Cụm chi đua số 6 Hội luật gia VN tổ chức Hội thảo: THỰC THI PHÁP LUẬT ĐẤT ĐAI, CƯ TRÚ, ĐẤU GIÁ VÀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ NHỮNG VƯỚNG MẮC VÀ KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI

Ngày 20/5/2022, tại Hải Tiến, Thanh Hóa, Cụm thi đua các Chi hội Luật gia trực thuộc TW HLGVN (Cụm thi đua số 6) đã tổ chức Hội thảo khoa học về “ Thực thi pháp luật đất đai, Luật cư trú, đấu giá và sở hữu trí tuệ, những vướng mắc và kiến nghị, góp ý sửa đổi bổ sung”. TS. Trần Công Phàn, ĐBQH khóa XV, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HLGVN; ông Vũ Duy Hòa UVBCH HLGVN, Chủ tịch HLG tỉnh Thanh Hóa và TS. LS. Lê Xuân Thảo – Giám đốc Cty Sở hữu trí tuệ INVENMARK chủ trì Hội thảo.

Tham dự còn có gần 50 đại biểu đại diện các chi hội Luật gia thuộc Cụm thi đua số 6, Chi Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa, Ccas Sở, Ban ngành tỉnh Thanh Hóa, huyện Hoằng Hóa … cùng tham gia Hội thảo đóng góp ý kiến, thảo luận, trao đổi kinh nghiệm sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ những vướng mắc về Luật đất đai, Luật cư trú, Luật đấu giá và Luật sở hữu trí tuệ.

1-1653121415.png
Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Phát biểu tại khai mạc Hội thảo, TS. LS  Lê Xuân Thảo – Giám đốc Cty Sở hữu trí tuệ INVENMARK – Trưởng Cụm thi đua số 6 khẳng định: Hội thảo “Thực thi pháp luật đất đai, Luật cư trú, đấu giá và sở hữu trí tuệ, những vướng mắc và kiến nghị, góp ý sửa đổi bổ sung” được Cụm thi đua số 6 phối hợp với Chi hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa tổ chức theo kế hoạch số 338/TĐKT – HLGVN, ngày 28/12/2021 của Hội đồng thi đua khen thưởng Hội Luật gia VN về việc phát động phong trào thi đua HLGVN năm 2022, với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn do đại dịch Covid – 19, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022” .

2-1653121415.png
Đại tá Nguyễn Trung Tuyến Thường trực Chi hội Luật gia Bộ Công an

Luật đất đai: Phải khơi thông nguồn lực đất, góp phần phát triển KT - XH

Tập trung vào những vướng mắc ông Nguyễn Trung Tuyến đã đề xuất một số nội dung cụ thể của Luật Đất đai năm 2013 cần sửa đổi, bổ sung:

Một là, tại Điều 5 Luật Đất đai năm 2013 về người sử dụng đất chưa quy định trường hợp người sử dụng đất là cá nhân nước ngoài thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và cấp giấy tờ chứng nhận về quyền sở hữu nhà ở; đây là vướng mắc trong thực tiễn cần bổ sung vào Luật Đất đai cho phù hợp với quy định của Luật Nhà ở và góp phần tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài để phát triển các dự án bất động sản ở nước ta.

Hai là, tại Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 về phân loại đất quy định đất được chia ra 03 loại nhóm đất là nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng, qua thực tiễn thi hành cho thấy việc phân loại như trên còn có nhiều điểm chưa hợp lý như có những loại đất chưa được liệt kê trong Luật, có loại đất được phân loại nhưng chưa sát với nhu cầu, mục đích sử dụng đất của tổ chức, cá nhân; do vậy, cần phải điều chỉnh quy định này cho phù hợp. Có thể nghiên cứu theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết phân loại các loại đất cho linh hoạt, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là trong việc phân loại các loại đất nông nghiệp và đất sử dụng vào mục đích cung cấp dịch vụ thương mại...

Ba là, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy định chi tiết có liên quan chỉ quy định về việc góp vốn bằng “quyền sử dụng đất” (tại Khoản 10 Điều 3), trong khi đó, Luật Doanh nghiệp năm 2014 lại quy định về việc góp vốn bằng “giá trị quyền sử dụng đất” (tại Điều 35). Như vậy, hai khái niệm này là không đồng nhất, có nhiều cách hiểu khác nhau nên gây khó khăn trong việc tham gia góp vốn, đầu tư kinh doanh của cá nhân và doanh nghiệp. Vì vậy, cần điều chỉnh các quy định này cho rõ ràng, cụ thể hơn, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức tham gia góp vốn, đầu tư kinh doanh bằng tài sản là quyền sử dụng đất.

