Chỉ nên giảm xử lý hình sự tội phạm tham nhũng khi kiểm soát được thu nhập của cán bộ và bổ sung tội làm giàu bất hợp pháp

(Pháp lý) – Trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) việc thu hồi tài sản là trọng tâm, cốt lõi. Do đó, đề xuất PCTN,TC theo hướng “tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả” là một giải pháp hay, sẽ khuyến khích được người vi phạm tự nguyện nộp lại tài sản tham nhũng. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất này chưa khả thi trong thời điểm hiện tại, bởi hai nguyên do quan trọng: chúng ta chưa có cơ chế để có thể kiểm soát được tài sản thu nhập thực của quan chức và chưa luật hóa được hành vi làm giàu bất hợp pháp…

anh-1-1657180787.jpg
Phòng chống tham nhũng: phải có cơ chế kiểm soát được thu nhập thực của cán bộ và bổ sung tội làm giàu bất hợp pháp

Nhiều quan điểm xung quanh đề xuất “giảm xử lý hình sự, thay thế bằng khởi kiện dân sự”.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (2012 - 2022), ông Lê Minh Trí - Viện trưởng VKSND Tối cao đã kiến nghị Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng cho chủ trương giao Ban Nội chính Trung ương hoặc VKSND Tối cao nghiên cứu đề xuất cách làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả.

Ông Trí cho rằng làm như vậy sẽ thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, thất thoát và việc khắc phục hậu quả sẽ tốt hơn nhiều do chủ thể vi phạm sẽ chủ động khắc phục để họ không bị xử lý hình sự nữa. Theo ông Trí, cách làm này vừa hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vừa nhân văn và thuyết phục.

Đề xuất này đã thu hút sự quan tâm của dư luận và đặc biệt trong giới các chuyên gia pháp luật, luật sư, đại biểu Quốc hội,… có khá nhiều những ý kiến, quan điểm khác nhau.

Một số quan điểm ủng hộ đề xuất của Viện trưởng VKSND Tối cao và cho rằng sẽ khuyến khích người phạm tội tự nguyện khai báo, tự nguyện nộp lại tài sản, kết quả đạt được là chúng ta có thể thu hồi được tài sản thất thoát của Nhà nước một cách nhanh nhất… Điều này cũng đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.

Tuy nhiên một số quan điểm khác là chưa ủng hộ dù và cho rằng người có chức vụ quyền hạn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự thì phải xử lý hình sự chứ không thể thỏa thuận với họ về việc nộp tài sản là được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này sẽ làm giảm đi tính nghiêm minh của pháp luật. Để PCTN, TC hiệu quả cần phải tiếp tục phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh với mọi hành vi tham nhũng dù là tham nhũng vặt hay tham nhũng lớn. Và quan trọng là hiện nay chúng ta chưa có cơ chế để có thể kiểm soát được tài sản thu nhập thực của quan chức và chưa luật hóa được hành vi làm giàu bất hợp pháp…Trên thực tế nhiều quan chức có khối tài sản rất lớn, mà không rõ nguồn thế nào. Kể cả khi họ bị kết tội, họ phải khắc phục hậu quả, nhưng thực tế tài sản của họ vẫn còn nhiều mà không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp.

Phải có cơ chế kiểm soát được thu nhập quan chức và cần sớm bổ sung tội làm giàu bất hợp pháp

Từng trao đổi với Phóng viên Tạp chí Pháp lý về vấn đề này, PGS.TS Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TANDTC cho rằng, việc xử lý tham nhũng hiện nay chủ yếu bằng chế tài hình sự và chế tài kỷ luật. Song cơ bản, chúng ta vẫn áp dụng chế tài hình sự với cách xử phạt nghiêm khắc, thể hiện việc thiên về trừng trị mà ít chú ý đến cơ chế phòng ngừa và thu hồi tài sản tham nhũng cũng như xử lý những vấn đề liên quan đến tham nhũng.

