Chuyến 'xông đất' xứ sở Mặt trời mọc

Hai đời Thủ tướng Nhật Bản gần đây khi nhậm chức đều chọn Việt Nam là nước đầu tiên tới thăm. Ngược lại, Thủ tướng Phạm Minh Chính là vị lãnh đạo nước ngoài đầu tiên “xông đất” sau khi Thủ tướng thứ 100 của “Xứ sở Mặt trời mọc” nhậm chức. Điều đó là minh chứng cho thấy quan hệ bền chặt giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử.

Mối lương duyên Việt – Nhật

Là vị khách nước ngoài đầu tiên “xông đất” kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn cấp cao Việt Nam được đón tiếp trọng thị, thân tình của Chính phủ, người dân và các nhà đầu tư Nhật Bản. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, mối quan hệ giao lưu Việt Nam - Nhật Bản đã bắt đầu từ nhiều thế kỷ trước, để lại nhiều di sản quý báu cho thế hệ hôm nay.

Qua nhiều thăng trầm của lịch sử và những duyên nợ với nhau, ngày nay, Việt Nam và Nhật Bản là những người bạn, đối tác thân thiết, tin cậy của nhau trên nhiều lĩnh vực. Ngay cả trong đại dịch COVID-19, hai bên duy trì tiếp xúc cấp cao và các cấp, đặc biệt là chuyến thăm Việt Nam của nguyên Thủ tướng Nhật Bản Suga vào tháng 10/2020.

71-1643781416.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio

Với những người bạn Nhật Bản, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, trong đó có quan hệ giữa các địa phương hai nước. Ngay trong ngày hoạt động đầu tiên ở Nhật Bản (ngày 23/12), Thủ tướng nước ta đã dành gần trọn cả ngày để đến tỉnh Tochigi, nơi nằm cách Tokyo hơn 100 cây số. Tochigi là địa phương có quy mô kinh tế lớn, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 3 Nhật Bản.

Tochigi cũng là tỉnh có nhiều hợp tác với các địa phương của Việt Nam. Trong tiết thu mát mẻ của "vùng đất đẹp nhất Nhật Bản về lá xanh, lá đỏ", người dân đứng hàng dài suốt mấy tuyến phố, tay cầm cờ Việt Nam và Nhật Bản đón chào Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên trong đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Thống đốc tỉnh Tochigi, ông Fukuda bày tỏ sự vui mừng khi người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đến thăm tỉnh.


Theo ông Fukuda, hiện có 22 doanh nghiệp của tỉnh đang đầu tư tại Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh hiện là cộng đồng người nước ngoài lớn nhất ở Tochigi, với 8.000 người. Tochigi mong muốn tăng cường hợp tác với nhiều địa phương nữa Việt Nam, muốn tiếp nhận nhiều hơn nữa lao động chất lượng cao, thực tập sinh kỹ năng Việt Nam sang làm việc tại tỉnh.

72-1643781462.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với đại diện tỉnh Tochigi, Nhật Bản Ảnh: Nhật Bắc

Bày tỏ ấn tượng về sự phát triển hiện đại, bền vững, hài hòa giữa kinh tế và xã hội, cân đối giữa công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ ở địa phương này, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp tỉnh Tochigi tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, bởi hơn ai hết, doanh nghiệp Nhật Bản có nhiều gắn bó, thấu hiểu, chia sẻ với thị trường và người dân Việt Nam. “Chúng ta có niềm tin, sự hiểu biết và sự tôn trọng lẫn nhau để hợp tác trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro thì chia sẻ và thành công. Sự phát triển của các doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam là minh chứng rõ nhất cho điều này”.

Còn trong cuộc tiếp Thống đốc tỉnh Kanagawa Kuroiwa Yuji, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại những kỷ niệm tốt đẹp về chuyến thăm của ông Kuroiwa Yuji tới Quảng Ninh. Ông Kuroiwa Yuji thì bày tỏ sự ấn tượng trước vẻ đẹp của vịnh Hạ Long, và nói rằng “sẽ thăm Việt Nam ngay khi có thể”.

Ông Kuroiwa Yuji là người đã có những nỗ lực thúc đẩy hợp tác, giao lưu với Việt Nam trên nhiều mặt, nổi bật là việc tổ chức “Lễ hội Việt Nam tại Kanagawa, Nhật Bản” và “Lễ hội Kanagawa tại Hà Nội”. Đây là những sự kiện giao lưu văn hóa thường niên có quy mô hàng đầu tại hai nước, góp phần thúc đẩy hợp tác đầu tư, giao lưu văn hóa, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và Nhật Bản.

“Cùng hợp tác, cùng nhau chiến thắng”

Trong 4 ngày ở Nhật Bản (từ 22- 25/11), Thủ tướng Phạm Minh Chính có gần 50 cuộc gặp với nhiều lãnh đạo chủ chốt của chính phủ Nhật Bản, lãnh đạo các địa phương, trường đại học và tập đoàn hàng đầu. Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp chứng kiến 50 văn kiện, thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có thỏa thuận hợp tác trị giá nhiều tỷ USD giữa Việt Nam – Nhật Bản. Hai bên cũng thống nhất sớm mở lại đường bay giữa hai nước, áp dụng hộ chiếu vắc xin, xử lý các vấn đề liên quan đến thực tập sinh, lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện vốn ODA, thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.

Trong cuộc hội đàm tại Tokyo, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio đều bày tỏ hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất và trao đổi ý kiến sâu rộng về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, đồng thời nhất trí về phương hướng lớn và các biện pháp nhằm mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng.

Bất chấp những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản luôn thể hiện niềm tin và mong muốn mở rộng đầu tư, hợp tác. Tập đoàn Hitachi ngỏ ý muốn tham gia xây dựng đường sắt; Tập đoàn dược phẩm Shionogi mong muốn đầu tư một cơ sở nghiên cứu, sản xuất vắc xin và thuốc điều trị bệnh tại Việt Nam; Eneos muốn đầu tư vào năng lượng tái tạo… Khi dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam – Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ cảm nhận về không khí ấm áp, chân thành, sự tin tưởng của các nhà đầu tư Nhật Bản đối với Việt Nam. Theo Thủ tướng, đối với hai nước, không khí chính trị đang ở bước rất tốt, từng bước được nâng lên. Nhắc lại, giữa hai nước có sự chân thành, tin cậy trong quá trình hợp tác, nhất là sau 50 năm có quan hệ ngoại giao, Thủ tướng cho rằng, Nhật Bản có thế mạnh còn Việt Nam có cơ hội. “Đây là những điều kiện thuận lợi để cùng hợp tác, cùng nhau chiến thắng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, ý nghĩa chuyến thăm đến Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính không chỉ thể hiện ở những con số mà còn ở ý nghĩa chiến lược lâu dài. Chuyến thăm đã giúp củng cố niềm tin, thắt chặt tình hữu nghị, nâng cao hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Trong suốt chuyến thăm, thông điệp được nhắc đến nhiều lần, đó là Việt Nam luôn coi Nhật Bản là bạn, là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung. Nhân dân hai nước dành sự tin cậy và tình cảm quý mến cho nhau. Hai bên thống nhất cho rằng, sự tương đồng về văn hóa, lịch sử quan hệ lâu đời, sự tin cậy, hiểu biết giữa hai dân tộc là tài sản quý giá mà hai nước cần phát huy.

Theo tienphong.vn

Nguồn bài viết: https://tienphong.vn/chuyen-xong-dat-xu-so-mat-troi-moc-post1406469.tpo

Link nội dung: https://phaply.net.vn/chuyen-xong-dat-xu-so-mat-troi-moc-a254590.html