Bốn là, tại Điều 57 Luật Đất đai năm 2013 quy định cụ thể các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền các trường hợp không phải xin phép Nhà nước thì phải đăng ký biến động. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy phát sinh các trường hợp nằm ngoài quy định của Luật như chuyển mục đích sử dụng đất liên quan đến đất trồng lúa, đất rừng, đất sử dụng cung cấp dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng... dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý nhà nước và ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng đất chính đáng của người sử dụng đất, gây chậm tiến độ thực hiện dự án đầu tư kinh doanh. Do vậy, đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định này để tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi linh hoạt mục đích sử dụng đất giữa các loại đất, đặc biệt là trong nội bộ nhóm đất nông nghiệp, đất dịch vụ...

Năm là, tại Điều 61, Điều 62, Điều 73 Luật Đất đai năm 2013 quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp cần thu hồi đất để thực hiện dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất để nhằm phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng lại không được quy định trong Luật dẫn đến công tác thu hồi đất gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về tính pháp lý, có trường hợp nhà đầu tư không thỏa thuận nhận chuyển nhượng với người dân được hết diện tích đất để thực hiện dự án nên phải lùi tiến độ hoặc không thể triển khai dự án. Do vậy, cần nghiên cứu, bổ sung quy định các trường hợp thu hồi đất như thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt để nhằm tạo quỹ đất sạch, kịp thời đưa vào khai thác, sử dụng khi có dự án triển khai; thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư đã được phê duyệt và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất để thực hiện dự án khu nhà ở, dự án có vốn đầu tư nước ngoài, dự án phát triển nông nghiệp tập trung, nông nghiệp công nghệ cao... nhằm phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định giải quyết trường hợp nhà đầu tư không tự thỏa thuận được với chủ sử dụng đất để nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn quyền sử dụng đất khi thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, để hạn chế trường hợp chậm tiến độ thực hiện hoặc không triển khai được dự án.

Sáu là, tại Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 quy định về việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai đối với một số loại đất nông nghiệp do không được sử dụng, gây lãng phí tài nguyên đất; tuy nhiên, còn một số loại đất khác chưa được quy định phải thu hồi như đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối hoặc các loại đất nông nghiệp khác; do vậy, cần bổ sung cho đầy đủ.

Bảy là, tại Điều 113, Điều 114 Luật Đất đai năm 2013 quy định Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 05 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Đồng thời, giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể trong việc giao đất, cho thuê đất và tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Trong khi đó, thẩm quyền thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân lại giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện. Qua triển khai thực tế cho thấy, qua nhiều năm giá đất do Nhà nước quy định tại nhiều địa phương chưa được sát so với giá thị trường, gây thất thu thuế cho nhà nước; đồng thời, gây khó khăn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thương lượng với người dân khi thực hiện thu hồi đất, đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến khiếu kiện về đất đai. Do vậy, cần nghiên cứu chỉnh lý theo hướng có thể phân cấp cho địa phương (cấp huyện) được xác định giá đất cho phù hợp với thực tế tại địa bàn quản lý, việc xác định giá đất có thể thực hiện hàng năm hoặc theo dự án cụ thể nhằm hạn chế trường hợp xác định giá đất bị chậm không sát với giá thực tế. Ngoài ra, có thể bổ sung đại diện người dân tại khu vực cần xác định giá đất vào thành phần Hội đồng định giá đất để bảo vệ lợi ích hợp pháp của họ.

Tám là, Luật Đất đai năm 2013 quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp (Điều 129) và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (Điều 130); tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều dự án nông nghiệp có nhu cầu sử dụng diện tích đất canh tác trên quy mô lớn, vượt hạn mức nếu trên và đem lại hiệu quả cao về kinh tế. Vì vậy, cần nghiên cứu điều chỉnh hạn mức giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân cho phù hợp với yêu cầu thực tế trong sản xuất nông nghiệp tại các địa phương, tạo điều kiện để phát triển các dự án đầu tư nông nghiệp sử dụng công nghệ cao, sạch, sản xuất trên quy mô lớn, tập trung. Bên cạnh đó, cũng cần điều chỉnh Điều 190, Điều 191 Luật Đất đai năm 2013 theo hướng mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, có thể bao gồm thêm cả tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu tại địa bàn khác nơi có đất nông nghiệp để nhằm tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn, loại hình sản xuất theo trang trại tập trung, tăng hiệu quả trong sử dụng đất nông nghiệp.

