Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua xuất khẩu lao động và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống.

(Pháp Lý) - Xuất khẩu lao động (XKLĐ) góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết được việc làm, tạo thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động, tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm, việc quản lý XKLĐ ở nước ta những năm gần đây còn nhiều hạn chế, thiếu sót tạo ra sơ hở, để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi phạm pháp.

xuat-khau-lao-dong-1-1654228553.jpg
Người lao động cần tìm hiểu kĩ thông tin khi có nhu cầu làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa)

 

Đặc biệt tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua xuất khẩu lao động xảy ra ở các tỉnh, thành phố lớn như: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định,… đang diễn biến phức tạp, tính chất ngày càng nghiêm trọng với nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

 

Thực trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động

Theo thống kê của Bộ Công an, tính từ ngày tháng 5/2020 đến tháng 5/2021, cả nước đã phát hiện, điều tra 5.408 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó: 2.894 vụ lừa đảo theo các phương thức truyền thống (chiếm hơn 53,5% tổng số vụ phát hiện); 2.514 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng (chiếm 46,5% tổng số vụ),… Đáng chú ý trong thời gian gần đây, tội phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua lĩnh vực XKLĐ đang diễn biến hết sức phức tạp, các đối tượng phạm tội thực hiện với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt và tập trung vào một số hành vi phổ biến, củ thể:

 

- Các đối tượng lợi dụng sơ hở trong chính sách XKLĐ để thành lập công ty TNHH với chức năng xúc tiến việc làm, dạy nghề để tạo vỏ bọc, núp bóng danh nghĩa các cơ quan Nhà nước, các công ty, trung tâm quan hệ quốc tế và hợp tác lao động không có chức năng XKLĐ để Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Móc nối, mua chuộc một số cán bộ có chức vụ, quyền hạn, núp bóng danh nghĩa các cơ quan Nhà nước, các trung tâm quốc tế có chức năng XKLĐ để Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng sử dụng tư cách pháp nhân của các doanh nghiệp lớn có chức năng XKLĐ để tạo lòng tin đối với người có nhu cầu XKLĐ hợp pháp; sử dụng các thông báo của doanh nhiệp có chức năng XKLĐ dán ở trụ sở ở công ty; mở các lớp đào tạo hướng nghiệp,… để tạo lòng tin và chiếm đoạt tài sản của người có nhu cầu đi XKLĐ.

- Sử dụng con dấu giả, thành lập các công ty “ma” để lừa đảo, quảng cáo đưa đi XKLĐ nước này nhưng thực tế lại đưa đi XKLĐ ở nước khác để chiếm đoạt tiền chênh lệch của người muốn đi XKLĐ.

- Quảng bá XKLĐ sai với sự thật, dùng hình thức đi du lịch trong thời gian ngắn hoặc sử dụng Visa, thẻ thuyền viên giả, đưa người lao động ra nước ngoài để chiếm đoạt tài sản của họ. Các công ty quảng bá cho đi lao động ở các nước có thu nhập cao và thuận tiện để thu tiền người lao động với giá cao nhưng thực chất là đưa người lao động đi sai nước mà các đối tượng thỏa thuận, đưa người người lao động sang nước thứ ba thông qua một nước khác có thu nhập thấp để chiếm đoạt tiền chênh lệch hoặc sau khi lấy được tiền của người lao động, các công ty không có khả năng đưa người đi lao động mà bỏ họ tự ra nước ngoài bằng con đường du lịch hoặc đứng ra tổ chức xuất cảnh bằng Visa giả; xuất cảnh trái phép bằng các đường mòn hoặc cho người nằm trong contener,… sau đó bỏ mặc họ ở nước ngoài.

- Tuyển lao động vào công ty hứa sẽ cho đi XKLĐ nhưng thực chất là đi tham quan, giới thiệu sản phẩm, tham dự triển lãm ở nước ngoài, sau đó bỏ mặc họ tự tìm việc ở nước ngoài để chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của tội phạm được thực hiện ở các công ty vốn có chức năng quan hệ tiếp xúc với các công ty nước ngoài, từ đó lợi dụng các mối quan hệ sẵn có như: tham quan, giới thiệu sản phẩm, triển lãm, hội chợ, trao đổi kinh nghiệm để tuyển chọn người có nhu cầu XKLĐ, yêu cầu làm hồ sơ lý lịch có xác nhận của chính quyền địa phương, tuyển dụng tạm thời vào công ty với danh nghĩa cho đi XKLĐ nhưng thực chất là xin cấp có thẩm quyền ra quyết định cử đoàn đi công tác, học tập trao đổi kinh nghiệm,… sau đó để họ ở lại nước ngoài tự lo việc.

