Khám phá cơ hội và môi trường đầu tư ở những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

(Pháp lý) - Tổ chức Báo cáo Hạnh phúc Thế giới đã tiết lộ xếp hạng 10 quốc gia hạnh phúc nhất trong năm 2021. Không chỉ có cuộc sống hạnh phúc, môi trường đầu tư kinh doanh tuyệt vời, mà còn ghi nhận ở mức tốt các yếu tố như nhận thức về tham nhũng ở những đất nước này. Chúng ta cùng khám phá top 10 đất nước này nhé…

51-1642298355.jpg

Phần Lan đạt danh hiệu quốc gia hạnh phúc nhất thế giới 3 năm liên tiếp.

Top 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

Đứng đầu top 10 là Phần Lan. Như vậy Phần Lan đã đứng vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng của Báo cáo Hạnh phúc Thế giới trong 3 năm liên tiếp. Với số điểm 7789 trong năm nay, đất nước này được ghi nhận ở mức tốt các yếu tố như hỗ trợ xã hội, tuổi thọ cao, tự do, nhận thức về tham nhũng…, cùng với đó là những yếu tố về thiên nhiên lý tưởng như các vùng hoang dã rộng lớn, công viên quốc gia, khu nghỉ dưỡng trượt tuyết…

Iceland - Quốc đảo Bắc Âu luôn được khách du lịch ưa chuộng bởi cảnh quan ấn tượng với suối nước nóng, núi lửa, mạch nước phun và những thác nước ven biển. Cùng với nhiều yếu tố xã hội đáng mơ ước khác, người dân bản địa tại Iceland cũng được tận hưởng mức sống ở vị trí cao thứ 2 thế giới.

Đan Mạch là một quốc gia nổi danh với nhiều hòn đảo lớn nhỏ, bến cảng biểu tượng Nyhavn và thủ đô Copenhagen xinh đẹp… Tuy năm 2021 bị giảm 1 hạng so với năm 2020 xuống vị trí thứ 3 thế giới, đất nước này vẫn trụ vững trong top 5 quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng hạnh phúc thế giới trong nhiều năm.

Thụy Sĩ là một quốc gia nhỏ nằm giữa Pháp, Đức, Áo, Ý với khung cảnh hùng vĩ, được bao quanh bởi những ngọn núi đẹp nhất trên thế giới. Quốc gia này sở hữu những hồ nước xinh đẹp, những con đường mòn đi bộ ấn tượng, ngành sản xuất đồng hồ nổi tiếng, GDP cao, ổn định mang lại sự an toàn về tài chính cho người dân

Ngoài việc thu hút khách du lịch với những cảnh quan mang tính biểu tượng như những con kênh, những tuyến đường đầy ắp xe đạp, Hà Lan còn là một đất nước nổi tiếng vì độ hạnh phúc, chiếm giữ vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng năm nay.

Dù dân số Thụy Điển tập trung đông đúc nhất ở thủ đô Stockholm và những thành phố lớn khác, đất nước này luôn đảm bảo cho người dân ở bất kì đâu các yếu tố phúc lợi xã hội, hòa nhập cùng thiên nhiên, sự tự do mạnh mẽ và tuổi thọ cao ấn tượng.

Đức đã bức phá từ vị trí thứ 17 vào năm 2020 lên hạng thứ 7 vào năm 2021. Ngoài việc mang lại cho người dân một cuộc sống hạnh phúc, Đức còn nổi tiếng với bề dày lịch sử nghệ thuật, sự giàu có của thủ đô Berlin và lễ hội Oktoberfest hàng năm ở Munich.

52-1642298355.jpg

Sự giàu có của thủ đô Berlin

Bảng xếp hạng năm nay đánh dấu sự trượt nhẹ của Na Uy so với vị trí thứ 5 của đất nước này vào năm 2020 và vị trí thứ 3 năm 2019. Tuy nhiên, đây vẫn là một thứ hạng đáng mơ ước, khẳng định sự xuất sắc trong việc duy trì hạnh phúc của Na Uy.

New Zealand là quốc gia duy nhất không thuộc Châu Âu lọt top 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong năm nay. Đây là một quốc đảo ở Châu Đại Dương, được tạo thành từ hai dải đất chính và hơn 700 đảo lớn nhỏ khác. Quốc gia này nổi danh bởi hệ thống hỗ trợ xã hội mạnh mẽ, biến nó trở thành ứng cử viên nặng ký trong đường đua về hạnh phúc.

Đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng năm nay là Áo – một quốc gia châu Âu không giáp biển, nổi tiếng với những ngọn núi đẹp và Vienna – thành phố của âm nhạc nghệ thuật. Đất nước này được vinh dự nằm trong top 10 nhờ các thành tựu ấn tượng bao gồm GDP và tuổi thọ.

Khám phá môi trường và cơ hội đầu tư kinh doanh ở Phần Lan; Iceland; Thụy Sĩ; Đan Mạch; Thụy Điển….

1. Phần Lan là một quốc gia phát triển mạnh về đổi mới và hợp tác, nổi tiếng với việc cung cấp một hệ sinh thái khởi nghiệp, sôi động và thân thiện. Chính phủ Phần Lan đã không ngừng nỗ lực, triển khai cơ sở hạ tầng giúp cho những nhà đầu tư nhận được những lời khuyên bổ ích, tìm kiếm ý tưởng kinh doanh, hỗ trợ nghiên cứu thị trường, tính toán lợi nhuận, khảo sát tài chính với mục tiêu phát triển ý tưởng thành hành động và tao ra doanh nghiệp có lợi nhuận. Và đương nhiên nó hoàn toàn miễn phí.

53-1642298354.jpg
Chủ tịch QH Việt Nam và Bộ trưởng phụ trách Ngoại thương và Hợp tác phát triển Phần Lan dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Phần Lan hồi tháng 9/2021

•    
•    
•    

Hồi tháng 9/2021, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan, tại thủ đô Helsinki, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ và các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao QH Việt Nam đã dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Phần Lan. Cuộc Tọa đàm rất có ý nghĩa vì nhiều doanh nghiệp hàng đầu Phần Lan đang rất mong muốn tìm hiểu môi trường đầu tư và cơ hội hợp tác với Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam coi trọng phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng cường tái chế, tái sử dụng, sử dụng các công nghệ ít cacbon, cắt giảm khí nhà kính và đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người dân… Đây là những lĩnh vực hợp tác rất tiềm năng của mà doanh nghiệp Phần Lan có thể đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.

Đặc biệt, 17 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, sẽ tạo cơ hội, thu hút các nhà đầu tư từ nhiều quốc gia. Do đó, Chủ tịch QH mong muốn nghị viện các nước thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) để bảo vệ quyền và lợi ích của các nhà đầu tư Việt Nam và EU. Do đó, các doanh nghiệp Phần Lan cũng cần chuẩn bị sớm để không bị lỡ nhịp xu hướng đầu tư trong thời gian tới.

Tại buổi Tọa đàm, Bộ trưởng phụ trách Ngoại thương và Hợp tác phát triển Phần LanVille Skinnari cũng cho biết: “Phần Lan đã thông qua kế hoạch hỗ trợ các khoản vay ưu đãi cho dự án đầu tư vào Việt Nam hơn bất kỳ quốc gia nào”.

Mới đây Phần Lan cũng chủ trương mời gọi giới đầu tư đến với "đất nước hạnh phúc nhất thế giới". Theo đó, Phần Lan "bật đèn xanh" mời gọi giới tinh hoa Nhật Bản, Hồng Kông đến khám phá và định cư tại "quốc gia hạnh phúc nhất thế giới".

Các chuyên gia và nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, quản lý,... là những đối tượng trọng điểm trong chính sách lần này. Chương trình đặt mục tiêu nhận được từ 5 cho tới 7 đơn đăng kí từ Hồng Kông và Nhật Bản cho đến cuối tháng 2 năm sau. 

Phần Lan là một trong những quốc gia EU mở rộng hiệp định và thỏa thuận với Hồng Kông hồi năm ngoái sau khi Trung Quốc đại lục áp đặt luật an ninh quốc gia đối với khu vực này. Động thái của Phần Lan được đánh giá như một nỗ lực giải phóng tự do cho Hồng Kông, cho phép số lượng nhỏ cư dân, đặc biệt là người quốc tịch Anh ở nước ngoài (do Hồng Kông từng là thuộc địa của Anh) tới Vương quốc Anh. Là quốc gia thưa dân thứ ba ở châu Âu, Phần Lan cũng là quốc gia theo chủ nghĩa bình đẳng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. 

