Vị thế mới của Việt Nam khi tham dự Hội nghị đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ

Quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ và quan hệ đa phương ASEAN-Hoa Kỳ đều đang có những bước đà để có một tầm nhìn mới và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác. Về phần mình, Việt Nam cũng tham dự những hoạt động lớn lần này ở một tư thế mới.

Đó là nhận định của Đại sứ Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội Việt-Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ trước chuyến công tác tới Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính để tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc. 

1-1652233221.jpg
Ông Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội Việt-Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Dấu mốc 45 năm

Năm 2022, ASEAN-Hoa Kỳ kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác giữa hai bên. Trong suốt 45 năm qua, mối quan hệ này liên tục phát triển, từ mở rộng hợp tác trên một số lĩnh vực như an ninh, hoà bình, hợp tác… đã tăng cường sang các mặt đầu tư, kinh tế, thương mại nhiều chiều.

Để đóng vai trò trung tâm khu vực, ASEAN được các bên đối tác, trong đó có Hoa Kỳ hỗ trợ, ủng hộ trong việc bảo đảm hoà bình, ổn định và hợp tác phát triển.

Cụ thể, Hoa Kỳ đóng góp vai trò quan trọng trong một chương trình lớn là nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột: Chính trị-an ninh, kinh tế, văn hoá-xã hội.

Hợp tác kinh tế của ASEAN không chỉ nhằm tăng cường phát triển kinh tế của từng quốc gia thành viên mà còn tạo ra sức mạnh chung của cả ASEAN với hơn 630 triệu dân.

Trong khi đó, qua 27 năm bình thường hóa, thiết lập quan hệ ngoại giao (1995-2022), quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã phát triển vượt bậc, trên mức kỳ vọng, trở thành quan hệ đối tác toàn diện ngày càng sâu sắc, thể hiện trên nhiều lĩnh vực.

Quan hệ chính trị-ngoại giao giữa hai nước càng ngày càng được tăng cường, sự hiểu biết lẫn nhau, lòng tin ngày càng được nhân lên, trên cơ sở tôn trọng độc lập, tự chủ, hợp tác bình đẳng, tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Ủng hộ một Việt Nam độc lập, vững mạnh và thịnh vượng là quan điểm xuyên suốt của Hoa Kỳ.

Cùng với đó là những bước tiến trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học-công nghệ, an ninh-quốc phòng, giao lưu nhân dân và hợp tác khu vực, quốc tế. Kim ngạch thương mại hai chiều từ chỗ chưa tới nửa tỷ USD năm 1995 đến nay đã đạt mức trên 100 tỷ USD.

Đóng góp ý nghĩa cho cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Theo ông Phạm Quang Vinh, cả quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ và quan hệ đa phương ASEAN-Hoa Kỳ đều đóng góp ý nghĩa cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hoa Kỳ rất coi trọng khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việc tăng cường hợp tác với ASEAN, với Việt Nam, với khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ có lợi cho Hoa Kỳ cả về mặt địa chính trị lẫn lợi ích kinh tế.

Trước hết là về hoà bình và an ninh, ASEAN có vai trò trung tâm trong khu vực, giữ vị thế rất quan trọng trong tiến trình đa phương, điều phối các tiến trình của ASEAN nhằm tạo ra môi trường hoà bình, ổn định và hợp tác không chỉ giữa các nước Đông Nam Á với nhau mà còn với các nước đối tác quan trọng khác, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.

Hợp tác về phát triển kinh tế của cả khu vực cũng là điều rất quan trọng. Hoa Kỳ đang đầu tư nhiều nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương so với những nơi khác.

Cuối cùng là hợp tác để ứng phó với các thách thức đang đặt ra với khu vực, cả an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. 

"Điều nổi lên lớn nhất hiện nay là làm sao vượt qua được đại dịch để phục hồi kinh tế, tiếp tục phát triển và giữ cho được môi trường ổn định, hoà bình, hợp tác. Trong đó có cả những vấn đề cần xử lý như vấn đề Biển Đông, an ninh an toàn tự do hàng hải, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc cũng như xây dựng lòng tin.

