Những hành vi vi phạm chủ yếu trong phát hành TPDN
Hiện nay, nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động phát hành TPDN của DN đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý đối với cơ quan chức năng, khung khổ pháp lý đối với việc phát hành TPDN được ban hành khá đầy đủ và đồng bộ.
Theo đó, DN phát hành TPDN phải tuân thủ đầy đủ các quy định tại Luật Chứng khoán 2019 (đối với công ty đại chúng); Luật Doanh nghiệp 2020 (đối với công ty không phải là công ty đại chúng); Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán và giao dịch TPDN riêng lẻ, chào bán TPDN ra thị trường quốc tế; Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (trong đó có quy định về phát hành trái phiếu DN ra công chúng).
Tuy nhiên, thời gian gần đây, cùng với sự phát triển nóng của thị trường TPDN, đã xuất hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong phát hành TPDN. Đáng chú, những vi phạm tập trung chủ yếu vào một số hành vi như: Vi phạm quy định công bố thông tin; Phát hành, bán TPDN, kinh doanh dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu khi chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép; thậm chí còn lách quy định của pháp luật trong việc phát hành TPDN…
1.Vi phạm công bố thông tin
Theo quy định tại Mục 4, Chương II (Nghị định 153/2020/NĐ-CP) đối với chào bán TPDN tại thị trường trong nước và Mục II, Chương III đối với chào bán TPDN ra thị trường quốc tế : DN phát hành trái phiếu có trách nhiệm thực hiện công bố thông tin đầy đủ, kịp thời cho nhà đầu tư đồng thời gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán…. Theo đó, các thông tin phải rõ ràng theo quy định pháp luật và và công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về TPDN. Tuy nhiên, nhằm mục đích tạo lòng tin đối với nhà đầu tư, nhiều DN phát hành trái phiếu cố tình công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin khi phát hành trái phiếu riêng lẻ tiềm ẩn một số rủi ro cho nhà đầu tư, thị trường TPDN.
Đáng chú ý, một số DN nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao - nhất là DN bất động sản, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất, phát hành trái phiếu với lãi suất cao, chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế hoặc không có tài sản đảm bảo.
Trước tình trạng này, Bộ Tài chính đã liên tục đưa ra cảnh báo đối với nhà đầu tư TPDN cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp phải đối với trái phiếu. Trước khi quyết định đầu tư, cần yêu cầu DN phát hành, tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính của DN phát hành bao gồm cả tình hình huy động vốn trái phiếu (số lượng đợt phát hành, khối lượng đã phát hành, dư nợ tại thời điểm dự kiến phát hành, việc thanh toán lãi, gốc trái phiếu đã phát hành…
2. Chào bán TPDN, kinh doanh dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu khi chưa được cơ quan thẩm quyền chấp thuận, cấp phép.
Theo quy định, DN chào bán trái phiếu riêng lẻ tại thị trường trong nước cũng chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế phải nộp hồ sơ đăng ký UBCKNN và phải được chấp thuận bằng văn bản.
Đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu phải là công ty chứng khoán được phép cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán chứng khoán theo quy định của pháp luật chứng khoán. (khoản 4, Điều 14, Nghị định 153/2020/NĐ-CP).
Tuy nhiên, do nhu cầu phát hành trái phiếu của DN tăng cao đã xuất hiện trường hợp kinh doanh dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu khi chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép. Đáng chú ý có trường hợp DN chào bán chui TPDN mà không đăng ký, không có chấp thuận bằng văn bản của UBCKNN. Điển hình như hồi cuối năm 2021, sau đợt kiểm tra tại 09 công ty chứng khoán và 2 DN phát hành, UBCKNN đã phát hiện hàng loạt DN vi phạm. Trong đó, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISecurities) đã bị UBCKNN xử phạt 250 triệu đồng do công ty này đã cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán TPDN riêng lẻ, đại lý lưu ký, chuyển nhượng TPDN riêng lẻ khi chưa được UBCKNN cấp phép. 2 DN bán chui TPDN bị UBCKNN xử phạt là Công ty cổ phần Tập đoàn VsetGroup và Công ty cổ phần Tập đoàn Apec Group vì có hành vi chào bán TPDN thông qua phương tiện thông tin đại chúng cho nhà đầu tư không xác định, nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN theo quy định.
3. “Lách” luật phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Đáng chú ý, thời gian gần đây còn xuất hiện tình trạng “lách” quy định của pháp luật trong việc phát hành TPDN. Theo đó, theo quy định về điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ, DN phát hành phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: Thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có); trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn; Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành; Có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo quy định; Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định; chỉ phát hành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán…
Việc xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là yêu cầu bắt buộc với các giao dịch mua TPDN và có hiệu lực trong vòng 1 năm kể từ thời điểm được xác nhận. Tuy nhiên trên thực tế đã xuất hiện hiện hiện tượng “lách luật” để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp nhằm tham gia mua TPDN riêng lẻ. Một số đơn vị đã có động thái để “hỗ trợ” nhà đầu tư không đủ tiêu chuẩn - đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ tham gia mua TPDN phát hành riêng lẻ.
Đáng lưu ý một số DN, nhất là DN bất động sản, phát hành TPDN với lãi suất cao. Chất lượng tài sản bảo đảm của trái phiếu hạn chế (chủ yếu là dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của DN bất động sản). Việc này sẽ dẫn đến những rủi ro nhất định cho nhà đầu tư nếu DN phát hành trái phiếu gặp vấn đề về “sức khỏe”.