- Móc nối với một số phần tử xấu ở nước ngoài xây dựng “kịch bản” đưa người XKLĐ ra nước ngoài nhằm chiếm đoạt tài sản. Các công ty còn câu kết với các đối tượng nước ngoài để liên kết với nhau lừa đảo, đối tượng trong nước có trách nhiệm thu gom người và tiền, sau đó làm thủ tục xuất cảnh, đối tượng ở nước ngoài lo việc tiếp nhận, bố trí công việc hoặc cung cấp giấy tờ, hồ sơ hợp đồng,… để đối tượng trong nước có thể xin Visa, thẻ lao động, hợp đồng tuyển dụng lao động. Người lao động ra nước ngoài trong các trường hợp này chủ yếu bằng đường du lịch với nhiều lời hứa hẹn và chi phí cao, nhưng thực tế nhiều lao động đã bị bóc lột thậm tệ dẫn đến bỏ trốn hoặc tự tìm việc làm trong các cơ sở kinh doanh bất hợp pháp.

 

Những khó khăn vướng mắc trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua xuất khẩu lao động

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực XKLĐ còn bộc lộ một số hạn chế vướng mắc như sau:

- Một số quy định của pháp luật về quản lý XKLĐ còn chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, đã tạo điều kiện cho tội phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong XKLĐ lợi dụng hoạt động.

- Công tác kiểm tra, thẩm định cấp giấy phép chưa chặt chẽ, công tác quản lý hoạt động của các doanh nghiệp bị buông lỏng, doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động XKLĐ thay đổi địa chỉ thường xuyên không được kiểm tra, xử lý triệt để.

- Quan hệ phối hợp giữa các lực lượng và hợp tác quốc tế trong phát hiện, điều tra tội phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong XKLĐ còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn (đặc biệt giữa Bộ Lao động thương binh và xã hội; Cục quản lý lao động ngoài nước với các cơ quan quản lý doanh nghiệp,..).

- Nhận thức, hiểu biết pháp luật của một số người dân trong lĩnh vực XKLĐ còn hạn chế, không nắm vững đượccác quy định, trình tự, thủ tục để làm hồ sơ xin đi XKLĐ ở nước ngoài.

- Công tác tuyên truyền đến quần chúng nhân dân về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua XKLĐ còn chưa được quan tâm đúng mức, nhiều địa phương có thực hiện nhưng mang tính hình thức nên chưa đem lại hiệu quả cao trong công tác phòng, chống tội phạm này.

 

Giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua xuất khẩu lao động

- Một là, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động phòng ngừa tội phạm LĐCĐTS. Thông qua hoạt động phòng ngừa, phát hiện, điều tra tội phạm LĐCĐTS trong những năm qua cho thấy, ở nhiều địa bàn, trong nhiều lĩnh vực kinh tế còn bộc lộ nhiều bất cập trong công tác quản lý, bảo quản tài sản, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu lao động. Do đó, trước hết, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật trong những lĩnh vực này để hạn chế những sơ hở, thiếu sót mà các đối tượng phạm tội có thể lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

- Hai là, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa nhiều cơ quan: Bộ Công an, Bộ lao động thương binh và xã hội, Cục quản lý lao động ngoài nước, Sở Kế hoạch và đầu tư,… các trung tâm xúc tiến việc làm, đào tạo nghề, ngoại ngữ tin học trong việc quản lý thanh tra, kiểm tra và cấp giấy phép.

- Ba là, phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho người dân về thông tin chính sách xuất khẩu hợp tác lao động của Nhà nước, đồng thời thông báo công khai các doanh nghiệp có chức năng XKLĐ cho người dân biết tránh những công ty “ma” lừa đảo trên tất cả các địa bàn trong cả nước.

- Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra những đơn vị có chức năng XKLĐ, đồng thời phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật thu hồi giấy phép kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn không có hiệu quả, vi phạm pháp luật.

 

Nguyễn Việt Hưng – Giảng viên Khoa Cảnh sát kinh tế

(Học viện Cảnh sát nhân dân)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/toi-pham-lua-dao-chiem-doat-tai-san-thong-qua-xuat-khau-lao-dong-va-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-phong-chong-a255485.html