Chính sách chống dịch Covid-19 đã thay đổi: Xử lý thế nào với một số hành vi vi phạm quy định phòng dịch ?

(Pháp lý) - Chuyên gia cho rằng, khi chính sách chống dịch Covid-19 đã thay đổi, cơ quan chức năng cũng cần sớm sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh để đảm bảo sự thống nhất giữa chính sách và pháp luật.

khi-chinh-sach-chong-covid-19-da-thay-doi-1647246341.jpg
Khi chính sách chống Covid-19 đã thay đổi: Chuyên gia cho rằng cũng cần thay đổi ứng xử  với một số hành vi vi phạm quy định phòng dịch (ảnh minh hoạ)

Chính sách phòng, chống dịch Covid-19 đã thay đổi

Sau gần hai năm chống chọi với dịch bệnh, tùy theo diễn biến thực tế của dịch COVID-19 mà Chính phủ đề ra những chiến lược phòng, chống dịch khác nhau, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, thường xuyên có những điều chỉnh, bổ sung, thay đổi.

Theo đó, kể từ thời điểm dịch bệnh bùng phát, Chính phủ đã đề ra nhiều biện pháp cấp bách nhằm ngăn cản sự lây lan của dịch bệnh như ban hành các Chỉ thị 15, 16, 19 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch… cùng hàng loạt chính sách quản lý chặt chẽ, khoanh vùng diện rộng, truy vết và xử lý y tế, cách ly y tế triệt để đối với những trường hợp nhiễm bệnh và nghi ngờ mắc bệnh.

Bên cạnh những chính sách cấp bách về phòng chống dịch bện, Chính phủ cùng các các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật tăng nặng chế tài (cả chế tài hành chính và hình sự) nhằm xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 bằng như: Nghị định số117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế; Công văn số 45/TANDTC-PC của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19...

 

tai-phien-hop-chinh-phu-thuong-ky-than-1647246378.jpg
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao cho Bộ Y tế tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu

.

Tiếp đó, ngày 11/10/2021 Chính phủ đã ra Nghị quyết 128/NQ-CP về việc ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Đây được coi là sự thay đổi bước ngoặt trong phòng, chống dịch chính thức thay đổi quan điểm từ chỗ nói “không” với Covid-19 sang hướng chấp nhận có F0 trong cộng đồng, giảm thiểu tử vong, kiềm chế số ca mắc, để phát triển kinh tế - xã hội một cách an toàn và bền vững.

Đáng chú ý, ngày 3/3/2022 mới đây, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao cho Bộ Y tế tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Có thể thấy, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên thế giới cũng như trong nước đang cực kỳ phức tạp, nguy cơ bùng phát luôn rình rập. Để hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh, bên cạnh việc nhanh chóng siết chặt các biện pháp cấp bách để phòng chống dịch, các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an đã vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm nhiều đối tượng vi phạm quy định phòng chống dịch. Nhiều cá nhân, tổ chức bị xử phạt thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc kìm chế sự lây lan của dịch bệnh.

Tuy nhiên, hiện nay quan điểm cũng như chính sách phòng chống dịch đã thay đổi,  không chỉ Việt Nam mà hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới lần lượt từ bỏ mục tiêu "Zero COVID-19" không khả thi và phải trả giá rất cao về kinh tế - xã hội, kể từ khi các biến thể Delta và Omicron xuất hiện. Vậy những quy định pháp luật về phòng chống dịch liệu còn phù hợp trong tình hình mới?

Cần sớm sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật

Trao đổi với PV tạp chí điện tử Pháp Lý, Ts. Ls. Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: công tác phòng chống dịch bệnh covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm của đảng và nhà nước ta trong những năm qua. Phòng chống dịch bệnh covid-19 và phát triển kinh tế xã hội là nhiệm vụ kép, ưu tiên phòng chống dịch bệnh hay ưu tiên phát triển kinh tế xã hội sẽ phụ thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh và kết quả phòng chống dịch bệnh trong mỗi thời kỳ.

 

tsls-dang-van-cuong-1647246378.jpg
Ts.Ls. Đặng Văn Cường: Cần phải sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh để đảm bảo sự thống nhất giữa chính sách và pháp luật.

