Tuy nhiên, các vị này chủ yếu chỉ bị truy cứu trách nhiệm về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” mà cực hiếm có vị nào bị khởi tố điều tra về các tội tham nhũng như tham ô tài sản, nhận hối lộ… Điều này khiến dư luận chưa tâm phục khẩu phục. Liệu rằng, có quan chức nào bất chấp pháp luật, lách luật nhiệt tình để giúp các doanh nghiệp nhận những “lợi ích” khổng lồ từ nguồn lợi đất đai, mà quan chức đó lại không được các DN “ cảm ơn” , “lại quả” ??? Rất vô lý và phi thực tế. Do đó, các cơ quan chức năng cần quyết liệt mở rộng điều tra làm rõ những cán bộ thoái hoá biến chất có tham ô tài sản, có nhận hối lộ… hay không, để trừng trị nghiêm minh, giải quyết định triệt để vụ án, tránh bỏ lọt tội phạm.
Nhận diện chiêu thức, thủ đoạn
Nghiên cứu những vụ án liên quan đất đai, chúng tôi thấy rằng, có sự tương đồng về chiêu thức, thủ đoạn, động cơ của các vị lãnh đạo “chóp bu” một số tỉnh thành.
1. “Hoá kiếp” đất công bằng chiêu trò tiếp sức góp vốn liên doanh liên kết thành lập doanh nghiệp sau đó rút vốn bán cổ phần.
Đây là một trong những chiêu thức điển hình mà chúng tôi nhận ra khi nghiên cứu các vụ án đất đai bị phanh phui trong thời gian qua. Theo đó, một số doanh nghiệp nhà nước có quỹ đất dồi dào thường bắt tay cùng doanh nghiệp tư nhân để thành lập những doanh nghiệp liên doanh, liên kết (pháp nhân mới) bằng những khu đất vàng được nhà nước giao quản lý, khai thác và sử dụng. Đồng thời tận dụng chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đất công dần ra khỏi doanh nghiệp nhà nước bằng con đường chuyển nhượng cổ phần lòng vòng về tay tư nhân.
Điển hình nhất trong vụ thâu tóm đất “vàng” Bình Dương. Theo hồ sơ vụ án, khu đất 43 ha tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, được UBND tỉnh Bình Dương giao cho Tổng công ty 3-2 (trực thuộc Tỉnh uỷ tỉnh Bình Dương) quản lý và sử dụng để làm dự án.
Tuy nhiên, năm 2010, Tỉnh ủy Bình Dương đã cho phép Tổng công ty 3-2 góp vốn thành lập liên doanh với Công ty Âu Lạc (tư nhân) để kinh doanh trên khu đất 43ha. Hai bên thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH Tân Phú (Tổng công ty 3-2 chiếm 30%, Công ty Âu Lạc 70% vốn điều lệ).
Đáng chú ý, sau khi thành lập công ty Tân Phú, Tổng công ty 3-2 đã chuyển nhượng khu đất 43ha sang cho liên doanh mới. Tiếp theo, Tổng công ty 3-2 lại thoái vốn, chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc. Sau khi sở hữu 100% cổ phần của Công ty Tân Phú, Công ty Âu Lạc đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho doanh nghiệp tư nhân khác. Từ đây khu đất 43 đất 43 ha tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước chính thức rơi vào tay tư nhân.
Một sai phạm khác xảy ra tại Tổng công ty 3-2 là việc góp 30% vốn bằng quyền sử dụng đất 145ha vào Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Tân Thành (cạnh khu đất 43ha, cùng thuộc thành phố mới Bình Dương) để kinh doanh sân golf với hai đối tác Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau đó hai đối tác Hàn Quốc chưa góp đủ vốn đã rút khỏi liên doanh. Sau một hồi "biến hóa", chuyển nhượng qua lại thì hai cổ đông cuối cùng sở hữu là Công ty TNHH Phát Triển (chiếm 32% cổ phần) và Công ty cổ phần Hưng Vượng (chiếm 38% cổ phần)…
Chiêu thức này cũng được các đối tượng trong vụ án: “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty bia rượu nước giải khát (Sabeco), Q1, TP. Hồ Chí Minh; vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan đến dự án 8-12 Lê Duẩn, Quận 1, TP Hồ Chí Minh áp dụng triệt để nhằm “hô biến” đất công thành đất tư.