2. Iceland là một nước Bắc Âu, nằm trong Khu vực kinh tế châu Âu. Hiện tại, các quốc gia thành viên của khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) gồm Na Uy, Thụy Sĩ, Liechtenstein và Iceland đã ký kết 27 hiệp định thương mại tự do bao trùm lên 38 quốc gia nằm ngoài EU.

Tháng 5/2012, Việt Nam và các nước EFTA đã khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do. Tháng 7/2012, khối EFTA đã công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Nếu Hiệp định có hiệu lực, hàng hoá của Việt Nam sẽ tăng sức cạnh tranh tại thị trường Iceland.
 
Hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Iceland còn khá khiêm tốn do Iceland là một nước nhỏ, địa lý xa xôi và ít thông tin về thị trường nên các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường cũng như thiếu thông tin về qui định và thủ tục xuất nhập khẩu, về các vấn đề pháp lý, ưu đãi thuế quan, sở hữu trí tuệ.

54-1642298355.jpg

Iceland đạt nhiều thành tựu trong phát triển, trong đó môi trường sống bình yên, an sinh xã hội được chăm lo bậc nhất thế giới.

Mặc dù khá tách biệt với phần còn lại của châu Âu và dân số ít, song mức sống của Iceland vẫn tương đương với các quốc gia nằm trong lục địa châu Âu. Thu nhập của người Iceland cao thứ 7 thế giới vào năm ngoái (GDP/đầu người ở mức 65.871 USD), sau 4 quốc gia khác cùng châu lục là Luxembourg, Thụy Sỹ, Na Uy và Ireland.

Iceland được đánh giá là quốc gia khoan dung, tiến bộ nhất thế giới. Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Iceland tiếp tục nằm trong nhóm quốc gia bình đẳng giới nhất hành tinh, vị trí mà nước này đã liên tục nắm giữ kể từ năm 2009.

Tỷ lệ nghị sĩ là nữ giới ở đảo quốc này là 39,7%. Về bình đẳng tại nơi làm việc, Iceland là quốc gia duy nhất trên thế giới yêu cầu các công ty phải chứng minh họ không trả lương cho phụ nữ thấp hơn nam giới, khi luật về trả lương bình đẳng ở nước này có hiệu lực vào năm 2018. Tất cả các công ty và đơn vị kinh doanh có ít nhất 25 nhân viên làm việc toàn thời gian đều phải cam kết chi trả thù lao công bằng cho nhân viên. Các công ty này sẽ phải trải qua quá trình thanh tra và cấp giấy chứng nhận chi trả lương bình đẳng cho cả hai giới, nếu không đạt yêu cầu họ sẽ phải chịu mức phạt khoảng 500USD/ngày. Những đơn vị được cấp chứng nhận mà không tuân thủ thực hiện cũng sẽ bị phạt.

Không chỉ ban hành luật về bình đẳng tiền lương, Iceland cũng nỗ lực đảm bảo ngày càng có nhiều phụ nữ nắm giữ các chức vụ cao nhất của công ty. Hiện nay, phụ nữ Iceland đã hiện diện rõ rệt ở những vị trí cấp cao và quản lý, khi lần lượt chiếm 41,9% và 45,9% đối với hai vai trò này.

Trong đại dịch COVID-19, Iceland là quốc gia châu Âu dẫn đầu thế giới về tốc độ giải trình tự gen. Toàn bộ quá trình, từ cô lập DNA đến giải trình tự chỉ trong một ngày rưỡi đã giúp Iceland xác định được 463 biến thể virus SARS-CoV-2 riêng biệt - mà các nhà khoa học gọi là gen đơn bội (haplotype). Nhờ giải trình tự gen của tất cả các mẫu dương tính với COVID-19, Iceland đã ngăn chặn được nhiều biến thể mới vào quốc gia này.

