Nuôi dưỡng niềm tin cho nhà đầu tư

( Pháp Lý)- Chính sách nhất quán; Thực thi không gây khó dễ; Nghị định, Thông tư không trái luật; … Làm được những điều này sẽ nuôi dưỡng niềm tin cho nhà đầu tư, để nhà đầu tư an tâm đầu tư kinh doanh, đóng góp nguồn thu cho ngân sách. Vậy nhưng trên thực tế hiện nay câu chuyện về thông tư trái luật, chuyện chính sách không nhất quán, thực thi gây khó dễ đang làm buồn lòng nản chí doanh nghiệp…, thậm chí gây thiệt hại nặng nề về tiền của của DN.

Chuyện Thông tư làm nản lòng DN

Thông tin trên báo chí thời gian qua, cơ quan chức năng cho biết hàng nghìn điều kiện kinh doanh được rà soát và bãi bỏ, nhiều thủ tục hành chính được đơn giản và cắt bỏ. Môi trường đầu tư kinh doanh đã thông thoáng hơn, nhưng tại sao nhiều doanh nghiệp vẫn kêu bị làm khó?

Một điều dễ nhận thấy là tinh thần cải cách thể hiện rất rõ ở các văn bản cấp trên như luật, pháp lệnh, nghị định. Nhưng thực tế, khi các quy định ấy đi vào cuộc sống thì phải thông qua hướng dẫn của thông tư, thậm chí phải giải thích ở công văn. Chất lượng của thông tư sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của những cải cách. Vậy chất lượng thông tư trên thực tế thì sao ?

Tại hội thảo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021, do VCCI tổ chức, ngày 29-3, trong Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021, ghi nhận từ 1-1-2016 đến ngày 20-7-2020, số lượng thông tư chiếm hơn 68% tổng số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Trung bình mỗi luật có 6,8 nghị định, 1,8 quyết định của Thủ tướng và có tới 25,8 thông tư thông thường, 1,9 thông tư liên tịch hướng dẫn. Nhiều điều kiện kinh doanh đang được cài vào thông tư để “làm khó” doanh nghiệp.

Với số lượng áp đảo so với các văn bản quy phạm pháp luật khác, thông tư có vai trò vô cùng quan trọng khi hiện thực hóa các chính sách của nhà làm luật và đang tác động rất lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta, ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh.

Theo VCCI, hiện tượng thông tư ban hành điều kiện kinh doanh tuy không còn nhiều như trước nhưng vẫn còn, đặc biệt là tình trạng lạm dụng ban hành thông tư, có trường hợp không nhất thiết cần thông tư nhưng các cơ quan nhà nước vẫn ban hành.

Ở một số ngành, lĩnh vực còn có hiện tượng việc thực thi quy định pháp luật phụ thuộc quá nhiều vào thông tư. Ví dụ, có đến hơn 70 thông tư hướng dẫn Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (được sửa đổi bổ sung năm 2017).

quang-canh-hoi-thao-dong-chay-phap-luat-kinh-doanh-2021-1648714710.png
Quang cảnh Hội thảo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021.

Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021 cũng khẳng định nếu rà soát hệ thống pháp luật kinh doanh, không khó để tìm ra các thông tư đang "cài cắm" điều kiện kinh doanh. Ví dụ thông tư 28 năm 2018, quy định về điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần; giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Thông tư 03 năm 2018, quy định về cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô….

"Điều này đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát việc ban hành các điều kiện kinh doanh ở thông tư và lo ngại tình trạng ban hành điều kiện kinh doanh một cách tràn lan như trước đây quay trở lại", ông Đậu Anh Tuấn nhận định.

Thông tư là loại văn bản có tính chất hướng dẫn thi hành các quy định trong văn bản cấp cao hơn. Trong nhiều trường hợp không thể không có thông tư, nhưng có nhiều trường hợp các vấn đề có thể giải quyết ở văn bản cấp nghị định trở lên mà không cần thiết phải quy định đến thông tư.

