai phạm bán rẻ đất vàng Bình Dương

Thứ ba, “bỏ sót” tài sản khi thực hiện cổ phần hoá , thiệt hại hơn 4.000 tỉ. Để thực hiện dự án trên khu đất 145 ha, Nguyễn Văn Minh sắp xếp cho hai công ty “sân sau” tham gia vào liên doanh Công ty Tân Thành, trong đó Tổng Công ty 3/2 góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất.

Theo phương án được phê duyệt, khu đất 145 ha phải được tính vào giá trị Tổng Công ty 3/2 khi thực hiện cổ phần hóa. Thế nhưng, bị cáo Minh lại chỉ đạo cấp dưới sắp xếp khu đất vào mục “chờ thanh lý” – tức là loại ra khỏi giá trị doanh nghiệp.

Song song với việc cổ phần hóa, bị cáo Minh yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng liên doanh tại Công ty Tân Thành. Hậu quả, quyền sử dụng khu đất 145 ha bị đăng ký biến động từ Tổng Công ty 3/2 sang Công ty Tân Thành.

Bị cáo Trần Thanh Liêm, khi ấy là chủ tịch UBND tỉnh, dù nhận thức khu đất 145 ha phải được đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, nhưng vẫn ký quyết định phê duyệt giá trị Tổng Công ty 3/2 không bao gồm giá trị sử dụng khu đất này.

Cơ quan tố tụng xác định hành vi phạm tội của các bị cáo gây thiệt hại hơn 4.000 tỉ đồng.

Nhận diện những lỗ hổng pháp luật về doanh nghiệp, đất đai và quản lý sử dụng tài sản công

Nghiên cứu vụ án, chúng tôi nhận thấy có không ít kẽ hở trong các quy định pháp luật Doanh nghiệp, Đất đai, Quản lý sử dụng tài sản công đã “ vô tình” tiếp tay cho các sai phạm.

1. Lỗ hổng trong các quy định pháp luật về Đất đai. Theo đó, pháp luật hiện hành đang giao cho UBND cấp tỉnh, thành phố quá nhiều quyền, trong đó có quyền quyết định giá đất. Điều này vô hình chung đang tạo ra những kẽ hở để một số tổ chức, cá nhân lợi dụng, lách luật nhằm thâu tóm đất công với giá rẻ mạt.

Cụ thể, Luật Đất đai 2013 quy định, nhà nước trao quyền sử dụng đất bằng quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Đồng thời, Luật cũng quy định UBND tỉnh quyết định giá đất cụ thể. Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc xác định giá đất cụ thể.

Theo Điều 114, trong quá trình thực hiện giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc xác định giá đất cụ thể, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể… Căn cứ kết quả tư vấn xác định giá đất, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh trình Hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định. Hội đồng thẩm định giá đất gồm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Chủ tịch và đại diện của cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất. Mặc dù, Điều 115 và Điều 116 có đề cập đến tư vấn giá đất nhưng cũng chưa có quy định bảo đảm cho tổ chức tư vấn giá đất thực sự có vị trí độc lập.

Như vậy việc quyết định quyền sử dụng đất (là một quyền tài sản) bằng một quyết định hành chính, do một người là đại diện cơ quan hành chính nhà nước ban hành . Cơ chế này dễ tạo ra cơ chế xin – cho, dễ nảy sinh tham nhũng.

Bên cạnh đó, việc giao UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể. Nhưng lại quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá. Quy định như vậy dễ dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong quyết định giá đất. Điều đó cũng đồng nghĩa, việc xác định giá đất cụ thể của UBND cấp tỉnh không có cơ quan nào kiểm duyệt, hay nói cách khác không bị phản biện.

Sự điều chỉnh quá “thoáng” của các quy định pháp luật nêu trên là hệ quả tất yếu để hình thành nên sản phẩm là các giá đất cụ thể theo kiểu áp đặt từ phía UBND cấp tỉnh, chính xác hơn từ ý chí của người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh hoặc một ê kíp lãnh đạo cấp tỉnh. Nếu như người đứng đầu có tâm, có tầm và lo nghĩ cho cái chung thì giá đất cụ thể sẽ hình thành đúng bản chất, phù hợp với với giá phổ biến trên thị trường. Ngược lại, giá đất cụ thể tất sẽ bị “dìm” để chảy vào túi nhóm lợi ích, còn ngân sách thất thu.

