Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 244 Bộ luật Hình sự để có căn cứ xử lý người ký quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án qui hoạch xây dựng trái pháp luật.

(Pháp lý) - Thanh tra của Bộ Xây dựng vừa ban hành kết luận chỉ ra hàng loạt sai sót, vi phạm về quy hoạch, xây dựng tại tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội)… Không chỉ riêng ở Hà Nội, có thể nói thực trạng vi phạm pháp luật quy hoạch trong xây dựng đã và đang tồn tại ở nhiều địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn tình trạng này, đã đến lúc phải áp dụng không chỉ chế tài phạt kinh tế đối với các doanh nghiệp vi phạm mà cần cả chế tài nặng đối với quan chức đã tiếp tay, bao che, xé rào cho DN vi phạm pháp luật qui hoạch.

h1-1655176803.jpg
Những tòa nhà chung cư cao tầng mọc lên san sát, trong đó có cả những chung cư cao tầng “vượt rào” do thay đổi công năng giữa đô thị Hà Nội

Vi phạm pháp luật qui hoạch xây dựng: cần làm rõ có hay không nhóm lợi ích trục lợi ?

Kết luận số 39 của Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn vừa ký ban hành kết quả thanh tra tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội và loạt các chủ đầu tư dự án có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch và quản lý xây dựng khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội), đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, sai sót, tồn tại trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch tại một loạt dự án dọc các tuyến đường nói trên.

Trong đó có dự án chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn (có dự án điều chỉnh 5 lần, nhiều dự án chuyển chức năng từ văn phòng, từ công cộng thành hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán), có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng; có 21 dự án có tầng hầm vượt quá chỉ giới xây dựng; 32 dự án công trình có nội dung vi phạm QCXDVN ban hành… …

Nghiên cứu từ thực tế cho thấy thực trạng vi phạm pháp luật qui hoạch xây dựng không phải là chuyện mới phát sinh và không chỉ riêng ở Hà Nội. Tại thành phố Hồ Chí Minh, trong 10 tháng năm 2021, Thanh tra Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh kiểm tra 49.482 công trình với 51.215 lượt, phát hiện tổng số công trình vi phạm là 319 công trình, bình quân 1,1 vụ/ngày…

Cho đến nay, nhiều chuyên gia vẫn còn nhắc đến con số 1.390 quy hoạch bị điều chỉnh từ 1 đến 6 lần mà Đoàn giám sát của Quốc hội đã thực hiện giám sát báo cáo trước Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2019, chủ yếu là quy hoạch điều chỉnh tăng tầng cao, giảm diện tích, đất công trình, hạ tầng kỹ thuật. Kết quả giám sát được thực hiện trong phạm vi 12 tỉnh, thành phố với 40 dự án đô thị. Từ đó cho đến nay mặc dù chưa có số liệu giám sát mới song với những con số mà Thanh tra Bộ xây dựng vừa công bố tại một số tuyến đường ở Hà Nội cũng đã thấy thực trạng vi phạm quy hoạch xây dựng không những chưa được cải thiện mà trái lại, đã và đang trở thành vấn nạn của cả nước.

Hệ lụy của những sai phạm trong hàng loạt các dự án xây dựng cho thấy không những pháp luật đang bị xem thường mà còn làm phá vỡ quy hoạch, , ảnh hưởng đến công tác chỉnh trang và phát triển đô thị. Kéo theo các hệ lụy khác, như nạn kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm không khí, mất an toàn cháy nổ, không gian sống ngột ngạt, chất lượng sống của người dân đi xuống…

Phía sau của hàng loạt sai phạm quy hoạch xây dựng nói trên là động cơ gì ? Liệu có vô tư trong sáng trong việc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội “xé rào” Luật Xây dựng và Nghị định 39/2010/NĐ-CP, chấp thuận phê duyệt tổng mặt bằng, phương án kỹ thuật sai quy định tại hàng loạt dự án xây dựng. Trong đó, có 19 dự án, công trình không xác định chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng, vi phạm xây dựng tầng hầm công trình làm cơ sở cấp phép xây dựng và đầu tư xây dựng; 10 dự án, công trình ghi số tầng không đúng, 21 dự án có tầng hầm vượt quá chỉ giới xây dựng tròn khi chưa được UBND TP Hà Nội cho phép. Hay có tới 32 dự án công trình vi phạm Quy định chung về quy chuẩn xây dựng của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Quyết định 682/BXD-CSXD ngày 14/12/1996…