Nhìn một cách tổng thể trong hệ thống pháp luật hiện nay, có thể nhận thấy có nhiều thông tư ban hành mà không được ủy quyền bởi nghị định, luật. Ở một số ngành và lĩnh vực, việc áp dụng pháp luật bị lệ thuộc quá lớn vào quy định tại thông tư. Doanh nghiệp gần như không biết đến quy định tại luật, nghị định mà chỉ tra cứu tất cả vấn đề ở thông tư. Thực trạng trên đưa đến rất nhiều quan ngại và hệ lụy. Bởi các quy định tại thông tư được ban hành theo quy trình nội bộ, thể hiện ý chí chủ quan của cơ quan ban hành mà thiếu vắng sự giám sát của các cơ quan khác nhau.

Những quy định tác động lớn đến doanh nghiệp (điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp...) được ban hành theo quy trình này sẽ khó đảm bảo chất lượng, từ đó ảnh hưởng đến cả môi trường kinh doanh.

Đáng nói hơn, quy trình kiểm soát chất lượng của thông tư hiện nay gần như không hiệu quả.

Để cải thiện chất lượng ban hành thông tư của các bộ, ngành thời gian tới, VCCI cho rằng cần tập trung vào các giải pháp như minh bạch quy trình xây dựng thông tư, thống nhất tiêu chí về điều kiện kinh doanh, quy định rõ thế nào là điều kiện kinh doanh, và phải quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo ban hành thông tư.

Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận một cách nghiêm túc về chất lượng của loại văn bản này và có cơ chế kiểm soát hiệu quả để đảm bảo cho các chính sách tiến bộ, cải cách thực sự đi vào cuộc sống.

Chính sách không nhất quán sẽ làm mất niềm tin nhà đầu tư

Bất động sản (BĐS) du lịch nghỉ dưỡng không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch nước ta trở thành ngành mũi nhọn mà còn tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn cho các nhà đầu tư thứ cấp và người dân, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của thị trường BĐS nói chung. Tuy nhiên, chính sách, pháp luật về kinh doanh BĐS du lịch chưa đầy đủ, thiếu thống nhất trong áp dụng thực thi giữa các địa phương thậm chí ngay trong cùng một địa phương, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh BĐS du lịch nghỉ dưỡng.

Điển hình câu chuyện cấp GCN cho nhà đầu tư thứ cấp tại Bãi Dài – Cam Ranh, Khánh Hoà. Cùng là nhà đầu tư thứ cấp, nhưng có trường hợp có dự án đã được cấp GCN, có dự án chưa được cấp GCN quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Đây là câu chuyện đang rất nóng hiện nay minh chứng cho sự thiếu nhất quán trong thực thi chính sách, đối xử thiếu công bằng với các chủ đầu tư.

bai-dai-da-lot-xac-tro-thanh-mot-trong-nhung-thu-phu-du-lich-cua-khanh-hoa-nhung-mot-so-chu-dau-tu-tai-day-dang-gap-kho-khan-rat-lon-ve-chinh-sach-1648714736.jpg
Bãi Dài đã lột xác trở thành một trong những thủ phủ du lịch của Khánh Hòa. Nhưng một số chủ đầu tư tại đây đang gặp khó khăn rất lớn về chính sách.

Trước đó, những năm 2013-2017, để mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư phát triển du lịch, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành chính sách mở cửa, phê duyệt xây dựng các dự án du lịch nghỉ dưỡng trên đất ở tại nông thôn (đất ở không hình thành đơn vị ở).

Theo đó, “đất ở không hình thành đơn vị ở” là thỏa thuận giữa UBND tỉnh và nhà đầu tư nhằm hạn chế một số quyền như: không được đăng ký hộ khẩu, không hình thành nên các khu dân cư, thôn xóm… không làm thay đổi bản chất, nguồn gốc “đất ở tại nông thôn”. Sau khi các chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tài chính với các cơ quan quản lý nhà nước, dự án được nghiệm thu đi vào hoạt động, cơ quan quản lý đất đai phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng cho từng Biệt thự/căn hộ du lịch. Đây được đánh giá là điểm sáng trong việc thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư, thúc đẩy về tăng tốc độ và quy mô phát triển du lịch, dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu NSNN…

Nhờ đó, Cam Ranh đã có thương hiệu tên tuổi như Vingroup, Eurowindow Holding, Hưng Thịnh, Novaland, CEO Group, Golf Long Thành… mạnh dạn đặt chân đến khu du lịch Bắc bán đảo đầu tư hơn 40 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 30.000 tỷ đồng.

