Phát huy hiệu quả truyền thông dự thảo chính sách pháp luật

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật" (VBQPPL) nhằm tăng cường hiệu quả các chính sách, pháp luật được ban hành thực sự phát huy tác dụng trong cuộc sống.

3-1652752318.jpeg
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Truyền thông chính sách: Yêu cầu bắt buộc trong xây dựng VBQPPL

Trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh: Hiện nay, pháp luật đã có quy định về việc phổ biến, thông tin về chính sách trong quá trình xây dựng VBQPPL. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định nguyên tắc xây dựng, ban hành VBQPPL phải bảo đảm tính minh bạch trong quy định, tính công khai, dân chủ trong tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức và việc lấy ý kiến đối với dự thảo VBQPPL là yêu cầu bắt buộc trong quá trình xây dựng VBQPPL.

Bên cạnh đó, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2012 và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định quyền tiếp cận thông tin của công dân, trong đó xác định những thông tin phải được công khai rộng rãi bao gồm cả dự thảo VBQPPL, các hình thức công khai thông tin.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, thực tế cho thấy, bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được, hoạt động truyền thông dự thảo chính sách pháp luật chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Việc lấy ý kiến đề nghị xây dựng chính sách và dự thảo VBQPPL chủ yếu được thực hiện thông qua đăng tải trên Cổng/Trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương, hiệu quả còn hạn chế. Công tác PBGDPL chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật, mới chỉ thực hiện phổ biến, tuyên truyền đối với các VBQPPL đã được ban hành mà chưa chú trọng truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình soạn thảo VBQPPL.

"Thực tiễn này đã và đang tạo ra khoảng trống đối với hoạt động truyền thông dự thảo chính sách pháp luật, ảnh hưởng đến chất lượng soạn thảo của VBQPPL, hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách sau khi được ban hành. Một số VBQPPL mặc dù đã thực hiện xong quy trình xây dựng dự thảo nhưng không được ban hành do chất lượng soạn thảo và sự đồng thuận xã hội còn hạn chế; có VBQPPL do chưa làm tốt việc truyền thông từ khâu soạn thảo nên ngay sau khi được ban hành đã xuất hiện ý kiến trái chiều từ cộng đồng xã hội", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhận định.

Cần truyền thông từ khi lập đề nghị xây dựng VBQPPL

Vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, thực hiện mục tiêu lấy người dân làm trung tâm trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay.

Đồng thời, nội dung của Đề án phù hợp với chủ trương "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và yêu cầu đổi mới công tác PBGDPL-khâu đầu tiên của quá trình tổ chức thi hành, đưa pháp luật vào cuộc sống, trong đó bảo đảm gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, Đề án được ban hành sẽ là một trong những "cú hích" quan trọng để hoạt động truyền thông dự thảo chính sách được thực hiện "từ sớm, từ xa", ngay từ khi lập đề nghị xây dựng VBQPPL, bảo đảm đồng bộ, bài bản, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, tạo thuận lợi cho việc tổ chức thi hành pháp luật và nâng cao ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Truyền thông chính sách: 4 tiêu chí và 8 nhóm giải pháp

Phân tích những nội dung lớn của Đề án, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng, bên cạnh việc xác định quan điểm chỉ đạo, mục tiêu của Đề án và phân công trách nhiệm cho các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương, Đề án tập trung vào một số nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, xác định phạm vi các dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội cần được truyền thông. Đó là, Đề án được triển khai thực hiện trong phạm vi cả nước, áp dụng đối với các dự thảo chính sách đáp ứng 4 tiêu chí: Là các chính sách được ban hành trong các VBQPPL mà Luật Ban hành VBQPPL quy định phải lập đề nghị xây dựng VBQPPL trước khi tiến hành soạn thảo, trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật; tác động trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; được xác định là những vấn đề khó, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung dự thảo chính sách; chính sách có tác động trên phạm vi cả nước hoặc trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thời điểm truyền thông dự thảo chính sách được thực hiện ngay từ khi cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng VBQPPL theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL.

Thứ hai, Đề án xác định 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện truyền thông dự thảo chính sách, bao gồm: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác truyền thông dự thảo chính sách; nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, thể chế về công tác truyền thông dự thảo chính sách; cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo VBQPPL chủ động xây dựng Kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách hàng năm; tổ chức truyền thông dự thảo chính sách; tăng cường công tác chỉ đạo, theo dõi của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, cấp tỉnh trong truyền thông dự thảo chính sách; xây dựng nội dung truyền thông dự thảo chính sách ngắn gọn, dễ hiểu, sinh động; đa dạng các hình thức truyền thông dự thảo chính sách; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện truyền thông dự thảo chính sách; huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác truyền thông dự thảo chính sách.

Tăng cường tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý, phản hồi, phản biện

Để Đề án này được phát huy hiệu quả trong cuộc sống, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở Đề án và chương trình, kế hoạch xây dựng dự án, dự thảo VBQPPL hằng năm của Quốc hội, Chính phủ, địa phương cũng như yêu cầu thực tiễn, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch truyền thông dự thảo chính sách hàng năm. Trong đó xác định các chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL, đáp ứng các tiêu chí được xác định tại Quyết định số 407/QĐ-TTg. Phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL trong chỉ đạo, theo dõi việc thực hiện truyền thông dự thảo chính sách; quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Trong quá trình thực hiện, các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý, phản hồi, phản biện xã hội của các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp về dự thảo chính sách để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo VBQPPL.

"Công tác truyền thông dự thảo chính sách là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó nóng cốt là cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL. Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, cơ quan tư pháp cùng cấp trong triển khai Đề án", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh lưu ý.

Đồng thời, trong quá trình thực hiện Đề án, các bộ, ngành, địa phương cần kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, tạo đồng thuận xã hội đối với VBQPPL sau khi được ban hành; nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp luật XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân./.

Theo baochinhphu.vn

Nguồn bài viết: https://baochinhphu.vn/phat-huy-hieu-qua-truyen-thong-du-thao-chinh-sach-phap-luat-102220513081744849.htm

Link nội dung: https://phaply.net.vn/phat-huy-hieu-qua-truyen-thong-du-thao-chinh-sach-phap-luat-a255342.html