2. Tung đủ chiêu trò để hợp thức hoá việc giao đất cho doanh nghiệp không qua đấu giá
Theo quy định Điều 118 Luật Đất đai 2013, chỉ những trường hợp được quy định tại khoản 2 như: giao đất không thu tiền sử dụng đất; được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; sử dụng đất vào mục đích hoạt động khoáng sản; sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội và nhà ở công vụ… thì mới được nhà nước giao đất không qua đấu giá.
Tuy nhiên để tạo điều kiện để doanh nghiệp được giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá nhiều địa phương đã tìm đủ mọi chiêu trò nhằm để hợp thức hoá việc này như lợi dụng các kẽ hở trong các quy định pháp luật về đấu giá đất, quy định đầu tư thực hiện các dự án BT…
Điều này có thể thấy rõ qua các vụ án sai phạm trong quản lý đất đai tại Khánh Hoà. Theo đó, để có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận khu đất công tại trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa cũ, UBND tỉnh khánh hoà đã bỏ qua ý kiến của Bộ KH&CN và chỉ định nhà đầu tư là Công ty CP Thanh Yến để xây dựng cơ sở mới của Trường Chính trị Khánh Hòa tại khu Bắc Hòn Ông, tận xã Phước Đồng, ngoại thành TP Nha Trang theo phương thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Sau đó sử dụng khu đất công tại trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa cũ để đối ứng, thanh toán cho hợp đồng BT.
Hay như trong vụ giao khu đất tại 28E Trần Phú, Nha Trang, các vị lãnh đạo “chóp bu” của Khánh Hoà đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật về các trường hợp giao đất không qua đấu giá để rồi bằng chiêu thức giao đất chưa giải phóng mặt bằng – đáy không đủ điều kiện đấu giá để giao khu đất này cho Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang thực hiện dự án.
Thời điểm được giao đất, khu đất này còn có tài sản của các đơn vị khác, coi như chưa được giải phóng mặt bằng, nên không tổ chức đấu giá mà tỉnh phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho dự án rồi giao đất cho nhà đầu tư. Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang chỉ phải chi ra hơn 28 tỉ đồng để bồi thường tài sản trên đất cho Công ty CP Điện lực Khánh Hòa và Tổng công ty Điện lực miền Trung.
Chiêu trò này dường như cũng được lặp lại trong vụ giao hơn 92.000 m2 đất không qua đấu giá cho doanh nghiệp tại Bình Thuận. Vấn đề chỉ là khác nhau ở thủ đoạn. Nếu như ở Khánh Hoà, các đối tượng thông qua việc thực hiện dự án BT hoặc giao đất không đủ điều kiện đấu giá thì ở Bình thuận có vẻ như tinh vi hơn.
Đó chính là vẫn tổ chức đấu giá, nhưng bằng cách nào đó để việc tổ chức đấu giá được thực hiện nhiều lần nhưng không có đơn vị, doanh nghiệp nào đăng ký tham gia đấu giá. Để rồi sau 6 lần đưa ra đấu giá (từ 2013 đến 2015), nhưng không có người tham gia với lý do vì "nằm trong khu nghĩa địa tập trung, còn nhiều hố sâu, tường, bia mộ... mất mỹ quan và thiện cảm", hơn 92.000 m2 đất được tỉnh Bình Thuận giao đất cho Công ty Tân Việt Phát. Điều đáng nói là sau khi được giao đất, khu đất này đã được chủ đầu tư phân lô, bán nền cho khách hàng với giá cao.
Điều này cũng đã được chúng tôi từ chỉ ra trong nhiều bài viết phân tích về những bất cập của công tác đấu giá tài sản công. Đó chính, một số tổ thức đấu giá không nghiêm túc thực hiện đúng các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất. Chẳng hạn như: thực hiện việc niêm yết, công khai thông báo đấu giá còn sơ sài, không đảm bảo đầy đủ các thông tin theo quy định (thời gian, địa điểm đấu giá, nơi đăng ký tham gia đấu giá,…); không thực hiện thông báo rộng rãi nhằm mục đích khép kín thông tin...
