Tội phạm kinh tế, tham nhũng thời COVID: Nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa

Từ đầu đại dịch Covid-19 đến nay, tình hình tội phạm về kinh tế, tham nhũng đang có chiều hướng gia tăng về số vụ, số đối tượng. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã phần nào tạo điều kiện làm nảy sinh các tội phạm kinh tế, tham nhũng. Bài viết này nêu ra một số tội phạm kinh tế, tham nhũng điển hình xảy ra trong đại dịch Covid-19 đồng thời chỉ ra nguyên nhân của tội phạm và đề xuất một số giải pháp phòng ngừa.

cong-an-thu-giu-tang-vat-1643545716.jpg

Từ đầu đại dịch đến nay, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế diễn biến phức tạp

1. Thực trạng tội phạm kinh tế, tham nhũng xảy ra trong đại dịch Covid-19

          Từ đầu đại dịch đến nay, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế vẫn diễn biến phức tạp, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra là vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn ở nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Trong đó nổi bật là một số loại tội phạm kinh tế, tham nhũng sau:

         - Tội phạm tham nhũng nảy sinh trong thực hiện các chủ trương, chính sách về an sinh xã hội. Cụ thể, các đối tượng đã lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, giám sát, triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội và quy định về đối tượng thuộc diện được hưởng để hỗ trợ sai đối tượng, lập khống hồ sơ, chứng từ để trục lợi; hành vi trục lợi, chi sai đối tượng được hưởng gói trợ cấp của Chính phủ về an sinh xã hội do dịch bệnh Covid-19 xảy ra ở nhiều địa phương gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

         Điển hình: Ở Ninh Thuận, cán bộ thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước đã chi thiếu tiền hỗ trợ thiệt hại do Covid-19 cho 06 người nghèo. Hay như vụ việc công chức lao động, thương binh và xã hội xã Quý Hòa và xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình chi trả sai trong việc hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Kết quả kiểm tra đã xác định về vi phạm chi trả sai đối tượng tại xã Tân Lập, có 09 hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo có khẩu là cán bộ, Đảng viên; tại xã Quý Hòa có 03 hộ là cán bộ, công chức nằm trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, một số hộ có kinh tế khá cũng nằm trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo trong khi đó một số hộ khó khăn lại không được công nhận là hộ nghèo, cận nghèo... Sự việc trên đã gây bất bình trong nhân dân quanh khu vực.

         - Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế cũng có chiều hướng gia tăng về số vụ phạm pháp, số đối tượng phạm tội trong đại dịch Covid-19 với hành vi phạm tội chủ yếu là sản xuất, buôn bán khẩu trang y tế giả, dung dịch rửa tay sát khuẩn giả, trang phục phòng dịch giả, thuốc chữa bệnh giả... phục vụ phòng chống dịch bệnh. Hành vi đầu cơ, găm hàng để nâng giá khẩu trang, thiết bị y tế... cũng xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương như thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. 

         Điển hình: Phòng Cảnh sát kinh tế (CSKT) Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ vụ Công ty Việt Hàn sản xuất 100.000 khẩu trang giả với thủ đoạn dùng giấy vệ sinh thay thế lớp vải lọc kháng khuẩn; Vụ Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ y tế Đức Anh bán 1.202 bộ trang phụ phòng dịch giả được Phòng CSKT Công an thành phố Hà Nội phát hiện vào ngày 08/4/2020; Công an tỉnh Hà Nam đã bắt giữ Phạm Thị Hoài – Giám đốc Công ty cổ phần liên doanh Minh Trí Hải Thịnh vì có hành vi sản xuất 9.260 chai xịt sát khuẩn giả; Phòng CSKT Công an thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án sản xuất buôn bán hàng giả xảy ra tại Công ty TTH ở đường Hương Lộ 2, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân với tang vật của vụ án là 2.370 thùng găng tay y tế tương đương với 2,3 triệu cái găng tay y tế giả trị giá trên 3 tỷ đồng; 25/8/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Đức Thuận, Dương Quốc Chính và Nguyễn Thị Kim Tuyến về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh Covid-19 giả mang nhãn hiệu Neo-Cordion, Angmentin, Staragan...

