Vụ kiện hành chính đầu tiên về quyền tiếp cận thông tin và quyền được tiếp cận thông tin của công dân hiện nay.

(Pháp lý). Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018 đã quy định rõ về trách nhiệm, cách thức để người dân có thể tiếp cận với thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Đây là đạo luật mới với nhiều quy định tiến bộ, cụ thể hóa các quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định. Nghiên cứu từ thực tế thời gian qua cho thấy người dân đã và đang thực hiện Quyền của mình để yêu cầu cơ quan nhà nước có trách nhiệm phải cung cấp thông tin.

Quyền tiếp cận thông tin của công dân Việt Nam hiện nay

Vụ kiện hành chính đầu tiên về quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Mới đây, ngày 16/8, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên xử phúc thẩm vụ kiện hành chính đầu tiên về quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Theo đó, HĐXX đã chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh Khánh Hòa và một phần kháng cáo của ông Nguyễn Văn Bình, buộc UBND tỉnh này "phải cung cấp thông tin là giấy chứng nhận đầu tư sân golf 18 lỗ của Công ty Hoàng Cầu cho ông Bình theo phiếu yêu cầu ngày 13/4/2020".

Theo bản án, từ năm 2000 gia đình ông Bình bị ảnh hưởng bởi việc UBND các cấp tại Khánh Hòa ra quyết định thu hồi đất, giao cho Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Hoàn Cầu (Công ty cổ phần Hoàn Cầu) thực hiện dự án Khu du lịch - giải trí Sông Lô (nay là tổ hợp du lịch Diamond Bay resort & spa Nha Trang). Cho rằng việc thu hồi đất này trái quy định pháp luật, ông Bình liên tục khiếu nại nhưng 20 năm qua chưa được giải quyết thỏa đáng.

Ngày 13/4/2020, ông Bình có phiếu yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa cung cấp thông tin, trong đó có Giấy chứng nhận đầu tư sân golf do tỉnh cấp cho Công ty Hoàn Cầu. Đây là tài liệu, thông tin ông Bình dùng để cung cấp cho cơ quan chức năng giải quyết khiếu nại. Đề nghị không được đáp ứng nên ngày 13/5/2020 ông Bình khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh. Hơn một tháng sau, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ký văn bản thông báo không thể cung cấp các thông tin cho ông Bình do "việc cung cấp Giấy chứng nhận đầu tư sân golf của Công ty Hoàn Cầu xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp".

Không đồng ý, ông Bình khởi kiện, đề nghị tòa tuyên hủy văn bản trên của Chủ tịch tỉnh, đồng thời buộc UBND tỉnh phải cung cấp thông tin cho công dân theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.

Quyền được tiếp cận thông tin của công dân hiện nay

Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018 quy định về trách nhiệm, cách thức để người dân có thể tiếp cận với thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, đây được xem là đạo luật mới với nhiều quy định tiến bộ, cụ thể hóa các quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định.

Quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin:

- Theo đó, Công dân có quyền:  Được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời;  Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin.

- Công dân có nghĩa vụ:  Tuân thủ quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin; Không làm sai lệch nội dung thông tin đã được cung cấp;  Không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác khi thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Những thông tin nào được tiếp cận ?

Luật Tiếp cận thông tin quy định, công dân được tiếp cận thông tin bằng 2 cách thức: Tự do tiếp cận thông tin được cơ quan nhà nước công khai và yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin. Trong đó, thông tin phải được công khai gồm: Thông tin mà pháp luật quy định phải công khai; thủ tục hành chính và quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước...

Về phạm vi thông tin được tiếp cận, luật quy định công dân được tiếp cận tất cả thông tin của cơ quan nhà nước theo quy định của luật (trừ thông tin công dân không được tiếp cận và thông tin tiếp cận có điều kiện). Ngoài ra, căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước chủ động công khai thông tin khác do mình tạo ra hoặc nắm giữ.

Cách thức cung cấp thông tin

Luật Tiếp cận thông tin quy định, tùy trường hợp cụ thể mà trình tự, thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin của công dân và cách thức cơ quan nhà nước cung cấp thông tin cũng sẽ có sự thay đổi.

Theo đó, trường hợp cung cấp thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin: Đối với thông tin đơn giản, có sẵn có thể cung cấp ngay. Với thông tin phức tạp, cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó hoặc phải có ý kiến của cơ quan khác thì chậm nhất là 10 ngày làm việc. Trường hợp cần gia hạn tìm kiếm thì tối đa không quá 10 ngày làm việc. Người yêu cầu cung cấp thông tin được trực tiếp đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu…

Đối với trường hợp cung cấp thông tin qua mạng điện tử: Đối với thông tin đơn giản, có sẵn thì chậm nhất là 3 ngày làm việc; với thông tin phức tạp, cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó hoặc phải có ý kiến của cơ quan khác thì chậm nhất là 15 ngày làm việc. Trường hợp cần gia hạn thì tối đa không quá 15 ngày làm việc. Việc cung cấp thông tin qua mạng điện tử được thực hiện bằng các cách thức như: gửi tập tin đính kèm thư điện tử; cung cấp mã truy cập một lần (chỉ dẫn địa chỉ truy cập để tải thông tin).

Còn trong trường hợp cung cấp thông tin thông qua dịch vụ bưu chính, fax: Đối với thông tin đơn giản, có sẵn thì chậm nhất là 5 ngày làm việc. Các thông tin phức tạp, cần tập hợp hoặc phải có ý kiến thì chậm nhất là 15 ngày làm việc. Trường hợp cần gia hạn thì tối đa không quá 15 ngày làm việc…

Thông tin công dân không được tiếp cận

- Thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật.

Khi thông tin thuộc bí mật nhà nước được giải mật thì công dân được tiếp cận.

- Thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ.

Thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện

- Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh được tiếp cận trong trường hợp chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý.

- Thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được tiếp cận trong trường hợp được người đó đồng ý; thông tin liên quan đến bí mật gia đình được tiếp cận trong trường hợp được các thành viên gia đình đồng ý.

Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, người đứng đầu cơ quan nhà nước quyết định việc cung cấp thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan mà không cần có sự đồng ý theo quy định tại mục 1 và 2 nêu trên.

 

Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin.

2. Cung cấp hoặc sử dụng thông tin để chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại chính sách đoàn kết, kích động bạo lực.

3. Cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

4. Cản trở, đe dọa, trù dập người yêu cầu, người cung cấp thông tin.

 

Lê Phúc  - Trần Dương

Link nội dung: https://phaply.net.vn/vu-kien-hanh-chinh-dau-tien-ve-quyen-tiep-can-thong-tin-va-quyen-duoc-tiep-can-thong-tin-cua-cong-dan-hien-nay-a255816.html