Tầm nhìn, tư duy và tính kỉ luật đã giúp họ thành Tỷ phú

(Pháp lý) - Con đường thành công của các tỉ phú không chỉ có hoa hồng mà là rất nhiều gai của hoa hồng. Đường chinh phục thành công của họ là cả một quá trình dài nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ để phát triển bền vững và mang lại những giá trị cho đất nước. Đặc biệt điểm chung của họ là tính kỉ luật cao,  lòng quyết tâm, tầm nhìn và tư duy sắc sảo.

Tỉ phú Elon Musk : Mong ước thay đổi thế giới và giúp đỡ nhân loại

Năm 2021, tạp chí Time của Mỹ đã chọn giám đốc điều hành Hãng xe điện Tesla và Công ty tàu vũ trụ SpaceX, tỉ phú Elon Musk, là nhân vật của năm 2021.

image001-1642753677.jpg
Tỉ phú Elon Musk được tạp chí Time chọn là Nhân vật của năm 2021 - Ảnh: REUTERS

Ông Elon Musk sinh tại Pretoria, Nam Phi. Năm 1988 ông chuyển đến Canada và sau đó đến Mỹ học tập.  Musk tốt nghiệp cử nhân kinh tế, vật lý tại Mỹ và theo học tiến sĩ ngành khoa học vật liệu và vật lý ứng dụng tại Đại học Stanford nhưng bỏ ngang để cùng với em trai là Kimbal Musk phát triển Zip2 - một ứng dụng cho phép xuất bản các nội dung trực tuyến dành cho các hãng thông tấn.

Đến năm 1999, ông kiếm được 22 triệu USD từ việc bán Zip2. Liên tục những năm sau đó, Elon Musk đã thành lập 3 công ty đại diện cho 3 "mơ ước" của mình là PayPal - ở lĩnh vực Internet, Tesla Motors - lĩnh vực năng lượng sạch, và SpaceX - lĩnh vực không gian vũ trụ.

Lần đầu tiên Elon Musk lọt vào danh sách các tỉ phú của tạp chí Forbes là năm 2012, khi đó tổng tài sản ròng của ông là 2 tỉ USD. Vào đầu năm 2020, tài sản của ông khoảng 27 tỉ USD. Theo cập nhật trên bảng xếp hạng tài sản các tỉ phú của Bloomberg ngày 14-12, Elon Musk hiện là người giàu nhất thế giới và giá trị tài sản ròng chính thức là 266 tỉ USD. Người sau ông là tỉ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập đế chế thuơng mại điện tử Amazon.

Elon Musk cho biết tầm nhìn của mình là "thay đổi thế giới và giúp đỡ nhân loại", làm giảm sự nóng lên toàn cầu thông qua sản xuất và tiêu thụ năng lượng bền vững, làm giảm nguy cơ tuyệt chủng của con người bằng cách thiết lập một thuộc địa của con người trên sao Hỏa.

Mới đây, Elon Musk đã bán đi bất động sản cuối cùng của mình, căn biệt thự rộng gần 1.500m2 ở đồi Hillsborough (bang California, Mỹ) với giá 30 triệu USD và trở thành "tỉ phú không nhà". Musk cam kết sẽ không sở hữu bất cứ ngôi nhà nào để đáp lại những chỉ trích về sự giàu có của mình.

Howard Schultz - “linh hồn” của đế chế Starbucks

Chính sự kết hợp giữa lòng quyết tâm, khối óc tư duy độc lập, cùng với đạo đức nghề nghiệp, đã giúp Schultz đạt được những sự thành công rực rỡ như ngày hôm nay!

image002-1642753676.jpg

Theo tạp chí Forbes, Howard Schultz hiện có khối tài sản ròng lên đến 3,3 tỷ USD.

Howard Schultz  xuất thân trong một gia đình vô cùng nghèo khó và thiếu thốn về mọi mặt, và vì vậy, tuổi thơ của ông cũng chẳng được êm đềm như bao đứa trẻ khác.

Khi đó ông không dám nghĩ mình sẽ trở thành một doanh nhân như bây giờ. Và ông cũng không nghĩ rằng, chính ông lại là người có thể tạo ra việc làm cho người khác. Trước khi tham gia vào Starbucks, Schultz đã từng làm việc trong bộ phận bán hàng và tiếp thị tại Xerox, trong 3 năm. Sau đó ông trở thành phó chủ tịch, kiêm tổng giám đốc của Hammarplast U.S.A, một công ty sản xuất đồ gia dụng của Thụy Điển.