Hơn 2 năm qua, dịch bệnh covid-19 là "cơn ác mộng" đối với nhiều quốc gia, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế xã hội, gây ra những thiệt hại rất nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người dân và thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Do đó chính sách pháp luật của Việt Nam về phòng chống dịch bệnh covid cũng rất quyết liệt theo hướng kiểm soát chặt chẽ từ thủ tục xuất nhập cảnh, khi phát hiện những ca bệnh thì quyết liệt trong việc truy vết, cách ly, khoanh vùng để tránh dịch bệnh lây lan.

Ở giai đoạn đầu trong phòng chống dịch bệnh, những hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh như đưa tin sai sự thật, vi phạm quy định về khai báo y tế, cách ly y tế, vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh, đi lại, cư trú, xuất nhập cảnh bị xử lý nghiêm minh, nhiều trường hợp bị áp dụng chế tài hình sự về các tội như: Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm chuyền nhiễm cho người, tội vi phạm quy định an toàn nơi đông người, tội đưa hoặc sử dụng trái phép trên mạng internet, Tội tổ chức môi giới cho người khác nhập cảnh phải ở lại Việt Nam trái phép... nhiều trường hợp đã bị phạt tiền, phải chấp hành hình phạt tù để đảm bảo các quy định về phòng chống dịch bệnh được thực hiện nghiêm túc.

Các chế tài hành chính và hình sự thể hiện tính nghiêm khắc của pháp luật để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội. Kết quả áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống dịch bệnh cơ bản khiến dịch bệnh được kiểm soát tốt, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại của dịch bệnh gây ra đối với xã hội.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi chính sách về phòng chống dịch bệnh đã thay đổi, chúng ta thích ứng linh hoạt, tiến tới bình thường hóa với loại dịch bệnh này thì cũng cần sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để tránh trường hợp những hành vi vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì không truy cứu hoặc xem xét xử lý thì không phù hợp với chính sách mới. Luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.

Ứng xử ra sao với một số hành vi vi phạm pháp luật khi chính sách đã thay đổi?

Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, do chính sách về phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam đã có thay đổi, tuy nhiên hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc áp dụng chế tài hành chính và hình sự đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực này chưa có thay đổi sẽ phát sinh mâu thuẫn giữa chính sách và pháp luật.

Do đó, khi áp dụng pháp luật thì cần phải lưu ý đến các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự khi tình hình đã có chuyển biến, chính sách đã có thay đổi để áp dụng pháp luật một cách mềm dẻo, linh hoạt, trên cơ sở thượng tôn pháp luật. Vị luật sư kiến nghị.

Theo luật sư Cường, đối với những người đã bị kết án về các tội danh liên quan đến dịch bệnh mà đến nay mới có sự thay đổi về chính sách thì những người này vẫn phải tiếp tục phải thi hành bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật. Việc đặc xá, giảm án, tha tù có điều kiện, trên cơ sở các văn bản pháp luật hiện hành.

Còn đối với những trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh như không khai báo ý tế, không thực hiện việc cách ly y tế làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, nếu có căn cứ thì vẫn cần xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp không xử lý hình sự thì sẽ xem xét áp dụng quy định tại điều 29 bộ luật hình sự là miễn trách nhiệm hình sự

Thay lời kết

Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay khi chính sách về phòng chống dịch bệnh đã thay đổi, chúng ta đã thích ứng linh hoạt, tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh covid - 19 thì cần thiết sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về phòng chống dịch bệnh.

Bởi nếu không kịp thời sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thì có thể dẫn đến tình trạng bỏ lọt tội phạm hoặc xét xử oan sai khi có sự không tương thích giữa chính sách và pháp luật.  Đồng thời, không sửa đổi bổ sung kịp thời cũng có thể sẽ gây khó khăn cho công tác áp dụng pháp luật, gây mâu thuẫn, tranh chấp và khiếu kiện trong quá trình áp dụng pháp luật.

Xuân Trường

Link nội dung: https://phaply.net.vn/chinh-sach-chong-dich-covid-19-da-thay-doi-xu-ly-the-nao-voi-mot-so-hanh-vi-vi-pham-quy-dinh-phong-dich-a254903.html