Găm hàng để trục lợi từ hoạt động kinh doanh xăng dầu: Cần xử lý nghiêm kể cả chế tài hình sự

(Pháp lý) - Những ngày qua, trước dự báo giá xăng dầu có khả năng tăng cao trong kỳ điều chỉnh ngày 11/2, tại một số địa phương xảy ra hiện tượng đơn vị kinh doanh xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động hoặc chỉ bán nhỏ giọt với nhiều lý do như thiếu nguồn cung, không nhập được hàng, thiếu nhân viên… khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia cho rằng, xăng dầu là một mặt hàng có vai trò vô cùng quan trọng, tình trạng thiếu nguồn cung nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế cũng như tâm lý xã hội. Việc một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có những biểu hiện găm hàng để trục lợi là điều tiêu cực ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Do đó cơ quan chức năng cần có các quy định xử lý mạnh mẽ  với những hình phạt bổ sung như tước giấy phép, cấm kinh doanh, thậm chí xử lý hình sự để răn đe.

truc-loi-gay-khung-hoang-thi-truong-xang-dau-1644656915.jpg

Găm hàng để trục lợi , gây khủng hoảng thị trường xăng dầu: Cần xử lý nghiêm

Găm hàng xăng dầu chờ tăng giá: Bộ nói có, nhiều Sở nói không.

Tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương và các địa phương và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chiều 9/2, hàng loạt lãnh đạo các địa phương từ TPHCM, Long An, Đắk Lắk... lại khẳng định - các cửa hàng đóng cửa, với các lý do nhân viên nghỉ Tết, chiết khấu thấp, nguồn cung chưa ổn định, chưa phát hiện tình trạng găm hàng, chờ nâng giá.

Thế nhưng, theo ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, lượng xăng dầu tồn kho tại các doanh nghiệp đầu mối tính đến cuối tháng 1 còn 1,3 triệu m3; dự kiến lượng mua vào đến hết tháng 2 khoảng 1,55 triệu m3. Ông Đông tính toán, với nhu cầu mỗi tháng cả nước dùng khoảng 1,8 - 2 triệu m3 các loại thì nguồn cung như trên cơ bản đáp ứng thị trường trong tháng 2…

Còn phía Petrolimex, Phó Tổng Giám đốc Trần Ngọc Năm cũng khẳng định, mỗi ngày trung bình Petrolimex bán khoảng 23.000 m3 các loại. Trong ngày 7, 8/2, con số bán ra mỗi ngày lên đến 32.000 m3, tức tăng 30% so với ngày thường. Theo ông Trần Ngọc Năm, hệ thống của Petrolimex không có chuyện thiếu hàng, ngừng bán".

bo-cong-thuong-hop-khan-chieu-92-1644656983.jpg

Bộ Công Thương họp khẩn chiều 9/2 về cung ứng xăng dầu

Đáng chú ý, trước đó ngày 8/2, báo cáo trước Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về tình hình sản xuất, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nguồn cung xăng dầu trong nước đáp ứng khoảng 75% nhu cầu thị trường, còn lại 25% là nhập khẩu.

Tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn (chiếm trên 90% thị phần), việc bán hàng vẫn được duy trì liên tục từ trước Tết Nguyên đán đến nay. Tuy nhiên vừa qua, một số nơi có hiện tượng cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng với lý do thiếu nguồn cung.

Qua kiểm tra, hầu hết cửa hàng ngừng bán hàng do lấy nguồn hàng từ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhỏ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có hiện tượng hạn chế bán hàng ra để chờ tăng giá. Các bộ, ngành, doanh nghiệp đầu mối cũng khẳng định tình trạng thiếu hụt chỉ xảy ra cục bộ tại cửa hàng đại lý của doanh nghiệp nhỏ, do tâm lý 'găm hàng' nhằm trục lợi.

Nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn và triển khai biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án cũng như phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt các đơn vị kinh doanh xăng dầu nhằm phát hiện hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung.

Cùng với đó, tiến hành xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, đồng thời giám sát chặt chẽ các đơn vị đã bị thu hồi giấy phép.

Trách nhiệm lớn thuộc về cơ quan quản lý

Trao đổi với chúng chuyên gia kinh tế PGS, TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, xăng dầu là một mặt hàng có vai trò vô cùng quan trọng, tình trạng thiếu nguồn cung xảy ra sẽ ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế cũng như tâm lý xã hội.

Theo nhận định của vị chuyên gia, nguồn cung xăng dầu của Việt Nam không thể thiếu. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian vừa qua, việc kinh doanh xăng trong nước, đặc biệt là một số tỉnh thành phía Nam bị gián đoạn gây nhiều bức xúc cũng như tâm lý hoang mang.

chuyen-gia-kinh-te-pgs-ts-dinh-trong-thinh-1644656983.jpg

Chuyên gia kinh tế PGS, TS Đinh Trọng Thịnh

Đánh giá nguyên nhân của vấn đề này, theo ông Thịnh, để giá xăng dầu thị trường trong nước có giá sát với thị trường thế giới Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu quy định kỳ điều chỉnh giá xăng dầu là 10 ngày 1 lần (vào các ngày 1, 10  và 20 hàng tháng). Tuy nhiên kỳ điều chỉnh vào ngày 1/2 vừa qua không điều chỉnh, trong khi tình hình thị trường thế giới đang tăng giá rất mạnh dẫn tới chênh lệch giá lớn khiến nhiều DN kinh doanh xăng dầu không mặn mà việc bán xăng dầu, thậm chí bị lỗ khi bán xăng dầu ra thị trường.