Cụ thể trong vụ án bán rẻ ‘đất vàng’ Bình Dương chính bị cáo Trần Văn Nam với tư cách phó chủ tịch UBND tỉnh, (sau này là bí thư Tỉnh ủy) lần lượt ký các quyết định giao hai khu đất 43 ha và 145 ha cho Tổng Công ty 3/2 theo hình thức có thu tiền sử dụng đất. Đáng ra, đơn giá để tính tiền sử dụng đất phải áp dụng tại thời điểm giao đất (tức là năm 2012), nhưng Tổng Công ty 3/2 chỉ phải nộp tiền sử dụng đất áp theo đơn giá ở thời điểm năm 2006.

2, Lỗ hổng trong các qui định góp vốn QSD đất để kinh doanh. Để tạo điều kiện cho những cá nhân, doanh nghiệp có thể tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai. Đặc biệt những cá nhân, doanh nghiệp có quỹ đất nhưng không có tài chính có thể kết hợp với những cá nhân doanh nghiệp có nguồn tài chính dồi dào nhưng lại không có quỹ đất cùng nhau phát triển sản xuất kinh doanh, gia tăng giá trị sử dụng nguồn lực đất đai. Luật đất đai và các luật khác đều cho phép sử dụng quyền sử dụng đất để góp vốn kinh doanh.

Theo đó, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định, góp vốn là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu của công ty; tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất… Theo điều 36 Luật Doanh nghiệp, người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Khoản 3 Điều 10, Luật Đất đai quy định: Góp vốn bằng quyền sử dụng đất là một trong những cách thức chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác. Đồng thời, khoản 1 điều 99 cũng quy định rõ, người nhận góp vốn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Như vậy, tài sản là quyền sử dụng đất có thể dùng để góp vốn vào doanh nghiệp, quyền sử dụng đất đó được chuyển từ người góp vốn sang cho doanh nghiệp và trở thành tài sản của doanh nghiệp, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, đây lại chính là kẽ hở rất lớn để nhóm lợi ích biến đất công về tay của tư nhân với giá rẻ mạt, với chiêu thức phổ biến là qua con đường góp vốn thành lập những doanh nghiệp liên doanh công – tư, rồi thoái vốn bằng cách chuyển nhượng cổ phần nhưng lại cố tình bỏ qua giá trị đất, không đưa vào giá trị doanh nghiệp

Điều này có thể thấy rõ trong vụ án này, khu đất 145 ha ở TP Thủ Dầu Một được tỉnh Bình Dương giao cho Tổng công ty 3/2. Bị cáo Minh ban đầu dùng đất để góp vốn thực hiện dự án với hai nhà đầu tư Hàn Quốc. Song sau khi hai công ty Hàn Quốc rút lui, bị cáo Minh móc nối để hai doanh nghiệp sân sau của vợ chồng bị cáo Cường - Ý và con gái Thục Anh, là Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát Triển "thế chân", cùng Tổng công ty 3/2 lập liên doanh Tân Thành.

Điều đáng nói là, khi thực hiện cổ phần hoá Công ty 3/2, theo quy định khu đất 145 ha phải được tính vào giá trị Tổng Công ty 3/2. Thế nhưng, bị cáo Minh lại chỉ đạo cấp dưới sắp xếp khu đất vào mục “chờ thanh lý” – tức là loại ra khỏi giá trị doanh nghiệp.

