Bà Đặng Tuyết Vinh, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham): Các doanh nghiệp và Chính phủ cần áp dụng các công nghệ và tiêu chuẩn mới để có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Trong năm 2021, thương mại song phương giữa EU và Việt Nam đã tăng 14,8%, đạt khoảng 63,6 tỷ USD. Giờ đây, EVFTA đã có hiệu lực và EVIPA sẽ sớm được thực hiện, Việt Nam có cơ hội thu hút một làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một môi trường đầu tư đầy tiềm năng, an toàn và cạnh tranh.
Tuy nhiên, theo EuroCham, vẫn còn một số vấn đề nổi lên được cho là những “điểm nghẽn” trong việc phát huy tối đa tiềm năng và tính hấp dẫn của thị trường thương mại và đầu tư của Việt Nam.
Cụ thể, về cơ sở hạ tầng, về nhân lực và về môi trường kinh doanh (thể chế và thủ tục hành chính), trong đó, những hạn chế về môi trường kinh doanh và các “rào cản” về thủ tục hành chính được đánh giá là “điểm nghẽn” và thách thức lớn nhất cần được giải quyết.
Thực tế, Chỉ số Môi trường Kinh doanh BCI của EuroCham Quý IV năm 2021 đã chỉ ra rằng, 32% lãnh đạo doanh nghiệp Châu Âu đánh giá thủ tục hành chính vẫn là “rào cản” lớn đối với việc tận dụng những lợi ích của Hiệp định EVFTA trong hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam.
Trong đó, tổ chức này hoan nghênh những nỗ lực trong việc cải cách môi trường kinh doanh đầu tư trong nước để tăng tính hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến đầu tư và thương mại. Nổi bật là việc ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP – một nghị định được coi là cuộc cách mạng trong ngành thực phẩm khi áp dụng quản lý rủi ro và chuyển mạnh sang hậu kiểm.
Khi các thực phẩm có nguy cơ thấp (thực phẩm thường, thực phẩm bổ sung) được tự công bố để doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm. Các thực phẩm có nguy cơ cao được đăng ký để cấp phép nhưng thủ tục đơn giản hóa để tránh gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp (chỉ yêu cầu bổ sung duy nhất 1 lần) đã phân cấp mạnh mẽ việc cấp phép xuống các chi cục ATTP tỉnh, chỉ kiểm ngẫu nhiên 5% số lô khi nhập khẩu, giảm 90% số giấy phép và tới 95% kiểm tra Nhà nước.
Theo EuroCham, hiện nay, Việt Nam đang hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (đề án cải cách về kiểm tra chuyên ngành). Tổ chức này và các thành viên kỳ vọng, Nghị định này sẽ tạo điều kiện nhiều hơn cho doanh nghiệp khi thực hiện kiểm tra chuyên ngành và mong Nghị định sớm được ban hành.
Tổ chức này khuyến nghị, trong cải cách thể chế theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022, Chính phủ Việt Nam cần xây dựng một môi trường đầu tư mang tính dự báo và bền vững.
“Đơn cử trong lĩnh vực dược phẩm, chúng tôi mong muốn giải quyết kịp thời những vướng mắc về chính sách hiện nay, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp thông qua: Thiết lập cơ chế để duy trì hiệu lực của giấy Đăng ký Lưu hành thuốc trong suốt vòng đời sản phẩm, tương tự như các quốc gia khác, thay vì phải gia hạn 5 năm một lần; Hài hòa các yêu cầu hành chính với các hướng dẫn và thông lệ quốc tế (đặc biệt là Giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm); Bãi bỏ các yêu cầu hành chính khó thực thi cũng như không hỗ trợ cho mục đích bảo đảm tính an toàn, chất lượng, hiệu quả của sản phẩm;
Triển khai tự động đồng bộ hóa các thông tin chính thức về cập nhật, điều chỉnh hồ sơ trong các danh mục khác nhau để đảm bảo thông tin thuốc luôn được cập nhật đồng thời giảm khối lượng công việc cho cơ quan quản lý”, đại diện EuroCham nêu quan điểm.
Cũng theo đại diện tổ chức này, những cải cách về thủ tục hành chính khi được tiến hành, cần có một khoảng thời gian để thích ứng phù hợp, cũng như có tính dự báo và thực tiễn. Ví dụ, các doanh nghiệp thành viên của EuroCham gặp khó khăn rất nhiều khi không đủ thời gian để phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết để áp dụng hóa đơn điện tử ngay trong năm 2021.
Cụ thể, EuroCham khuyến nghị, trường hợp doanh nghiệp không được xếp vào nhóm doanh nghiệp rủi ro cao về thuế, đề nghị cho phép doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã xác nhận theo yêu cầu. Đồng thời, cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính cần coi chuyển đổi số là trọng tâm…
Bà Virginia Foote, Phó chủ tịch, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham): Coi trọng sự đổi mới là con đường tốt nhất không chỉ để thu hút đầu tư mới mà còn để duy trì và tăng trưởng đầu tư đã có ở Việt Nam.
Bà cho rằng tính minh bạch và khả năng dự đoán cao hơn trong hệ thống thuế của Việt Nam sẽ củng cố môi trường đầu tư của Việt Nam. Đặc biệt là tránh các phán quyết và quyết định đánh thuế có hiệu lực hồi tố và những quyết định kiểm toán mang tính quá mạnh bạo.
