Chính sách “Không COVID-19” của Trung Quốc và tác động đối với thị trường toàn cầu

Nếu đợt bùng phát COVID-19 do biến thể Omicron lắng xuống vào cuối tháng Ba, Trung Quốc sẽ có cơ hội rõ ràng để “hạ nhiệt” các biện pháp phòng, chống đại dịch và mở cửa trở lại với thế giới bên ngoài.

2-1641779755.jpg

Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nhận định của Mansoor Mohi-uddin, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Singapore, được đăng trên tờ Financial Times ngày 5/1, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì chiến lược kiểm soát chặt chẽ và đóng cửa biên giới hiện tại cho đến cuối năm 2022. Trong bối cảnh đó, các biện pháp kiểm soát này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu trong năm 2022.

Nếu đợt bùng phát COVID-19 do biến thể Omicron lắng xuống vào cuối tháng Ba, Trung Quốc sẽ có cơ hội rõ ràng để “hạ nhiệt” các biện pháp phòng, chống đại dịch và mở cửa trở lại với thế giới bên ngoài.

Việc gỡ bỏ sớm những hạn chế sẽ hỗ trợ cho nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Năm 2021, Trung Quốc đã trải qua mô hình phục hồi hình chữ V với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể đã tăng gần 8%. 

Tuy nhiên, kể từ mùa Hè, tăng trưởng kinh tế của nước này đã chậm lại nhanh chóng, tiêu thụ nội địa chịu tác động nghiêm trọng từ các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để kiểm soát làn sóng lây nhiễm mới. Ngoài ra, sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng bởi việc thiếu điện. Đầu tư vào bất động sản chịu ảnh hưởng bởi các quy định thắt chặt đối với doanh nghiệp bất động sản, và đầu tư vào cơ sở hạ tầng bị hạn chế do chính quyền địa phương vay vốn chậm.

Tháng 12/2021, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã phản ứng bằng cách cắt giảm yêu cầu dự trữ của các ngân hàng thương mại để giải phóng thanh khoản. Lãi suất cơ bản cho khoản vay một năm giảm lần đầu tiên sau gần hai năm và Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương cam kết hỗ trợ tài chính nhiều hơn. 

Việc sớm chấm dứt chính sách “Không COVID-19” (Zero COVID-19) của Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy hoạt động và tạo điều kiện để nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ kỳ vọng hàng năm là 5,5% vào năm 2022.

Tuy nhiên, Trung Quốc khó có thể nới lỏng chính sách phòng dịch COVID-19 trước tháng 11. Chiến lược này của Trung Quốc đã giữ cho tỷ lệ tử vong ở mức thấp một cách ấn tượng nhưng việc giảm phơi nhiễm có thể làm giảm khả năng miễn dịch trong dân số. 

Ngoài ra, biến thể Omicron có thể kiểm tra tính hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc. Nếu chính phủ từ bỏ chiến lược của mình trong vài tháng tới, điều này có thể dẫn đến bùng phát một làn sóng dịch COVID-19 mới.

Trên cơ sở đó, các nhà đầu tư nên chuẩn bị tâm lý cho việc Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng cửa và duy trì các biện pháp phòng dịch chặt chẽ trong suốt cả năm 2022. Điều này sẽ tác động đáng kể đến các thị trường toàn cầu.

Thứ nhất, tiêu thụ sẽ vẫn giảm ở Trung Quốc. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể giảm xuống dưới mức xu hướng vào năm 2022, từ đó hạn chế nhu cầu hàng hóa. Sự vắng mặt của du khách Trung Quốc ở nước ngoài cũng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thứ hai, thặng dư thương mại của Trung Quốc có thể sẽ ở mức kỷ lục. Trong thời kỳ đại dịch, xuất khẩu của Trung Quốc được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ ở nước ngoài trong khi nhập khẩu bị hạn chế do tiêu thụ trong nước chậm hơn. Sang năm 2022, các nền kinh tế mới nổi sẽ phải đối mặt với một đồng USD mạnh hơn khi Cục dự trữ liên bang Mỹ kết thúc việc nới lỏng định lượng và cân nhắc tăng lãi suất để chống lại lạm phát. Trong bối cảnh đó, đồng nhân dân tệ, được củng cố bởi thặng dư bên ngoài của Trung Quốc, có khả năng vẫn ổn định so với đồng đô la Mỹ.

Thứ ba, thặng dư thương mại kỷ lục của Trung Quốc sẽ giúp giữ cho lợi tức trái phiếu toàn cầu ở mức thấp. Điều này đặc biệt quan trọng trong năm 2022. Thị trường chứng khoán đã tăng vọt trong thời kỳ đại dịch vì lãi suất vẫn ở mức thấp lịch sử. Điều này khiến giới đầu tư bắt đầu lo ngại rằng thị trường trái phiếu có thể lao dốc nếu lạm phát không giảm. 

Tuy nhiên, chiến lược “Không COVID-19” của Trung Quốc có thể mang lại lợi ích cho các tài sản rủi ro bằng cách hạn chế tiêu dùng và nhập khẩu đồng thời giữ thặng dư thương mại ở mức cao.

Một số nhà đầu tư hy vọng Trung Quốc sẽ sớm nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng thị trường toàn cầu có thể hoạt động tốt hơn một cách đáng ngạc nhiên nếu các quan chức Trung Quốc không đưa ra thay đổi nào cho đến cuối năm nay./.

Theo bnews.vn

Nguồn bài viết: https://bnews.vn/chinh-sach-khong-covid-19-cua-trung-quoc-va-tac-dong-doi-voi-thi-truong-toan-cau/227972.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/chinh-sach-khong-covid-19-cua-trung-quoc-va-tac-dong-doi-voi-thi-truong-toan-cau-a254414.html