Tôi muốn mở đầu bài viết bằng lời nhận xét của một học giả, dưới thời Thủ tướng Abe, Nhật Bản đã tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sau đó dẫn đầu việc hồi sinh Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút khỏi TPP. Ông Robert Ward, học giả cấp cao về nghiên cứu an ninh Nhật Bản thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), viết trên Twitter ngày 8/7: “Việc Nhật Bản cứu Hiệp định TPP sau khi Mỹ rút lui và việc tái khởi động hiệp định ấy thành CPTPP là một thành tựu đáng nhớ của chính quyền Abe thứ 2”. Cũng theo ông Robert Ward: “Thương mại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ nghèo nàn hơn nếu không có CPTPP”.
Khởi đầu CPTPP là Hiệp định TPP có 4 nước tham gia là Bru-nây, Chi-lê, Niu Di-lân, Xinh-ga-po và vì vậy được gọi tắt là Hiệp định P4. Ngày 22 tháng 9 năm 2008, Hoa Kỳ tuyên bố tham gia vào P4 nhưng đề nghị không phải trong khuôn khổ Hiệp định P4 cũ, mà các bên sẽ đàm phán một Hiệp định hoàn toàn mới, gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngay sau đó, các nước Ốt-xtrây-lia và Pê-ru cũng tuyên bố tham gia TPP. Năm 2009, Việt Nam tham gia TPP với tư cách là quan sát viên đặc biệt. Sau 3 phiên đàm phán, Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định này nhân Hội nghị Cấp cao APEC tổ chức từ ngày 13 đến ngày 14 tháng 11 năm 2010 tại thành phố Yokohama (Nhật Bản). Cùng với quá trình đàm phán, TPP đã tiếp nhận thêm các thành viên mới là Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Ca-na-đa và Nhật Bản, nâng tổng số nước tham gia lên thành 12.
Trải qua hơn 30 phiên đàm phán ở cấp kỹ thuật và hơn 10 cuộc đàm phán ở cấp Bộ trưởng, ngày 05/10/2015 tại Atlanta, Hoa Kỳ và 11 quốc gia đối tác chính thức hoàn tất đàm phán để thành lập một khu vực tự do mậu dịch lịch sử. Bốn tháng sau, vào tháng 2/2016 Mỹ, Canada, Chilê, Mêhicô, Pêru, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Malaysia, Brunei, Singapore và Việt Nam chính thức ký lết vào bản khai sinh “khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới và cũng là Hiệp định thương mại của thế kỷ 21”. Ngày 04/02/2016, Bộ trưởng của 12 nước tham gia Hiệp định TPP đã tham dự Lễ ký để xác thực lời văn Hiệp định TPP tại Auckland, Niu Di-lân.
Để Nhật Bản tham gia vào TPP, ông Abe đã phải nỗ lực rất lớn trong việc thuyết phục Nghị viện Nhật Bản phê chuẩn. Bởi giới có ảnh hưởng tại Nhật Bản lúc bấy giờ phản đối mạnh ý tưởng tham gia TPP. Một mặt, họ chỉ ra tính dễ bị tổn thương của nền nông nghiệp Nhật Bản một khi buộc phải dỡ bỏ hàng rào thuế và phi thuế quan bảo vệ thị trường trong nước. Mặc khác, về nguyên tắc, họ luôn phản đối việc thay đổi quy định hải quan, tiêu chuẩn kiểm dịch và các tiêu chuẩn khác, điều kiện làm việc cho các nhà đầu tư nước ngoài, quy định tổ chức mua sắm công...
Bước ngoặt lịch sử đã xảy ra. Chỉ 3 ngày sau khi nhậm chức, thực hiện lời hứa lúc vận động tranh cử, ngày 30 tháng 01 năm 2017, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp chính thức tuyên bố rút Mỹ ra khỏi Hiệp định TPP, một hiệp định tự do mậu dịch với 12 thành viên mà người tiền nhiệm Obama muốn để lại như di sản của ông ở Châu Á. 11 nước còn lại bị sốc, bởi sau khi phải đổ biết bao công sức để đạt được thỏa thuận được ký kết vào cuối năm 2015. Các nước bị sốc còn là vì nếu không có Mỹ, tập trung 3/5 GDP của cả khối, thì TPP đúng là, theo từ ngữ của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lúc đó “không có ý nghĩa gì cả”.
Vấn đề đặt ra là làm sao để vẫn duy trì được một hiệp định chất lượng cao để đảm bảo những mục tiêu ban đầu của TPP 12, nhưng mặt khác vẫn đảm bảo được khả năng thực thi và tính hiệu quả đối với 11 quốc gia còn lại của TPP. Trong bối cảnh đầy thách thức đó, dưới sự dẫn dắt của ông Shinzo Abe, Nhật Bản đã trở thành trung tâm kết nối, với phát biểu đầy quyết tâm không từ bỏ Hiệp định TPP còn dở dang. Từ lời nói đến hành động, ông Shinzo Abe đã nỗ lực không mệt mỏi để vận động thuyết phục 11 quốc gia còn lại tái nhập cuộc để hình thành nên Hiệp định CPTPP, với hàng loạt vòng đàm phán sau đó đầy căng thẳng và cam go (do còn một số ý kiến bất đồng) tưởng chừng như sẽ phá sản vào phút chót. Có thể tua lại như sau:
Tại Toronto, trong hai ngày (từ 02-03/05/2017), 11 quốc gia còn lại trong TPP –Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Úc, Việt Nam – trong đó dẫn đầu là Nhật Bản đã gặp nhau để thảo luận về phương cách thúc đẩy Hiệp định đối tác mà không có Mỹ. Cuối tháng 5/2017, cũng theo sáng kiến của Tokyo, 11 quốc gia gặp lại nhau ở Hà Nội tiếp tục chủ đề này lần thứ hai. Trước khi diễn ra cuộc gặp gỡ tại Hà Nội, 2/2017, ông Abe đã có chuyến công du và cùng đi đánh golf tại Mar-a-Lago với tân Tổng thống Mỹ và nhận đươc sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía Donald Trump, với vai trò Nhật Bản giữ vai trò “tiếp tục thúc đẩy tiến bộ khu vực trên cơ sở những sáng kiến hiện hữu”.