Cũng theo PGS.TS Trần Văn Độ, người tham nhũng hàng chục, hàng trăm tỷ bị phạt tù hay tử hình mà chúng ta không thu hồi được tiền thất thoát cho quốc gia thì cũng không mang lại hiệu quả cao. Do đó, cần chú trọng hơn đến chế tài thu hồi tài sản, tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản của người tham nhũng.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đặt ra là chúng ta chưa có được cơ chế để có thể kiểm soát được tài sản thu nhập thực của quan chức. Với tội phạm tham nhũng, các đối tượng thường có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết pháp luật, có chức vụ, quyền lực chính trị và đặc biệt là có mối quan hệ xã hội… sẽ tìm mọi cách “tẩu tán” ngay từ khi có được tài sản phi pháp. Do đó, nếu không có cơ chế kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức thì sẽ hạn chế đi tính hiệu quả của các biện pháp PCTN,TC khác, sẽ không thu hồi được tài sản nhà nước bị thất thoát chiếm đoạt, từ đó mục tiêu PCTN,TC sẽ không đạt được.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS. Trần Văn Độ cho rằng công ước quốc tế về phòng chống tham nhũng có quy định tội làm giàu bất chính. Người có tài sản lớn mà không giải trình, làm rõ được tài sản đó do đâu mà có thì sẽ bị xem xét tội làm giàu bất hợp pháp, bất chính; toàn bộ tài sản không giải trình được đó sẽ bị thu hồi. Đây là vấn đề mà PGS. Độ đã từng nhiều lần đề nghị, Bộ luật Hình sự phải tính tới luật hóa quy định làm giàu bất hợp pháp, phải quy định tội nhận quà biếu có giá trị lớn.

 “ Phải coi việc quan chức sở hữu những khối tài sản "khủng" mà không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp là làm giàu bất chính thì mới có cơ chế điều tra, làm rõ, kê biên, kiểm soát tài sản để không bị tẩu tán. Tôi cho rằng đây mới là mấu chốt của việc xử lý tham nhũng" – PGS.TS Trần Văn Độ kiến nghị.

 

anh-2-1657180851.jpg
Chế tài hành vi kê khai không trung thực, không giải trình được nguồn gốc tài sản  chủ yếu hiện nay là xử lý kỷ luật về mặt hành chính – chế tài chưa đủ mạnh

Nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan đến PCTN, TC, chúng tôi nhận thấy, dù đã có nhiều quy định về kê khai tài sản của cán bộ, công chức và cả người thân của họ như: các quy định về kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức theo luật PCTN 2018 (quy định từ Điều 33 đến Điều 40); quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân trong kiểm soát tài sản thu nhập (quy định từ Điều đến Điều 32, Luật PCTN 2018); các quy định về tặng quà, nhận quà tặng của cán bộ, công chức (Điều 22, Luật PCTN) và các quy định chi tiết tại Nghị định 59/2019/NĐ-CP, 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ… Tuy nhiên, hệ thống quản lý nguồn thu nhập của quan chức hiện nay chủ yếu qua việc kê khai tài sản cá nhân tự nguyện, việc kiểm tra giám sát việc kê khai trung thực, xác minh chủ yếu chỉ thực hiện trong một số trường hợp nhất định.

Trong khi đó, chế tài hành vi kê khai không trung thực, không giải trình được nguồn gốc tài sản thì chỉ chủ yếu là xử lý kỷ luật về mặt hành chính, theo đó Điều 51 Luật PCTN 2018 quy định: Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử; Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.

Trường hợp có nghĩa vụ kê khai khác mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.

Bên cạnh đó, hiện nay cơ chế để quản lý dòng thu nhập, tài sản phát sinh không chặt chẽ. Do đó tài sản thường được dấu diếm qua tên người khác, không thể kiểm soát được nguồn thu nhập và tài sản thực tế của quan chức dẫn đến không nắm bắt được đâu là tài sản tham nhũng, đâu là tài sản liêm chính, do đó cũng rất khó thu hồi được tài sản tham nhũng khi xảy ra sự việc.