3. Đan Mạch là một nước công nghiệp phát triển, có nền kinh tế hiện đại, với mức sống và dịch vụ chính phủ cao. Mặc dù dân số chỉ có khoảng 5,8 triệu người, nhưng theo số liệu thống kê năm 2019, nền kinh tế Đan Mạch đứng thứ 35/196 thế giới tính theo GDP danh nghĩa và thu nhập bình quân đầu người đạt 60.897 USD, đứng thứ 11 thế giới. Là một nền kinh tế mở, Đan Mạch ủng hộ chính sách thương mại tự do. Xuất nhập khẩu chiếm gần 60% GDP. Môi trường kinh doanh của Đan Mạch được đánh giá là thân thiện, 10 năm liền được Ngân hàng thế giới xếp hàng là nước có môi trường kinh doanh tốt nhất châu Âu và luôn đứng trong 5 nước có môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới.

Đan Mạch không những là quốc gia duy nhất ở Bắc Âu thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam mà còn là một trong những đối tác thương mại tiềm năng của Việt Nam tại thị trường châu Âu bởi đây là khu vực cửa ngõ nối liền phía Bắc với phần còn lại của Châu Âu. Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, Đan Mạch đã thực hiện các chính sách tự do hóa thương mại và mở cửa thị trường để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), trong đó có Đan Mạch khi đi vào thực thi sẽ mang lại tác động tích cựa cho cả hai nước, tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – Đan Mạch, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu Việt Nam.

4. Thụy Sĩ nổi bật trên thế giới với tính “rõ ràng” và luôn đặt lợi ích của nhà đầu tư lên hàng đầu. Vì vậy rất nhiều nhà đầu tư Việt Nam đã chọn thành lập công ty tại Thụy Sĩ để có thể vừa tiếp cận thêm thị trường châu Âu. Từ trước đến nay, Chính phủ Thụy Sĩ luôn tạo môi trường kinh doanh lý tưởng nhờ vào hệ thống thuế minh bạch và hấp dẫn.

Nhìn chung Thụy Sĩ áp dụng nhiều chính sách linh hoạt, ưu đãi đầu tư nước ngoài hơn so với các nước châu Âu khác, nhờ đó thu hút mạnh mẽ dòng vốn từ nhiều doanh nghiệp trên thế giới đến đầu tư. Khi thành lập công ty tại Thụy Sĩ, doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế có cơ hội giao thương với các nước trong khối EU, dễ dàng giao thương hơn do ít chịu ảnh hưởng bởi các rào cản về thuế quan.

Với mối quan hệ hữu nghị kéo dài 50 năm (từ năm 1971 đến nay) Thuỵ Sĩ đã hỗ trợ cho Việt Nam trên rất nhiều phương diện, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực: Tăng cường hiệu quả các thể chế và chính sách kinh tế; Xây dựng khu vực kinh tế tư nhân có tính cạnh tranh và hiệu quả; Phát triển đô thị bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thụy Sĩ luôn xem Việt Nam là đối tác chiến lược chính tại ASEAN. Hai bên thống nhất tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư ra nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư, kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực tiềm năng như tài chính - ngân hàng, dược phẩm, xuất nhập khẩu, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục.

55-1642298355.jpg

Thụy Điển luôn đảm bảo cho người dân ở bất kì đâu các yếu tố phúc lợi xã hội tuyệt vời

Thụy Điển là đất nước luôn đảm bảo cho người dân ở bất kì đâu các yếu tố phúc lợi xã hội tuyệt vời. 

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh châu Âu, trong đó có Thuỵ Điển đã chính thức đi vào thực thi từ tháng 8/2020. Do thời gian đi vào thực thi đúng lúc kinh tế cả thế giới lao đao vì bệnh dịch Covid-19 nên rất khó có thể đánh giá chính xác về tác động thực sự của Hiệp định. Nhưng có thể khẳng định, Hiệp định đã, đang, và sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước, mang lại lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt Nam. Theo cam kết, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Tiếp đó sau 07 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của ta.

Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại của Việt Nam, EU dành cho ta hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%, ví dụ như mặt hàng gạo hiện nay EU đang áp dụng hạn ngạch thuế quan nhưng kim ngạch xuất khẩu cũng tăng vọt.
Như vậy, có thể nói 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU, trong đó có Thuỵ Điển sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Nên đây có thể coi là cơ hội cho các doanh nghiệp nhập khẩu hàng Việt Nam.

Lê Phúc

Link nội dung: https://phaply.net.vn/kham-pha-co-hoi-va-moi-truong-dau-tu-o-nhung-quoc-gia-hanh-phuc-nhat-the-gioi-a254475.html