Kế hoạch nâng lãi suất năm 2022 của Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) đang là tâm điểm của giới đầu tư tài chính trên thế giới và Việt Nam. Bài dịch dưới đây sẽ giới thiệu tới độc giả quan điểm mà ông Robert Heller – cựu thành viên Hội đồng Thống đốc Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ - mới chia sẻ trên tạp chí Barron’s.
Như Milton Friedman đã nói vào năm 1970: "Lạm phát ở đâu và bao giờ cũng là hiện tượng tiền tệ." Kể từ đó đã có một chút thay đổi.
Trong phần lớn thập niên 1970, giai đoạn mà Arthur Burns nắm quyền vị trí Chủ tịch Fed, tình trạng lạm phát diễn ra đáng báo động với chỉ số giá tiêu dùng đạt trung bình gần 7%.
Theo Friedman, lạm phát cao trong giai đoạn này chủ yếu là do nguồn cung tiền tăng trên 12% trong những năm 1971-1972 và 1976-1977. Tuy nhiên, Burns lại cho rằng việc tăng giá chủ yếu là do áp lực tiền lương, sức mạnh độc quyền và cú sốc dầu mỏ vào đầu những năm 1970.
Liệu lịch sử có lặp lại? Khi lạm phát một lần nữa tăng lên, trong khi Fed – thay vì coi việc tăng cung tiền mới là nguyên nhân chính – lại đổ lỗi hiện tượng này là do sự đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra.
“Rõ ràng là việc đổ lỗi cho các yếu tố ngoại cảnh luôn dễ dàng hơn là chịu trách nhiệm cho những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình”, tác giả bài viết bình luận.
Robert Heller kể lại: “Tôi đã có vinh dự được làm việc dưới quyền Chủ tịch Paul Volcker từ năm 1986, giai đoạn ông ấy đang nỗ lực kiểm soát tình trạng lạm phát. Tổng thống Jimmy Carter đã bổ nhiệm Volcker vào tháng 8 năm 1979 với nhiệm vụ giảm tỷ lệ lạm phát đang ở mức hai con số. Tổng thống Ronald Reagan sau đó đã xác nhận mục tiêu này sau khi ông nhậm chức. Với đầy quyết tâm, Volcker đã phản ứng bằng cách nâng lãi suất liên bang lên 20% vào tháng 6 năm 1981 và giảm tốc độ tăng cung tiền. Điều này đã khiến nền kinh tế rơi vào không chỉ một, mà là hai cuộc suy thoái liên tiếp.
Tình hình tại Washington khi đó khá căng thẳng trong khi chính sách tiền tệ bắt đầu phát huy hiệu quả. Nhưng Volcker và cộng sự trong hội đồng đã giành phần thắng, với tốc độ tăng cung tiền hàng năm giảm từ mức hơn 12,6% trong năm 1979 xuống mức hợp lý 5,3% khi ông rời Fed vào năm 1987. Người kế nhiệm Alan Greenspan sau đó tiếp tục các chính sách chống lạm phát. Khi tôi rời hội đồng vào năm 1989, đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng đã giảm xuống chỉ còn 4,6%”.
Fed đã ‘đánh bại’ lạm phát và nỗ lực kiềm chế nó trong phần còn lại của thế kỷ này. Việc lãi suất giảm trên nền lạm phát thấp đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nhiều thập kỷ.
Lịch sử đang lặp lại chính nó?
Trở lại với năm 2020, để đối phó với cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, chính phủ đã thiết lập các biện pháp kích thích tài khóa chưa từng có, khiến thâm hụt ngân sách liên bang tăng mạnh. Fed đã hỗ trợ các chính sách tài khóa này bằng cách mua lại phần lớn khoản nợ mới phát hành.
Hệ quả là, tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt mức kỷ lục 136%, trong khi cung tiền M2 tăng vọt từ 15 nghìn tỉ USD vào tháng 1/2020 lên 21 nghìn tỉ USD vào tháng 11/2021.