Cùng với đó, trước đó Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có thông báo giảm sản lượng thậm chí có thể dừng hoạt động do khó khăn về tình hình tài chính điều này dẫn đến tâm lý khan hiếm xăng dầu trong thời gian tới khiến nhiều DN kinh doanh xăng dầu có tâm thế găm hàng chờ tăng giá. PGS, TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Cũng theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, để xảy ra tình trạng gián đoạn như vừa qua, trách nhiệm lớn thuộc về cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Công thương. Bởi, theo ông Thịnh, Bộ Công thương là cơ quan nhà nước được giao trách nhiệm quản lý và điều chỉnh giá xăng dầu. Theo quy định 10 ngày điều chỉnh giá tuy nhiên quá 10 ngày không điều chỉnh, trong khi giá xăng dầu thế giới biến động không ngừng. Bên cạnh đó, thực tế chúng ta không phải thiếu nguồn cung, Bộ Công thương phải có trách nhiệm kịp thời phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, phổ biến, giải thích đến người dân và DN để tránh những tin đồn bất lợi, gây tâm lý hoang mang…

Theo ông Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cũng cho rằng việc dừng điều hành kỳ 1/2 không phù hợp trong điều kiện tình hình thị trường có biến động mạnh theo hướng tăng giá, trong khi vấn đề căng thẳng nguồn cung đang "đe dọa" đến cung cầu thị trường.

"Trong bối cảnh thị trường có biến động về giá cả, cung cầu và biến động mạnh như vừa qua mà không điều chỉnh đúng chu kỳ cho phù hợp sẽ tác động đến giá cả, cung cầu thị trường. Thực tế cho thấy doanh nghiệp phản ánh bị thua lỗ, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, lấy cớ khan hàng để găm hàng hoặc bán nhỏ giọt, làm ảnh hưởng cung cầu thị trường và an ninh năng lượng", ông Long nói.

Cần xử lý nghiêm trường hợp cố tình găm hàng để trục lợi

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với chúng tôi nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian qua, tình trạng các cây xăng “găm hàng” chờ tăng giá nhằm trục lợi diễn ra gây bức xúc trong xã hội. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của khách hàng và sự ổn định của thị trường xăng dầu trong nước, cơ quan chức năng phải tăng cường phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với các đối tượng có hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng hiện mức xử phạt với các doanh nghiệp vi phạm chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính với vài chục triệu đồng, không đủ sức răn đe cho những doanh nghiệp kinh doanh không lành mạnh, làm giảm tính cạnh tranh của thị trường.

luu-ban-nhap-tu-dong-3-1-1644656983.jpg

Luật sư Lê Cao - Chủ tịch công ty luật FDVN (Đoàn Luật sư Đà Nẵng)

Theo luật sư Lê Cao - Chủ tịch công ty luật FDVN (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) việc kinh doanh xăng, dầu thành phẩm vốn là một mặt hàng có vai trò quan trọng đặc thù, là mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa thực hiện bình ổn giá. Tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi, hậu quả, thiệt hại mà hành vi gây ra, động cơ, mục đích… mà tổ chức, cá nhân thực hiện có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Điều 35 Nghị định số 99/2020/NĐ-CP thì cơ quan có thẩm quyền xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Không bán hàng, ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Như vậy, đối với một số biểu hiện ngừng bán hàng, không bán hàng, giảm lượng hàng bán ra, giảm thời gian bán hàng … thì chỉ có thể xử lý hành chính như vậy – luật sư Lê Cao phân tích.

Cũng theo luật sư Cao, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự về Tội Đầu cơ theo Điều 196 BLHS 2015 sửa đổi. Theo đó, Điều 196 có nêu “Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính” thì có thể bị phạt tiền tùy mức độ vi phạm hoặc bị phạt tù với mức cao nhất lên đến 15 năm tù.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp rất khó để nhận biết được mục đích bên trong của các hành vi ngừng bán hàng, không bán hàng, giảm lượng hàng bán ra, giảm thời gian bán hàng…  là nhằm găm hàng lại để khi giá cao lên bán để kiếm lời bất chính.

Theo luật sư Cao, việc một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có những biểu hiện găm hàng để trục lợi là điều tiêu cực ảnh hưởng đến người tiêu dùng, cần có các quy định xử lý mạnh mẽ về phương diện xử lý hành chính với những hình phạt bổ sung như tước giấy phép, cấm kinh doanh, thậm chí xử lý hình sự để ngăn chặn cung cách găm hàng đợi giá cao bán ra để hưởng lợi. Tuy nhiên, muốn có cơ sở xử lý thì phải được quy định rõ ràng trong các văn bản quy phạm để có thể xử lý.

Có một điều luật bảo vệ mạnh mẽ cho người tiêu dùng có thể cần được áp dụng trong thực tế nhiều hơn, đó là Tội lừa dối khách hàng theo Điều 198 Bộ luật Hình sự. Việc găm hàng, nói dối hết hàng, không bán … có thể là biểu hiện của một thủ đoạn gian dối của các doanh nghiệp đối với người tiêu dùng, và do đó cần xem xét có hướng áp dụng điều luật này để xử lý trách nhiệm hình sự nhằm tăng cường xử lý được các biểu hiện trục lợi phi pháp. Luật sư Lê Cao kiến nghị.

Xuân Trường

Link nội dung: https://phaply.net.vn/gam-hang-de-truc-loi-tu-hoat-dong-kinh-doanh-xang-dau-can-xu-ly-nghiem-ke-ca-che-tai-hinh-su-a254657.html