Chín là, bổ sung vào Luật Đất đai quy định điều chỉnh đối với việc sử dụng đất để xây dựng một số loại hình nhà ở đặc thù đã xuất hiện ở nước ta trong thời gian qua như căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, nhà phố du lịch (shophouse), văn phòng lưu trú (officetel), căn hộ dịch vụ (serviced apartment). Trong đó, cần phải quy định rõ về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; việc xác định việc sở hữu riêng, phần sở hữu chung, quyền sử dụng đất chung đối với chủ sở hữu các loại hình nhà ở nêu trên.

3-1653121415.png
Ths. Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Chi Hội trưởng Chi hội Luật gia Cục Bản quyền tác giả

Luật Sở hữu trí tuệ đáp ứng thực tiễn và hội nhập quốc tế là những yêu cầu cấp bách đặt ra.

Phát biểu tại Hội thảo, ThS. Phạm Thị Kim Oanh nhấn mạnh trong tiến trình hội nhập quốc tế, vấn đề bảo hộ quyền tác giả ngày càng được quan tâm, chú trọng. Việc thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng vào việc khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của quốc gia. Để có được kết quả này, hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ là một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên.

Với tinh thần chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tham gia 7 điều ước quốc tế đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan như: Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật, có hiệu lực với Việt Nam từ 26/10/2004 (Công ước Berne); Công ước Geneva bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống lại việc sao chép không được phép bản ghi âm của họ, có hiệu lực với Việt Nam từ 06/07/2005 (Công ước Geneva); Công ước Brussels liên quan đến việc phân phối tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh, có hiệu lực với Việt Nam từ 12/01/2006 (Công ước Brussels); Hiệp định về những khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ, có hiệu lực với Việt Nam từ 11/01/2007 (Hiệp định TRIPs); Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng, có hiệu lực với Việt Nam từ 01/03/2007 (Công ước Rome); Hiệp ước WIPO về quyền tác giả (WCT), có hiệu lực với Việt Nam từ 17/02/2022; Hiệp ước WIPO về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT), có hiệu lực với Việt Nam từ 01/7/2022.

Trong đó vấn đề quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng, sở hữu trí tuệ nói chung đã và đang được đặt ra trong hầu hết các cuộc đàm phán FTA, trong đó có Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP), có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/01/2019, FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA), có hiệu lực với Việt Nam , từ ngày 01/8/2020. Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua năm 2005, có hiệu lực từ 01/7/2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019. Sau hơn 16 năm thi hành, nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, tuy nhiên để kịp thời sửa đổi bổ sung quy định về quyền tác giả, quyền liên quan trọng Luật Sở hữu trí tuệ đáp ứng thực tiễn và hội nhập quốc tế là những yêu cầu cấp bách đặt ra.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, việc sử dụng kỹ thuật số để sáng tạo, truyền bá và lưu trữ tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, công nghệ kỹ thuật số, đặc biệt là internet đã và đang đặt ra những thách thức đối với yêu cầu bảo hộ các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình được sáng tạo, lữu trữ, phổ biến và sử dụng trên mạng internet. Việc vi phạm quyền của tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng trên mạng internet cũng ngày một nghiêm trọng. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định bảo hộ và phòng chống vi phạm quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng trong môi trường số là đòi hỏi cấp thiết.

Việt Nam đã và đang tích cực, chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực về quyền tác giả, quyền liên quan. Bên cạnh việc tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đáp ứng sự phát triển của khoa học, công nghệ, sự thay đổi của các điều kiện kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh một số hoạt động như: công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan; đào tạo và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ thực thi; thanh tra, kiểm tra, xử lý xâm phạm, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc phát hiện xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan để đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan.

