Những lưu ý của Đại biểu Quốc hội về quản lý đất đai, đấu thầu, cổ phần hóa DNNN, nợ xấu và lạm phát…

(Pháp Lý). Đó là tình trạng vi phạm pháp luật nghiêm trọng còn xảy ra trong quản lý đất đai; xác định giá đất; giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; Đấu thầu còn nhiều bất cập, thậm chí vi phạm pháp luật hình sự; Liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn sách giáo khoa không?; Nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn; Cảnh báo về lạm phát và cần ngay giải pháp…

Nhức nhối vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai , đấu thầu mua sắm….

Chiều 23/5, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phạm Thúy Chinh báo cáo thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Cơ quan này đề nghị Chính phủ xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên; hàng năm báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện.

Đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, quy hoạch "treo", dự án "treo" và hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, gây lãng phí nguồn lực. Tình trạng buông lỏng quản lý ở một số địa phương để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai như lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép... chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Các vi phạm pháp luật còn xảy ra trong quản lý đất đai; xác định giá đất; giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, được phát hiện qua kiểm tra như ở tỉnh Bình Dương, Khánh Hòa. "Đất hoang hóa, đất sử dụng không theo mục đích chưa được thống kê đầy đủ; chưa xác định được trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, tập thể có liên quan", bà Chinh nêu thực trạng.

 

anh-1-1653366781.jpg
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phạm Thúy Chinh báo cáo trước Quốc hội, chiều 23/5.

Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành không đảm bảo tiến độ theo nghị quyết của Quốc hội. Theo báo cáo ngày 28/1 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2021 dự án mới giải ngân 63%, trong đó năm 2021 chỉ đạt 39,78%. Còn 304 ha đất thuộc diện tích đất xây dựng cảng giai đoạn một và trên 340 ha đất thuộc diện tích đất dự trữ chưa giải phóng mặt bằng. Điều này gây khó khăn trong việc thi công và không đảm bảo tiến độ.

Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng đánh giá đấu thầu mua sắm và mua sắm tập trung còn nhiều bất cập. Đơn cử quy trình, thủ tục đấu thầu phức tạp, gây lãng phí về thời gian, làm chậm tiến độ các dự án đầu tư, mua sắm. Đấu thầu qua mạng đạt tỷ lệ thấp, chưa đảm bảo lộ trình; hiệu quả và kết quả tiết kiệm qua đấu thầu chưa được đánh giá đầy đủ; quy định về mua sắm tập trung còn bất hợp lý.

"Còn tồn tại thực trạng mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư không đúng quy định, vượt quá nhu cầu dẫn đến không sử dụng hoặc kém hiệu quả...", bà Chinh nói, thêm rằng tình trạng ách tắc trong việc mua sắm trang thiết bị y tế chưa được tháo gỡ kịp thời, làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, còn có vi phạm pháp luật trong việc quản lý, nghiên cứu, ứng dụng khoa học; đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công. Đơn cử vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và một số cơ quan, địa phương trong thời gian vừa qua gây thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân.

'Chưa có người đứng đầu nào bị xử lý trong việc chậm cổ phần hóa'

Cơ quan thẩm tra cũng nêu thực trạng tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp của nhiều bộ, ngành, địa phương "rất chậm", năm 2021 chỉ thoái vốn nhà nước tại 18 doanh nghiệp, cổ phần hóa 4 doanh nghiệp; thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt xấp xỉ 3.700 tỷ đồng.

"Còn nhiều bất cập trong quy định và xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, chưa phát huy được vai trò của thị trường chứng khoán để đẩy mạnh cổ phần hóa, thu hút nhà đầu tư tiềm năng"

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, chính sách tháo gỡ, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, tổ chức thực hiện chưa quyết liệt, nhưng chưa có người đứng đầu nào bị xử lý trách nhiệm trong việc chậm trễ thực hiện nhiệm vụ này.

Lưu ý một số lĩnh vực có nợ xấu chiếm tỉ trọng cao như bất động sản; cho vay tiêu dùng; BOT, BT giao thông ...

