Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến của người dân đối với dự thảo nghị định quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam. NHNN cho biết, trong các năm qua, khối lượng tiền mặt trong lưu thông tăng lên phù hợp quy mô phát triển của nền kinh tế. Cùng với sự phát triển nhanh của công nghệ in, sao chụp, xử lý hình ảnh và internet, việc làm tiền giả dễ dàng thực hiện hơn, kỹ thuật làm giả cũng ngày càng tinh vi hơn.
Trước thực trạng tội phạm tiền giả vẫn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, dự thảo Nghị định quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam bổ sung thêm lực lượng phòng, chống tiền giả, quy định điều kiện khi sao chụp tiền.
Theo đó, để hạn chế các hành vi vi phạm quy định về sao chụp, sử dụng hình ảnh đồng tiền Việt Nam, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ tiền Việt Nam, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của Ngân hàng Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu quyền tác giả đối với mẫu thiết kế các loại tiền Việt Nam, cần thiết quy định các điều kiện, tiêu chuẩn sao chụp, sử dụng hình ảnh tiền Việt Nam trong văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, thông tin đầy đủ thủ tục hành chính về sao chụp, sử dụng hình ảnh tiền Việt Nam, tạo điều kiện thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân sao chụp tiền Việt Nam đúng pháp luật.
Dự thảo Nghị định cũng quy định một số điều kiện về việc sao chụp hình ảnh tiền Việt Nam như phải nộp hồ sơ gửi Ngân hàng Nhà nước đề nghị được sao chụp tiền, Ngân hàng Nhà nước sẽ có công văn trả lời; việc sao chụp hình ảnh tiền Việt Nam không nhằm mục đích thương mại, không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào trừ trường hợp dùng để viết báo...
Ở nước ta, tình trạng tội phạm lưu hành, vận chuyển, tiêu thụ tiền giả đã xảy ra tại một số địa phương với thủ đoạn, phương thức ngày càng phức tạp. Tiền Việt Nam bị làm giả làm giảm giá trị của đồng tiền do NHNN phát hành, tác động đến an ninh tiền tệ quốc gia, giảm lòng tin của người dân vào chính sách, công tác quản lý, điều hành tiền tệ của Nhà nước.
Theo các cơ quan chức năng, trước đây, tiền giả chủ yếu sản xuất ở nước ngoài, được vận chuyển, đưa vào trong nước tiêu thụ. Song những năm gần đây, đã xuất hiện tội phạm làm tiền giả tại một số địa bàn như: Đắk Nông, thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định…
Trong những năm qua, lực lượng công an, bộ đội biên phòng đã phát hiện, triệt phá hàng nghìn vụ liên quan đến tiền giả, thu giữ nhiều tang vật liên quan. Lượng tiền giả thu giữ qua cơ quan chức năng và hệ thống ngân hàng lên đến hàng chục tỷ đồng tiền giả.
Đáng chú ý, kỹ thuật làm tiền giả cũng ngày càng tinh vi hơn. Trước đây, tiền giả chủ yếu được in ở nước ngoài trên chất liệu nilon. Những năm gần đây, đã xuất hiện tiền giả được in trong nước, chủ yếu trên giấy. Nhìn chung, các loại tiền giả tiền polymer có kỹ thuật làm giả đơn giản, dễ kiểm tra nhận biết bằng tay và mắt thường. Song, theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình hình hoạt động của tội phạm tiền giả trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp.
Do vậy, để công tác phòng, chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam đạt hiệu quả và toàn diện, cần thiết bổ sung thêm lực lượng chức năng tham gia và tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.
Theo thuonghieucongluan.com.vn
Nguồn bài viết: https://thuonghieucongluan.com.vn/phuong-thuc-thu-doan-cua-toi-pham-trong-linh-vuc-tai-chinh-tien-te-ngay-cang-tinh-vi-a172768.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/phuong-thuc-thu-doan-cua-toi-pham-trong-linh-vuc-tai-chinh-tien-te-ngay-cang-tinh-vi-a255458.html