4-1653121415.png
TS. Nguyễn Ngọc Tủy - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở KH&CN

Thanh Hóa đang đẩy nhanh tiến độ thẩm định đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp

Trao đổi xung quanh những vấn đề thực tiễn tại Thanh óa, TS. Nguyễn Ngọc Tủy đánh giá cao sáng kiến tại Hội thảo chuyên đề về thực thi pháp luật đóng góp vào việc sửa đổi Luât đất đai, Luật cư trú, Luật đấu giá và Luật sở hữu trí tuệ có tầm ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến đời sống xã hội hiện nay. Thanh Hóa hiện có 3.468 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, trong đó, có 1605 văn bằng bảo hộ được cấp (05 sáng chế, 07 giải pháp hữu ích, 128 kiểu dáng công nghiệp, 1460 nhãn hiệu, 05 chỉ dẫn địa lý); năm 2020 có 198 văn bằng bảo hộ được cấp, năm 2021 có 227 văn bằng bảo hộ được cấp (như vậy trung bình 02 năm gần nhất, mỗi năm có trên 200 văn bằng bảo hộ được cấp). Đây là con số khá khiêm tốn nếu xét Thanh Hóa là tỉnh có diện tích lớn thứ 5 cả nước (11.129,48 km2), dân số đứng thứ 3 cả nước (số liệu năm 2021: 3.690.022 người); cả tỉnh hiện có 20.100 doanh nghiệp, hơn 181.000 hộ kinh doanh cá thể (số liệu năm 2021) đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. (201.100 cơ sở, doanh nghiệp/1605 văn bằng. Như vậy, trung bình 125 cơ sở, doanh nghiệp mới có 01 đơn vị được cấp văn bằng bảo hộ về sở hữu công nghiệp).

Đánh giá về nguyên nhân số văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp tại Thanh Hóa còn thấp ông Túy cho rằng: Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thực sự quan tâm đến việc đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; đặc biệt là đối tượng các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể. Bên cạnh đó, tiến độ thẩm định đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn đến tâm lý e ngại của người dân, doanh nghiệp.

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, quy trình thẩm định đơn đăng ký xác lập quyển sở hữu công nghiệp bao gồm 3 giai đoạn: (1) Thẩm định hình thức đơn: 01 tháng từ ngày nộp đơn; (2) Công bố trên công báo: 2 tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận hợp lệ; (3) Thẩm định nội dung: Sáng chế: 18 tháng kể từ ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung; nhãn hiệu: 9 tháng kể từ ngày công bố đơn; kiểu dáng công nghiệp: 7 tháng kể từ ngày công bố đơn; chỉ dẫn địa lý: 6 tháng kể từ ngày công bố đơn Tuy nhiên, hiện nay, nhiều Đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp nói chung và của các cơ sở, doanh nghiệp tại Thanh hóa nói riêng bị để quá thời hạn thẩm định nội dung mà không có yêu cầu nộp các tài liệu khác hoặc dự định từ chối đơn. Thực tế, có nhiều đơn Đơn đăng ký nhãn hiệu có thể kéo dài 16-20 tháng (quy định Luật Sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu là không quả 12 tháng). Việc thời gian đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp quá dài mà đời sản phẩm ngắn, làm mất đi cơ hội của doanh nghiệp.

Để giải quyết tình trạng tồn đọng Đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, ông Túy  đề xuất các giải pháp:  Thứ nhất, cần hoàn thiện quy định về phân cấp trong việc nhận đơn, xử lý đơn cho địa phương để giảm tải cho Cục Sở hữu trí tuệ, đồng thời tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho doanh nghiệp, người dân; Thứ hai, thiết lập được một Trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn với các trang thiết bị hiện đại, tạo lập các cơ sở dữ liệu đầy đủ, tin cậy để phục vụ công tác thẩm định đơn đăng ký SHCN. Thứ ba, từng bước hình thành các cơ sở vệ tinh tại các viện nghiên cứu, trường đại học để tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao để hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ thẩm định đơn đăng ký SHCN.

