Có rất nhiều nhiệm vụ lập pháp quan trọng liên quan đến khoa học và công nghệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn các đại biểu Quốc hội là các nhà khoa học sẽ tiếp tục phát huy vai trò, tích cực tham gia để góp phần nâng cao hơn nữa hàm lượng khoa học trong các quyết sách của Quốc hội.

71-1655173146.jpeg
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thời gian vừa qua, các nhà khoa học nước nhà nói chung và các nhà khoa học là đại biểu Quốc hội nói riêng đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển KHCN, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều tối 13/6, tại Nhà Quốc hội, lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt các đại biểu Quốc hội khóa XV là nhà khoa học.

Tham dự cuộc gặp mặt có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình và các Phó Chủ tịch Quốc hội.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thời gian vừa qua, các nhà khoa học nước nhà nói chung và các nhà khoa học là đại biểu Quốc hội nói riêng đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển KHCN, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước. Về mặt thể chế, các nhà khoa học là đại biểu Quốc hội đã cùng với Quốc hội tích cực đóng góp vào việc từng bước hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy ứng dụng, phát triển KHCN.

Tại kỳ họp thứ 3 này, Quốc hội đang thảo luận và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Các nhà khoa học, nhất là ở các trường đại học, viện nghiên cứu đang mong chờ đạo luật này khi được thông qua sẽ có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu do Nhà nước đầu tư, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, bên cạnh những thuận lợi thì cũng còn không ít khó khăn, vẫn còn nhiều thách thức trong ứng dụng, phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo. Nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong KHCN còn thiếu; việc huy động nguồn lực xã hội cho KHCN còn khiêm tốn; đời sống của các nhà khoa học gặp nhiều khó khăn... Vì thế, để vượt qua những khó khăn, thách thức này, vai trò của các nhà khoa học vừa là nhà khoa học vừa là nhà lập pháp, có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn cá nhân các nhà khoa học cần tiếp tục phát huy tối đa khả năng của mình để cống hiến vào sự phát triển của nền KHCN nước nhà.

"Trong thời điểm hiện nay, có rất nhiều vấn đề, nội dung mới, cấp thiết đang đặt ra đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân, rất cần có nghiên cứu, luận giải kịp thời của các nhà khoa học, như việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam; việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nghiên cứu, làm rõ về việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vấn đề phát triển nền kinh tế số, xã hội số; kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh; các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng, già hóa dân số...

72-1655173146.jpeg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu Quốc hội khóa XV là nhà khoa học - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ hai, các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học là đại biểu Quốc hội cần quan tâm, đóng góp ý tưởng, sáng kiến của mình với Quốc hội, Chính phủ nhiều hơn nữa để xây dựng và hoàn thiện thể chế. Trong Định hướng lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã được thông qua vào đầu nhiệm kỳ này có rất nhiều nhiệm vụ lập pháp quan trọng liên quan đến KHCN như Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát... Đây là những nhiệm vụ lập pháp có tính chuyên môn sâu, phải được soạn thảo và ban hành trên cơ sở những lập luận khoa học, tri thức chuyên ngành để phát huy tối đa tiềm lực của nền KHCN nước nhà, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực", Chủ tịch Quốc hội nói.

Với vai trò là những người trực tiếp tham gia các hoạt động khoa học, vừa trực tiếp là người tham gia xây dựng thể chế, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mong đại biểu Quốc hội là nhà khoa học đóng góp ý kiến để hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm phát triển mạnh mẽ đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam; khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà khoa học Việt Nam phát huy sáng tạo, tài năng, trí tuệ của mình đóng góp cho sự nghiệp phát triển KHCN nước nhà.

Quốc hội không chỉ hoàn thiện thể chế và giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về KHCN mà còn quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì vậy, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các đại biểu Quốc hội là các nhà khoa học sẽ tiếp tục phát huy vai trò, tích cực tham gia để góp phần nâng cao hơn nữa hàm lượng khoa học trong các quyết sách của Quốc hội.

Với sự tin tưởng sâu sắc vào trí tuệ, tài năng và tâm huyết của các nhà khoa học là đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng rằng, dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, bằng trách nhiệm của người đại biểu nhân dân; bằng trí tuệ, năng lực và kinh nghiệm của nhà khoa học; bằng ý chí, nghị lực khắc phục khó khăn của người Việt Nam, sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của nền KHCN nước nhà./.

Theo baochinhphu.vn

Nguồn bài viết: https://baochinhphu.vn/co-rat-nhieu-nhiem-vu-lap-phap-quan-trong-lien-quan-den-khoa-hoc-va-cong-nghe-102220613195024098.htm

Link nội dung: https://phaply.net.vn/co-rat-nhieu-nhiem-vu-lap-phap-quan-trong-lien-quan-den-khoa-hoc-va-cong-nghe-a255554.html