Khuôn khổ pháp lý cơ chế thử nghiệm Fintech trong lĩnh vực ngân hàng: Những vấn đề cần quan tâm

(Pháp lý) -  Sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh chóng của công nghệ tài chính (Fintech) đã khiến các cơ quan quản lí nhà nước về ngân hàng của các quốc gia trong đó có Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức trong công tác quản lí, giám sát do những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố, bảo mật thông tin, sử dụng trái phép thông tin cá nhân... Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ “kép” đặt ra đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa phải đảm bảo mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhưng đồng thời phải đảm bảo duy trì sự ổn định thị trường tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

image001-1658118669.jpg
Ảnh minh họa

Fintech phát triển thách thức ngân hàng

Tại Việt Nam đến nay các hoạt động của công ty cung ứng giải pháp Fintech, cho vay ngang hàng (P2P lending), mô hình thanh toán mới, chuyển tiền xuyên biên giới, chia sẻ dữ liệu người dùng qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open APIs)... đều chưa có qui định pháp lý cụ thể để điều chỉnh. Theo đó đối mặt với nhiều rủi ro, như: Rủi ro lạm dụng thị trường, rủi ro bảo mật và rò rỉ dữ liệu, rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng , rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố, rủi ro hoạt động đòi nợ phi pháp…

Trong khi đó theo NHNN, vài năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự hình thành và phát triển của các công ty Fintech tăng nhanh chóng từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến khoảng 200 công ty ở thời điểm hiện tại với nhiều mảng, lĩnh vực hoạt động khác nhau như thanh toán, cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng, quản lý tài chính cá nhân… Trong số đó, các công ty hoạt động trong lĩnh vực thanh toán chiếm tỷ trọng lớn với 47 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép, còn trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P Lending) là khoảng 100 công ty với nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt trong lĩnh vực Fintech chứng khoán, một số doanh nghiệp hoạt động đã có những bước tiến mạnh mẽ. Trong đó, có thể kể tới thương vụ Finhay thâu tóm 96% cổ phần CTCP Chứng khoán Vina (VNSC) vào tháng 12/2021. Finhay là nền tảng cho phép khách hàng tích luỹ và đầu tư chỉ với số tiền từ 50.000 đồng. Tháng 6/2022, MoMo cũng đã hoàn tất thương vụ thâu tóm 49% cổ phần của một công ty chứng khoán, cụ thể là CTCP Chứng khoán CV (CVS). MoMo trước đó cũng đã tiến hành ký kết hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam triển khai sản phẩm đầu tư chứng chỉ quỹ trực tiếp trên ví điện tử.

Các mảng, lĩnh hoạt động của các công ty Fintech kể trên đều là mới mẻ, hầu hết hiện chưa có khung pháp lý toàn diện hoặc quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh, do đó tiềm ẩn rủi ro đối với các chủ thể tham gia thị trường như các tổ chức tài chính truyền thống, khách hàng sử dụng dịch vụ và chính bản thân doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp Fintech. 

Thời gian qua, cơ quan chức năng liên tục có các cảnh báo nguy cơ biến tướng tín dụng đen của hoạt động cho vay trên nền tảng công nghệ được thiết kế và thực hiện dựa trên ứng dụng Fintech do công ty P2P Lending thực hiện với vai trò trung gian kết nối người đi vay với người cho vay. Hàng loạt các App cho vay tiền trực tuyến xuất hiện công khai với những lời mời chào rất hấp dẫn, kèm theo thủ tục vay tiền rất đơn giản nhằm lôi kéo người vay tham gia. Số tiền họ nhận được thấp hơn nhiều so với số tiền vay và cũng sẽ phải đối mặt với vô vàn kiểu khủng bố tinh thần, đe dọa nếu chẳng may không trả nợ đúng hạn. 

Trong dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế gửi các bộ, cơ quan ngang bộ lấy ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cũng đưa ra cảnh báo về hoạt động P2P Lending của nước ngoài hiện đang gia tăng hoạt động tại Việt Nam, có thể gây rủi ro, trong khi nhiều nước đang tăng cường quản lý, thắt chặt và giám sát chặt chẽ. Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua, cơ quan chức năng liên tục triệt phá các đường dây cho vay nặng lãi, tín dụng đen qua các ứng dụng cho vay trực tuyến trên mạng xã hội…

Từ thực trang trên, rất cần sớm xây dựng một khung khổ quản lý dưới hình thức Nghị định quy định đối với hoạt động Fintech nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nhân danh Fintech, bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ; đồng thời quá trình vận hành khung khổ này cung cấp cơ sở thực tiễn để các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành, hoàn thiện khung khổ pháp lý, ban hành quy định quản lý theo hướng tạo thuận lợi, thích ứng đối với hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng trong thời gian tới.

Theo đó, NHNN cho biết đang nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng thông qua việc nghiên cứu xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Dự kiến Nghị định sẽ được NHNN trình Chính phủ ban hành trong năm 2022. 

