Những quyết sách chưa từng có tiền lệ của Quốc hội và Chính phủ

(Pháp lý) - Mặc dù đại dịch Covid-19 chưa thể ngăn chặn, thậm chí có dấu hiệu gia tăng trở lại cùng với biến thể omicron rình rập. Song những ngày cuối năm Tân Sửu, người dân và doanh nghiệp vẫn cảm thấy dễ chịu vì cả nước đã chuyển sang giai đoạn bình thường mới, “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Thành quả đó là kết quả từ những quyết sách chưa từng có tiền lệ của Quốc hội và Chính phủ…

111-1641008320.jpg
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết và thông qua Nghị quyết số 30/2021 để lại dấu ấn về nghị quyết chưa có tiền lệ

Nghị quyết 30 của Quốc hội: Đề cao tinh thần Nhà nước pháp quyền 

Cho đến thời điểm này mặc dù đã trải qua 5 tháng nhưng các ĐBQH không thể nào quên dấu ấn tại phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, diễn ra vào chiều 28/7/2021. Họ không thể nào quên không phải vì kỳ họp kết thúc sớm hơn 3 ngày mà là chính họ đã cùng nhấn nút biểu quyết với tỷ lệ tán thành 469/469 thông qua Nghị quyết số 30/2021/NQ-QH15 – một Nghị quyết chưa từng có tiền lệ, thể hiện một phản ứng kịp thời của Quốc hội, sự quyết đoán của người đứng đầu cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp với biến chủng mới, số ca mắc mới trong nước không ngừng tăng lên. 

Còn nhớ tại thời điểm đó thế giới ghi nhận 4 tuần liên tiếp số ca nhiễm mới tăng trở lại sau 10 tuần giảm, số ca tử vong gia tăng, có nguy cơ bùng phát trở lại. Tại Việt Nam, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã lan ra 62/63 tỉnh, thành phố; cả nước ghi nhận hơn 109.000 ca và có gần 500 trường hợp tử vong. Trong đó 19 tỉnh, thành phía Nam (đặc biệt là TP HCM) gia tăng với quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh, nguy hiểm, diễn biến phức tạp, khó lường, kéo dài, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân…

Với Nghị quyết số 30, lần đầu tiên Quốc hội mạnh dạn trao quyền để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách, nhằm chủ động ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”. 

Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng được “vượt rào” quyết định áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định; thi hành biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan. Ngoài ra,  Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn được quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19… Thời gian áp dụng cho đến hết năm 2022.

Sau Nghị quyết 30, chưa đầy 10 ngày sau đó (ngày 6/8/2021), thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo tinh thần Nghị quyết 30. Nhất trí với đề nghị Chính phủ, “cho phép thành lập cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm Covid-19; giao Bộ Y tế được quy định các thủ tục hành chính trong thông tư theo thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch; giao thường trực HĐND quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất”. Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết 86 về các giải pháp cấp bách phòng, chống COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội khóa XV với hàng loạt giải pháp cấp bách; các cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng chống dịch.

112-1641008319.jpg
Cuộc họp khẩn cấp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều muộn 6/8/2021

Điều đáng nói, Nghị quyết 268 được ban hành trong cuộc họp khẩn cấp do Chủ tịch Quốc hội triệu tập với 17/18 thành viên UBTVQH tham dự và được quyết trong vòng chưa đầy 2 giờ đồng hồ. Có thể nói, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, những phiên họp khẩn, những nghị quyết chưa có tiền lệ ra đời là động thái rất mạnh mẽ, quyết liệt của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đáp ứng yêu cầu “chống dịch như chống giặc”. Đó cũng chính là tinh thần đổi mới của một Quốc hội hành động, luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết và trước hết.

Đại dịch bùng phát làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người lao động, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, trong khi đó Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư lên tới 89.100 tỷ đồng nhưng không thể hỗ trợ đến người lao động thụ hưởng vì luật đang “trói”. Một cuộc họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tháo gỡ bế tắc đã diễn ra vào chiều 24/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Đây là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 2 tháng, Chủ tịch Quốc hội triệu tập Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp khẩn để đưa ra những chính sách chưa từng có liên quan đến phòng chống dịch Covid-19.

Cuối giờ chiều cùng ngày (24/9), Nghị quyết 03/2021/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã ra đời. Ngay sau đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 cũng từ Quỹ này. Từ chính sách này, người lao động thất nghiệp do COVID-19 được hưởng từ 1,8 - 3,3 triệu đồng tùy thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trong gói 30.000 tỷ đồng kết dư Quỹ. Còn người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp…

Nghị quyết 128 của Chính phủ: Đất nước chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”

Nếu như Nghị quyết số 30 ghi nhận dấu ấn của Quốc hội về một quyết định chưa từng có tiền lệ tạo điều kiện để Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ “vượt rào” làm tốt nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19; thì với Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, sau khi ban hành đã được dư luận xã hội đánh giá là một chủ trương, quyết sách đúng đắn, sáng tạo và kịp thời của Chính phủ, được người dân và cộng đồng doanh nghiệp mong chờ và ủng hộ.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Ngay cả các quốc gia phát triển có độ bao phủ vaccine rất cao, hệ thống y tế hiện đại, đáp ứng tốt các loại thuốc đặc trị và thuốc điều trị thì việc khống chế được hoàn toàn dịch bệnh vẫn là điều chưa thể. Các chuyên gia y tế thế giới nhận định, dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát hoàn toàn được trong năm 2021 và năm 2022, thậm chí còn có thể xuất hiện biến chủng mới nên rất khó lường trong việc phòng, chống dịch hiện nay. Chính vì vậy, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi quan điểm ứng phó với dịch, đó là từ cố gắng dập tắt dứt điểm dịch sang chung sống an toàn với dịch. 

