Hai tội danh ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long bị khởi tố được quy định thế nào trong Bộ luật Hình sự, dấu hiệu pháp lý có gì đặc biệt?

(Pháp lý) – Ngày 07/6, liên quan đến vụ án kít xét nghiệm Covid-19 Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Chu Ngọc Anh (nguyên Bộ trưởng Khoa học & Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội), ông Phạm Công Tạc (nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; Ông Nguyễn Thanh Long về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Vậy, hai tội danh mà các bị can bị khởi tố được quy định thế nào trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), dấu hiệu pháp lý có gì đặc biệt?

img-7316-16546059148121308617724-1654615736.jpg
Ông Nguyễn Thanh Long (trái) và ông Chu Ngọc Anh (phải) vừa bị khởi tố do những sai phạm liên quan đến Công ty Việt Á

Nhiều quan chức đã bị khởi tố Tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”

Theo Quyết định của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, ông Chu Ngọc Anh (nguyên Bộ trưởng Khoa học & Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội) và ông Phạm Công Tạc (nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ) bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Khoản 3, Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Ông Chu Ngọc Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc giao, quản lý, sử dụng Đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia nghiên cứu, chế tạo Kit xét nghiệm COVID-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.

Ông Phạm Công Tạc, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc quản lý, sử dụng Đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia nghiên cứu, chế tạo Kit xét nghiệm COVID-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước,

Theo đó, tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” - là một trong những tội danh thuộc nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, được quy định tại  Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cụ thể, quy định về các hành vi xâm phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp (gọi chung là cơ quan, tổ chức, đơn vị).

Đối tượng bị xâm hại của tội phạm này là tài sản nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất; quyền sử dụng đất đối với đất dùng để xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị: máy móc, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác do pháp luật quy định.

Hành vi của tội phạm này thể hiện qua việc sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và không hiệu quả, lãng phí; không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa, bảo vệ tài sản nhà nước theo quy định; không báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được giao theo quy định của pháp luật.

Điểm đặc biệt trong cấu thành của tội phạm này là, người thực hiện tội phạm phải đáp ứng điều kiện là những người được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (thường là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước). Người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý.

Hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước chỉ cấu thành tội phạm nếu gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỉ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

 

luat-hinh-su-2015-sua-doi-bo-sung-2017-1654615791.jpg
Hai tội danh mà ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long bị khởi tố được quy định tại Điều 219 và Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo Tiến sĩ, Luật sư Đăng Văn Cường - Trưởng VP Luật sư Chính Pháp, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm, cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định rõ hành vi của người đó đã vi phạm quy định cụ thể nào của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Tài sản được giao quản lý là tài sản nào, việc quản lý theo tiêu chuẩn chế độ định mức nào, hành vi phạm tội được thực hiện như thế nào, gây thiệt hại ra sao là những yếu tố quan trọng để xác định tội danh, làm cơ sở để quyết định mức hình phạt.

Theo dõi công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực những năm gần đây không dễ để nhận ra, tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí là tội danh mà có nhiều cán bộ nhà nước thậm chí cả cán bộ cấp cao bị khởi tố như: cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng ; cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Nguyễn Hồng Trường; cựu Bộ trưởng Bộ Công thương, Vũ Huy Hoàng hay chủ tịch, phó chủ tịch một loạt các tỉnh thành TP HCM; Hà Nội: Khánh Hoà…

Điều 219: Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí

Khoản 1 là cấu thành cơ bản quy định việc xử lý hình sự đối với người được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Khoản 2 quy định về cấu thành định khung tăng nặng với các tình tiết định khung: “Vì vụ lợi”, “Có tổ chức”, “Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, “Gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng”; khoản 3 quy định về cấu thành định khung tăng nặng với tình tiết “gây thất thoát, lãng phí 1.000.000.000 đồng trở lên”; khoản 4 quy định về hình phạt bổ sung.

Về hình phạt: khoản 1 quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, khoản 2 quy định hình phạt tù từ 03 năm đến 12 năm, khoản 3 quy định hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, khoản 4 quy định hình phạt bổ sung là “cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là một trong những tội danh thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng và chức vụ, hình phạt tù tới 15 năm.

Cũng theo TS, LS Đặng Văn Cường, tội danh mà Ông Nguyễn Thanh Long, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế bị khởi tố là một trong những tội danh thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng và chức vụ, hình phạt là rất nghiêm khắc.

Theo thông tin từ Cơ quan Công an, ông Nguyễn Thanh Long, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương Kit xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước, đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo đó, tội danh này áp dụng với người có chức vụ quyền hạn, vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác mà làm trái công vụ gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Khoản 3 quy định "Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm".

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trực tiếp xâm hại đến sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức; làm cho các cơ quan tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Nhà nước.

Điều đặc biệt trong vụ án này, người bị khởi tố là bộ trưởng bộ y tế, người đứng đầu ngành y tế có trách nhiệm cao nhất trong việc tổ chức hoạt động khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh. Ở thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, cả xã hội hoang mang, lo lắng và trông chờ rất nhiều vào lực lượng phòng chống dịch bệnh thì các bị can lại lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình và làm trái công vụ, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.

Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: Có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Cần làm rõ có hay không hành vi nhận hối lộ ?

Ts. Ls. Đặng Văn Cường cho rằng, vụ việc xảy ra tại công ty Việt Á cho thấy thiệt hại đặc biệt lớn về tài sản. Theo quy định của pháp luật thì lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội là những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Bởi vậy khi kết án, tòa án sẽ cân nhắc đến tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để có mức hình phạt phù hợp đủ để răn đe, giáo dục đối với các bị cáo, đồng thời để phòng ngừa chung cho xã hội.

 

278291958-1217413588666428-673412497560806754-n-1654615791.jpg
Tiến sĩ, Luật sư Đăng Văn Cường - Trưởng VP Luật sư Chính Pháp

TS. LS Luật sư Đặng Văn Cường đề nghị Cơ quan điều tra cần phải làm rõ hành vi vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác là hành vi nào, hành vi phạm tội được thể hiện qua các chứng cứ nào. Yếu tố vụ lợi ở đây có bao gồm việc nhận tiền, tài sản từ công ty Việt Á hay không. Trong trường hợp có nhận tiền, tài sản thì đó là bao nhiêu tiền. Cơ quan điều tra sẽ thu giữ những tài sản do phạm tội mà có đồng thời có thể tiến hành niêm phong, kê biên các tài sản của bị can để đảm bảo thi hành án trong trường hợp có căn cứ cho thấy bị can đã thực hiện hành vi gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy bị can đã nhận tiền, tài sản từ công ty Việt Á thì cơ quan điều tra cần làm rõ nhận tiền tài sản này có sự thỏa thuận để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền hay không. Trường hợp nhận tiền để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền thì đây là hành vi nhận hối lộ, hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 354 bộ luật hình sự, trường hợp số tiền nhận hối lộ từ 1tỷ đồng trở lên thì hình phạt sẽ ở khung cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình… Luật sư Cường kiến nghị.

Đinh Chiến

Link nội dung: https://phaply.net.vn/hai-toi-danh-ong-chu-ngoc-anh-va-nguyen-thanh-long-bi-khoi-to-duoc-quy-dinh-the-nao-trong-bo-luat-hinh-su-dau-hieu-phap-ly-co-gi-dac-biet-a255509.html