ASEAN hợp tác với Hoa Kỳ cũng như các đối tác khác là rất thiết thực cho chính bản thân ASEAN, giúp ASEAN tranh thủ được các nguồn lực, đồng thời cũng mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác cùng hợp tác với ASEAN thì họ sẽ chia sẻ những quan tâm, trọng tâm ưu tiên, các nguyên tắc của ASEAN. Điều này giúp ASEAN phát huy được vị thế và vai trò trung tâm", ông Phạm Quang Vinh phân tích.

Như trong thời gian vừa qua, Hoa Kỳ là một trong những nước giúp đỡ quan trọng nhất về vaccine và trang thiết bị y tế cho cả ASEAN và từng nước thành viên.

Vị thế mới của Việt Nam

Với Việt Nam, đây cũng là dịp chúng ta triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại được khẳng định tại Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Việt Nam đặt mục tiêu đưa đất nước vươn lên phát triển ở một tầm mới mà chúng ta hay gọi là khát vọng phát triển tới năm 2030, 2045. Việt Nam đã có được vị thế mới khi  phát triển ổn định thời gian qua, xử lý phù hợp dịch bệnh, hội nhập một cách sâu rộng và được các nước trên thế giới đánh giá cao. Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đóng góp cho sự ổn định và phát triển của ASEAN, tham gia vào tiến trình của các hội nghị quốc tế. Những điều đó tạo nên vị thế của Việt Nam. Bước sang giai đoạn mới, chúng ta phải phát huy những điều đó.

"Việt Nam tham dự những hoạt động lớn lần này ở một tư thế mới. Đến nay chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịnh bệnh và đang mở lại các hoạt động về kinh tế, sản xuất và giao lưu quốc tế một cách tự tin. Đây cũng là dịp để chúng ta đóng góp với thế giới, chia sẻ những kinh nghiệm mới", ông Phạm Quang Vinh cho hay.

Theo ông Vinh, để đạt được khát vọng 2030, 2045, cùng với tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế, một trong những trọng tâm của Việt Nam là tranh thủ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư. Mục tiêu trước mắt là làm sao nối lại được chuỗi cung ứng và có thể phục hồi nhanh ngay sau đại dịch, còn mục tiêu lâu dài hơn là đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hoá, có thu nhập trung bình cao, đời sống người dân được nâng lên, tăng năng suất lao động...

"Chúng ta phải tranh thủ luồng đầu tư chất lượng cao, tham gia vào các chuỗi cung ứng hiệu quả, đặc biệt là tranh thủ về mặt công nghệ, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, phục vụ tốt nhất cả mục tiêu phát triển lẫn mục tiêu bảo vệ môi trường", ông Vinh nhận định.

Quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ sẽ được nâng lên

Với những điều hai bên đã trao đổi trong suốt thời gian chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ và các hoạt động lần này, Đại sứ Phạm Quang Vinh bày tỏ: "Tôi tin chắc quan hệ đối tác chiến lược giữa ASEAN và Hoa Kỳ sẽ nâng lên một bước nữa. Mong rằng hai bên sẽ thông qua được một Tuyên bố tầm nhìn cho quan hệ tương lai của ASEAN và Hoa Kỳ với cả tính toàn diện lẫn tính chiến lược của mối quan hệ này".

Hiện nay, khu vực và thế giới đang có nhiều biến động lớn đòi hỏi ASEAN phát huy vai trò trung tâm. Hoa Kỳ cần ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN một cách mạnh mẽ hơn, hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng mạnh hơn và hai bên cùng phối hợp hiệu quả với nhau. Nhiệm vụ trọng tâm là làm sao bảo đảm được môi trường ổn định, hoà bình, hợp tác, phát triển nhưng phải thượng tôn pháp luật và tuân thủ hợp tác quốc tế, tôn trọng lợi ích chính đáng của các bên.

