Sự suy giảm kéo dài của Electricite de France SA (EDF) không chỉ là một cuộc khủng hoảng chính trị đối với Chính phủ Pháp mà còn là một mối đe dọa kinh tế ngày càng tăng đối với phần lớn châu Âu, Bloomberg bình luận.
“Cú đòn kép” đối với châu Âu
Nhà điều hành điện hạt nhân khổng lồ, từng là niềm tự hào của đất nước và nguồn điện giá rẻ đáng tin cậy, đã trở thành cơn ác mộng đối với các nhà đầu tư và rủi ro ngày càng gia tăng đối với an ninh năng lượng khu vực.
Các vấn đề kỹ thuật tại một số lò phản ứng lớn nhất, dẫn đến việc đóng cửa các địa điểm này, khiến sản lượng điện nguyên tử của EDF sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 3 thập kỷ, làm giảm xuất khẩu điện của Pháp sang các nước láng giềng.
Đó giống như là một “cú đòn kép” đối với châu Âu, nơi vốn đang chìm trong khủng hoảng năng lượng với giá khí đốt tự nhiên ở mức cao kỷ lục mà có rất ít dấu hiệu giảm bớt.
"Vấn đề chung tại các lò phản ứng của EDF đang dẫn đến sự sụt giảm sản lượng điện năng chưa từng có. Điều này bắt đầu gây lo ngại", Nicolas Goldberg, quản lý cấp cao phụ trách năng lượng của Công ty tư vấn Colombus ở Paris, cho biết. “Giá điện trên thị trường châu Âu sẽ ở mức cao trong một thời gian. Người dùng sẽ phải chi trả nhiều hơn cho hóa đơn điện".
Pháp nằm ở trung tâm của lưới điện Tây Âu. Trong nhiều thập kỷ, với mạng lưới các lò phản ứng hạt nhân, nước này là nhà xuất khẩu điện lớn nhất lục địa, cung cấp cho Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Ý, Thụy Sĩ, Bỉ và Đức vào những thời điểm nhu cầu cao nhất.
Trong bối cảnh giá than, khí đốt tự nhiên và giấy phép carbon tăng cao, những quốc gia kể trên đáng ra có thể sử dụng nguồn điện không hóa thạch này.
Tuy nhiên, nhà điều hành lưới điện của Pháp RTE cho biết, kể từ giữa tháng 12, 17 trong số 56 lò phản ứng của EDF đã tạm dừng sản xuất do các vấn đề kỹ thuật hoặc bảo trì theo kế hoạch.
Đáng chú ý, 5 trong số 56 lò phản ứng đã bị dừng đột ngột để kiểm tra và sửa chữa liên quan đến sự ăn mòn và vết nứt trên các đường ống trong một hệ thống an toàn quan trọng.
Các thương nhân đang hồi hộp chờ xem liệu các cuộc đánh giá an toàn có tìm thấy những sai sót tương tự trong những lò phản ứng tại các nhà máy khác của EDF hay không.
Thời gian chờ đợi thật khủng khiếp, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, vốn đã là một trong những cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất của châu lục này kể từ cú sốc dầu cách đây nửa thế kỷ.
Giá điện ở Pháp cao gấp 4 lần bình thường vào thời điểm này trong năm. Điều đó một phần là do chi phí khí đốt tăng cao, nhưng cũng do nguồn cung điện khan hiếm.
Giá cả ở Đức cũng bị kéo lên cao hơn do biên lợi nhuận cung cấp điện bị thu hẹp. Với hơn 2 tháng mùa đông vẫn còn đang tiếp diễn, tình hình sẽ càng bết bát hơn nếu gió ngừng thổi vào một ngày lạnh giá.
"Có rất ít công suất thay thế còn lại ở Pháp khi nhu cầu vượt quá 85 gigawatt (GW) và các bộ kết nối đã hoạt động hết công suất", Jean-Paul Harreman, một nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Enappsys Ltd., cho biết. “Trong những thời kỳ lạnh giá, sự cố điện hạt nhân có tác động rất lớn đến giá cả”.
Vì đâu nên nỗi?
Ngay cả trước khi những vấn đề gần đây nhất xảy ra, hiệu suất của các nhà máy điện hạt nhân ở Pháp của EDF đã dần suy giảm trong những năm qua.
Các vấn đề kỹ thuật đã làm suy yếu tính sẵn có của các nhà máy hiện có, trong khi dự án xây dựng lò phản ứng hàng đầu mới của EDF ở Flamanville đã bị trì hoãn hàng thập kỷ và có mức thấu chi ngân sách khổng lồ.
“Ngành công nghiệp hạt nhân của Pháp từng đi đầu trên toàn cầu, hiện nay không còn như vậy nữa”, Nicolas Leclerc, người đồng sáng lập Omnegy, một công ty tư vấn năng lượng có trụ sở gần Paris, cho biết.
Sản lượng điện hạt nhân của EDF, đạt đỉnh 430 terawatt giờ (TWh) vào năm 2005, đã giảm xuống còn 335 TWh vào năm 2020 khi đại dịch ảnh hưởng đến sản xuất và nhu cầu. Đó cũng là năm mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron buộc công ty này phải đóng cửa vĩnh viễn 2 lò phản ứng lâu đời nhất của mình để đảo bảo tuân thủ cam kết mà ông đã đưa ra trước cuộc bầu cử vào năm 2017.