Vào năm 1982, Schultz chuyển từ New York đến Seattle để tham gia vào Starbucks, với tư cách là Giám Đốc Vận Hành và Tiếp thị. Khi đó, công ty Starbucks mới chỉ có khoảng 4 cửa hàng.

Đến năm 1987, với sự giúp đỡ của vài nhà đầu tư, Schultz đã trở lại Starbucks để mua lại các cửa hàng cà phê của công ty này. Ông cũng đảm nhận vị trí giám đốc điều hành tại Starbucks. 

Tuy nhiên, Schultz cũng đã phải trải qua rất nhiều khó khăn khi điều hành doanh nghiệp này. Vào tháng 4 năm 2015, có một sự kiện hy hữu đã khiến Starbucks bị chỉ trích rất nhiều. Tại một cửa hàng của Starbucks ở Philadelphia, người quản lý đã báo cảnh sát vì 2 người đàn ông da đen, trong lúc chờ đối tác, đã sử dụng nhà vệ sinh mà chưa mua gì. Sau đó, Schultz đã tạm đóng cửa tất cả các cửa hàng ở Hoa Kỳ, ngay lập tức đào tạo lại các nhân viên và giúp họ thay đổi thành kiến đối với vấn đề phân biệt chủng tộc.

Khi nói về sự việc này, Schultz cho biết: "Đây là nghĩa vụ về mặt đạo đức mà một công ty như Starbucks buộc phải có trách nhiệm với nó". Vì thế không có gì ngạc nhiên khi Starbucks đã thành công như vậy. Ngày nay, hệ thống các cửa hàng của Starbucks đã có mặt ở hơn 77 quốc gia, với hơn 350.000 nhân viên.

Schultz thật sự là một nhà lãnh đạo rất khiêm tốn. Ông chia sẻ với đài CNBC rằng: "Starbucks đã kinh doanh được hơn 45 năm. Bạn biết đấy, tôi không đặt mình ngang hàng với Tom Brady hay bất kỳ vận động viên xuất sắc nào khác. Với tôi, kinh doanh là một môn thể thao đồng đội. Điều này luôn đúng dù thế giới này có thay đổi như thế nào đi chăng nữa. Và bạn thấy đấy, Starbucks có một đội ngũ lãnh đạo rất tuyệt vời, và chính vì thế, những gì mà tôi đã đạt được còn nhiều hơn tất cả những thứ mà tôi đã đầu tư vào nó"

Nhưng có một điều mà ai trong chúng ta cũng sẽ phải hiểu chính Schultz mới thật sự là người đóng một vai trò vô cùng quan trọng đằng sau thành công và quá trình phát triển rực rỡ của Starbucks.

Schultz thừa nhận rằng, hành trình gây dựng sự nghiệp của ông có một chút may mắn, nhưng quá trình đó cũng cần một sự quyết tâm mãnh liệt và sự bền bỉ không ngừng. Ông chia sẻ: "Tôi nắm lấy cuộc sống của mình trong tay, học hỏi từ bất kỳ ai, nắm lấy mọi cơ hội và từng bước tạo nên thành công cho bản thân mình".

Tỷ phú Ray Dalio – người sáng lập quĩ đầu cơ lớn nhất thế giới

Nếu bạn muốn thành công, bạn phải bắt đầu bằng cách thành thật với bản thân về một số điểm yếu lớn nhất của mình.

Đó là quan điểm của tỷ phú Ray Dalio, người sáng lập quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới, Bridgewater Associates, quỹ đầu cơ mà Dalio thành lập tại căn hộ ở New York vào năm 1975, hiện quản lý khoảng 160 tỷ USD tài sản.

Trong một dòng tweet vào ngày 15/7/2021, tỷ phú Dalio đã chia sẻ một số lời khuyên từ cuốn sách năm 2018 "Principles: Life & Work" của mình, trong đó nêu bật các nguyên tắc hàng đầu của tỷ phú để đạt được thành công, bao gồm cả cách mọi người có thể học hỏi từ những sai lầm của mình.

image003-1642753676.jpg

Tỷ phú Ray Dalio

Tỷ phú này cũng rất cởi mở về một số sai lầm trong quá khứ của mình, bao gồm cả khoảnh khắc mà ông gọi là "thất bại lớn" của mình. Vào năm 1982, Dalio nói rằng ông đã "đặt cược mọi thứ vào một cuộc suy thoái (kinh tế) mà nó không bao giờ đến" để rồi cuối cùng mất gần hết tiền khi thị trường chứng khoán tăng giá, buộc ông phải cho tất cả nhân viên của Bridgewater nghỉ việc vào thời điểm đó.