Theo UBCKNN, thị trường đang xuất hiện tình trạng “lách luật”. Xuất hiện một số tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian chào mời và phân phối TPDN, khi chưa đủ điều kiện là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Vì vậy, cơ quan quản lý hiện đã tăng cường nhiều biện pháp giám sát các tổ chức kinh doanh chứng khoán trong việc tư vấn và chào bán TPDN riêng lẻ ra thị trường.
Chế tài đối với vi phạm còn quá nhẹ
Theo tìm hiểu PV, hiện nay chế tài đối với những hành vi vi phạm trong phát hành TPDN đã được pháp luật quy định tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, dù thời gian gần đây chế tài đối với hành vi vi phạm trong phát hành TPDN đã tăng nặng hơn trước, nhưng các biện pháp xử phạt còn yếu và thiếu, chưa đủ sức răn đe.
Theo đó, ngày 31/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Tiếp đó, ngày 31/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 128/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.
Cụ thể, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi phạm trong phát hành trái phiếu lên đến 1,5 tỷ đồng.
Riêng đối với hành vi vi phạm công bố thông tin mức phạt tối đa đến 70 triệu đồng. Không thực hiện đăng ký, lưu ký trái phiếu chào bán, phát hành riêng lẻ hoặc thực hiện đăng ký, lưu ký trái phiếu chào bán, phát hành riêng lẻ không đúng thời hạn theo quy định sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng. Đặc biệt mức phạt tối đa lên đến 300 triệu đồng đối với hành vi Không đảm bảo việc chào bán, phát hành trái phiếu riêng lẻ đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật; không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán, phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác, trung thực, có thể kiểm chứng được, không gây hiểu nhầm và có đầy đủ những nội dung có thể ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư; không rà soát đối tượng tham gia mua trái phiếu phát hành riêng lẻ đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật… (Điều 8, Nghị định 156/2020/NĐ-CP)
Đối với vi phạm quy định về phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, mức phạt tối đa lên đến 500 triệu đồng đối với hành vi lập, xác nhận hồ sơ, tài liệu về việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, chào bán chứng khoán tại nước ngoài, phát hành chứng khoán mới làm cơ sở chào bán chứng chỉ lưu ký chứng khoán tại nước ngoài hoặc hỗ trợ phát hành chứng chỉ lưu ký chứng khoán tại nước ngoài trên cơ sở cổ phiếu đã phát hành lại Việt Nam có thông tin sai lệch, sai sự thật hoặc che giấu sự thật (Điều 11, Nghị định 156/2020/NĐ-CP)…
Ngoài hình thức phạt tiền, người vi phạm còn có thể chịu hình thức phạt bổ sung như: đình chỉ hoạt động phát hành, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, chứng chỉ hành nghề…. Đồng thời áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc thu hồi TPDN, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư công thêm tiền lãi tính theo lãi ghi trên trái phiếu hoặc lãi suất tiền gửi ngân hàng; buộc báo cáo, cung cấp thông tin chính xác; buộc hủy bỏ thông tin, cải chính thông tin; buộc giải trình, cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến hoạt động kiểm toán...
Theo luật sư Hà Huy Phong - Công ty Luật Inteco, trong lĩnh vực chứng khoán nói chung, phát hành trái phiếu riêng lẻ của DN nói riêng, các biện pháp xử phạt còn yếu và thiếu, chưa đủ sức răn đe.
“Giá trị thu lợi từ các vi phạm pháp luật cao hơn rất nhiều so với mức xử phạt. Vì thế, có tình trạng nhiều DN mua chui, bán chui, “lùa gà” hết lần này đến lần khác, sẵn sàng chấp nhận nộp phạt, bất chấp những bức xúc của nhà đầu tư”- ông Phong nhấn mạnh.
Một thực tế khác được ông Phong nêu ra là thời gian qua, cơ quan Nhà nước chưa làm nghiêm, đặc biệt không áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung bắt buộc khắc phục hậu quả, dẫn đến nhiều DN cố tình làm ngơ.
Đáng chú ý, theo tìm hiểu của PV hiện nay, pháp luật hình sự cũng chưa có quy định rõ ràng, cụ thể tội danh nào đối với những sai phạm trong hoạt động phát hành, mua bán TPDN. Nếu có hành vi vi phạm trong hoạt động phát hành, mua bán TPDN gây hậu quả nghiêm trọng chỉ có thể điều tra về các tội danh khác như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa dối khách hàng… Đây có thể vẫn là khoảng trống dẫn đến khó xử lý nghiêm minh, kịp thời, đủ sức răn đe theo pháp luật hình sự đối với hành vi vi phạm.
Thay lời kết
Thiết nghĩ, thị trường TPDN càng phát triển thì tính chất, mức độ vi phạm sẽ ngày càng phức tạp và tinh vi gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của thị trường vốn quan trọng này và gây thiệt hại cho nhà đầu tư, đồng thời gây khó khăn cho các cơ quan quản lý trong việc phát hiện và xử lý.
Do đó, để giảm thiểu và hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, các cơ quan quản lý nhà nước cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm nâng cao tính minh bạch của thị trường TPDN, củng cố niềm tin của nhà đầu tư và thu hút nhà đầu tư mới. Đồng thời, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm trong phát hành, mua bán TPDN, góp phần quan trọng trong bảo vệ lợi ích nhà đầu tư, phát triển bền vững thị trường.
Đặc biệt cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm theo hướng tăng nặng chế tài hành chính, bổ sung chế tài hình sự để có cơ sở áp dụng các biện pháp mạnh tay, xử lý hình sự đối với những vụ việc có liên quan đến vấn đề phát hành TPDN để răn đe.
Đinh Chiến