Thích ứng với các FTA: Thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam

Cùng với những biến chuyển về chính sách của các nước trong khu vực và quốc tế thì các FTA hiện đang là động lực cho hợp tác thương mại, đầu tư và phát triển bền vững. Nhưng, việc các FTA có hiệu lực thì cũng đi liền với xu hướng gia tăng hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan tại nhiều khu vực. Điều này cũng tạo thách thức đối với DN xuất khẩu (XK) Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, sau hơn một năm thực thi Hiệp định EVFTA, XK của Việt Nam sang EU đạt trên 40 tỷ USD, tăng 14%. Hiệp định UKVFTA được thực thi từ đầu năm ngoái cũng giúp quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Vương quốc Anh đạt gần 6,6 tỷ USD, giá trị xuất nhập khẩu đều tăng 2 chữ số. Còn với Hiệp định CPTPP, tăng trưởng XK sang hai thị trường mà Việt Nam mới có FTA như Canada tăng 19,5% và Mexico 46,1%.

20-1646277473.jpeg

Ảnh minh họa. 

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) thực thi từ ngày 1/1/2022 được hy vọng sẽ là một trong những nhân tố góp phần phục hồi kinh tế trong bối cảnh hậu COVID-19. Đây là Hiệp định đầu tiên mà ASEAN đóng vai trò trung tâm dẫn dắt những mối quan hệ hợp tác kinh tế trong khu vực.

Theo đó, RCEP mở ra cơ hội thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư của Việt Nam với ASEAN và 5 đối tác là Australia, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, việc thực thi và khai thác hiệu quả hiệp định này sẽ có nhiều thách thức hơn bởi thị trường các nước RCEP có cơ cấu kinh tế tương đồng với Việt Nam. Các nước tham gia RCEP là những thị trường truyền thống của Việt Nam, có tỷ lệ nhập siêu lớn nhất.

Nếu lượng nhập siêu quá lớn và lâu dài cũng có thể mang tới rủi ro nhất định.Trên thực tế, bên cạnh cơ hội lớn thì cũng tạo môi trường cạnh tranh gay gắt hơn. Vì vậy, DN phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng trong môi trường cạnh tranh đó. Ngoài ra, để tận dụng được thành công từ Hiệp định RCEP, DN cần nâng cao hơn nữa tính chủ động.

Trong khi đó, với Liên minh châu Âu (EU), mặc dù đã có những thành công bước đầu mà Hiệp định EVFTA mang lại, nhưng đây là thị trường có tiêu chuẩn cao, quy định nghiêm ngặt, nhất là về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, hiện nay, EU cũng đang đàm phán hiệp định thương mại với các quốc gia khác trong khu vực.Đây là thách thức đối với người nông dân, DN xuất khẩu Việt Nam để tạo ra sản phẩm chất lượng cao hơn.

Việc thực thi EVFTA không chỉ tạo lợi thế, lợi ích bổ sung cơ cấu kinh tế mà còn thúc đẩy quá trình cải cách thể chế của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực mà EVFTA mang lại, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, do năng lực của DN Việt Nam vẫn còn hạn chế nên gặp bất lợi trong tận dụng các ưu đãi thuế quan. Cụ thể là với ngành dệt may Việt, do công nghiệp phụ trợ của ngành này còn hạn chế, Việt Nam lại chủ yếu nhập khẩu linh kiện ngoài khối, nên không tận dụng được nhiều ưu đãi từ EVFTA.

Để thúc đẩy thực thi EVFTA có hiệu quả, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, DN Việt Nam và EU cần hợp tác một cách chặt chẽ, gần gũi, hiệu quả hơn. Điều này cũng thể hiện vai trò của EuroCharm trong việc thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa 2 phía. Ngoài ra, mong các DN EU cung cấp, hỗ trợ cho DN, nhà sản xuất Việt Nam những giải pháp canh tác trong nông nghiệp thông minh hơn, xanh hơn, sạch hơn và tuân thủ theo tiêu chuẩn của EU; cùng nhau hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái số và phối hợp trong logistics…

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/thich-ung-voi-cac-fta-thach-thuc-doi-voi-doanh-nghiep-viet-nam.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/thich-ung-voi-cac-fta-thach-thuc-doi-voi-doanh-nghiep-viet-nam-a254817.html