"Tôi đã suy sụp và phải vay cha mình 4.000 đô la chỉ để trả các hóa đơn cho gia đình", Dalio chia sẻ trong cuốn sách của mình. Tuy nhiên, Dalio nói rằng thất bại cuối cùng lại là "một trong những điều tuyệt vời nhất từng xảy ra với tôi", bởi vì nó buộc ông phải đối mặt với một số điểm yếu của bản thân, những thứ khiến ông mắc phải sai lầm lớn như vậy.

Chấp nhận mình không tài giỏi, chấp nhận mình thất bại hay phạm sai lầm ở một phương diện nào đó, cảm giác đó có lẽ không hề dễ chịu, nhưng "thuốc đắng thì dã tật", những thứ khiến bạn khó chịu, sau cùng, chính là những thứ thành toàn nên bạn. Nếu muốn thành công, hay đơn cử là chỉ muốn thay đổi bản thân, hãy bắt đầu từ việc cải thiện điểm yếu của mình rồi từ đó tự tin thách thức bản thân với những lĩnh vực mới hơn. Cuộc sống là quá trình khám phá mỗi ngày, vì vậy, đừng để điểm yếu khiến bạn dẫm chân tại chỗ.

Con đường xây dựng khối tài sản 117 tỷ USD của tỷ phú giàu thứ 7 thế giới

Từ một sinh viên phải 2 lần bỏ dở đại học vì hoàn cảnh khó khăn, Larry Ellison – đồng sáng lập công ty phần mềm Oracle hiện là tỷ phú giàu thứ 7 thế giới với khối tài sản trị giá hơn 117 tỷ USD.

image004-1642753676.jpg
Theo bảng xếp hạng Real Time của Forbes, Ellison đang là người giàu thứ 7 thế giới với khối tài sản trị giá hơn 117 tỷ USD.

Ông từng là tỷ phú từng 2 lần bỏ dở đại học do hoàn cảnh. Năm 1966, Ellison chuyển tới Berkeley (California) gần Thung lũng Silicon - nơi ngành công nghệ bắt đầu khởi sắc. Để tìm kiếm cơ hội, Ellison liên tục thay đổi công việc, trong đó có cả việc làm tại các công ty như Wells Fargo và Amdahl, nơi ông đã tích luỹ cho mình kỹ năng máy tính và lập trình.

Bước ngoặt cuộc đời của Ellison xảy đến khi ông tới làm việc cho công ty điện tử Ampex, tham gia vào một hợp đồng thiết lập cơ sở dữ liệu cho CIA với tên “Oracle”.

Năm 1986, Oracle phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và huy động được 55 triệu USD. Tuy nhiên, đến năm 1990, Oracle mắc phải “một sai lầm khủng khiếp” khi cho phép nhân viên kinh doanh đặt trước doanh số trong quý, khiến toàn bộ số liệu bị chênh lệch. Hệ quả là công ty vướng vào kiện tụng và rắc rối với giới chức, buộc phải cắt giảm khoảng 400 nhân viên. Sau đó Oracle lâm vào tình trạng gần như phá sản, thị phần bị các đối thủ chiếm gần hết.

Đến năm 1992, công ty này lấy lại vị thế với sự ra đời của cơ sở dữ liệu Oracle 7. Cuối thế kỷ 20, Oracle “ăn nên làm ra” nhờ bán cơ sở dữ liệu cho các công ty Internet khi ấy đang bùng nổ.

Dưới sự dẫn dắt của Ellison, Oracle ngày càng lớn mạnh và trở thành một trong những hãng phần mềm lớn nhất thế giới. Ông rời ghế CEO của Oracle vào năm 2014 và hiện vẫn giữ vị trí chủ tịch HĐQT và giám đốc công nghệ ở tuổi 77.

Dù vô cùng thành công và giàu có, nhưng trong suốt nhiều năm liền, Ellison luôn ám ánh về việc phải đánh bại Bill Gates và Microsoft. Cả Bill Gates và Larry Ellison đều được ca ngợi như những thiên tài và có khả năng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người khác, nhưng lại theo những cách rất khác nhau.

Đáng tiếc, Network Computer về sau thất bại khi không chinh phục được thị trường như Ellison từng mong muốn. Tuy nhiên, người sáng lập Oracle đã nhân dịp đó để chứng minh với thế giới rằng Microsoft không thể dễ dàng chiếm vị trí độc quyền trên thị trường.

