Với việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực đối với Hàn Quốc từ đầu tháng 2/2022, hợp tác kinh tế và thương mại khu vực giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc - 3 nền kinh tế lớn ở Đông Á - được kỳ vọng sẽ đón nhận những động lực tăng trưởng mới trong khuôn khổ của FTA lớn nhất trong lịch sử, mang lại hy vọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và nhiều bất ổn toàn cầu, trang Global Times (Trung Quốc) bình luận.
Kể từ khi hiệp định có hiệu lực tại Trung Quốc và Nhật Bản vào ngày 1/1/2022 và ở Hàn Quốc vào ngày 1/2/2022, RCEP đã trở thành FTA đầu tiên bao gồm đầy đủ 3 “ông lớn” của châu Á và có ý nghĩa quan trọng đối với hợp tác kinh tế và hội nhập của khu vực Đông Á, các chuyên gia Trung Quốc cho biết.
Hiệp định sẽ giảm chi phí thuế quan trong thương mại xuyên biên giới giữa các thành viên và dẫn đến các biện pháp tạo thuận lợi như việc tự khai xuất xứ do các nhà xuất khẩu được cấp phép thực hiện.
“Thông qua RCEP, quan hệ thương mại tự do đã được củng cố giữa Trung Quốc và Nhật Bản, và Nhật Bản và Hàn Quốc”, Zhao Gancheng, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nói với Global Times hôm 6/2. “Điều này sẽ có ảnh hưởng tích cực cho 3 bên trong quá trình thực hiện FTA”.
Ba quốc gia châu Á dự kiến sẽ đạt được sức mạnh tổng hợp và hợp tác hơn về kinh tế, và điều đó được cho là sẽ mang lại hy vọng cho một nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều bất ổn trong bối cảnh đại dịch, Zhao cho biết.
Cherry Group, một nhà sản xuất hàng may mặc lớn có trụ sở tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc, đã nhận được giấy chứng nhận xuất xứ RCEP đầu tiên cho thị trường Hàn Quốc vào ngày 1/2.
Do đó, hàng xuất khẩu của công ty có thể được giảm thuế hơn 10.000 NDT (1.572 USD) hàng năm khi thông quan ở Hàn Quốc, với mức thuế suất được cắt giảm một nửa xuống còn 6,5%, đại diện công ty nói với Global Times hôm 6/2.
Xuất khẩu hàng năm của công ty sang Hàn Quốc đạt hơn 22 triệu NDT. Nhờ chính sách cắt giảm thuế quan thuận lợi trong khuôn khổ RCEP, theo ước tính, công ty này có thể cắt giảm hơn 1,4 triệu NDT chi phí thuế quan hàng năm tại thị trường Hàn Quốc. Điều này sẽ trực tiếp thúc đẩy xuất khẩu của công ty này sang Hàn Quốc tăng khoảng 10% mỗi năm, đại diện công ty cho biết.
Việc RCEP có hiệu lực tại Hàn Quốc dự kiến sẽ mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu của nước này, với các lĩnh vực dịch vụ như trò chơi trực tuyến, phim hoạt hình, phim truyện và âm nhạc, bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu hiện tại như ô tô, thép và linh kiện, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết.
Xuất khẩu của Hàn Quốc sang các nước thành viên RCEP năm 2020 ước tính đạt 254,3 tỷ USD, chiếm khoảng một nửa tổng lượng xuất khẩu của nền kinh tế top đầu châu Á này, theo dữ liệu của Chính phủ Hàn Quốc.
Chính thức được ký kết vào ngày 15/11/2020, RCEP được coi là thỏa thuận thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử.
Đây là hiệp định có cơ cấu thành viên đa dạng nhất và tiềm năng phát triển kinh tế lớn nhất trên toàn cầu, theo Global Times.
15 quốc gia thành viên RCEP, bao gồm 10 nước ASEAN và 5 đối tác thương mại lớn của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia. Tổng khối lượng thương mại, dân số và GDP danh nghĩa của các quốc gia thành viên RCEP chiếm khoảng 30% tổng khối lượng thương mại, dân số và GDP danh nghĩa của thế giới.
Theo nguoiduatin.vn
Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/rcep-thuc-day-thuong-mai-giua-3-ong-lon-chau-a-a542208.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/rcep-thuc-day-thuong-mai-giua-3-ong-lon-chau-a-a254626.html