Không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt các nhà máy xí nghiệp di dời ra khỏi khu vực nội thành Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, để lại quỹ đất vàng, thì phần lớn được sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng, chưa tuân thủ theo đúng định hướng quy hoạch chung, gây gia tăng áp lực về dân số và quá tải về hạ tầng tại các trung tâm thành phố… Không loại trừ nguyên nhân xuất phát từ động cơ trục lợi của nhóm lợi ích. Do đó cơ quan chức năng cần làm rõ vấn đề này mới mong thuyên giảm được tình trạng vi phạm pháp luật qui hoạch xây dựng.

h2-1655176937.jpg
Tùy tiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng làm biến dạng đô thị, gây ra nhiều hệ lụy…

Hai nguyên nhân chính: Luật hở và vắng bóng chế tài trách nhiệm cán bộ

Lật lại Điều 61 Luật Xây dựng 2014 và Điều 64 Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020, quy định về điều kiện để điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng, một số chuyên gia luật cho rằng, nếu như các trường hợp quy định tại khoản a, c và d khoản 1 (khi có phát sinh các yếu tố bất khả kháng làm ảnh hưởng công trình; khi quy hoạch xây dựng thay đổi có ảnh hưởng trực tiếp tới dự án; khi chỉ số giá xây dựng do Bộ Xây dựng, UBND cấp tỉnh công bố trong thời gian thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá xây dựng được sử dụng để tính dự phòng trượt giá) là quá chặt chẽ; thì ngược lại đối với trường hợp quy định tại điểm b, khoản 1 (đó là khi có xuất hiện yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án khi đã được chủ đầu tư chứng minh về hiệu quả tài chính, kinh tế - xã hội do việc điều chỉnh dự án mang lại) rất dễ bị lạm dụng theo hướng tiêu cực.

 

Hiểu theo nội dung điều chỉnh của điều luật trên, không khó để chủ đầu tư và đơn vị thi công bắt tay nhau xây dựng nên một bộ hồ sơ đẹp, chứng minh hiệu quả tài chính, kinh tế - xã hội do việc điều chỉnh dự án mang lại, đáp ứng điều kiện để trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh dự án. Trong khi đó, luật không có điều khoản nào quy định về hậu kiểm hồ sơ điều chỉnh dự án và chế tài trách nhiệm của chủ đầu tư, nếu phát hiện có hành vi hợp thức hóa. Chắc chắn khi đề xuất UBND thành phố Hà Nội phê duyệt điều chỉnh dự án để chuyển đổi công năng thành nhà ở (các dự án tại các tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình), tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn (có dự án điều chỉnh 5 lần, nhiều dự án chuyển chức năng từ văn phòng, từ công cộng thành hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán), có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng; ô đất THCS khu nhà ở Him Lam Vạn Phúc (do UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2245 năm 2013) từ 1-4 tầng nâng lên 3-12 tầng, không loại trừ khả năng các chủ đầu tư đã “lách” vào khoảng trống trên của pháp luật.

Trong khi đó Luật Quy hoạch đô thị cũng để lộ sự bất cập. Cụ thể, tại khoản 5 Điều 47, Luật QHĐT cho phép điều chỉnh quy hoạch đô thị khi có phát sinh trường hợp quy hoạch: “phục vụ lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng”. Bình luận về điều khoản này, một số chuyên gia luật cho rằng nghĩa nội hàm của cụm từ quá rộng, rất dễ lách để dự án đô thị đều có thể quy về mục đích phục vụ lợi ích quốc gia, đặc biệt là vì lợi ích cộng đồng….

Về trình tự điều chỉnh quy hoạch theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Xây dựng: “Việc tổ chức lập, lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch điều chỉnh tổng thể các quy hoạch xây dựng, công bố quy hoạch xây dựng điều chỉnh thực hiện theo quy định tại Điều 16, Điều 17 và các mục 2, 3, 4 và 5 Chương này”. Có nghĩa ngoài các trình tự giống như khi thiết lập quy hoạch xây dựng, cơ quan, chủ đầu tư khi tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch xây dựng cũng phải có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng điều chỉnh.

Việc lấy ý kiến được thực hiện bằng hình thức gửi hồ sơ, tài liệu hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo (đối với đối tượng là cơ quan, tổ chức); và bằng hình thức phát phiếu điều tra, phỏng vấn, đại diện cộng đồng dân cư có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở (đối với đối tượng là cá nhân, cộng đồng dân cư). Thời gian lấy ý kiến về điều chỉnh quy hoạch xây dựng ít nhất là 20 ngày đối với cơ quan, 40 ngày đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư. Rõ ràng là nếu làm đúng trình tự quy định của pháp luật, đặc biệt là không “nhận lốp” thủ tục lấy ý kiến cơ quan và cộng đồng dân cư khi điều chỉnh quy hoạch xây dựng thì sẽ không có chuyện hàng loạt quy hoạch chi tiết hai bên đường Lê Văn Lương và đường Tố Hữu (Hà Nội) bị vượt rào…

Điều đó có nghĩa không chỉ luật hở mà còn có nguyên do tổ chức, cá nhân có chức năng thực hiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng đã cố tình vi phạm pháp luật. Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV, không có một quy định cụ thể nào của Luật Xây dựng hay Luật Quy hoạch đô thị có chế tài trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch xây dựng hoặc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng vi phạm pháp luật.