Cho đến nay, Microsoft vẫn bỏ xa Oracle về giá trị vốn hóa thị trường. Trong khi nếu xét về cá nhân, Ellison là tỷ phú giàu thứ 7 thế giới trên bảng xếp hạng của Forbes còn Bill Gate ở vị trí số 5. Dù vậy, không thể phủ nhận rằng Larry Ellison là một trong những nhà lãnh đạo tài ba nhất thế giới với tài kinh doanh thiên bẩm.

"Cách mà Larry Ellison xây dựng công ty luôn mang tầm chiến lược và tôi đã học hỏi được rất nhiều không chỉ ở cách điều hành mà còn ở cách xây dựng văn hóa với một tính cách mạnh mẽ", đồng sáng lập Nutanix nói.

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng - mang tên tuổi của Việt Nam đến khắp năm châu

Phạm Nhật Vượng được biết đến là tỷ phú Việt Nam đầu tiên được tạp chí danh tiếng Forbes bình chọn. Ít ai biết được để có được thành công như ngày hôm nay, ông đã phải trải qua những ngày tháng vô cùng khó khăn, xây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. 

Con đường kinh doanh thành công của tỷ phú Phạm Nhật Vượng khởi đầu từ những gói mì ăn liền – món thực phẩm hữu ích vào thời kỳ khó khăn, sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ ( năm 1993) với số vốn ban đầu chỉ có 10.000 $.  Chỉ sau vài năm, thương hiệu mì ăn liền Mivina của ông đã được mua lại với giá 150 triệu USD.  Sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài, ông quyết định về nước để đầu tư vào các dự án với mong muốn nắm bắt cơ hội trong nền kinh tế đang phát triển nhanh ở quê nhà.

image005-1642753677.jpg
Ảnh: minh họa

Tại quê nhà, ông tiếp tục đầu tư vào loạt dự án sang trọng thuộc các lĩnh vực bất động sản, du lịch khách sạn, y tế, sức khỏe, làm đẹp và giáo dục… Các dự án tiêu biểu mà ông đầu tư có thể kể đến như: Vincom Village, Royal city, Vincom Center Hà Nội và TP HCM, Times City, Vinpearl Villas Hòn Tre, The Beach Villas, Vincom Hải Phòng, Bệnh viện Vinmec, Hệ thống Vincharm Spa và khách sạn, công viên giải trí trải dài cả nước...

Hiện tại, các sản phẩm xe máy điện Vinfast, ô tô Vinfast, điện thoại Vinfast đang có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước và được giới mộ diệu công nghệ ngoài nước đánh giá cao. Có thể nói ông Phạm Nhật Vượng đã và đang tạo nên niềm tự hào, mang tên tuổi của Việt Nam đến khắp năm châu.

Các tỷ phú đều có tính kỷ luật và tự giác rất cao

Càng tự kỷ luật, lời nói càng có trọng lượng, đường đời càng thành công và cuộc sống càng hạnh phúc. Không phải người xuất sắc mới tự kỷ luật mà là tự kỷ luật rồi mới trở thành người xuất sắc.

Tính kỷ luật của các ông lớn trong lĩnh vực thương mại lại càng đáng nể hơn. Một vị tỷ phú danh tiếng của châu Á là một người như thế. Mặc dù đã là một ông chủ thành danh, nhưng ông vẫn học tập không ngừng, ngày nào cũng kiên trì xem truyền hình bằng tiếng Anh, không chỉ xem mà còn học nói theo vì ông sợ rằng không học tập thì chính mình sẽ lạc hậu. 

Một vị tỷ phú bên kia trái đất là Bill Gates cũng đặc biệt yêu thích đọc sách. Suốt mấy chục năm qua ông đều kiên trì mỗi tuần đọc xong ít nhất hai cuốn sách. Phải yêu cầu bản thân nghiêm khắc, ông mới duy trì được thói quen ấy thường hằng.

Những người có thể chân chính vươn đến đỉnh cao, chắc chắn luôn là người chuyên tâm dồn chí, luôn luôn kiên trì tiến lên phía trước. 

Càng chăm chỉ, càng nỗ lực, càng kỷ luật, càng xuất sắc. Đây chính là lý do vì sao chúng ta nên tự kỷ luật bản thân mình.  Không có thành công nào là dễ dàng đạt được, bạn phải cố gắng hết mình, làm việc thật chăm chỉ. 

Ngoài những điều nêu trên, may mắn cũng là một yếu tố góp phần không nhỏ vào sự thành công của các tỷ phú. Nhưng hãy nhớ: thành công là sản phẩm của tư duy và thực hành là nguyên tắc của một tỷ phú.

Trâm  Anh

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tam-nhin-tu-duy-va-tinh-ki-luat-da-giup-ho-thanh-ty-phu-a254524.html