Tài sản là quyền sử dụng đất có thể dùng để góp vốn vào doanh nghiệp, quyền sử dụng đất đó được chuyển từ người góp vốn sang cho doanh nghiệp và trở thành tài sản của doanh nghiệp, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, đây lại chính là kẽ hở rất lớn để nhóm lợi ích biến đất công về tay của tư nhân với giá rẻ mạt, với chiêu thức phổ biến là qua con đường góp vốn thành lập những doanh nghiệp liên doanh công – tư, rồi thoái vốn bằng cách chuyển nhượng cổ phần nhưng lại cố tình bỏ qua giá trị đất, không đưa vào giá trị doanh nghiệp

Cũng chiêu thức tương tự, các bị cáo đã lập công ty liên doanh liên kết để thực hiện dự án tại khu đất này sau đó chuyển nhượng lòng vòng để thâu tóm khu đất 43h. Theo đó, khoảng tháng 3/2010, mặc dù dự án tại khu đất 43ha vẫn trong giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng song Nguyễn Văn Minh vẫn trao đổi với Nguyễn Đại Dương, để tìm đối tác hợp tác. Từ đó hai bố con Dương bàn bạc thành lập liên doanh để có pháp nhân thực hiện.

Thực hiện kế hoạch, Dương lập Công ty Âu Lạc, sau đó dùng pháp nhân Âu Lạc ký với Tổng Công ty 3/2 thành lập liên doanh Công ty Tân Phú. Mục đích để nhận chuyển nhượng khu đất 43 ha của Tổng công ty 3/2 với chỉ giá 570.000 đồng/m2, bằng đơn giá của 6 năm trước. Trong khi đó, khu đất này lẽ ra, theo quyết định mới, phải chuyển về cho công ty của Tỉnh uỷ Bình Dương để quản lý.

Chuyển nhượng xong lô đất, bị cáo Minh lại chỉ đạo Tổng công ty 3/2 chuyển nhượng 30% vốn góp từ Tân Phú sang cho Âu Lạc. Bằng các thủ tục lòng vòng, Công ty Tân Phú đã sở hữu 43 ha. Khiến cho khu "đất vàng" rơi vào tay công ty tư nhân.

3, Hạn chế trong nhiều quy định pháp luật khác của Luật doanh nghiệp, Luật quản lý sử dụng tài sản công,…

Điển hình như tại thời điểm đó, theo quy định Luật doanh nghiệp 2014, tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam gồm: Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;…

Tuy nhiên Luật lại không có quy định về việc thành lập doanh nghiệp của những người thân, người có liên quan đến cá nhân tổ chức bị cấm thành lập doanh nghiệp. Điều đáng nói là, ngay cả đến Luật doanh nghiệp 2020 cũng không có quy định này.

Bên cạnh đó, quy định về cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng quá dễ dãi. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, người đăng ký kinh doanh khi nộp hồ sơ, giấy tờ thì chỉ cần hồ sơ hợp lệ (khai đầy đủ và người khai tự chịu trách nhiệm) là được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không buộc cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải kiểm tra tính hợp pháp giấy tờ.

Do vậy, nhiều trường hợp đăng ký kinh doanh nhờ người khác đứng tên hộ, thậm chí là cung cấp hồ sơ giả nhưng vẫn được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đây là lỗ hổng rất lớn khiến cho các đối tượng có thể dễ dàng nhờ người khác để thực hiện đăng ký doanh nghiệp hoặc đứng tên góp vốn thành lập doanh nghiệp. 

Luật DN hiện tại không có quy định về việc thành lập doanh nghiệp của những người thân, người có liên quan đến cá nhân tổ chức bị cấm thành lập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quy định về cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng quá dễ dãi. Do vậy, nhiều trường hợp đăng ký kinh doanh nhờ người khác đứng tên hộ, thậm chí là cung cấp hồ sơ giả nhưng vẫn được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đây là lỗ hổng rất lớn khiến cho các đối tượng có thể dễ dàng nhờ người khác để thực hiện đăng ký doanh nghiệp hoặc đứng tên góp vốn thành lập doanh nghiệp. Rồi lợi dụng pháp nhân DN để thực hiện vào những phi vụ phi pháp.

Điều này thấy rõ trong vụ án này, theo đó để nhận chuyển nhượng 43ha đất vàng tại Bình Dương từ bố vợ. Nguyễn Đại Dương đã lập công ty Công ty Âu Lạc, nhờ Dương Đình Tâm đứng tên hộ 45% cổ phần và giao cho Nguyễn Quốc Hùng làm tổng giám đốc. Nhóm của Dương tiếp tục dùng pháp nhân Âu Lạc ký hợp đồng hợp tác với Tổng công ty 3-2 thành liên doanh Công ty Tân Phú để nhận chuyển nhượng khu đất 43ha với giá rẻ.