Tại Việt Nam, sau gần 2 năm ứng phó với đại dịch COVID-19, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát; số người tử vong do dịch bệnh giảm. Cuộc sống đang dần trở về trạng thái bình thường mới. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế -xã hội đang được khôi phục và ngày càng sôi động hơn. Việc chuyển hướng tiếp cận từ mức “Zero COVID-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả”, tức là đồng thời vừa phải phòng, chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế - xã hội”, là kịp thời đúng lúc, phù hợp với hoàn cảnh, tình hình…

Mục tiêu của Nghị quyết 128 là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái “bình thường mới” sớm nhất có thể. Nghị quyết ra đời đã tạo ra bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới trong phòng, chống dịch. Các địa phương căn cứ theo tỉ lệ mắc mới trong cộng đồng, số dân, thời gian cũng như khả năng thu dung, điều trị để áp dụng cấp độ kiểm soát dịch phù hợp. Từ đây chính sách chống dịch quy về một mối, thống nhất trong toàn quốc, phá vỡ tình trạng “đóng băng” trong sinh hoạt của người dân và hoạt động của doanh nghiệp…

Niềm tin của doanh nghiệp sau Nghị quyết 128 lập tức được cộng hưởng. Ngay trong tháng 11/2021, cả nước có 11.902 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 44%) với số vốn đăng ký là 149,9 nghìn tỷ đồng (tăng 38%) và số lao động đăng ký là 76,6 nghìn lao động (tăng 30,2%) so với tháng 10/2021. Còn trước đó, trong 10 ngày sau khi Nghị quyết 128 ban hành, số doanh nghiệp thành lập mới là 3.753 doanh nghiệp, chiếm đến 45,6% tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng; số vốn đăng ký mới là 42.280 tỷ đồng, chiếm 38,9% tổng số vốn đăng ký mới trong tháng…

113-1641008320.jpg
Mục tiêu của Nghị quyết 128 là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái “bình thường mới” sớm nhất có thể…

Lời kết

1. Để đối phó với đại dịch chưa từng có như Covid-19, đòi hỏi phải có những giải pháp thực sự đặc biệt, quyết liệt, bảo đảm tính nhanh nhạy, kịp thời và phải có hiệu quả tốt. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật về phòng, chống dịch bệnh, về tình trạng khẩn cấp đã được ban hành từ khá lâu, rất nhiều quy định chưa theo kịp được với yêu cầu, diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh cũng như trạng thái “bình thường mới” của xã hội. 

Vì vậy có thể nói việc Nghị quyết 30 của Quốc hội khóa XV được ban hành cho phép Chính phủ, Thủ tướng được chủ động, linh hoạt quy định và tổ chức áp dụng các biện pháp chưa được luật quy định hoặc thậm chí khác với quy định của luật để ứng phó kịp thời với tình hình diễn biến của dịch bệnh là quyết định chưa từng có tiền lệ của Quốc hội nhưng thực sự cần thiết trong hoàn cảnh lúc này. 

Bởi chậm một ngày là có thể sẽ có thêm rất nhiều người dân bị ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng, là thêm những thiệt hại rất lớn về kinh tế; là nhiều cơ hội phát triển, cải thiện chất lượng cuộc sống bị mất đi. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ, đồng thời, thể hiện dù tình thế cấp thiết đến mấy, tinh thần Nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật vẫn luôn được đề cao.

2. Với Nghị quyết 128, Chính phủ đã tạo ra bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới trong phòng, chống dịch Covid-19, từ bỏ mục tiêu “không COVID”, chuyển sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả”, đưa đất nước chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”, thực hiện đồng thời mục tiêu kép. Người dân và doanh nghiệp đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên một sớm một chiều người dân, doanh nghiệp rất khó vượt qua khó khăn, khi quy mô các chính sách hỗ trợ còn tương đối thấp, chủ yếu tác động về phía cung, chưa thực sự hỗ trợ mạnh mẽ cho người dân, doanh nghiệp…

Đề cập đến vấn đề trên, chúng tôi muốn nói đến, năm 2022, Chính phủ cần có có một giải pháp tổng thể cùng với nguồn lực để thúc đẩy phục hồi đồng bộ cả về phía cung và phía cầu của nền kinh tế. Hay nói cách khác, cần sớm ban hành và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh COVID-19 để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, bắt kịp xu thế phục hồi và phát triển của thế giới.

VŨ MINH 


 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-quyet-sach-chua-tung-co-tien-le-cua-quoc-hoi-va-chinh-phu-a254352.html