Theo một đánh giá mới đây, gần 1/5 trên tổng số 55 quốc gia tại châu lục này thường xuyên được xếp vào danh sách 20 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất hành tinh.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu- Liên minh châu Phi lần thứ 6 diễn ra trong 2 ngày 17 và 18/2 tại Brussels, Bỉ, Liên minh châu Âu đã thông báo một khoản tài chính lên tới 150 tỷ euro để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cũng như hỗ trợ châu Phi giải quyết bài toán vaccine ngừa Covid-19.
Mặc dù mới chỉ có 11% người dân châu Phi được tiêm chủng đầy đủ tính đến đầu tháng 2, song Liên minh châu Âu đã đề ra một mục tiêu dài hạn nhằm tiếp tục các nỗ lực tiêm chủng và đặc biệt là phát triển năng lực sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19 cho châu Phi. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen, châu Âu và châu Phi cần phải vượt qua những rào cản về lịch sử để xây dựng lại quan hệ và hướng tới các cuộc đối thoại bình đẳng.
“Cùng với Liên minh châu Phi, chúng tôi đã phát triển các mục tiêu rất rõ ràng. Việc thiết lập mạng lới giao thông và tăng cường sự kết nối tại châu lục là rất quan trọng để Thỏa thuận thương mại tự do châu Phi có thể phát huy hiệu quả. Đó không chỉ là kết nối kỹ thuật số mà còn phát triển nông nghiệp bền vững, chăm sóc sức khỏe và quan trọng nhất là giáo dục", bà Ursula Vôn Der Leyen nói.
Những năm gần đây đã chứng kiến sự gia tăng các hoạt động thương mại và đầu tư hướng tới châu Phi từ 3 nền kinh tế lớn nhất hành tinh là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, dù chiến lược của mỗi bên là không giống nhau.
Kết quả một nghiên cứu mới đây cho thấy, 10 trên tổng số 55 quốc gia châu Phi luôn nằm trong top 20 quốc gia có tăng trưởng nhanh nhất hành tinh. Nền kinh tế châu Phi cũng được dự báo sẽ tận dụng được tối đa việc dỡ bỏ các rào cản thương mại mà Khu vực Thương mại Tự do Lục địa Châu Phi mang lại. Từ cuối năm ngoái, Liên minh châu Âu đã khởi động chiếc lược “Cửa ngõ toàn cầu” rộng lớn nhằm phát triển các dự án cơ sở hạ tầng tại châu lục và trên thế giới. Một kế hoạch kinh tế mang ý nghĩa địa chính trị nhằm đối trọng với các dự án “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc.
Đánh giá về các cam kết của Liên minh châu Âu, Tổng thống Senegal Macky Sall, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban châu Phi nhấn mạnh: “Chúng tôi đặc biệt hoan nghênh sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu” của châu Âu liên quan đến tài trợ cơ sở hạ tầng. Nếu được huy động hiệu quả, sáng kiến này sẽ giúp mang lại cho châu Phi 150 tỷ euro. Đây sẽ là một bước tiến đáng kể và là cầu nối giữa hai lục địa.”
Tuy nhiên để có thể đến gần hơn với châu Phi, cũng như để cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc thì chỉ bấy nhiêu thôi dường như là chưa đủ. Liên minh châu Âu tới nay vẫn lảng tránh yêu cầu của châu Phi dỡ bỏ bằng sáng chế của các công ty dược phẩm phương Tây. Một cuộc họp về vấn đề này đã được lên kế hoạch vào cuối năm nay. Một rào cản khác là việc thực hiện cam kết của châu Âu sử dụng quyền rút vốn đặc biệt theo sáng kiến của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để tăng viện trợ cho châu Phi cũng như giúp châu lục đối phó với tác động của đại dịch./.
Theo vov.vn
Nguồn bài viết: https://vov.vn/the-gioi/khong-kem-canh-my-va-trung-quoc-eu-quyen-ru-chau-phi-bang-dau-tu-va-vaccine-post925244.vov
Link nội dung: https://phaply.net.vn/khong-kem-canh-my-va-trung-quoc-eu-quyen-ru-chau-phi-bang-dau-tu-va-vaccine-a254724.html