Nhập 3 triệu que test nhanh Covid-19 từ Trung Quốc
Liên quan đến hoạt động nhập khẩu của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan phát đi vào tối 20/1 cho biết , Phan Quốc Việt là giám đốc điều hành Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (mã số thuế 0304851147), có 5 chi nhánh và đứng tên giám đốc trên 11 công ty.
Tuy nhiên, trong số các doanh nghiệp này thì chỉ có Công ty cổ phần công nghệ Việt Á hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng máy móc, thiết bị dụng cụ y tế, nhập khẩu chất thử thí nghiệm dùng trong thủy sản, mồi phản ứng PCR, phụ kiện dùng trong phòng thí nghiệm...
Các mặt hàng nhập khẩu chính của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á trong 5 năm (2017 - 2021) gồm bộ thành phẩm que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên virus SARS-CoV-2.
Từ tháng 9 đến tháng 12-2021, mặt hàng thành phẩm là que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên virus SARS-CoV-2 chủng loại Novel Coronavirus 2019-nCoV Antigen Test (Colloidal Gold), mới 100% được công ty nhập khẩu từ Trung Quốc là 3 triệu test, giá khai báo 0,955 USD/test (khoảng 21.560 đồng/test), với tổng trị giá là 64,68 tỉ đồng...
"Tổng kim ngạch nhập khẩu của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á trong 5 năm 2017 - 2021 là 286 tỉ đồng. Trong đó que test nhanh thành phẩm, hóa chất, chất thử, chất chuẩn dùng trong phòng thí nghiệm là 162 tỉ đồng (gồm 64,68 tỉ đồng que thử thành phẩm, 74 tỉ đồng hóa chất, chất thử, chất chuẩn dùng trong phòng thí nghiệm và 23 tỉ đồng dụng cụ dùng trong phòng thí nghiệm) và 123 tỉ đồng máy móc, thiết bị các loại phục vụ việc xét nghiệm, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm", Tổng cục Hải quan cho hay.
Hiện nay Tổng cục Hải quan đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh, điều tra 7 công ty có liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á bao gồm: Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Kỹ thuật - Technimex, Công ty cổ phần vật tư khoa học Biomedic, Công ty cổ phần Kỹ thuật và sinh học ứng dụng Việt Nam, Công ty TNHH thiết bị khoa học Lan Oanh, Công ty TNHH thương mại Việt Hoàng Long, Công ty TNHH thiết bị khoa học sinh hóa Vina, Công ty cổ phần công nghệ TBR.
Trong đại án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị liên quan, Bộ Công an đã khởi tố 19 bị can về các tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ngoài Phan Quốc Việt, cơ quan điều tra đã khởi tố ông Nguyễn Minh Tuấn (Vụ trưởng Trang thiết bị & Công trình y tế, Bộ Y tế), Nguyễn Nam Liên (Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế), Trịnh Thanh Hùng (Vụ phó Vụ trưởng Khoa học & Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN)...
Theo lời khai ban đầu của Phan Quốc Việt, ông ta đã cấu kết với nhiều bị can khác để nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%. Doanh nghiệp này đã chi hoa hồng gần 800 tỷ đồng cho các đối tác để được cung ứng kit và thu lợi hơn 500 tỷ đồng.
Không loại trừ khả năng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sản xuất hàng giả
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi nâng giá kit test xét nghiệm covid-19 trong thời điểm dịch bệnh covid-19 hoành hành là rất đáng lên án, tán tận lương tâm.
Theo thông tin mà doanh nghiệp này cung cấp thì đây là doanh nghiệp sản xuất được loại kít xét nghiệm covid-19 đạt tiêu chuẩn do tổ chức y tế thế giới (WHO) công nhận, đồng thời doanh nghiệp này cung cấp kit test xét nghiệm cho rất nhiều tổ chức y tế trên cả nước, với doanh thu đến 4000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với thông tin mới về việc doanh nghiệp này nhập test nhanh từ Trung Quốc giá 21.000 đồng về bán với giá cao gấp nhiều lần gây chấn động. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ thủ tục nhập khẩu, giấy tờ pháp lý của các lô hàng này như thế nào, đồng thời làm rõ hoạt động kinh doanh, sử dụng các kit test xét nghiệm này như thế nào để làm rõ các sai phạm có thể phát sinh, xử lý theo quy định pháp luật.