Hiện nay cơ chế để quản lý dòng thu nhập, tài sản phát sinh không chặt chẽ. Do đó tài sản thường được dấu diếm qua tên người khác, không thể kiểm soát được nguồn thu nhập và tài sản thực tế của quan chức dẫn đến không nắm bắt được đâu là tài sản tham nhũng, đâu là tài sản liêm chính, do đó cũng rất khó thu hồi được hết tài sản tham nhũng khi xảy ra sự việc.

Quay trở lại đề xuất của Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí, chúng tôi cho rằng, đây là một giải pháp hay, sẽ khuyến khích được người vi phạm tự nguyện nộp lại tài sản, khắc phục hậu quả,... Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, khi việc quản lý tài sản thu nhập của cán bộ, công chức hiện nay chưa thực sự tốt, chưa có cơ chế để xử lý tài sản bất minh - hay nói cách khác là chưa xử lý được hành vi làm giàu bất hợp pháp thì việc cho phép người có hành vi vi phạm nộp lại tài sản để không bị xử lý hình sự sẽ khó đạt được hiệu quả cao nhất.

Bởi, điều đó sẽ dễ dẫn đến việc, những kẻ quan tham vơ vét tài sản của dân, của nước và tẩu tán ẩn dấu bằng nhiều thủ đoạn, sau đó chủ động bỏ ra một phần nhỏ tài sản bất hợp pháp vơ vét được nộp lại để hòng thoát trách nhiệm hình sự, để không phải đi tù. Dĩ nhiên, những người này dù không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng sẽ khó tránh khỏi những trách nhiệm khác như bị kỷ luật, cách chức… nhưng tài sản nhà nước vẫn không được thu hồi hết.

Tại thời điểm hiện nay, khi việc quản lý kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ, công chức chưa thực sự tốt, pháp luật cũng chưa có cơ chế rõ ràng để xử lý tài sản bất minh - hay nói cách khác là chưa xử lý được hành vi làm giàu bất hợp pháp, thì việc cho phép người có hành vi phạm tội nhất là đối với tội phạm tham nhũng, nếu nộp lại tài sản để không bị xử lý hình sự sẽ khó đạt đồng thuận trong xã hội và sẽ không làm cho tội phạm tham nhũng biết sợ.

Vĩ thanh

Thiết nghĩ, mọi biện pháp PCTN, TC được đề ra đều hướng tới mục tiêu không còn tham nhũng, không còn tiêu cực và thu hồi được hết những tài sản của nhà nước bị thất thoát chiếm đoạt. Tham nhũng, tiêu cực là một khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, nó luôn tồn tại song song với quyền lực, việc phòng ngừa nếu thực hiện hiệu quả thì sẽ hạn chế thấp nhất xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Do đó, theo chúng tôi để PCTN, TC đạt hiệu quả và toàn diện, bên cạnh việc xử lý nghiêm minh đối với những kẻ phạm tội, song hành với đó cần làm tốt các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ đầu sự hình thành tham nhũng, tiêu cực, để cán bộ không muốn, không dám và không thể tham nhũng. Để làm được điều đó trước hết cần sớm có cơ chế để xử lý hình sự hành vi làm giàu bất chính, phải luật hóa quy định làm giàu bất hợp pháp. Và quan trọng nhất hiện nay là cần phải có cơ chế hữu hiệu để có thể kiểm soát được hết thu nhập, tài sản thực của quan chức.

Thái Dương - Văn Chiến

Link nội dung: https://phaply.net.vn/chi-nen-giam-xu-ly-hinh-su-toi-pham-tham-nhung-khi-kiem-soat-duoc-thu-nhap-cua-can-bo-va-bo-sung-toi-lam-giau-bat-hop-phap-a255694.html