Phần lớn những thay đổi này không liên quan đến đại dịch, nhưng lại xảy ra cùng thời điểm, Fed đã thực hiện một một chính sách thay đổi mạnh mẽ trong quy trình hoạt động và chiến lược dài hạn của họ. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, Fed đã công bố “Tuyên bố sửa đổi về các mục tiêu dài hạn và chiến lược chính sách tiền tệ” vào tháng 8 năm 2020.
Trong đó, về cơ bản, Fed cho rằng trách nhiệm “bình ổn giá” hoặc duy trì lạm phát bằng không (zero inflation overboard) thuộc về quốc hội và tái khẳng định mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng cá nhân ở mức 2%.
Họ cũng bổ sung điều khoản lạm phát trung bình 2%, tức là sau các giai đoạn lạm phát quá thấp (dưới 2%), phải được bù đắp bằng các nỗ lực đẩy lạm phát lên trên 2%. Một điều ngạc nhiên là các từ khóa “tiền” hoặc “cung tiền” không được tìm thấy trong tuyên bố về chiến lược chính sách tiền tệ này.
Sự thay đổi chiến lược này đã mở ra cánh cửa cho một chính sách tiền tệ mở rộng quá mức sau một thập kỷ lạm phát thấp. Khi đại dịch bùng phát, Fed đã tung ra các gói nới lỏng định lượng khổng lồ thông qua việc mua trái phiếu kho bạc và chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp (mortgage-backed securities), dẫn đến tăng cung tiền 25%.
Đúng như Friedman dự đoán, phản ứng về giá có độ trễ với việc tăng cung tiền. Vào cuối năm 2021, giá sản xuất tăng vọt với tốc độ gần 10% cùng với chỉ số giá tiêu dùng tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vào đầu năm 2022, lạm phát một lần nữa tăng mạnh. Tuy nhiên, Fed vẫn đang theo đuổi một chính sách tiền tệ có tính thích ứng cao bằng việc mua hàng tỉ trái phiếu Kho bạc và chứng khoán thế chấp mỗi tháng. Làm thế nào để những cuộc giao dịch này có ý nghĩa, trong khi giá nhà đất đang bùng nổ ở mức gần 20% hàng năm? Thêm nữa, Fed vẫn đang giữ chân chân ga bằng cách duy trì lãi suất cơ bản gần như bằng 0. Hay nói cách khác, họ đang tiếp tục góp phần làm nghiêm trọng tình trạng lạm phát.
Đáng lo ngại hơn, trong suốt hai năm qua, Fed thậm chí không một lần đề cập đến từ khóa “tiền” trong các thông cáo báo chí chính thức của họ ở các cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (Federal Open Market Committee).
Người ta đặt câu hỏi rằng, làm thế nào mà một tổ chức tài chính quyền lực nhất thế giới, chịu trách nhiệm kiểm soát và thực thi chính sách tiền tệ lại có thể lơ là và bỏ qua yếu tố then chốt - tiền - thứ mà họ có toàn quyền kiểm soát và là cơ sở của quá trình thực thi chính sách tiền tệ. Câu hỏi đặt ra là, mất bao lâu để thay đổi chính sách bất hợp lý này, rằng trách nhiệm “bình ổn giá” thuộc về Quốc Hội?
Cũng giống như Arthur Burns, ban lãnh đạo Fed hiện tại đang phớt lờ sự gia tăng mạnh mẽ của nguồn cung tiền trong suốt hai năm qua và thay vào đó là đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài. Hậu quả là lạm phát lại tăng vọt.
Lịch sử đang lặp lại chính nó./.
Theo viettimes.vn
Nguồn bài viết: https://viettimes.vn/fed-dang-lap-lai-vet-xe-do-cua-50-nam-truoc-post153919.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/fed-dang-lap-lai-vet-xe-do-cua-50-nam-truoc-a254538.html