Một nội dung được Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh trong báo cáo thẩm tra chính là vấn đề về nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn, đặc biệt thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản có nhiều rủi ro, không bền vững, thiếu ổn định.

Theo đánh giá, trên thị trường cổ phiếu đã xuất hiện các hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, một số cổ phiếu/nhóm cổ phiếu có biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, gây tổn thất trực tiếp cho nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến tính ổn định và minh bạch của thị trường.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng tiềm ẩn rủi ro cao và mất cân đối. Năm 2021, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt hơn 637.000 tỷ đồng, tăng 36,4% so với năm 2020, trong đó phát hành riêng lẻ chiếm tới 95%.

Tỉ lệ trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng tài sản rủi ro cao như cổ phiếu chưa niêm yết, dự án, tài sản hình thành trong tương lai còn lớn, ảnh hưởng tới sự an toàn của thị trường. Số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của hệ thống các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nhanh.

Trong năm 2022, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào khoảng 145.500 tỷ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2%, trái phiếu các tổ chức tín dụng đáo hạn chiếm 20,2%. “Do đó, cần phải làm rõ thêm về khả năng trả nợ của các doanh nghiệp”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

anh-2-1653366781.jpg
 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng báo cáo về thực hiện nghị quyết 42 - Ảnh: Quochoi.vn

Đánh giá cao những kết quả trong xử lý nợ xấu với nhiều hình thức đa dạng, nợ xấu cơ bản được kiểm soát, nhưng trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh - chủ nhiệm ủy ban - cho rằng kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro.

Đáng chú ý, một số lĩnh vực có nợ xấu chiếm tỉ trọng cao như bất động sản (chiếm 18,4%); cho vay tiêu dùng (chiếm 25,8%); BOT, BT giao thông (3,92%)...

Thống nhất với đề nghị kéo dài thời gian áp dụng nghị quyết, song ông Thanh cho rằng cần đánh giá kỹ về sự cần thiết cũng như gắn thời hạn, trách nhiệm cụ thể trong xây dựng khuôn khổ pháp lý thay thế nghị quyết 42, đảm bảo tính liên tục trong xử lý nợ xấu.

Đồng thời, một số ý kiến đề nghị sửa đổi một số nội dung trong nghị quyết như mở rộng phạm vi của khoản nợ xấu; bổ sung đối tượng là công ty mua bán nợ được áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu như VAMC; bổ sung phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn đối với tranh chấp hợp đồng tín dụng hoặc hoàn trả tài sản đảm bảo là tang vật của vụ việc vi phạm hành chính...

Do đó cơ quan thẩm tra cho rằng cần xem xét lại thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, không nên tiếp tục duy trì chính sách này.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra còn đề nghị Chính phủ lưu ý tới vấn đề lãng phí trong sử dụng đất đai ở một số nơi và tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi..

Dự báo từ nay đến cuối năm 2022, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng năm 2022 khoảng 8-8,5% (gồm mức dự kiến 6-6,5% theo Nghị quyết số 32 và phần tăng thêm 2% nhờ tác động của chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) và cả giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu tới khoảng 6,5 - 7%.

Do đó, cơ quan thẩm tra yêu cầu Chính phủ đặc biệt, kiểm soát lạm phát, duy trì lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguốn vốn; kiểm soát nợ xấu, có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh.

“Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, ban hành điều kiện, tiêu chí quản lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp cùng với việc có giải pháp ổn định thị trường, tăng niềm tin của nhà đầu tư”, cơ quan thẩm tra yêu cầu.

'Liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn sách giáo khoa không?'

Chiều 23.5, trình bày dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.

anh-3-1653366781.jpg
 Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Kim Thúy phát biểu tại hội trường Quốc hội

Cụ thể, chuyên đề 1 là việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Chuyên đề 2 là việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Chuyên đề 3 là việc thực hiện Nghị quyết số 88 năm 2013 và Nghị quyết số 51 năm 2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chuyên đề 4 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021.

Thảo luận sau đó, nhiều đại biểu đề nghị lựa chọn chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giao khoa giáo dục phổ thông là giám sát tối cao của Quốc hội năm 2023.