3. Cố tình áp giá trái quy định giúp doanh nghiệp hưởng lợi trái luật.
Trong hầu hết các vụ án đều cho thấy, dù nắm rõ quy định pháp luật về việc xác định giá đất khi giao đất phải đảm bảo nguyên tắc định giá đất theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá; theo thời hạn sử dụng đất; phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường… (Điều 112 Luật đất đai năm 2013) và thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất (Khoản 3 Điều 108 Luật đất đai năm 2013). Thế nhưng khi giao đất cho doanh nghiệp, thay vì xác định giá đất tại thời điểm giao đất để áp giá tính tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp, các đối tượng lại sử dụng giá được xác định từ nhiều năm trước. Điều này tạo điều kiện để DN tiếp cận được đất đai với giá rẻ mạt hơn nhiều lần so với giá thực tế tại thời điểm được giao đất, gây thất thoát tài sản nhà nước.
Kiến nghị điều tra tội danh tham nhũng
Trong hầu hết các vụ án đất đai xảy ra ở một số tỉnh thành và mới đây nhất là Bình Dương, số quan chức lãnh đạo “chóp bu” ngã ngựa không hề ít. Việc khởi tố các quan chức có sai phạm về Tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” (Điều 219 Bộ luật hình sự 2015) là hoàn toàn đúng.
Bởi lẽ trong các vụ án, cơ quan điều tra hầu như chưa chứng minh được cán bộ “giúp sức” doanh nghiệp hưởng lợi từ đất đai công sản là xuất phát từ động cơ vụ lợi, là tham nhũng, nhận hối lộ. Nhưng trên thực tế, khó ai có thể tin được họ giúp doanh nghiệp vô tư và trong sáng. Đa số các sai phạm đều xuất phát từ sự bất chấp pháp luật của các vị lãnh đạo, cố tình làm trái, làm sai quy định pháp luật, tạo điều kiện, “ưu ái” cho doanh nghiệp thâu tóm hàng nghìn m2 đất với giá rẻ mạt, gây thiệt hại ngân sách nhà nước nhiều tỷ đồng.
Do đó, cần điều tra làm rõ có hay không sự cấu kết giữa những kẻ thoái hóa biến chất trong bộ máy Nhà nước với các doanh nghiệp sân sau cùng nhau trục lợi trong những dự án về đất đai.
Từng trao đổi với chúng tôi về những vụ án nói trên, một số chuyên gia pháp luật cũng bày tỏ quan điểm cho rằng sai phạm của các quan chức có hay không vì động cơ cá nhân, vì vụ lợi là một yếu tố quan trọng để quyết định các bị can có phạm tội khác hay không, có chiếm đoạt tài sản của nhà nước hoặc nhận hối lộ hay không. Vấn đề này cơ quan chức năng cần phải quyết liệt làm rõ để giải quyết triệt để vụ án tránh bỏ lọt tội phạm.
Các quan chức đã bị khởi tố, họ đều là những người hiểu biết pháp luật, họ quá hiểu, quá thuộc các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Vậy tại sao họ vẫn cố tình vi phạm? Chả lẽ họ cố tình vi phạm quy định pháp luật – đánh đổi bằng cả sinh mạng chính trị mà không có lợi ích vật chất gì trong đó? Điều này là rất vô lý và phi thực tế. Vậy nên dư luận mong mỏi các cơ quan chức năng quyết liệt điều tra đến cùng xem những kẻ cán bộ thoái hoá biến chất có tham ô tài sản, có nhận hối lộ để cố tình phạm luật hay không? Có như vậy các vụ án liên quan đến đất đai mới thực sự được giải quyết triệt để, mới có tác dụng răn đe và cảnh tỉnh các quan tham khác.
Xuân Trường – Thành Chung
Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-cac-dai-an-lien-quan-dat-dai-kien-nghi-dieu-tra-toi-danh-tham-nhung-a254929.html