Thêm nữa, Phó chủ tịch AmCham cho rằng cần thiết phải có thỏa thuận trước về giá tính thuế (APA) là điều rất quan trọng vì các nguyên liệu đầu vào của chuỗi cung ứng có thể đi qua nhiều biên giới. Đây là một khái niệm mà Việt Nam đã thông qua về mặt lý thuyết nhưng cần phải được triển khai trên thực tế, các địa phương cần hiểu và thống nhất thực hiện APA.
“AmCham cũng khuyến khích Việt Nam tìm kiếm, ký kết và phê chuẩn chung một hiệp định thuế song phương với Mỹ. Đồng thời để tránh đánh thuế hai lần đối với các công dân và các khoản đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam. AmCham kêu gọi Chính phủ ổn định chính sách thuế trong những năm tới để giúp doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng bền vững. Hiện tại không phải là thời điểm thích hợp để tăng hoặc mở rộng thuế đối với doanh nghiệp”, bà Virginia Foote nói.
Đại diện AmCham còn cho biết vấn đề này đã được thảo luận rất nhiều trong nhiều năm qua. Nhưng Việt Nam nên tiếp tục đẩy nhanh việc áp dụng nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung (GAAP) – giúp các công ty trong nước và nước ngoài không cần phải duy trì hai bộ sổ sách trong các hoạt động kinh doanh với nhau.
Xoay quanh Hội nghị, góp ý về xây dựng môi trường kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP, đại diện AmCham cũng cho rằng, ngày nay, chuyển đổi kỹ thuật số làm giảm đáng kể chi phí, cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ hơn cho nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời tăng khả năng tiếp cận các thị trường mới và lớn hơn. Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực thương mại điện tử, fintech, edtech và nền kinh tế sáng tạo.
“Để phát huy hết tiềm năng của mình, Việt Nam cần đảm bảo một môi trường pháp lý thuận lợi, phù hợp với các thông lệ quốc tế vì việc dịch chuyển xuyên biên giới của hàng hóa, dịch vụ và dữ liệu ngày nay càng ngày càng tăng với độ bảo mật cao. Tất cả chúng ta đều đang tìm kiếm các tiêu chuẩn toàn cầu - Việt Nam hiện có yếu tố rủi ro bị xâm nhập rất cao và việc nâng cấp hệ thống là điều hết sức quan trọng”, AmCham khuyến nghị.
Theo bà Virginia Foote, AmCham sẽ tiếp tục đối thoại với các Bộ, Chính phủ để đảm bảo các quy định mới khuyến khích các chính sách mở, minh bạch và nhất quán toàn cầu về thông tin, quyền riêng tư dữ liệu, bảo vệ sở hữu trí tuệ, an ninh mạng - và thương mại tự do, công bằng, đảm bảo nguyên tắc có đi có lại trong các dịch vụ kỹ thuật số phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu cho cả nước ngoài và các Công ty trong nước.
Bên cạnh đó, đánh giá về việc tiếp cận với năng lượng sạch, đại diện AmCham cho rằng, những tiến bộ của Việt Nam trong việc chuyển đổi năng lượng sẽ tạo ra lợi ích to lớn không chỉ đối với môi trường ở Việt Nam mà còn giúp đỡ nền kinh tế nói chung cũng như giúp Việt Nam thực hiện các cam kết đã đưa ra về khí hậu toàn cầu ở Glasgow.
“Chính sách năng lượng sạch cần phản ánh cách tiếp cận của Chính phủ một cách toàn diện và xem xét việc tăng trưởng năng lượng từ nhiều góc độ. Bất kỳ kế hoạch nào cũng phải áp dụng những cải tiến, phát minh mới, chẳng hạn như năng lượng hydro, khả năng lưu trữ và các loại năng lượng tái tạo khác”, đại diện AmCham khuyến nghị.
Theo vị đại diện này, Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với khí ga ngoài khơi, mặt trời, gió và thủy điện - và nhân tài trong việc đổi mới, đây là những tài nguyên cần được tận dụng tối đa, môi trường pháp lý hạn chế hiên nay đã kiềm chế sự phát triển và thành công của năng lượng tái tạo.
Tương tự, đối với nước và chất thải, đây là yếu tố quan trọng đối với các doanh nghiệp, vì vậy, họ cần phải được đảm bảo về nguồn nước sạch và việc quản lý chất thải cần được điều chỉnh một cách chặt chẽ và cẩn thận ở các địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động.
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng con người cũng rất quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế, các thành viên AmCham cam kết sẽ giúp phát triển lực lượng lao động cạnh tranh toàn cầu cho Việt Nam, bằng việc ủng hộ nâng cấp các chương trình đào tạo nghề như là chìa khóa giải quyết nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng.
Ngoài ra, AmCham cũng khuyến khích, Chính phủ cần hợp lý hóa các yêu cầu về giấy phép lao động và loại bỏ yêu cầu về giấy phép nhập cảnh cho các chuyên gia, đảm bảo rằng Việt Nam có thể tiếp tục thu hút và giữ chân nhân tài hàng đầu từ nước ngoài để giúp phát triển nền kinh tế.
“Hiệp hội và các thành viên của chúng tôi rất coi trọng việc đóng góp ý kiến với Chính phủ và chúng tôi tin rằng, những cuộc đối thoại thẳng thắn giữa Chính phủ và khu vực tư nhân sẽ giúp tối ưu hóa chính sách công cho nền kinh tế Việt Nam trong điều kiện bình thường mới”, đại diện AmCham nhấn mạnh.
Theo doanhnghiephoinhap.vn
Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/cac-to-chuc-nuoc-ngoai-dua-ra-khuyen-nghi-ve-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/cac-to-chuc-nuoc-ngoai-dua-ra-khuyen-nghi-ve-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-a254850.html