Đại biểu Nguyễn Kim Thúy (Đà Nẵng), Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội, cho rằng việc Quốc hội thực hiện giám sát tối cao sẽ giúp đánh giá được đầy đủ, kịp thời ưu, khuyết điểm trong quá trình thực hiện các Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51, từ đó có định hướng chỉ đạo tiếp tục đổi mới có hiệu quả trong những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, trong 8 năm qua, ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng, vượt qua nhiều khó khăn để triển khai các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, dư luận cũng còn nhiều ý kiến khác nhau về một số kết quả triển khai.

Như vấn đề giá sách giáo khoa, hay vấn đề đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp, đặt ra tại kỳ họp này như việc sắp xếp môn lịch sử là môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT.

Theo đại biểu Thúy, có những vấn đề báo chí và đại biểu Quốc hội đã đặt ra suốt từ kỳ họp trước đến kỳ họp này nhưng chưa được giải quyết, như những sai sót trong cả 3 bộ sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 6 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; hay những bất cập trong Thông tư số 25 của Bộ GD-ĐT về lựa chọn sách giáo khoa dẫn đến việc bỏ qua quyền lựa chọn dân chủ của cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, là vai trò hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của Bộ GD-ĐT trong việc lựa chọn sách giáo khoa để bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch, không ảnh hưởng xấu đến chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.

"Thậm chí có câu hỏi: "Liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn sách giáo khoa không?'…", đại biểu Thúy nêu và cho rằng, những vấn đề này nên được thảo luận rộng rãi ở Quốc hội để thu nhận được ý kiến từ nhiều chiều và để cử tri cả nước được biết.

"Qua giám sát, Quốc hội có thể khẳng định những việc ngành giáo dục đã thực hiện đúng, đồng thời chỉ ra những hạn chế, những điều cần khắc phục để hỗ trợ ngành thực hiện tốt nhiệm vụ. Qua giám sát, Quốc hội cũng có thể điều chỉnh các nghị quyết của mình hoặc bổ sung chính sách, nếu cần thiết", đại biểu Thúy nhấn mạnh.

Theo dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 vào ngày 6.6

Cảnh báo và hiến kế chặn lạm phát

Thông tin từ liên bộ Công thương - Tài chính công bố chiều 23-5, xăng E5RON92 tiếp tục tăng 674 đồng/lít, lên mức 29.633 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 669 đồng/lít, tăng lên mức 30.657 đồng/lít. Trong khi đó, dầu diesel 0.05S giảm 1.097 đồng/lít, có mức giá 25.553 đồng/lít; dầu hỏa giảm 763 đồng/lít, có giá 24.405 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S giảm 962 đồng/kg, có giá 20.598 đồng/kg. Như vậy, giá xăng đang có mức cao nhất trong lịch sử.

Lo ngại về lạm phát tăng cao đã xuất hiện vài tháng nay. Tại kì họp Quốc hội đang diễn ra, vấn đề lạm phát được nhiều ĐBQH đặc biệt quan tâm.

Trả lời phỏng vấn báo tuổi trẻ mới đây, ĐBQH Trần Hoàng Ngân nhận định: Hiện tình hình thế giới quá phức tạp với lạm phát cao. Nhiều nước bơm tiền để kích thích kinh tế hậu COVID-19, do đứt gãy chuỗi cung ứng và chiến tranh Ukraine - Nga. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn với thế giới. Thế giới tăng giá, ta phải chịu giá cao ngay. Người ta gọi đó là nhập khẩu lạm phát. Cả 3 nguyên nhân này đẩy giá hàng hóa vào chỗ nguy hiểm, không chỉ dừng ở xăng dầu, khí đốt, mà nay đã lan sang lúa mì, gạo, phân bón...

 

anh-4-1653366781.png
ĐBQH Trần Hoàng Ngân

Do vậy phải kiên trì ngăn ngừa ngay khi có những triệu chứng lạm phát cao quay trở lại. Một trong những giải pháp có thể giảm đà tăng nóng của giá cả chính là kềm giá xăng dầu.

