EU ra luật răn đe các đại gia công nghệ, bảo vệ cư dân mạng

Google, Facebook, TikTok, Twitter … sẽ bị phạt nhiều tỉ USD, thậm chí bị cấm hoạt động tại các quốc gia EU, nếu cho đăng tải những nội dung bất hợp pháp.

"Quyết định lịch sử" trên được Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua sau cuộc họp kéo dài 16 giờ hôm 23-4. Luật mới có tên gọi "Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số" (DSA).

Theo đó, Google và YouTube của Alphabet, Facebook và Instagram (Meta), TikTok, Twitter cùng các nền tảng trực tuyến lớn khác sẽ phải làm nhiều việc hơn để xử lý nội dung bất hợp pháp. Nếu vị phạm, họ sẽ bị phạt nhiều tỉ USD, thậm chí còn bị cấm hoạt động tại các quốc gia EU.

"DSA sẽ nâng cấp các quy tắc cơ bản cho tất cả dịch vụ trực tuyến ở EU. Nó sẽ đảm bảo rằng môi trường trực tuyến vẫn là một không gian an toàn, bảo vệ quyền tự do ngôn luận và cơ hội cho các doanh nghiệp kỹ thuật số. Nó mang lại hiệu quả thiết thực cho nguyên tắc rằng những gì ngoại tuyến là bất hợp pháp, chứ không phải riêng trực tuyến. Quy mô càng lớn, trách nhiệm của các nền tảng trực tuyến càng lớn" - Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, tuyên bố và gọi đạo luật này là "lịch sử".

Một phần quan trọng của luật sẽ hạn chế cách các gã khổng lồ kỹ thuật số nhắm mục tiêu người dùng bằng các quảng cáo trực tuyến. DSA sẽ ngăn chặn hiệu quả các nền tảng nhắm mục tiêu người dùng bằng các thuật toán, sử dụng dữ liệu nhạy cảm dựa trên giới tính, chủng tộc hoặc tôn giáo của họ. Nhắm mục tiêu đến trẻ em bằng quảng cáo cũng sẽ bị cấm, theo Reuters.

Các "mô hình đen tối" là chiến thuật đánh lừa người dùng cung cấp dữ liệu cá nhân trực tuyến cho các công ty hay đẩy người dùng đến với một số sản phẩm và dịch vụ nhất định, cũng sẽ bị cấm theo qui định mới.

4-1650765838.jpeg
Nhiều hãng công nghệ lớn có nguy cơ bị phạt nhiều tỉ USD nếu không tuân thủ Đạo luật DSA. Ảnh: Reuters

"DSA là mũi nhọn thứ hai trong chiến lược chống độc quyền của Giám đốc phụ trách chống độc quyền của EU Margrethe Vestager, nhằm kiềm chế Google, Meta và các gã khổng lồ công nghệ khác", hãng Reuters viết.

Thực tế, tháng trước, bà Margrethe Vestager đã giành được sự ủng hộ của 27 quốc gia thành viên EU cũng như các nhà lập pháp về "Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số" (DMA). Đạo luật có thể buộc Google, Amazon, Apple, Meta và Microsoft thay đổi các phương thức kinh doanh cốt lõi của họ ở châu Âu.

"Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số sẽ đảm bảo rằng những gì ngoại tuyến bất hợp pháp cũng được xem và xử lý là bất hợp pháp trực tuyến - không phải như một khẩu hiệu mà thực tế", bà Margrethe Vestager nhấn mạnh.

Theo Đạo luật DSA, các công ty phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 6% doanh thu toàn cầu nếu vi phạm các quy định, trong khi vi phạm nhiều lần có thể khiến họ bị cấm kinh doanh ở EU.

Các hãng công nghệ cũng có thể bị buộc phải giao dữ liệu liên quan đến các thuật toán của họ cho các nhà quản lý và nhà nghiên cứu. Họ cũng phải trả một khoản phí hàng năm lên đến 0,05% doanh thu hàng năm trên toàn thế giới để trang trải chi phí giám sát sự tuân thủ của họ.

DSA tách biệt với DMA - nhưng cả hai đều đi kèm với mối đe dọa về tiền phạt khổng lồ. Trong khi DMA tìm cách hạn chế sức mạnh thị trường của các hãng công nghệ lớn, DSA lại nhằm đảm bảo các nền tảng loại bỏ nội dung độc hại một cách nhanh chóng.

Luật cũng sẽ ảnh hưởng đến các trang web có nội dung do người dùng tạo như Facebook, Instagram, Twitter, YouTube và TikTok.

Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số của Liên minh châu Âu sẽ có hiệu lực vào năm 2024.

Theo nld.com.vn

Nguồn bài viết: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/eu-ra-luat-ran-de-cac-dai-gia-cong-nghe-bao-ve-cu-dan-mang-20220423124615027.htm

Link nội dung: https://phaply.net.vn/eu-ra-luat-ran-de-cac-dai-gia-cong-nghe-bao-ve-cu-dan-mang-a255187.html