Đáng chú ý, tại tòa Dương Đình Tâm cho biết mình chỉ là người bán thịt heo, được Dương nhờ đứng tên cổ phần của công ty, chứ không biết gì về hoạt động cũng như mua bán đất của công ty.

Cũng với thủ đoạn này, Nguyễn Văn Minh đã cùng con gái Thục anh thâu tóm 145ha đất về doanh nghiệp sân sau của mình. Theo cáo buộc, Thục Anh sở hữu 51% cổ phần tại Công ty Phát Triển. Tuy nhiên tạo Phiên toà, Thục Anh khai chỉ đứng tên ở Công ty Phát Triển thay cho bố và không tham gia điều hành. Việc sắp xếp nhân sự, nguồn tiền ra vào, chi tiêu... đều do Nguyễn Văn Minh điều phối…

Kiến nghị

Phân tích hành vi vi phạm pháp luật của các bị can trong vụ án cho thấy pháp luật đang tồn tại không ít lỗ hổng đã vô tình tiếp tay cho sai phạm. Theo chúng tôi, sẽ rất khó để ngăn ngừa hành vi tương tự xảy ra trong tương lai, nếu như không bịt được lỗ hổng của pháp luật. Do đó, để ngăn ngừa hành vi tương tự, các cơ quan chức năng cần phải chú trọng hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đất đai, quản lý tài sản công, doanh nghiệp  và các quy định pháp luật về kinh tế khác có liên quan… để lấp đi những lỗ hổng mà các đối tượng có thể lợi dụng để trục lợi.

1, Cần phải kịp sửa đổi Luật Đất đai, để bịt các lỗ hổng như đã phân tích ở trên. Trong đó đặc biệt cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến cơ chế giao đất, cho thuê đất… Đồng thời, phải nghiên cứu sửa đổi toàn diện các nội dung được cho là kẽ hở của điều luật trực tiếp điều chỉnh và điều luật có liên quan trong quy trình xác định giá đất cụ thể. Phải có quy định hạn chế quyền lực của người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh. Hay nói cách khác cần phải sửa đổi Điều 114 Luật Đất đai 2013 theo hướng, giá đất cụ thể trước khi quyết định ban hành, UBND tỉnh cũng bắt buộc phải thông qua HĐND cùng cấp.

2, Sửa đổi hoàn thiện chính sách về quản lý tài sản công theo hướng công khai, minh bạch hơn. Đối với những DNNN nắm giữ đất ở vị trí đắc địa không còn sử dụng hoặc thuộc diện phải di dời thì buộc phải trả lại đất cho Nhà nước, bàn giao lại cho địa phương hoặc các bộ ngành quản lý, không cho phép góp vốn bằng quyền sử dụng đất để khai thác quỹ đất hiện có. Khi thoái vốn phải tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp và sát với giá thị trường. Trong trường hợp muốn bán lại, nhượng lại cho chủ đầu tư khác phải tổ chức đấu thầu, đấu giá theo đúng quy định.

3, Cuối cùng, vấn đề cấp thiết đặt ra là sớm phải ban hành cơ chế kiểm soát quyền lực của quan chức, đặc biệt phải thiết kế những điều khoản điều chỉnh thật hữu hiệu để ngăn ngừa, chặn đứng không cho những đối tượng cơ hội, biến chất, thoái hóa, có tư tưởng tư lợi kiểu như Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Đại Dương… lọt vào các doanh nghiệp nhà nước, “trèo cao chui sâu” vào bộ máy nhà nước. Hay nói cách khác là phải thiết kế cho được các quy định để kiểm soát hiệu quả quyền lực, đặc biệt là kiểm soát quyền lực “ mềm” của quan chức.

Đinh Chiến – Bùi Lộc

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhan-dien-nhung-lo-hong-phap-luat-ve-doanh-nghiep-dat-dai-va-quan-ly-su-dung-tai-san-cong-qua-vu-ban-re-dat-vang-xay-ra-tai-binh-duong-a255833.html