Nếu không kiểm soát tốt giá xăng dầu, sẽ có những đợt tăng giá nhiều mặt hàng và vòng xoáy đó sẽ dẫn đến tăng lãi suất. Khi đó, không chỉ người dân, doanh nghiệp mà Nhà nước cũng khó khăn.

Cần cân nhắc giữa phòng ngừa và chữa trị. Khi mới có dấu hiệu, có thể trị bằng thuốc cảm (giảm thuế, không tăng giá các dịch vụ công...). Còn một khi để xảy ra lạm phát cao, phải dùng thuốc liều cao, như tăng lãi suất, tất nhiên để lại hậu quả, không chỉ người dân, doanh nghiệp mà cả ngân sách nhà nước cũng bị ảnh hưởng .

Chúng ta còn dư địa về thuế để giảm đà tăng nóng của giá xăng dầu, đó là 50% thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt... Đừng sợ giảm nguồn thu trước mắt do giảm thuế để kiểm soát giá. Bởi vì để xảy ra lạm phát cao, nguồn thu ngân sách cũng sẽ giảm trầm trọng hơn.

Khi đó, không chỉ doanh nghiệp mà ngay người dân cũng không có nhiều thu nhập để nộp thuế thu nhập cá nhân. Hy sinh trước mắt để có lâu dài. Bài học từ việc ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của năm 2011 rất có giá trị để tham khảo.

Cần gióng lên hồi chuông về nguy cơ lạm phát cao để Chính phủ, Quốc hội có biện pháp xử lý hiệu quả. Sớm có giải pháp, lạm phát trong tầm kiểm soát, đời sống người dân và doanh nghiệp sẽ bớt vất vả...

Theo  ĐBQH Vũ Tiến Lộc (ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội): trong thời điểm hiện tại, chúng ta không có sự lựa chọn nào cả mà vẫn phải thực hiện mục tiêu kép hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi và giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giữ an ninh an toàn hệ thống tài chính quốc gia. Trong đó, thực hiện linh hoạt các biện pháp tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp chứ không thể siết như một số nước đang làm. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ, biện pháp hỗ trợ phải thực hiện rất hiệu quả, đi vào nền kinh tế nhanh hơn và đi kèm với cải cách thể chế, thủ tục hành chính để tạo thuận lợi, hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp sản xuất...

Còn ĐBQH Trần Văn Lâm (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Quốc hội) đề xuất:  Không nên để giá xăng dầu tạo nên những cú sốc cho nền kinh tế, hạn chế và cố gắng hỗ trợ cho nền kinh tế và các lĩnh vực sản xuất trong nước đỡ bị tác động, giá hàng hóa sản xuất trong nước không tăng đột biến theo giá xăng dầu.

Các giải pháp đa dạng, chúng ta dự báo để có bước như giãn mức độ tăng giá, không bị quá đột biến; thêm nữa là tìm nguồn cung thay thế với giá cả hợp lý, tìm kênh nguồn hàng sản xuất trong nước bởi trong trường hợp biến động cao lên thì sản xuất trong nước có lợi thế... Tăng tự chủ và chủ động nền kinh tế, lĩnh vực nào có khả năng biến động thì có giải pháp để tìm nguồn cung thay thế cho phù hợp.

Theo đó, ông Vũ Hồng Thanh - chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng cần đánh giá kỹ hơn về các cân đối lớn khi vẫn còn tiềm ẩn rủi ro, kiểm soát lạm phát gặp khó khăn.

"Giai đoạn tới, cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài; nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác", ông Thanh nhấn mạnh.

Trong báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội do Phó thủ tướng Lê Văn Thành trình bày trước Quốc hội, với tình hình hiện tại, thời gian tới Chính phủ sẽ chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác nhằm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và kiểm soát lạm phát.  Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả; điều hành, bình ổn giá; thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu; có giải pháp hiệu quả duy trì ổn định chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tập trung thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công.

Lê Phúc (T/h)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-luu-y-cua-dai-bieu-quoc-hoi-ve-quan-ly-dat-dai-dau-thau-co-phan-hoa-dnnn-no-xau-va-lam-phat-a255404.html