         Ngoài ra hoạt động thông đồng, móc ngoặc giữa cán bộ của các cơ quan chức năng với doanh nghiệp trong thực hiện chủ trương, chính sách phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh cũng là một “điểm nhấn” trong đại dịch Covid-19, nổi lên là hành vi thông đồng trong đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc phòng, chữa bệnh để trục lợi. Đơn cử như vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong việc nâng khống giá thiết bị lên hơn 3 lần trong gói thầu mua sắm Máy xét nghiệm Covid-19 tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở y tế Hà Nội. Cụ thể, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua sắm một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệp phòng chống dịch Covid-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu. Từ các tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra xác định hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỷ đồng. Tuy nhiên các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá 7 tỷ đồng, gấp 3 lần giá nhập.

         Hay như vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan. Quá trình điều tra xác định: Quá trình kinh doanh và tiêu thụ Kit xét nghiệm Covid do Công ty Việt Á sản xuất, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid của các địa phương trên cả nước, sản phẩm Kit test Covid thuộc danh mục được áp dụng hình thức Chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng. Sau đó, thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ Chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (Công ty liên danh, Công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do Công ty Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Đồng thời, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn. Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/Kít; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm, gây thiệt hại nặng nề cho ngân sách của Nhà nước.

bi-can-viet-a-1643545939.jpg
Các bị can trong vụ "thổi giá" kit xét nghiệm Công ty Việt Á

         2. Nguyên nhân của tội phạm kinh tế, tham nhũng trong đại dịch Covid-19

         Qua nghiên cứu cho thấy, tội phạm kinh tế, tham nhũng xảy ra trong đại dịch Covid-19 xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu sau:

         Thứ nhất, lợi ích kinh tế có được từ hành vi phạm tội là rất lớn. Trong đại dịch Covid-19, khi mà khẩu trang y tế, các thiết bị y tế, dung dịch sát khuẩn,... đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng chống dịch bệnh. Vì lợi nhuận, các đối tượng sẵn sàng găm hàng, đầu cơ và đẩy giá các thiết bị y tế lên rất nhiều lần. Hơn thế nữa, với nhu cầu tiêu thụ hàng hóa lớn, các đối tượng sẵn sàng đánh đổi “đạo đức” để thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán những mặt hàng giả nêu trên nhằm thu lợi bất chính bất chấp hậu quả xảy ra.

         Thứ hai, tâm lý mua hàng để tích lũy của người tiêu dùng vẫn còn rất phổ biến. Bên cạnh đó, việc nắm được các dấu hiệu, đặc điểm nhận biết hàng giả cũng như là những quy định của pháp luật có liên quan đến hàng giả còn nhiều hạn chế. Do vậy đại đa số người tiêu dùng thường mua hàng theo thói quen, cảm tính không phân biệt được rõ hàng thật hàng giả, có chăng chỉ là việc nhận biết qua một số dấu hiệu bề ngoài như nhãn mác, bao bì... đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chính điều này kết hợp với tâm lý mua hàng để tích lũy trong đại dịch Covid-19 khi mà các mặt hàng y tế phục vụ việc phòng chống dịch bệnh trở nên khan hiếm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm sản xuất, buôn bán những mặt hàng y tế giả nảy sinh.

         Thứ ba, nguyên nhân xuất phát từ nền kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là một yếu tố có tác động tích cực để kích thích sản xuất kinh doanh phát triển nhưng nó cũng sẵn sàng đẩy những doanh nghiệp, những cơ sở sản xuất kinh doanh thiếu năng động ra khỏi nền kinh tế thị trường. Vì vậy các cơ sở kinh tế này muốn tồn tại và phát triển, nếu không đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành thì phải tìm mọi cách để duy trì sản xuất, nhất là khi đại dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp. Khi mà nền kinh tế trong nước bị “đóng băng” một khoảng thời gian, để tồn tại được thì sẽ có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sẵn sàng tiến hành sản xuất, buôn bán những mặt hàng y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh giả để thu lời bất chính.

