"Rủi ro bất ổn vĩ mô và tài chính đang ngày một gia tăng"

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, các tác động của dịch bệnh, xung đột chính trị đến nền kinh tế Việt Nam là vô cùng nghiêm trọng và toàn diện.

Ngày 25/4, Ban Kinh Tế Trung ương, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2021 và Triển vọng năm 2022 với chủ đề: “Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch Covid-19”.

Hội thảo nhằm tổng kết toàn diện kinh tế Việt Nam năm 2021 (thành tựu và những tồn tại, đánh giá nguyên nhân, phân tích cơ hội và thách thức), đánh giá thực trạng ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính, cảnh báo những nguy cơ bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính.

Từ đó đề xuất phương hướng, khuyến nghị chính sách trong điều hành kinh tế năm 2022 và những năm tiếp theo nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch Covid -19.

Thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế TƯ nhận định, năm 2021 diễn ra trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường chưa từng có tiền lệ. Do đó, kinh tế thế giới hiện tại có phục hồi nhưng không đồng đều, chưa bền vững, lạm phát tăng nhanh, thị trường tài chính - tiền tệ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều xung đột địa chính trị, đặc biệt là xung đột giữa Nga - Ukraine đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế toàn cầu.

1-1650934684.jpg
TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế TƯ phát biểu tại sự kiện

Với Việt Nam, kinh tế đang phục hồi nhanh chóng sau khi nước ta đã ứng phó, kiểm soát được dịch bệnh, từng bước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt. Về tổng thể, Việt Nam đã thành công trong duy trì ổn định tài khóa, kinh tế đối ngoại và khu vực tài chính.

Ông cho biết thêm, năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta đạt 2,58%, mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua. 

anh-chup-man-hinh-2022-04-26-luc-075607-1650934684.png
 

Không thể phủ nhận các tác động của dịch bệnh, xung đột đến nền kinh tế là vô cùng nghiêm trọng và toàn diện. Từ đó, dẫn tới rủi ro bất ổn vĩ mô và tài chính đang ngày một gia tăng.

Theo đó, sự phục hồi vẫn chưa đồng đều, diễn ra chậm chạp trên thị trường lao động, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn trong tình trạng dễ tổn thương. Bên cạnh đó, nợ xấu có xu hướng gia tăng, rủi ro đang ngày càng lớn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.

“Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm những thách thức cơ cấu vẫn còn tồn tại từ trước tới nay", đại diện Ban Kinh tế TƯ nhấn mạnh.

Nền kinh tế nước ta đang rất dễ bị tổn thương do mức độ tự chủ còn thấp, phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu và đầu ra xuất khẩu, phần lớn kết quả về xuất nhập khẩu là nhờ đóng góp của doanh nghiệp FDI như Nhật Bản, Hàn Quốc…. Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân trong nước lại chưa phát triển tương xứng. 

Nên kiểm soát như thế nào?

Trước những vấn đề đó, PGS.TS Tô Trung Thành, trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã có phần trình bày về Báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2021 và đưa ra những khuyến nghị về chính sách, nhằm giảm bớt rủi ro về kinh tế của nước ta trong giai đoạn sắp tới.

Khuyến nghị dựa trên ba quan điểm cơ bản.

Thứ nhất, các chính sách cần tập trung hướng đến làm thế nào để phục hồi và phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh “sống chung với Covid-19”.

Thứ hai, thực hiện các chính sách tài khoá và tiền tệ hướng về tổng cầu trong ngắn hạn để đẩy nền kinh tế về lại vị trí tiềm năng. Theo đó, chính sách cần được nới lỏng thận trọng để tránh gây rủi ro bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính.

Thứ ba, dư địa chính sách dần thu hẹp, các chính sách cần hướng đến nguồn lực ưu tiên đến khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có ảnh hưởng lan toả lớn đến nền kinh tế.

11-1650934684.jpg
PGS.TS Tô Trung Thành, ĐH Kinh tế Quốc dân

Mặt khác, trên phương diện cụ thể hơn, PGS.TS Thành tổng kết ý kiến của các nhà nghiên cứu đã đưa ra trong Báo cáo cho thấy, về chính sách tài khoá, nên được mở rộng chi tiêu, chấp nhận bội chi cao để ưu tiên cho việc tăng trưởng. Đây chính là chính sách hỗ trợ quan trọng nhất, có thể gia tăng hỗ trợ tài khoá 5-6% GDP trong ít nhất 2-3 năm.

Về chính sách tiền tệ, tập trung vào việc cắt giảm lãi suất cho vay hơn lãi suất huy động. Song, chính sách tín dụng nên chú trọng vào việc hướng chuyển các dòng vốn tín dụng vào các khu vực sản xuất và nền kinh tế thực, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng" ở các thị trường tài sản. 

Về chính sách lành mạnh tài chính, cần dựa trên 4 trụ cột chính: hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán. thị trường bảo hiểm, thị trường bất động sản.

Theo đó, đối với hệ thống ngân hàng cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Và Luật hóa Nghị quyết 42, rà soát toàn diện các luật khác có liên quan  tới xử lý nợ xấu và xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu.

Đối với thị trường chứng khoán, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng minh bạch gắn với xếp hạng tín nhiệm. Hơn nữa, cần xây dựng và hoàn thiện quy trình quản lý rủi ro hệ thống nhằm đảm bảo tính ổn định cho toàn thị trường. Đẩy mạnh giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về chứng khoán.

Đối với thị trường bảo hiểm, xem xét áp dụng quản lý giám sát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm theo hướng quản lý vốn trên cơ sở rủi ro.

Cuối cùng, đối với thị trường bất động sản, nên coi trái phiếu doanh nghiệp bất động sản như một khoản nợ BĐS dưới chuẩn. Đồng thời, hoàn thiện thể chế với việc định giá, tư vấn, phát hành, mua bán TPDN theo hướng loại bỏ mọi xung đột lợi ích trên thị trường. Giảm đầu cơ trên thị trường BĐS, tiến tới nhanh chóng áp dụng Luật Tài sản.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/rui-ro-bat-on-vi-mo-va-tai-chinh-dang-ngay-mot-gia-tang-a550939.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/rui-ro-bat-on-vi-mo-va-tai-chinh-dang-ngay-mot-gia-tang-a255198.html