Điều đáng chú ý là khi vụ việc bị phát hiện sai phạm, bị khởi tố thì các bị can khai nhận đã chia 800 tỉ đồng để đưa hối lộ, bôi trơn để lưu thông các bộ kit test nêu trên.
“Với diễn biến thông tin như vậy thì không loại trừ khả năng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sản xuất hàng giả đã xảy ra”. Luật sư Cường nhận định.
Cần mở rộng điều tra dấu hiệu tội sản xuất, buôn bán hàng giả…
TS. LS. Đặng Văn Cường cho rằng, cơ quan điều tra cần phải tập trung làm rõ, trong quá trình nhập 3 triệu kit xét nghiệm của Trung Quốc về Việt Nam, doanh nghiệp này có hành vi làm giả tem, mác, bao bì để đánh tráo nguồn gốc hàng nhập khẩu Trung Quốc thành hàng của doanh nghiệp này sản xuất để bán cho các cơ sở y tế hay không? Khi bán, lưu thông các loại hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì giấy tờ, thủ tục mua bán được thực hiện như thế nào?
Trong trường hợp có căn cứ chứng minh các đối tượng đã lấy sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc để dán tem, mác, bao bì để đánh tráo nguồn gốc hàng nhập khẩu Trung Quốc thành hàng của doanh nghiệp này để bán cho các cơ sở y tế thì đã có dấu hiệu của hành vi sản xuất hàng giả. Cơ quan điều tra cần phải khởi tố thêm các đối tượng vi phạm về tội sản xuất hàng giả theo Điều 192 bộ luật hình sự. Vị luật sư kiến nghị.
Cũng theo Luật sư Đặng Văn Cường, trong trường hợp có căn cứ cho thấy doanh nghiệp này đã đánh tráo sản phẩm, làm giả tem, mác, thay đổi bao bì nguồn gốc xuất xứ hoặc có hành vi khác là hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả thì cả cá nhân và pháp nhân đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo điều 192 bộ luật hình sự năm 2015 với chế tài cao nhất có thể áp dụng với cá nhân là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm (nếu thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại đến tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên) và hình phạt với pháp nhân thương mại là đến 9.000.000.000 đồng, chỉ hoạt động có thời hạn từ sáu tháng đến ba năm.
Ngoài ra người phạm tội còn bị áp dụng các hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm hoạt động kinh doanh, cấm hành nghề trong một thời gian nhất định.
… và cả tội lừa đảo hoặc lừa dối khách hàng
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng cần phải làm rõ tất cả các giao dịch của doanh nghiệp này đối với các đơn vị đã mua sản phẩm của doanh nghiệp này để làm rõ có hành vi gian dối về nguồn gốc sản phẩm để bán cho các cơ sở y tế với giá trên trời để chiếm đoạt tài sản hay không ?.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy doanh nghiệp này đã thực hiện hành vi gian dối về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, gian dối về đơn vị sản xuất để bán hàng với giá trên trời, có thể xử lý hình sự cả về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lừa dối khách hàng theo quy định của Bộ luật hình sự. Luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.
Luật sư cường cũng cho biết thêm, với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội sẽ bị xử lý theo điều 174 bộ luật hình sự năm 2015 với chế tài cao nhất của tội danh này có thể đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Thay lời kết
Có thể nói rằng đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng phạm tội có nhiều hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đặc biệt là lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính với số tiền đặc biệt lớn, cùng số tiền để mua chuộc cán bộ, người có chức vụ quyền hạn đặc biệt lớn gây bất bình dư luận xã hội.
Bởi vậy cơ quan điều tra cần phải làm rõ tất cả các hành vi sai phạm, hành vi nào thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm nào thì sẽ xử lý hình sự về tội phạm đó, các cán bộ, cá nhân nào có liên quan cũng cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Đinh Chiến