Điều kiện và tiêu chí tham gia Cơ chế thử nghiệm 

Trọng tâm của Dự thảo Nghị định tập trung thúc đẩy các giải pháp sáng tạo, đồng thời đảm bảo kiểm soát rủi ro, bảo vệ người tiêu dùng và duy trì ổn định tài chính. Theo đó, các giải pháp Fintech trong lĩnh vực ngân hàng được phép thử nghiệm tại Cơ chế thử nghiệm gồm những lĩnh vực như cấp tín dụng trên nền tảng công nghệ, chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng (API). Thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech tối đa là 02 năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, tính từ thời điểm được NHNN cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm.

image002-1658118669.jpg
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Về điều kiện và tiêu chí tham gia Cơ chế thử nghiệm đối với giải pháp Fintech: (i) Là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam; không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản theo quyết định đã được ban hành; không thuộc nhóm tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt theo Luật Các tổ chức tín dụng; (ii) Người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức đề nghị tham gia Cơ chế thử nghiệm phải có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc lĩnh vực phụ trách. Đội ngũ cán bộ thực hiện giải pháp Fintech thử nghiệm có trình độ chuyên môn về lĩnh vực đảm nhiệm.
 
Dự thảo Nghị định cũng nêu rõ giải pháp Fintech đề nghị tham gia Cơ chế thử nghiệm phải thỏa mãn 05 tiêu chí quy định: (i) Là giải pháp mà nội dung kỹ thuật và nghiệp vụ hoàn toàn chưa được quy định tại bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào hoặc quy định pháp lý hiện hành chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho việc triển khai, áp dụng; (ii) Là giải pháp có tính đổi mới sáng tạo, đem lại lợi ích, giá trị gia tăng cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; (iii) Là giải pháp đã thiết kế, xây dựng được khung quản lý rủi ro, hạn chế tác động tiêu cực tới hệ thống ngân hàng và hoạt động ngân hàng - tiền tệ - ngoại hối; đã xây dựng phương án hợp lý về xử lý, khắc phục các rủi ro xảy ra trong quá trình thử nghiệm phù hợp; (iv) Là giải pháp đã được tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm thực hiện các biện pháp rà soát, đánh giá đầy đủ, trên các khía cạnh hoạt động và chức năng, công dụng, tính hữu ích; (v) Là giải pháp có tính khả thi để có thể cung ứng ra thị trường sau khi hoàn thành quá trình thử nghiệm.

Đối với hoạt động cho vay ngang hàng (còn gọi là P2P Lending) - được thực hiện bởi các công ty Fintech cung cấp giải pháp cho vay ngang hàng ra thị trường, khi tham gia Cơ chế thử nghiệm, cũng phải thỏa mãn 05 tiêu chí tương tự như giải pháp Fintech. Tuy nhiên về điều kiện bắt buộc phải có thêm quy định, tại Giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không có nội dung hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc) của công ty Fintech đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm không có án tích, không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và an ninh mạng. Đặc biệt phải có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc lĩnh vực phụ trách. Đội ngũ cán bộ thực hiện giải pháp Fintech thử nghiệm có trình độ chuyên môn về lĩnh vực đảm nhiệm.

Giới chuyên gia đánh giá, khuôn khổ pháp lý Cơ chế thử nghiệm phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế, tiến tới việc ban hành khuôn khổ pháp lý và quản lý chính thức. Đặc biệt đối với hoạt động P2P Lending, Cơ chế thử nghiệm sẽ mở ra cơ hội để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực P2P Lending bứt phá, phát huy hết tiềm lực, phát triển tương xứng với quy mô của thị trường và tận dụng lợi thế của công nghệ 4.0. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý thử nghiệm sẽ giúp các công ty P2P Lending đẩy mạnh hỗ trợ nhóm khách hàng yếu thế không tiếp cận được kênh tín dụng chính thức, thúc đẩy tài chính toàn diện, đẩy lùi tín dụng đen... 

Việc ban hành hành lang pháp lý thử nghiệm P2P Lending cũng giúp thanh lọc thị trường, loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém, đơn vị hoạt động trá hình đang gây nhiễu loạn thị trường, làm mất niềm tin của người tiêu dùng, giảm uy tín của lĩnh vực P2P Lending tại Việt Nam. Cơ chế thử nghiệm sẽ có những quy định rõ ràng về điều kiện và tiêu chuẩn hoạt động P2P Lending, làm cơ sở cho cơ quan nhà nước thanh lọc thị trường, loại bỏ những đơn vị trá hình vận hành App (ứng dụng) cho vay theo kiểu tín dụng đen đang gây hệ lụy tiêu cực cho thị trường…

VŨ LÊ MINH

Link nội dung: https://phaply.net.vn/khuon-kho-phap-ly-co-che-thu-nghiem-fintech-trong-linh-vuc-ngan-hang-nhung-van-de-can-quan-tam-a255726.html