Sau khi tăng trở lại mức 361 TWh vào năm ngoái, sản lượng của công ty sẽ bị giảm xuống còn 300-330 TWh vào năm 2022 trong bối cảnh các lò phản ứng, nơi các vết nứt được phát hiện, đã bị đóng cửa để sửa chữa, EDF cho biết vào tuần trước.
Việc phát điện tiếp tục bị cản trở do việc dời lịch bảo trì trong thời gian xảy ra đại dịch. Một số nhà máy cũng sẽ phải trải qua một loạt các đợt đóng cửa tạm thời để tiến hành nâng cấp nhằm kéo dài tuổi thọ vận hành của chúng.
Quần đảo Anh thường nhập khẩu điện từ Pháp thông qua 2 đường dây cáp lớn chạy dưới Eo biển Manche. Mùa đông năm nay, điều ngược lại đã xảy ra, với việc Anh thường xuất khẩu điện sang Pháp vào những giai đoạn cao điểm.
Vào một số ngày trong tháng 12, khi nguồn cung điện hạt nhân bị hạn chế và nhiệt độ xuống rất thấp, nhập khẩu điện của Pháp đã tăng cao tới 13 GW, tương đương khoảng 15% so với nhu cầu cao điểm, theo Enappsys.
Sự suy giảm của điện hạt nhân ở châu Âu
Năng lượng hạt nhân cũng đang giảm dần ở những nơi khác của châu Âu. EDF đã đóng cửa một số lò phản ứng ở Anh sớm hơn kế hoạch vì các vấn đề an toàn khác. Trong khi đó, Đức sẽ đóng cửa vĩnh viễn 3 lò phản ứng còn lại của nước này vào cuối năm nay, sau khi đã đóng cửa 3 lò phản ứng khác cách đây vài tuần. Bỉ cũng sẽ đóng cửa 1 lò phản ứng vào tháng 10 và ngừng hoạt động 6 lò phản ứng khác vào cuối năm 2025.
Đồng thời, những quốc gia kể trên đang bổ sung một lượng lớn phong điện và quang điện nhằm lấp đầy khoảng trống do năng lượng hạt nhân để lại. Nhưng điều này cũng làm tăng sự phụ thuộc của hệ thống năng lượng của họ vào những thay đổi bất thường của thời tiết.
Nếu không có xuất khẩu điện đáng tin cậy từ EDF làm nền tảng, kịch bản về một ngày mùa đông lạnh giá và lặng gió hoàn toàn có thể xảy ra, mang lại rất nhiều căng thẳng cho khu vực.
“Sự phụ thuộc vào Pháp có thể sẽ tăng lên khi Đức loại bỏ hoàn toàn điện than và năng lượng hạt nhân”, Johannes Pretel, chuyên viên tại công ty tiện ích Axpo Holding AG của Thụy Sĩ, cho biết. “Mùa đông năm nay chúng tôi vẫn có thể hoạt động hết công suất. Nhưng mùa đông năm sau sẽ khác vì những nhà máy hạt nhân cuối cùng sẽ ngừng hoạt động”.
EDF đang chịu áp lực ngày càng lớn trong việc khôi phục danh tiếng của mình với tư cách một nhà cung cấp điện năng đáng tin cậy.
Để giải quyết các mối đe dọa lâu dài đối với an ninh về cung cấp năng lượng, Pháp nên xem xét lại kế hoạch ngừng hoạt động hàng chục lò phản ứng vào giữa thập kỷ tới, Bloomberg dẫn nguồn cơ quan quản lý điện hạt nhân của nước này cho biết vào ngày 19/1.
Tháng trước, Bộ trưởng Sinh thái Pháp Barbara Pompili đã triệu tập Giám đốc điều hành EDF Jean-Bernard Levy đến và yêu cầu công ty cải thiện tình hình sản xuất điện. Chính phủ Pháp cũng đã thúc giục EDF tìm cách tận dụng những thực tiễn tốt nhất từ các nhà khai thác điện hạt nhân ở các quốc gia khác, hoặc các ngành công nghiệp khác cũng đang phải triển khai các chương trình bảo trì nặng nề.
Đó là một bước lùi lớn so với giai đoạn Pháp tự tin rằng ngành công nghiệp điện hạt nhân của họ là tốt nhất trên thế giới.
“Trong những thập kỷ qua, chúng ta có thể đã ngủ quên quá lâu trên vòng nguyệt quế chiến thắng của mình trong khi sản lượng đang thu hẹp dần”,
Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Agnes Pannier-Runacher cho biết tại hội nghị thường niên của Union Francaise de l’Electricite vào tháng trước.
Theo nguoiduatin.vn
Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/rui-ro-ngay-cang-gia-tang-cho-an-ninh-nang-luong-chau-au-a541133.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/rui-ro-ngay-cang-gia-tang-cho-an-ninh-nang-luong-chau-au-a254548.html