Đến nay, một số dự án đã hoàn thành, nghiệm thu đi vào hoạt động như: Vinpearl Resort & Spa Long Beach Nha Trang (Công ty TNHH Vinpearl Bãi Dài), Golden Bay Cam Ranh (Tập đoàn Hưng Thịnh)... các nhà đầu tư thứ cấp (khách hàng) mua sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.

Tuy nhiên, một số khác như Movenpick Resort Cam Ranh, The Arena Cam Ranh… mặc dù dự án đã hoàn thành, được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, đưa vào sử dụng được vài năm, chủ đầu tư cũng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất nhưng nhà đầu tư thứ cấp vẫn chưa được cấp.

UBND Khánh Hoà yêu cầu hàng loạt các dự án phải dừng lại để điều chỉnh. Điều này không chỉ làm ách tắc dòng vốn đầu tư đã và đang phát triển mà còn nguy cơ gây thiệt hại lợi ích của doanh, nhà đầu tư. Bởi, dự án xây dựng trên đất ở nông thôn thời hạn sử dụng lâu dài, thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai cao nhưng phải điều chỉnh sang loại đất khác có thời hạn sử dụng giới hạn điều này đương nhiên làm thiệt hại vô cùng lớn đến lợi ích của nhà đầu tư và cả doanh nghiệp.

Điều đáng nói, những vướng mắc, “bế tắc” trong việc Cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ đỏ) đối với BĐS du lịch đã đang gây ra không ít hệ luỵ như tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư mà còn khiến cả thị trường BĐS cũng chịu hậu quả nặng nề, cụ thể là thị trường này gần như bị “đóng băng” trong suốt nhiều năm vừa qua.

Không chỉ thế, cả các doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư – khách hàng còn chịu thiệt hại vô cùng lớn về tài chính. Bởi trước đó doanh nghiệp đã bỏ vào dự án hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên khi hoàn thành dự án bàn giao tới khách hàng, doanh nghiệp chưa hoàn thiện thủ tục cấp sổ đỏ cho khách hàng thì doanh nghiệp chưa để thu hết tiền về. Đồng thời, khách hàng chưa được cấp sổ đỏ, khách hàng cũng chưa thể thực hiện được các quyền tài sản của mình như sang nhượng, cho thuê, cầm cố ngân hàng để làm tăng giá trị tài sản.

Kết mở

Cộng đồng DN nói chung, DN tư nhân và các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch dịch vụ, kinh doanh BĐS hàng năm đóng góp vào ngân sách hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế. Vậy nên mỗi một thông tư, nghị định trái luật sẽ cản trở hoạt động SXKD của DN; mỗi một chính sách thiếu nhất quán sẽ không chỉ làm thiệt hại nặng nề cho tất cả các bên, mà còn làm giảm , thậm chí mất niềm tin của nhà đầu tư vào cơ quan quản lý. Không nhanh chóng khắc phục được tồn tại yếu kém này là đi ngược lại chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước trong cải cách thể chế thu hút đầu tư phát triển kinh tế đất nước.

Để nuôi dưỡng niềm tin cho nhà đầu tư, để nhà đầu tư an tâm đầu tư kinh doanh, đóng góp nguồn thu cho ngân sách, không có cách nào khác là chính sách phải nhất quán; thực thi không được gây khó dễ; đặc biệt Nghị định, Thông tư không được trái luật.

Hà Trang – Văn Chiến

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nuoi-duong-niem-tin-cho-nha-dau-tu-a255027.html