Điều 164 và Điều 165 Luật Xây dựng quy định trách nhiệm của UBND các cấp và trách nhiệm của Thanh tra xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng) tổ chức triển khai thực hiện, theo dõi, kiểm tra và giám sát các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn do mình quản lý và chịu trách nhiệm thanh tra về hoạt động đầu tư xây dựng. Có nghĩa việc kiểm tra, giám sát, thanh tra tập trung hướng đến vào doanh nghiệp xây dựng (bao gồm xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng).

Trong khi đó Điều 224 BLHS 2015 quy định về Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng cũng chỉ dừng lại ở các hành vi: Quyết định đầu tư xây dựng; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, điều chỉnh dự toán, nghiệm thu công trình… Không có một điều khoản nào chế tài trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trong việc phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng.

Vậy nên không có gì lạ cho đến nay chưa có một cán bộ nào bị  truy cứu trách nhiệm về hành vi vi phạm trong việc phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng gây hậu quả cho xã hội.

Kiến nghị

Từ thực trạng trên cho thấy, muốn khắc phục triệt để vấn nạn vi phạm trong điều chỉnh dự án xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, trước hết cần phải sửa đổi các điều luật điều chỉnh quy hoạch đô thị theo hướng có nội dung cụ thể hoặc khoanh vùng theo hướng không phải dự án xây dựng nào cũng gắn liền với lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Cũng như vậy, một dự án muốn chứng minh về tính hiệu quả về kinh tế - xã hội để được điều chỉnh công năng phải được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan chuyên môn có chức năng liên quan và phản biện xã hội rộng rãi, không nên dừng lại theo kiểu khép kín trong quyền hạn của chủ đầu tư.

Kết luận của Thanh tra Bộ xây dựng đã chỉ ra, có rất nhiều công trình vô tư thi công “vượt đèn đỏ” khi chưa được phê duyệt quy hoạch, chưa có giấy phép, quá trình xây dựng gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng chính quyền địa phương vẫn không kịp thời ngăn chặn, xử lý. Rõ ràng câu chuyện đặt ra ở đây không chỉ là pháp luật chưa hoàn thiện mà là tổ chức và cá nhân có trách nhiệm thực thi công vụ đã buông lỏng trách nhiệm. Đó là UBND cấp có thẩm quyền, là Thanh tra xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, là Sở Xây dựng… Vì thế, nếu luật không có quy định về chế tài trách nhiệm đối với tổ chức và cá nhân có trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch xây dựng thì sẽ khó ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật qui hoạch trong xây dựng.

Cần phải kiên quyết xử lý cán bộ buông lỏng kỷ cương trật tự xây dựng, cấm việc phạt cho tồn tại như xây dựng sai quy hoạch, sai mục đích sử dụng đất, tùy tiện điều chỉnh quy hoạch. Lâu nay việc xử lý sai phạm trong xây dựng và trong quy hoạch xây dựng, mới chỉ dừng lại ở xử lý các doanh nghiệp xây dựng trái phép, hiếm thấy có chuyện thanh kiểm tra các quyết định điều chỉnh quy hoạch, và cũng chưa có vụ án nào xử lý cán bộ có chức năng làm sai về điều chỉnh công năng dự án hay điều chỉnh quy hoạch phạm luật gây hậu quả.

Để lập lại trật tự kỷ cương trong qui hoạch xây dựng, Luật gia Lê Công Tâm (Hội Luật gia Bình Định) kiến nghị cần phải sửa đổi, bổ sung Điều 244 BLHS để có căn cứ truy trách nhiệm hình sự người ký quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án xây dựng và điều chỉnh quy hoạch xây dựng trái pháp luật.

VŨ LÊ MINH – LA SƠN

Link nội dung: https://phaply.net.vn/kien-nghi-sua-doi-bo-sung-dieu-244-bo-luat-hinh-su-de-co-can-cu-xu-ly-nguoi-ky-quyet-dinh-phe-duyet-dieu-chinh-du-an-qui-hoach-xay-dung-trai-phap-luat-a255556.html