Riêng đối với Luật Sở hữu trí tuệ, ông Túy cũng đề xuất: Luật Sở hữu trí tuệ đã qua 02 lần sửa đổi, bổ sung (Các năm 2009, 2019); nếu tiếp tục sửa đổi, bổ sung (lần 3) sẽ gây khó khăn trong việc tra cứu, áp dụng để thực thi. Vì vậy, nếu được thì đề nghị ban hành Luật mới. Cần giảm thời gian thẩm định nội dung đơn đối với nhãn hiệu từ 9 tháng xuống 6 tháng kể ngày công bố đơn. Đây là đối tượng phát sinh đơn đăng ký bảo hộ nhiều nhất và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp; mặt khác, thẩm định nội dung đối với nhãn hiệu không phức tạp như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp. Vì vậy, việc giảm thời gian thẩm định nội dung đơn đối với nhãn hiệu là hoàn toàn khả thi nếu thực hiện việc phân cấp cho các địa phương hoặc tận dụng nguồn nhân lực tại các viện nghiên cứu,  tường đại học để đẩy nhanh tiến độ thẩm định đơn.

Thông tin tại Hội thảo, ông Túy cho biết UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 4408/QĐ-UBND ngày 05/11/2021), Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ để phát triển sở hữu trí tuệ tại địa phương; đặc biệt là mục tiêu gia tăng nhanh số đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tăng cường hỗ trợ các sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm của các làng nghề và các sản phẩm OCOP của tỉnh. Qua đó, góp phần gia tăng sức cạnh tranh và uy tín của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

5-1653121415.png
TS. LS  Lê Xuân Thảo – Giám đốc Cty Sở hữu trí tuệ INVENMARK – Trưởng Cụm thi đua số 6

Một số góp ý Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi – Phần đại diện sở hữu công nghiệp

Nêu quan điểm của Chi Hội Luật gia INVENCO- INVENMARK, TS. LS Lê Xuân Thảo cho rằng:

Thứ nhất, lịch sử phát triển hàng chục năm qua cho thấy hoạt động “Đại diện SHCN” là tổ chức dịch vụ khoa học công nghệ mang tính chuyên môn hoá và đặc thù rất cao, đòi hỏi sự tích lũy về mặt kiến thức, kinh nghiệm rất sâu trong lĩnh vực này. Điều kiện để được tham gia dịch vụ SHTT này, cũng giống như tất cả các quốc gia trên thế giới, cũng rất khắt khe bởi tính đặc thù, chuyên biệt của nó. Do vậy, thực tiễn đã đặt hoạt động “Đại diện SHCN” như là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chứ không chỉ là thủ tục hành chính xác lập quyền SHCN thuần tuý.

Thứ hai, tư vấn SHTT vốn là công việc chính, quan trọng và phổ biến chung của tất cả các tổ chức dịch vụ đại diện trên thế giới, với tư cách đại diện (theo ủy quyền) trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong vụ việc nhất định thường chỉ phát sinh sau khi ý kiến tư vấn được chấp nhận. Việc loại bỏ yếu tố “tư vấn” ra khỏi “dịch vụ đại diện SHCN” như Dự thảo là hoàn toàn đi ngược lại với xu thế chung hiện nay của thế giới, thậm chí sẽ dần dần xóa bỏ các “Đại diện SHCN”.

Mặc dù Luật SHTT đã có hiệu lực từ 2005, nhưng thực tế hiện nay hiểu biết chung của xã hội về SHCN là rất thấp, việc nâng cao nhận thức về SHTT hiện nay do Cục SHTT, nhưng chỉ với mốt số lượng rất hạn chế hàng năm dành cho một số nhóm đối tượng nhất định và chủ yếu là cơ quan quản lý Nhà nước. Số còn lại chủ yếu do đại diện SHCN cả nước, đòi hỏi tính đặc thù mà không lực lượng nào có đủ chuyên môn thay thế “Đại diện SHCN”.

Thứ ba, Tại các nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu thì hoạt động “tư vấn SHCN luôn gắn liền với hoạt động “dịch vụ đại diện SHCN”, bởi sự liên kết, liền mạch của cả một chuỗi từ tư vấn nộp đơn; phúc đáp; khiếu nại, phản đối, duy trì hiệu lực để nhằm xác lập quyền SHTT. Dịch vụ đại diện SHCN không chỉ là bao gồm các thủ tục hành chính thuần túy nộp đơn xác lập quyền SHCN như các lĩnh vực khác của đời sống, mà là một quá trình tư vấn liên tục tử khi nộp đơn xác lập quyền, cho đến khi cấp văn bằng bảo hộ, và duy trì hiệu lực hàng năm, liền mạch hàng chục năm (20 năm đối với SC 15 năm đối với KDCN, 10 năm đối với NH, có thể gia hạn).

