Thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình): Hướng đến phát triển toàn diện, bền vững.

Thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra là: Đẩy mạnh công tác quy hoạch, thu hút đầu tư, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển KT-XH; xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại...

anh-hoa-binh-1648741275.jpg

Phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng TP Hòa Bình trở thành đô thị loại II trước năm 2025, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ; công nghiệp - xây dựng; nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Trong đó, tập trung đa dạng hóa các ngành dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu sản xuất và đời sống của Nhân dân. Tập trung phát triển công nghiệp theo hướng bền vững cả chiều rộng và chiều sâu. Ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp cao, có ưu thế về nguyên liệu, thị trường; xử lý nước thải, rác thải; năng lượng tái tạo; công nghiệp hỗ trợ và các ngành sử dụng nhiều lao động.

Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, Hòa Bình cùng với cả nước phải nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép," vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, dịch vụ vận tải và du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề, tổng khách du lịch và tổng doanh thu đều giảm so với cùng kỳ. Lãnh đạo tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp cụ thể để tăng thu ngân sách Nhà nước; trong đó tập trung khai thác nguồn thu từ đất.

Bước sang năm 2022, Thành phố Hòa Bình xác định rõ nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công có vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư vào địa bàn, do vậy thành phố luôn ưu tiên bố trí vốn tập trung để đầu tư các công trình trọng điểm, có tính đột phá, các công trình cấp bách.

Đồng thời tăng cường giám sát, đánh giá tiến độ đầu tư, giải ngân, bảo đảm thực hiện dự án đúng tiến độ. Nâng cao chất lượng thẩm định dự án đầu tư, áp dụng các biện pháp chủ động để thực hiện đầu tư các công trình đúng tiến độ, hạn chế thấp nhất việc chuyển nguồn vốn đầu tư sang năm sau.

anh-2-1648741350.jpg

Năm 2022, TP Hòa Bình có 23 dự án và 1 danh mục kinh phí thu hồi tạm ứng sử dụng vốn đầu tư công (VĐTC) được giao quản lý. Trong đó có 12 dự án vốn ngân sách T.Ư, ngân sách tỉnh, vốn ODA; 11 dự án vốn ngân sách tỉnh bổ sung có mục tiêu; khởi công mới 1 dự án; chuyển tiếp 22 dự án, bao gồm 15 dự án từ những năm trước và 7 dự án mới được phê duyệt chủ trương đầu tư cuối năm 2021. Tổng kế hoạch VĐTC trong năm là 447.126 triệu đồng.

Trên cơ sở kế hoạch vốn năm 2022, vốn ngân sách tỉnh bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố được phê duyệt 20,8 tỷ đồng, UBND thành phố đã chỉ đạo phòng chuyên môn tham mưu, trình phê duyệt phương án phân bổ chi tiết danh mục ĐTC năm 2022 căn cứ vào tình hình thực tế, khối lượng đã hoàn thành và ước hoàn thành của dự án, đảm bảo phân bổ đủ nguồn vốn để sớm hoàn thành công trình.

Bên cạnh đó, từ thực tế công tác giải ngân VĐTC cho thấy, việc giải ngân nguồn vốn ODA thường chậm, bởi liên quan tới nhiều thủ tục, do đó, thành phố đã chỉ đạo Ban quản lý dự án sử dụng vốn ODA tăng cường phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện các trình tự nhằm đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.

Tính đến hết tháng 2, TP Hòa Bình đã giải ngân tổng số vốn kế hoạch năm 2022 được 1.551 triệu đồng. Ước giải ngân đến hết quý I được 23.278 triệu đồng; trong đó, vốn ngân sách tỉnh giải ngân 13.016/226.955 triệu đồng (đạt 6%), vốn ngân sách tỉnh bổ sung có mục tiêu giải ngân 10.260/20.800 triệu đồng (đạt 49%).

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hòa Bình đến năm 2045 xác định trong 25 năm tới, TP Hòa Bình là trung tâm chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội và khoa học - kỹ thuật của tỉnh; là một trong những đô thị trung tâm vùng Thủ đô Hà Nội, là đầu mối giao thông, lưu giữ giữa vùng Thủ đô Hà Nội và vùng Tây Bắc; là đô thị sinh thái, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử, dân tộc vùng Tây Bắc; có vị trí quốc phòng, an ninh quan trọng phía Tây vùng Thủ đô.

Dự tính đến năm 2045, dân số toàn thành phố là 31,5 vạn người, trong đó, dân số đô thị 30 vạn người, chiếm 95,2%. Phân vùng không gian gồm: Khu bờ trái, khu bờ phải; khu vực Nam Kỳ Sơn; khu vực Bắc Kỳ Sơn. Tổng diện tích đất tự nhiên lập quy hoạch là 34.865 ha.

TP Hòa Bình phát triển theo mô hình đa trung tâm. Hệ thống trung tâm cấp vùng và cấp đô thị được tổ chức: Trung tâm hành chính - chính trị cấp tỉnh; trung tâm chính trị - hành chính cấp thành phố; trung tâm đào tạo; trung tâm TDTT; trung tâm y tế cấp vùng; trung tâm tài chính - thương mại - dịch vụ; trung tâm dịch vụ logistics....

Với những bước phát triển bền vững, đúng hướng, tin rằng thành phố Hòa Bình sẽ sớm đạt được những mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Đăng Công

Link nội dung: https://phaply.net.vn/thanh-pho-hoa-binh-tinh-hoa-binh-huong-den-phat-trien-toan-dien-ben-vung-a255031.html