Ngày 21/9/2017, các trưởng đoàn của 11 nước còn lại tham gia đàm phán Hiệp định TPP bắt đầu vòng đàm phán kéo dài 2 ngày tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản để xem xét việc sửa đổi hoặc bãi bỏ một số điều khoản trong thỏa thuận sau khi Mỹ rút khỏi TPP vào đầu năm. CPTPP đã trải qua quá trình đàm phán căng thẳng, từng bị đe dọa sụp đổ và đạt thỏa thuận vào phút chót. Tháng 11/2017, bên lề Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam, chiều 9/11, một thỏa thuận nguyên tắc về TPP-11 được nhiều Bộ trưởng công bố ngay sau cuộc họp cấp cao nhưng đại diện Canada phủ nhận. Cuối giờ chiều 10/11, Thủ tướng New Zealand tiết lộ tại buổi họp báo, TPP bị hoãn vì Thủ tướng Canada không tham dự đàm phán. Sáng 11/11, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi thông báo, TPP 11 đã đạt được thỏa thuận và đổi tên thành CPTPP.
Ngày 08 tháng 3 năm 2018, các Bộ trưởng của 11 nước tham gia Hiệp định CPTPP đã chính thức ký kết Hiệp định CPTPP tại thành phố San-ti-a-gô, Chi-lê và chính thức có hiệu lực từ ngày 30 tháng 12 năm 2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mê-hi-cô, Nhật Bản, Xinh-ga-po, Niu Di-lân, Ca-na-đa và Ốt-xtrây-lia. Từ ngày 14 tháng 01 năm 2019, Hiệp định chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam.
Xin vĩnh biệt ông cựu Thủ tướng Shinzo Abe, một chính trị gia xuất chúng và đồng thời là người bạn lớn của Nhân dân Việt Nam.
Ông Abe Shinzo sinh ngày 21/9/1954 tại Tokyo, trong một gia đình có truyền thống làm chính trị với ông ngoại là Kishi Nobusuke-Thủ tướng Nhật Bản giai đoạn 1957-1960 và cha là Abe Shintaro từng giữ chức Ngoại trưởng. Sau khi tốt nghiệp ngành khoa học chính trị tại Đại học Nam California (Mỹ), ông Abe trở về Nhật Bản, tham gia tích cực trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) và từ năm 1982, ông trở thành thư ký cho cha, khi đó là Ngoại trưởng Abe Shintaro.
Đến năm 1993, ông bước chân vào chính trường Nhật Bản khi ra tranh cử trong cuộc bầu cử Hạ viện tháng 7 và được bầu làm Nghị sỹ lần đầu tiên. Sau khi gia nhập chính giới, ông Abe đã kinh qua nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ và đảng Dân chủ Tự do (LDP) như: Phó Chánh Văn phòng Nội các trong giai đoạn 2000-2002, Tổng Thư ký đảng LDP năm 2003, và Chánh Văn phòng Nội các năm 2005.
Tháng 9/2006, ông được bầu làm Chủ tịch LDP và trở thành vị Thủ tướng thứ 90 của Nhật Bản. Khi đó, ông mới 52 tuổi và là vị Thủ tướng trẻ nhất Nhật Bản thời hậu chiến.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ Thủ tướng lần đầu tiên này của ông Abe chỉ kéo dài được một năm khi tháng 9/2007, ông đột ngột từ chức vì bệnh viêm loét đại tràng. Đây cũng chính là căn bệnh khiến ông phải từ chức lần hai vào tháng 8/2020. Khi bệnh tình có những biến chuyển tích cực, ông Abe đã có sự trở lại ngoạn mục trên chính trường Nhật Bản. Thủ tướng Abe lên nắm quyền trở lại vào tháng 12/2012 sau khi đảng LDP giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện.
Trong suốt thời gian dẫn dắt đất nước từ năm 2012, Thủ tướng Abe đã góp phần quan trọng trong việc định hình đất nước Nhật Bản thời hiện đại, phục hưng nền kinh tế từ tình trạng trì trệ những năm 1990 thông qua kế hoạch Abenomics. Đây là một tập hợp các biện pháp cải cách tiền tệ, tài chính, cơ cấu kinh tế hướng tới thúc đẩy tăng trưởng và đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài trong nhiều thập kỷ. Việc triển khai Abenomics đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ như đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi vòng xoáy giảm phát và tăng trưởng liên tục trong vòng 71 tháng, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 26 năm…
VŨ LÊ MINH
Link nội dung: https://phaply.net.vn/cptpp-va-dau-an-cua-co-thu-tuong-nhat-ban-shinzo-abe-a255701.html