         Thứ tư, đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước bị “xuống cấp”, một số thì có lối sống thực dụng, thích hưởng thụ, chạy theo lợi ích vật chất, muốn làm giàu một cách nhanh chóng nên thông đồng với các đối tượng bên ngoài để nâng khống giá trị mua các máy móc, thiết bị y tế phục vụ cho việc phòng chống dịch bệnh gây thất thoát một khối lượng lớn tài sản của Nhà nước. Có những đối tượng sẵn sàng đưa những người thân trong gia đình hoặc đưa chính bản thân đối tượng vào danh sách những người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo để hưởng tiền hỗ trợ thiệt hại do Covid-19 gây ra trong khi đó những người nghèo thật sự lại không nhận được khoản tiền này.

         Thứ năm, hoạt động phòng ngừa xã hội đối với tội phạm kinh tế, tham nhũng ở một số nơi còn mang tính hình thức, trong khi đó hoạt động phòng ngừa nghiệp vụ của một số cơ quan có thẩm quyền lại chưa đem lại hiệu quả cao. Công tác nắm tình hình, dự báo tội phạm kinh tế, tham nhũng mới nảy sinh trong đại dịch của các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa được tiến hành một cách thực sự chủ động, có nơi, có lúc còn lơ là và chủ quan; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao ý thức đấu tranh phòng chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả đối với quần chúng nhân dân, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng y tế chưa thực sự được chú trọng đúng mức.

         3. Giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm kinh tế, tham nhũng trong đại dịch Covid-19

         Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng trong đại dịch Covid-19, các cơ quan có thẩm quyền cần làm tốt một số mặt công tác sau:

         Một là, làm tốt công tác nắm tình hình liên quan đến tội phạm kinh tế, tham nhũng xảy ra trong đại dịch Covid-19 trên địa bàn được phân công phân cấp quản lý, chú ý tập trung vào những địa bàn tập trung nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng y tế hay những lĩnh vực dễ nảy sinh tội phạm như trong việc thực hiện chính sách chi trả tiền bảo trợ xã hội cho những người nằm trong diện được hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh gây ra; hay như trong lĩnh vực y tế dễ phát sinh hành vi sai phạm nâng khống giá trị mua bán thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh.

         Hai là, phối hợp với các cơ quan truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trang thiết bị y tế về tình hình tội phạm kinh tế, tham nhũng phổ biễn đang diễn ra trong đại dịch Covid-19, một mặt nhằm nâng cao nhận thức, một mặt nhằm nâng cao trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm sản xuất buôn bán những mặt hàng y tế giả. Đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng chú ý mua các mặt hàng trang thiết bị y tế tại các cơ sở sản xuất chính hãng, không mua hàng trôi nổi không có hóa đơn, nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt tuyệt đối không giao dịch, mua hàng qua các trang mạng xã hội.

         Ba là, các cơ quan ban ngành có liên quan, cụ thể là Sở lao động thương binh xã hội ở các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với quy trình chi trả tiền hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho những người dân nằm trong diện hộ nghèo, hộ cận nghèo của cán bộ công chức thuộc ban thương binh xã hội xã nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm.

         Bốn là, các cơ quan có thẩm quyền cần tham mưu, đề xuất với Bộ y tế xây dựng phương án, kế hoạch để sản xuất các trang thiết bị y tế phục vụ việc phòng chống dịch bệnh đảm bảo khi dịch bệnh diễn biến phức tạp thì toàn thể người dân, các bệnh viện, cơ sở y tế khám chữa bệnh có đủ trang thiết bị y tế để sử dụng. Đồng thời, kiểm soát nghiêm việc thanh quyết toán các thiết bị y tế mà các bệnh viện, các cơ sở khám chữa bệnh mua phục vụ phòng chống dịch bệnh.

         Năm là, có chế tài xử lý nghiêm minh đối với những hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán các mặt hàng y tế trong đại dịch. Lực lượng Quản lý thị trường với vai trò nòng cốt cần tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết tại các cơ sở kinh doanh các mặt hàng y tế; tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình trạng khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa một cách bất hợp lý. Mặt khác, chủ động tuyên truyền để người dân an tâm, không nên quá hoang mang, lo lắng và hạn chế mua hàng tích trữ./.

ThS Lại Sơn Tùng -Khoa Cảnh sát kinh tế, Học viện Cảnh sát nhân dân

Link nội dung: https://phaply.net.vn/toi-pham-kinh-te-tham-nhung-thoi-covid-nguyen-nhan-va-giai-phap-phong-ngua-a254578.html