Việc tư vấn này diễn ra hàng ngày, hàng giờ và thường xuyên gắn liền với hoạt động xác lập quyền, bảo hộ và khai thác quyền SHTT, trong đó khách hàng cũng chỉ lập Ủy quyền đại diện duy nhất một lần, chứ không chia nhỏ ủy quyền theo vụ việc, vừa tốn kém, thủ tục phức tạp, gây rắc rối cho khách hàng.

Thứ tư, các tập đoàn đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam sẽ cảm thấy không an tâm về sự thay đổi trong chính sách pháp luật Việt Nam, trong đó có thay đổi loại bỏ dịch vụ tư vấn ra khỏi dịch vụ đại diện SHCN, đi ngược lại với xu thế chung của thế giới. Một khi thay đổi luật, hàng triệu đơn đăng ký bảo hộ SHTT, duy trì, gia hạn, phản đối, khiếu nại mỗi năm, với hàng trăm thủ tục đặc thù sẽ không biết được tư vấn bởi cơ quan nào, hàng triệu đơn đã nộp tại Cục SHTT đang sử dụng dịch vụ đại diện của Việt Nam sẽ không biết thay đổi ra sao, và cũng hàng triệu ủy quyền đại diện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phải thay đổi, làm mới lại gây tốn kém lãng phí và rắc rối, đi ngược với cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.

Từ phân tích nêu trên, chúng tôi cho rằng hiện chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn việc loại bỏ “dịch vụ tư vấn” ra khỏi “dịch vụ đại diện SHCN” theo Dự thảo. Do vậy, chúng tôi đề xuất giữ nguyên như quy định hiện nay tại khoản 1, Điều 151 Luật SHTT để định nghĩa về loại hình dịch vụ SHCN vừa đúng bản chất, vừa có phạm vi rộng bao quát và xuyên suốt mọi giai đoạn của hoạt động dịch vụ đại diện SHCN vốn là thông lệ chung của pháp luật SHTT thế giới.

Sửa đổi Điều 155 về Điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện SHCN. Theo Dự thảo Luật SHTT (Khoản 2a): “Công dân Việt Nam là luật sư được phép hành nghề theo Luật Luật sư thì được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp trong lĩnh vực nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, chống cạnh tranh không lành mạnh, bí mật kinh doanh nếu đã tốt nghiệp khóa đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền công nhận.”

7-1653121415.png
TS. Trần Công Phàn, ĐBQH khóa XV, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HLGVN

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Phó Chủ tịch HLGVN đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của Cụm thi đua số 6 HLGVN đóng việc tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến tham gia xây dựng, sửa đổi Luật làm cho Luật ngày càng gần hơn với cuộc sống, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Hoạt động của các chi hội luật gia thuộc Cụm thi đua số 6, đặc biệt là sáng kiến tổ cức hội thảo “Thực thi pháp luật đất đai, Luật cư trú, đấu giá và sở hữu trí tuệ, những vướng mắc và kiến nghị, góp ý sửa đổi bổ sung” được Cụm thi đua số 6 phối hợp với Chi hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa tổ chức đã khẳng định trách nhiệm của từng luật gia với công tác xây dựng và phản biện chính sách pháp luật. Với những đóng góp thẳng thắn, tích cực, hiệu quả, phát huy trí tuệ và kinh nghiệm nghề nghiệp của từng hội viên vào công tác cải cách hành chính, tư pháp và phổ biến giáo dục pháp luật; tư vấn giải quyết khiếu nại, tố cáo; giám sát, phản biện xã hội; xây dựng pháp luật, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. 

Đồng chí Trần Công Phàn cũng đề nghị các chi hội trong Cụm thi đua số 6 tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, nâng cao tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ công tác Hội, gắn công tác thi đua với chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị trong các chi hội. Xây dựng Chi hội “Đoàn kết, sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn do đại dịch Covid – 19, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022” .

Thành Chung – Trần Hơn

Link nội dung: https://phaply.net.vn/cum-chi-dua-so-6-hoi-luat-gia-vn-to-chuc-hoi-thao-thuc-thi-phap-luat-dat-dai-cu-tru-dau-gia-va-so-huu-tri-tue-nhung-vuong-mac-va-kien-nghi-sua-doi-a255376.html