Đại sứ Phạm Quang Vinh cũng tin rằng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ được làm sâu sắc thêm, hiệu quả và thực chất hơn.

Theo Chủ tịch Hội Việt-Mỹ, trước những biến động về địa chính trị, địa kinh tế của thế giới, chúng ta càng cần phải nhấn mạnh yêu cầu hoà bình, hợp tác, phát triển, đề cao chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế. Chúng ta trông đợi quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ sẽ đóng góp tích cực vào tư tưởng chung này. Chuyến công tác lần này của Thủ tướng Chính phủ tham dự các hoạt động quan trọng cả đa phương lẫn song phương sẽ tạo ra bước đà mới khi đất nước đang hướng tới thời kỳ phát triển mới.

Còn Đại sứ Đặng Đình Quý, nguyên Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc tại New York, Hoa Kỳ nhận định: Chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Liên Hợp Quốc (LHQ) nhằm tái khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hệ thống đa phương, đồng thời là sự tiếp nối các hoạt động ngoại giao cấp cao của lãnh đạo nước ta tại Liên Hợp Quốc sau khi Việt Nam hoàn thành vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021.

Đại sứ cho biết trong suốt nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực, Việt Nam đã tích cực tham gia tất cả các hoạt động của HĐBA, để lại những dấu ấn quan trọng trong xây dựng khuôn khổ pháp lý cho gìn giữ hòa bình và an ninh thế giới.

Những quyết định của HĐBA do Việt Nam đề xướng, chủ trì soạn thảo, thương lượng và kiến nghị thông qua như các Tuyên bố của Chủ tịch HĐBA về thượng tôn Hiến chương LHQ trong gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, về giải quyết hậu quả của bom mìn trong xung đột, về nâng cao vai trò và thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức khu vực và LHQ trong gìn gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như Nghị quyết 2573 của HĐBA về bảo vệ có sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống của người dân trong xung đột... có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với những nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới bớt bất ổn hơn, bớt đau thương hơn.

Những đóng góp này cùng với những nội dung hợp tác, phối hợp với các nước, cả trong và ngoài HĐBA, đã làm cho hình ảnh của Việt Nam trong lòng các đối tác sâu đậm thêm, thân thiện thêm, Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định.

Đại sứ cho rằng chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Liên Hợp Quốc sắp tới có ý nghĩa rất quan trọng cả về tính biểu tượng và thực chất.

Về biểu tượng, chuyến thăm một lần nữa khẳng định cam kết của Việt Nam đối với vai trò của ngoại giao đa phương, hệ thống đa phương, đặc biệt là LHQ, nhất là trong bối cảnh tổ chức này đang đứng trước thách thức phức tạp chưa từng có; khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đồng thời còn là sự tiếp nối các hoạt động ngoại giao cấp cao của lãnh đạo nước ta tại LHQ sau khi Việt Nam hoàn thành vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA 2020-2021.

Về thực chất, đây là cơ hội rất quan trọng để hai bên trao đổi về các định hướng lớn, tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và các cơ quan LHQ, sau 45 năm kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức này, trong đó, hai chủ đề được LHQ quan tâm rất lớn là thúc đẩy quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đến 2030 và việc triển khai thực hiện các cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đại sứ Đặng Đình Quý bày tỏ tin tưởng, với những gì đã và đang triển khai, chuyến thăm làm việc của Thủ tướng tại LHQ tới đây sẽ thành công tốt đẹp để một lần nữa hình ảnh của Việt Nam tại LHQ, diễn đàn lớn nhất hành tinh, sẽ lại nổi trội.

Theo baochinhphu.vn

Nguồn bài viết: https://baochinhphu.vn/vi-the-moi-cua-viet-nam-khi-tham-du-hoi-nghi-dac-biet-asean-hoa-ky-102220508104302729.htm

Link nội dung: https://phaply.net.vn/vi-the-moi-cua-viet-nam-khi-tham-du-hoi-nghi-dac-biet-asean-hoa-ky-a255306.html